Bác sĩ tâm thần
Tôi gặp anh năm 2017, khi mắc một căn bệnh rất khó hiểu.
Tôi thường xuyên bị lên những cơn tăng huyết áp, tăng nhịp tim, vã mồ hôi và hồi hộp liên tục. Trong những cơn như vậy, tôi nghĩ mình sắp chết.
Tôi đi cấp cứu vài lần một tháng. Ba bệnh viện lớn đều chẩn đoán dựa trên triệu chứng thực thể, tìm nguyên nhân tăng huyết áp theo cơn của tôi. Giả thuyết lớn nhất là tôi bị vấn đề tim mạch hoặc u tuyến thượng thận. Tuy vậy, siêu âm tim, chụp mạch, chụp cắt lớp toàn cơ thể không cho thấy bất thường. Tới bệnh viện nào, tôi cũng phải làm đi làm lại những xét nghiệm tương tự.
Vật vã nhiều tháng trời, tôi gần như không thể làm việc và sinh hoạt bình thường. Có lúc, tôi không dám tự đi một mình từ nhà ra ngõ. Tôi không biết làm gì ngoài chờ cơn bệnh đến.
Một ngày, tôi chợt nghĩ “hay mình mắc bệnh liên quan tới thần kinh” và bắt đầu tìm hiểu. Tôi đọc cuốn “The Lancet – Tiếp cận xử trí trong thần kinh học” và đề nghị được khám chuyên khoa tâm thần. Một bác sĩ trẻ của Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, đã chẩn đoán rất nhanh rằng tôi bị hội chứng Rối loạn hoảng sợ trên nền Rối loạn lo âu lan tỏa. Không yêu cầu thêm bất kỳ xét nghiệm thực thể nào, anh kê đơn và tôi vượt qua căn bệnh sau đó vài tháng.
Rối loạn hoảng sợ rất phổ biến. Khoảng 1,7% dân số Mỹ từ 18 tới 54 tuổi mắc bệnh này. Bệnh không có gì lạ. Điều lạ là bác sĩ tại ba bệnh viện lớn ở Hà Nội không ai nghĩ tôi bị bệnh tinh thần mà chỉ đi tìm nguyên nhân thực thể. Tôi phải chẩn bệnh cho mình.
Khi chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng, tôi được nhiều người mắc các hội chứng rối loạn tâm thần khác nhau nhờ tư vấn cách điều trị. Tôi bỗng trở thành “bác sĩ tâm thần” bất đắc dĩ.
Thực tế, tôi chỉ lắng nghe chia sẻ của họ và cung cấp liên lạc để họ tới khám bác sĩ có kinh nghiệm. Tôi đóng vai một chuyên gia tâm lý “nghiệp dư”, lắng nghe để người bệnh vợi bớt hoang mang và dẫn họ tới cánh cửa chuyên môn.
Hành trình này khiến tôi kinh ngạc. Số người mắc triệu chứng tâm thần quá đông mà số bác sĩ và chuyên gia tâm lý lại quá ít. Viện Sức khỏe tâm thần Bạch Mai thống kê, 30% dân số Việt Nam từng bị ít nhất một rối loạn tâm thần, một nửa trong số đó cần chữa trị. Con số tự tử vì trầm cảm lên tới bốn chục nghìn người mỗi năm, xấp xỉ nửa số tử vong do ung thư.
Tôi tham vấn cho một số người, đa số họ không biết mình đang mắc bệnh gì, đặc biệt là người ở nông thôn. Họ tồn tại trong sự chịu đựng chính mình. Họ nghĩ đơn giản rằng ai cũng có thể bị như vậy.
Nhiều bệnh nhân ở đô thị biết mình bị bệnh và đi khám. Tôi đi theo một số bệnh nhân tới từng cơ sở trong nỗ lực tìm hiểu hệ thống chữa tâm thần. Họ, như tôi ngày xưa, xếp hàng rất dài trước phòng khám chuyên khoa tâm thần ở các bệnh viện lớn. Bác sĩ dành vài phút để nghe triệu chứng và kê đơn ngay.
Bệnh tâm thần đòi hỏi bác sĩ phải lắng nghe nhiều, hỏi rất kỹ mới xác định đúng, nhưng sự quá tải khiến họ chưa kịp hiểu hết bệnh tình. Không ít người bị kết luận rối loạn lưỡng cực trong khi các triệu chứng chủ yếu vẫn là trầm cảm dai dẳng. Có người bị kết luận tâm thần phân liệt trong khi thực tế chỉ là trầm cảm và rối loạn giấc ngủ kéo dài.
Tôi đến phòng khám tư của vài bác sĩ. Số người chờ khám cũng đông và bác sĩ vẫn không dành được nhiều thời gian hơn cho bệnh nhân.
Thực trạng khám vội và ẩu có nguyên nhân lớn từ việc thiếu bác sĩ. Tỷ lệ bác sĩ tâm thần đang quá thấp so với dân số ở Việt Nam. Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2014 cho thấy, 100.000 dân của Việt Nam chỉ có 0,91 bác sĩ tâm thần, thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Số bác sĩ tâm thần trên 100.000 dân ở Singapore là 3,48; Mỹ là 12,4.
Việt Nam có một bác sĩ tâm thần trên 100.000 dân là quá thấp. Người chữa trị cho tôi chia sẻ, sinh viên chuyên ngành tâm thần bị coi là “chiếu dưới” ở các trường Y. Số lượng đăng ký ngành này luôn thấp hơn so với ngành khác.
Cả nước năm 2014, cũng theo thống kê của WHO, có 36 bệnh viện tâm thần, tổng cộng chỉ có 6.000 giường cho các bệnh nhân nặng. Chỉ 600 cơ sở y tế có dịch vụ thăm khám tâm thần cho bệnh nhân ngoại trú, chủ yếu là cơ sở công.
Sau bảy năm, con số thống kê có thể đã khác, nhưng bối cảnh hiện tại cũng rất khác so với 2014. Covid-19 hai năm qua đã gây trầm trọng hơn về sức khỏe tinh thần cho cộng đồng, người bệnh đang rất cần đủ bác sĩ tâm thần kinh nghiệm. Nhu cầu lớn này mở ra các cánh cửa với khu vực y tế công và tư.
Ngoài cơ chế khuyến khích sinh viên Y khoa theo lĩnh vực tâm thần, các chuyên ngành đào tạo bác sĩ tâm thần có đầu tư và liên kết với khu vực tư cũng là một giải pháp. Ở các nước phát triển, đây là ngành khó và thu nhập cao.
Với nhà đầu tư y tế, ngành sức khoẻ tâm thần là cơ hội vừa mang tính thị trường vừa mang tính xã hội cao. Bệnh nhân mong chờ những nơi thật sự uy tín để đặt niềm tin của họ. Cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ của các điểm chăm sóc sức khỏe tâm thần, như tôi trải nghiệm, đang ở mức đơn sơ.
Bị bệnh tâm thần, phải uống thuốc là hành trình rất khổ sở. Tôi đã chờ đợi một bác sĩ sau khi kê đơn vài ngày sẽ gọi điện hỏi bệnh nhân rằng phản ứng của thuốc thế nào. Nhưng không có cuộc gọi nào như thế. Họ thậm chí còn không có đủ thời gian khám bệnh.
Một chiến lược quốc gia với mục tiêu nâng cao tỷ lệ bác sĩ tâm thần trên số dân sẽ giúp nhiều người bệnh không phải “tự bơi” một cách tuyệt vọng, như tôi đã từng.
Lê Duy