Bác sĩ thẩm mỹ: Thu nhập khủng, lương tâm… rẻ mạt
Lương y như từ mẫu – khẩu hiệu từng hô “mỏi mồm” trong ngành y giờ đây không ai buồn nói. Nhất là sau những bê bối liên quan đến ngành y thời gian vừa qua, niềm tin về y đức của những người thầy thuốc dường như bị chìm xuống đáy vực thẳm.
Thu nhập khủng, bác sĩ bỏ qua vấn đề y đức?
Bác sĩ có vai trò và trách nhiệm cứu vớt sinh mệnh bệnh nhân lúc họ không có khả năng chống chọi với bệnh tật. Cũng vậy, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ góp phần làm cho con người ta trở nên đẹp một cách hoàn hảo hơn.
Lý thuyết là thế, nhưng gần đây, thông tin về những bê bối liên quan đến ngành y, đặc biệt là vụ thẩm mỹ viện Cát Tường đã khiến không ít người giật mình thon thót. Đáng lo ngại hơn, đằng sau những cái chết vì làm đẹp trong những năm vừa qua, các bác sĩ chỉ biện minh đây là các “tai nạn nghề nghiệp” không mong muốn.
Với mong muốn đẹp một cách hoàn hảo, nhiều phụ nữ tìm đến với các trung tâm PTTM mà không kiểm tra chất lượng dịch vụ và uy tín phòng khám.
Thông thường, mỗi phòng phẫu thuật chuyên khoa thẩm mỹ trung bình thu về ít nhất cũng 400-500 triệu đồng/tháng. Bởi vậy, dù hầu hết các bác sĩ đều đang công tác tại các bệnh viện công nhưng họ vẫn “lấn sân” sang lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) và coi nó như một nghề tay trái mang lại thu nhập khủng. Đây chính là lời giải thích cho việc càng ngày càng có nhiều thẩm mỹ viện mọc lên.
Muốn được cấp phép hành nghề, một bác sĩ phải thực hành ít nhất 54 tháng ở một bệnh viện có chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ. Tuy nhiên, ở hầu hết các cơ sở PTTM, đội ngũ bác sĩ, y tá đều chưa “Đủ ngày, đủ tháng” để hành nghề.
Trên thực tế, để trở thành bác sĩ PTTM không hề… khó. Trừ bác sĩ ra trường với chuyên khoa y học dân tộc không thể hành nghề PTTM. Còn lại, các bác sĩ ngành khác đều có thể “lòe” thiên hạ bằng cách đăng ký học trong 8-10 tháng một lớp học định hướng phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
Lớp đào tạo này chỉ là sơ đẳng, chưa thể hành nghề được bởi trong thời gian 8-10 tháng, các bác sĩ chỉ học lý thuyết, và nhìn ngắm là chính. Nhưng bằng nhiều thủ thuật khác nhau như mua chứng chỉ, chạy giấy xác nhận thực hành,… Các bác sĩ vẫn có thể “tự tin” cầm dao, kéo,… để làm đẹp cho bệnh nhân và thu về những khoản lời lớn.
Ô tô đẹp, nhà sang, shopping không cần nhìn giá… phải chăng là lí do khiến nhiều bác sĩ dù chưa có đầy đủ năng lực chuyên môn nhưng vẫn “liều” hành nghề PTTM?
Làm đẹp xong chết… mất xác
Thấy dễ kiếm tiền từ dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, nhiều bác sĩ dù tay nghề sàn sàn nhưng vẫn mở cơ sở thẩm mỹ hoặc hợp tác làm ở phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Nhiều nơi chỉ là tiệm chăm sóc da, spa cũng kiêm luôn giải phẫu thẩm mỹ. Tuy nhiên, các trung tâm thẩm mỹ này hầu hết làm chui. Vì vậy, trong quá trình phẫu thuật xảy ra biến chứng, chết người là không tránh khỏi.
Đầu tháng 4/2005, chị Ngô Thị Kim Hoa (26 tuổi, H.Đông Anh, TP.Hà Nội) muốn trùng tu nhan sắc nên đã đi bơm sillicon, nâng ngực tại thẩm mỹ viện Hồng Chi (số 1 dốc ga Long Biên, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội). Sau khi thực hiện bơm ngực, chị Hoa rơi vào trạng thái lờ đờ, tím tái, hôn mê sâu và tử vong sau đó.
Tử thần đội lốt bác sĩ PTTM rởm.
Vào năm 2011, dư luận từng xôn xao trước vụ chị Bùi Bích Lộc (39 tuổi, ở Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) cũng tử vong sau khi phẫu thuật xẻ mí mắt, nâng ngực tại Trung tâm thẩm mỹ Hà Nội (số 257 Giải Phóng, TP.Hà Nội) do ông Phạm Văn Ái làm giám đốc.
Gần đây nhất, trong năm 2013, tại Thẩm mỹ viện Linh Nhung (số 255 phố Xã Đàn, P.Nam Đồng, Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) xảy ra vụ sốc phản vệ làm bệnh nhân Trần Thị Thu Hương (42 tuổi, mang quốc tịch Hồng Kông) tử vong khi thực hiện dịch vụ xóa sẹo.
Việc gặp tai biến trong ngành y là điều có thể xảy ra và không ai nói trước được. Vấn đề ở đây là BS ứng xử như thế nào với bệnh nhân đó mới là điều quan trọng trong hành nghề y.
Trong những vụ việc đã từng xảy ra ở trên, dù gây ra cái chết cho khách hàng của mình nhưng những chủ cơ sở thẩm mỹ viện đã ra sức cấp cứu và thành thật khai báo, giúp cơ quan công an làm việc thuận lợi.
Ngược lại, trong vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường vừa xảy ra cách đây gần 1 tháng lại gây niềm phẫn uất cực độ trong lòng dư luận. Sau khi làm chết chị Lê Thị Thanh Huyền, để trốn tránh trách nhiệm, bác sĩ Cát Tường đã phi tang xác nạn nhân xuống sông Hồng. Đau đớn một điều, cho đến thời điểm này, dù gia đình và các lực lượng chức năng đã ra sức tìm kiếm nhưng xác nạn nhân vẫn biệt tăm.
Vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường vứt bệnh nhân xuống sông Hồng sau cuộc phẫu thuật thẩm mỹ ”tử thần” một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về y đức của những người khoác áo blue trắng. Chỉ vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích cá nhân mà không ít bác sĩ đã che giấu tội ác của mình, gây hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân, gia đình và toàn xã hội.