Bác sĩ pháp y – Bài 1: Đêm đi mổ xác

Người chúng tôi chọn để theo chân là bác sĩ Phan Văn Hiếu, Giám đốc kiêm giám định viên Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM. Vốn từ khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bác sĩ Hiếu chuyển qua làm bác sĩ pháp y cách đây 5 năm và chính thức nhận chức Giám đốc trung tâm từ tháng 4.2007. Buổi làm việc đầu tiên với bác sĩ Hiếu chỉ diễn ra được trong vài phút, đủ để làm quen và nhắn nhủ: “Có ca nào gọi điện cho phóng viên theo cùng”, vì trong khi tiếp chúng tôi thì ngoài cửa phòng giám đốc, gần chục người đang ngồi đợi bác sĩ giải quyết công việc.

Không phải chờ lâu, 22 giờ 30 phút đêm hôm đó, chuông điện thoại di động reo vang. Giọng bác sĩ Hiếu ngắn gọn: “Có một ca ở Bình Hưng Hòa, anh chị đi thì đến ngay tôi chờ”. Vơ chiếc túi đựng sẵn đồ nghề, khoác vội chiếc áo ấm, chúng tôi lao vào màn đêm đến điểm hẹn. Ở đó, bác sĩ đã chờ sẵn trên chiếc xe gắn máy cà tàng. Thấy chúng tôi lom lom nhìn chiếc xe máy cũ với vẻ ngạc nhiên, bác sĩ Hiếu cười: “Đi đêm hôm nhiều, xài xe này đỡ bị cướp!”. 

Xe băng qua những khu phố ở Bình Tân đã dần thưa thớt người, nhiều hàng quán, nhà mặt tiền đã đóng cửa tắt đèn chìm vào giấc ngủ, rồi quẹo ra nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Những dãy mộ nằm im lìm, trắng toát, rủ bóng dưới ánh trăng. Sương lạnh chạm vào da thịt. Gần 24 giờ, chúng tôi đến nhà thiêu Bình Hưng Hòa. Ở một góc nhà, thấp thoáng bóng công an, hơn chục người đứng ngồi ra vẻ sốt ruột. Tiếng phụ nữ khóc nỉ non khiến không khí nơi đây vốn nặng trịch lại càng thêm u tịch. Thấy bác sĩ pháp y đến, mấy người nhà nạn nhân nhào ra năn nỉ: “Xin bác sĩ đừng mổ, để cho nó chết nguyên vẹn”. Có tiếng ai đó phụ họa: “Nó biết bị sida nên tự sát. Thôi mổ làm gì, có khi lại mang vạ vào thân”. Nghe thế, chúng tôi chợt khựng lại. Nhưng bác sĩ Hiếu vẫn nhẹ nhàng thuyết phục: “Công việc thôi mà. Không mổ làm sao biết chắc là tự sát. Rồi sau này có chuyện gì quật mồ lên còn khổ hơn”.

Nạn nhân là một thanh niên còn khá trẻ, trên người có một vết đâm ngay ngực trái, xác chưa lạnh hoàn toàn. Người nhà khai sau khi đi xét nghiệm HIV về, nạn nhân biết được kết quả dương tính. Chán đời, anh ta dùng dao tự sát. Còn bác sĩ Hiếu, sau khi nghe công an nói sơ qua về tình trạng nạn nhân đã nhanh nhẹn bắt tay vào công việc. Ngoài sự tưởng tượng của chúng tôi, “phòng mổ” là một góc hè phía sau nhà thiêu, không che chắn, không đèn mổ. Bác sĩ không khẩu trang, không áo blouse, không kính bảo vệ mắt, chỉ độc đôi găng tay y tế với con dao mổ sắc loáng. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng phía ngoài tất cả các bộ phận tử thi, bác sĩ bắt đầu mổ để xác định hướng đi của vết đâm và độ rộng của vết thương trên ngực trái nạn nhân, rồi mổ để xem xét những bộ phận khác của nội tạng… Cứ mỗi công đoạn, bác sĩ lại phải dừng lại để công an ghi hình làm tư liệu, hồ sơ vụ án. 

Bác sĩ pháp y - Bài 1: Đêm đi mổ xác - ảnh 1

Suốt hơn 2 giờ đồng hồ giải phẫu tử thi, gương mặt bác sĩ lúc nào cũng căng thẳng, mồ hôi túa ra. Không ít lần ông gần như ghé sát mặt xuống một bộ phận nào đó của tử thi để quan sát qua ánh đèn vàng vọt, thiếu sáng. Nghĩ đến căn bệnh nạn nhân đang mang, chúng tôi không khỏi rùng mình về nguy cơ lây nhiễm. Nhưng đó chưa phải là sự đe dọa duy nhất bác sĩ Hiếu phải chịu. Ngay khi rạch vết mổ đầu tiên, vì là “phòng mổ lộ thiên” nên những người nhà nạn nhân có thể đứng xung quanh quan sát việc giải phẫu, vài người không kìm nén được xúc động đã lao vào định giật lấy dao mổ. Rất may, lực lượng công an tại chỗ đã kịp can thiệp, khuyên giải thân nhân nạn nhân ra ngoài để bác sĩ chú tâm vào công việc…

Khi những mũi kim cuối cùng “trả lại sự nguyên vẹn” cho người chết chấm dứt, đồng hồ đã chỉ sang 3 giờ sáng. Không nước rửa tay, không thuốc sát trùng, bác sĩ Hiếu lột vội đôi găng tay, cẩn thận cho vào bao nilon cột lại và bỏ vào thùng rác, ký biên bản hoàn tất việc khám nghiệm để trao trả xác cho người nhà nạn nhân, rồi xách túi đồ nghề chia tay chúng tôi, không quên hẹn “sáng mai gặp lại”.

Nhưng chẳng cần chờ đến sáng hôm sau. Gần 4 giờ sáng, chúng tôi vừa về đến nhà, chưa kịp ngả lưng và đầu óc còn lởn vởn những hình ảnh của ca mổ vừa chứng kiến thì chuông điện thoại di động lại reo. “Đi được nữa không nhà báo?” – giọng bác sĩ Hiếu rành rọt từng chữ từ đầu dây bên kia – “Có một ca tai nạn giao thông, cần mổ ở Bệnh viện 115. Để mai cũng được, nhưng người nhà nạn nhân muốn sớm đưa xác về khâm liệm”. Lỡ “leo lên lưng cọp”, bây giờ nói không đi thì quá ngại, vậy là chúng tôi lại xách túi lao vào màn đêm.

Lúc chúng tôi đến nhà xác Bệnh viện 115, bác sĩ Hiếu cùng một đồng nghiệp đã chuẩn bị bắt tay vào việc. Nạn nhân nam, khoảng trên 40 tuổi, được đưa đến từ hiện trường một vụ tai nạn giao thông và bác sĩ pháp y được trưng cầu làm rõ nguyên nhân tử vong do tai nạn hay nạn nhân đã chết trước khi ngã xuống đường. Khám nghiệm bề ngoài tử thi, bác sĩ xác định mắt trái có vết bầm và chẩn đoán có thể nạn nhân chết do chảy máu não. Quyết định mổ để kiểm tra não được đưa ra. Tiếng dao, tiếng kéo kim loại cùng cưa rin rít đến rợn người, cộng hưởng với mùi phoóc-môn nồng nặc và không khí se lạnh lúc rạng sáng khiến chúng tôi không dám ở lại chứng kiến hết ca mổ…

Minh Đức – Lê Nga