Bác sĩ ngoại khoa – đằng sau những vinh quang – Bài 1: Sự thật và nỗi cay đắng

Bi kịch từ ngón tay cụt

Những ngày gần đây, dư luận râm ran về vụ một bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy đã tháo cụt ngón tay bệnh nhân trong quá trình điều trị vì không được người nhà bệnh nhân… bồi dưỡng.

Lần theo đơn kiện của gia đình bệnh nhân, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Chợ Rẫy và được biết, rạng sáng 10-6-2010, bệnh nhân N.L.M. bị tai nạn giao thông được chuyển vào BV Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương. Riêng ở tay trái vết thương gần đứt lìa tại vị trí khớp liên đốt liền, chỉ còn dính cầu da khoảng 1mm.

Nếu cố định bằng đinh Kirschner và nối vi phẫu thì nguy cơ dẫn tới hoại tử và nhiễm trùng sau phẫu thuật rất cao. Do đó, bác sĩ phụ trách ca này đã hội ý thống nhất việc đóng mỏm cụt ngón V tay trái cho bệnh nhân M. Kết quả điều trị ngón tay và các vết thương khác đều ổn định cho đến ngày bệnh nhân ra viện.

Tuy nhiên, vài ngày sau, bác sĩ phụ trách việc đóng mỏm cụt ngón V cho bệnh nhân M. bỗng tá hỏa vì nhận được đơn kiện từ gia đình bệnh nhân. Trong đơn kiện, gia đình bệnh nhân cho rằng dù họ ký cam kết phẫu thuật, cấp cứu nhưng không nghe sẽ tháo khớp đốt ngón tay nên yêu cầu bệnh viện và bác sĩ phải nối lại ngón tay cho M.

Chưa biết phải bồi thường bằng cách nào thì bác sĩ phải đối diện với thông tin gia đình bệnh nhân suy diễn: Do không biết điều với bác sĩ và không đăng ký điều trị dịch vụ nên bác sĩ không nhiệt tình trong khi điều trị.

“Vì nghĩ rằng thân nhân người bệnh đã được giải thích kỹ tôi đã không tìm gặp thân nhân người bệnh để trao đổi thông tin cụ thể khi thực hiện phẫu thuật này. Việc tiêu cực hay vòi vĩnh là không hề có”. Bác sĩ này nói với cặp mắt đỏ hoe.

Trước sự đã rồi, những ngày qua, Ban Giám đốc, Hội đồng khoa học BV Chợ Rẫy, ê-kíp trực và bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân N.L.M. phải tổ chức nhiều cuộc họp kiểm thảo, đánh giá vụ việc vừa tổ chức các buổi gặp gỡ, chia sẻ cùng với gia đình bệnh nhân… nhưng mọi việc vẫn chưa kết thúc.

Chữa mắt sao lại… mổ bụng?

Vài ngày sau khi bệnh nhân N.T.B. tử vong, tóc bác sĩ C. bạc trắng và rơi vào tình trạng hoảng loạn. Kéo tôi vào góc sâu của quán cà phê như muốn tránh mọi ánh mắt, bác sĩ C. tâm sự “Chẳng còn tâm trí nào mà ăn, ngủ hay làm. Chỉ muốn bỏ việc để về làm ruộng…”. Nguyên nhân dẫn tới sự việc trên là do có dư luận: bác sĩ mổ bụng bệnh nhân lấy nội tạng… đem bán.

Sau một lần bị tai nạn giao thông, mắt bà N.T.B. bị đỏ và giảm thị lực nên tới Bệnh viện ĐHYD TPHCM khám và điều trị. Tại đây các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân B. bị “dò động mạch cảnh xoang hang”.

Sau khi được tư vấn kỹ về mọi khả năng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện điều trị, bệnh nhân B. được các bác sĩ dùng thủ thuật đặt bóng bít lỗ dò. Tuy nhiên, một giờ sau khi làm thủ thuật, bệnh nhân B. có dấu hiệu bị choáng, tụt huyết áp và có dấu hiệu ngưng tim… ngay lập tức các bác sĩ phải hồi sức cấp cứu giúp bệnh nhân B. phục hồi.

Tiếp đó, bệnh nhân có dấu hiệu tụt huyết áp và bụng trướng lên. Nhận thấy bệnh nhân B. bị xuất huyết nội (do gan bị vỡ), các bác sĩ lại phải phẫu thuật mở ổ bụng để cầm máu nhưng cuối cùng bệnh nhân không qua khỏi.

Do vậy, một số người thân của bệnh nhân N.T.B. đã kiện vì sao bà N.T.B. đi chữa mắt lại có vết mổ ở đùi, ở bụng? Nhân cơ hội này nhiều trang web “lá cải” ở hải ngoại đã xuyên tạc thành tin đồn là bác sĩ mổ bụng lấy nội tạng đem bán khiến dư luận hoang mang và bác sĩ C. không khỏi bấn loạn tinh thần, dù Hội đồng khoa học bệnh viện đã giải oan.

Khi bác sĩ “lực bất tòng tâm”

21 giờ, chợt chuông điện thoại reo vang, đầu dây bên kia bác sĩ P. xót xa thông báo: Bé M. “đi” rồi em ạ. Nói xong anh khóc nức nở vì những cố gắng của mình đã đổ sông đổ bể, M. là đứa trẻ bị tim bẩm sinh, gia đình M. có hoàn cảnh rất khó khăn nên không có tiền chữa bệnh.

Trong một lần đi khám bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo ở vùng sâu vùng xa, bác sĩ P. phát hiện ra M. nên vận động gia đình đưa bé M. về TPHCM chữa trị (anh và một số đồng nghiệp tài trợ kinh phí phẫu thuật cho M.). M. nhập viện trong tình trạng thường xuyên bị ngất xỉu, các đầu ngón tay ngón chân đều đã tím tái, tim bị tổn thương thông liên thất, tăng áp lực động mạch vành…

Sau nhiều lần hội chẩn, các bác sĩ đều đưa ra tiên lượng: Nếu phẫu thuật cơ hội sống cho bé có nhưng rất thấp, còn nếu không phẫu thuật bé có thể tử vong bất cứ lúc nào. Thế nên gia đình cùng thống nhất với bác sĩ P. và các cộng sự đi đến chọn giải pháp “còn nước còn tát”. Dù ca mổ cho M. diễn ra hoàn toàn suôn sẻ, nhưng do bệnh tình của M. quá nặng, thể trạng em quá yếu, nên mổ xong cứ thế M. thiếp đi rồi không bao giờ tỉnh lại…

Dù không phạm sai lầm, dù anh và ê-kíp phẫu thuật không hề có lỗi nhưng khi đối diện với tiếng gào khóc vì nỗi đau mất con của mẹ bé M., bác sĩ P. vẫn thấy như mình là người có lỗi…

Theo Sài Gòn Giải Phóng