Bác sĩ mới ra trường là cái bánh trôi nước

Ý này là của một bác sĩ đã ra trường vài năm, đang làm việc tại một bệnh viện công. 

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương viết:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn

Bảy nổi ba chìm với nước non

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

(Trích bài Vịnh bánh trôi nước)

Rắn (cứng), nát (mềm), mặc dầu (tùy thuộc vào). Nghĩa là bản thân chiếc bánh trôi không thể tự quyết định thân phận mình. Cứng hay mềm, nó hoàn toàn phụ thuộc vào bàn tay kẻ nặn ra nó. Và tuy còn trong trắng chưa ám khói đời, nó đã phải chịu cảnh ba chìm bảy nổi, bị đời bóp nặn, dập vùi.

Cảnh báo các cha mẹ muốn cho con đi học Y vì oai, vì nghĩ bác sĩ giàu có… đừng đọc bài này.

Con đường vào đời của các bánh trôi nước

Sau sáu năm học Y, thuộc lòng vài trăm quyển sách chuyên ngành dày cộp, cuộc sống chỉ là vòng tròn tẻ nhạt giữa giảng đường-bệnh viện-nhà xác, và thức đen mắt ở thư viện để học bài, nay em đã tốt nghiệp. Từ nay hãy gọi em là bác sĩ!

Ôi hai tiếng bác sĩ danh giá làm sao. Nó khiến cha mẹ em nở mày nở mặt, bạn bè em ngưỡng mộ. Nó khiến em thẳng lưng, ngẩng cao đầu khi bước những bước đầu tiên trong danh xưng bác sĩ, dù trên người em vẫn là chiếc áo thun cũ rích, chiếc quần jean bạc phếch, trên con xe cái gì cũng kêu, trừ cái còi.

Trèo cây phải đến ngày hái quả- em tự nhủ. Không lâu nữa đâu, mình sẽ có đầy đủ. Em lại nói thầm với bản thân khi đi qua dãy xe hơi bóng lộn của các thầy cô trong trường, đi qua các phòng khám tư bề thế rực sáng nơi các giao lộ lớn, nhân viên đồng phục chỉnh tề cúi đầu chào khách. Đi qua những cao ốc bệnh viện tư nhân thương hiệu lẫy lừng. Em nắm chặt tay, thầm hứa với bản thân: Mình phải giàu. Phải xây lại nhà cho cha cho mẹ. Nuôi em ăn học. Mua nhà cho chính mình. Lập phòng khám riêng. Thuê nhân viên. Buồn buồn đi du lịch nước ngoài. 

Nhưng trước khi đi du lịch nước ngoài thì em phải nộp đơn xin việc cái đã.

Bệnh viện, phòng khám tư lương khá, chế độ làm việc ổn, phúc lợi được. Nhất là em không phải vòi vĩnh hay dọa nạt người bệnh khiến họ trong cơn thập tử nhất sinh vẫn phải nhổm dậy nhét vào tay em cái phong bì rồi em mới cứu họ. 

Nhưng bệnh viện hay phòng khám tư không nhận bác sĩ đa khoa mới ra trường. Có vài chỗ nhận thì họ yêu cầu họ phải giữ toàn bộ văn bằng gốc, lương là 6-10 triệu, cam kết làm ít nhất 7 năm đến 16 năm nếu được cho đi học Chuyên khoa 1. 

Em phải tìm đến bệnh viện công. Bệnh viện nào có nhiều mặt bệnh thì em mới có thể học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Nhưng các bệnh viện nhỏ, cỡ cấp huyện thì có những bệnh viện người địa phương chê lắm, chẳng thèm vào. Em vào đấy cũng chả học được gì. Mà quy định bác sĩ đa khoa mới ra trường phải thực hành y khoa tối thiểu 18 tháng tại một cơ sở y tế đủ điều kiện thì mới có thể được cấp chứng chỉ hành nghề. 

Em đi mòn giày hết mấy chục bệnh viện. Nhiều bệnh viện đã đủ suất rồi, không nhận nữa. Thế rồi may quá, em tìm được một bệnh viện công. Chị nhân sự bảo em nộp đơn nhé. Thử việc ba tháng không lương. Sau có đợt mới thi viên chức hoặc nếu khoa thiếu người, em làm ổn thì có lương. 

Vài ngày sau, chị ấy gọi điện cho em, bảo OK rồi, em đi làm nhé. À cái thẻ thử việc, em tự in ra, đi làm thì đeo vào.

Ôi mừng quá. Em được đi làm rồi. Một năm rưỡi sau em sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề, từ ấy thực sự bắt đầu là một bác sĩ thực thụ, được quyền khám chữa bệnh lấy tiền riêng. Em có thể đi làm thêm, hoặc tự do đi xin việc ở những nơi em mong muốn. 

Nhưng khoan! Sao có chị cũng làm ở bệnh viện ấy năm năm không lương rồi vẫn không được cấp chứng chỉ hành nghề?

000_P27WU.jpg
Gia đình một bệnh nhân chạy thận nhân tạo và các bác sĩ tại một bệnh viện ở Hoà Bình hôm 29/5/2017 (hình minh hoạ). AFP

Tiên sư nó, nó lừa em đấy

Đây là kinh nghiệm từ các đàn anh đàn chị của em:

-Quyết định ba tháng thử việc không lương em có được ký với giám đốc không? Họ có cam kết sau 18 tháng thì có cấp xác nhận thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề cho em không? “Sau này” là khi nào? Nếu khoa không bao giờ thiếu người thì sao? Em làm việc thế nào mới được đánh giá là “ổn”? Nếu xong 18 tháng họ vẫn bảo em không “ổn”, không cấp xác nhận thực hành cho em thì em làm không công, mất sạch năm rưỡi ấy à?- Đàn anh của em,  những người đã “bảy nổi ba chìm với nước non” trước em, tận tình chỉ ra cho em những điểm chết người.

-Không, em làm gì được gặp giám đốc. 

-Thế thì té nhanh còn kịp! Tiên sư nó, nó lừa em đấy. Làm bục mặt ra không đồng nào xong ra đi tay trắng đấy em! Không chơi kiểu này được em ạ. Một là ký hợp đồng lao động có thời hạn, ghi rõ thời gian thử việc 2-3 tháng gì đó tùy nơi, trong thời gian thử việc hưởng 85% lương mới ra trường. Chứ em đi làm kiểu này không danh không phận, sau này người ta cũng không chứng nhận cho em đâu. Để người ta chứng cho thì phải đi van xin lạy lục các kiểu, còn bị bắt ép nữa đấy!

– Hu hu đời nhiều cạm bẫy thế ư? Có còn bệnh viện công nào không lừa bọn em như thế không anh chị ơi?

– Có đấy em. Vẫn bệnh viện ngoài Bắc nhé. Chi phí 300- 400 triệu. Nếu có ai quen đưa vào, móc nối thì được giảm, còn có 150 triệu thôi.

– Trời, học hành thủng đũng quần suốt sáu năm trời, ăn không của cha mẹ chưa làm được tí gì bù đắp, lại tiếp tục mất thêm chừng ấy tiền mới được nhận vào làm việc ư?

– Về bệnh viện đa khoa tỉnh, không mất chừng ấy thì cũng phải mất tiền cảm ơn sếp, rồi các chị vòi vĩnh này kia. Nhiều khi tiền mất tật mang, thương tích đầy mình!

– Mình phải yêu cầu họ rõ ràng thời gian thực hành tại năm khoa lớn (nội, ngoại, sản, nhi, lây nhiễm) để có giấy tờ xác nhận em ạ. Đừng để như chị. Được nhận bệnh viện chuyên khoa tưởng yên ổn rồi, nhưng họ vẫn bắt khám chữa bệnh nội khoa, không nói gì đến chứng chỉ hành nghề hết. Mình vẫn cố gắng làm. Ai ngờ 18 tháng xong, bệnh viện gọi lên bảo không đủ điều kiện xác nhận thực hành đa khoa lẫn nội khoa (vì thời gian ở mỗi nơi không đủ). Giờ phải tự liên hệ đi học 18 tháng ở đâu đó, tùy, bệnh viện sẽ tạo điều kiện, cấp quyết định cử đi học. Nhưng 18 tháng vẫn phải làm việc tại bệnh viện thì mới có lương và phụ cấp. Khóc không ra tiếng em ạ? 18 tháng đầu tiên của mình vỗ tuột rồi. Giờ đi học ở đâu, nhỡ chỗ ấy cũng đểu như bên này thì sao? Mà giả sử tìm được chỗ tử tế thì vừa học vừa làm, vừa trực ở bệnh viện, sức trâu đâu mà chịu nổi?

– Mình đây bạn ơi! Một năm không lương, không tính thời gian thực hành. Chả có giấy tờ gì. Bị bóc lột một năm mới ký hợp đồng.

– Bạn mình làm ở bệnh viện tỉnh, họ cũng nói y như bạn. Không lương bao giờ có thi công chức thì cho thi, hoặc khoa thiếu người thì điền vào. Được bảy tháng họ mời lên. Một là cho em nghỉ luôn, thì mình vẫn chưa đủ 18 tháng thực hành), hai là ký hợp đồng, lương 2,5 triệu trong năm năm.

– Cũng có nơi bệnh viện công họ tổ chức thi tuyển, điều kiện thi tuyển không cần chứng chỉ hành nghề. Nếu em đỗ sẽ được nhận tập sự chín tháng có lương, sau 18 tháng sẽ cấp chứng chỉ hành nghề. Nhưng em không được chọn khoa mình thích mà phải theo sắp xếp của bệnh viện, Khoa nào thiếu nhân lực thì em về khoa đó.

Nếu thật trơn tru

 

Nghĩa là em không gặp giám đốc đòi ba bốn trăm triệu hay gạ tình đổi việc. Cũng không bị lừa làm việc không công rồi trơ tráo phủi tay sau 18 tháng thì con đường của bánh trôi nước thường là như sau:

– Được một bệnh viện công nhận thử việc 2-3 tháng. Đảm bảo thời gian này tốt từ đối nội đến đối ngoại (e hèm, đối nội thì là chuyên môn rồi, còn đối ngoại có phải là quan hệ xã giao mà người ta thường gọi là lấy lòng không nhỉ-người viết) thì mới tiến tới hợp đồng tập sự.

Ký hợp đồng tập sự chín tháng. Lãnh 85% lương cơ bản của hệ bác sĩ đa khoa mới ra trường. Ngoài ra kèm phụ cấp thêm, tùy bệnh viện. 

Sau chín tháng Khoa nhận xét đảm bảo chất lượng công việc thì bệnh viện ký hợp đồng lao động có thời hạn. Khi có đợt thi viên chức sẽ được thi. Đỗ kỳ thi này thì ký hợp đồng không xác định thời hạn.

Nếu sau khi làm việc đủ 18 tháng, bệnh viện giúp em ký xác nhận thực hành để làm chứng chỉ hành nghề thì đời em quá đẹp.

Có chứng chỉ hành nghề, em tiếp tục làm việc tại bệnh viện. Ít nhất 12 tháng sau em xin xác nhận thâm niên công tác tại khoa để thi Chuyên khoa I. Em tiếp tục học Chuyên khoa I trong hai năm. Có chuyên khoa I thì level em lên rồi.

Em cũng có thể xin học luân khoa 18 tháng (đóng học phí), sau đó em xin xác nhận thực hành luân khoa để lấy chứng chỉ hành nghề đa khoa. Em xin thực tập 12 tháng tại bệnh viện có thẩm quyền (có đủ số giường bệnh), sau đó em thi Chuyên khoa I với tư cách thí sinh tự do. Học hai năm xong em có thể chuyển đổi chứng chỉ hành nghề sang khoa em mong muốn.

***

Truân chuyên thế này, hay là em … kiếm chồng/vợ giàu mà lấy. Học bác sĩ gian khổ làm gì rồi được cái mác rỗng tuếch. Bạc cả đầu, nhăn cả trán, vét hết tiền nhà đi học, cuối cùng căn bếp của mẹ vẫn dột, chiếc xe của cha vẫn cái gì cũng chạy trừ cái bánh xe. 

Nhiều năm sau khi tốt nghiệp, em đã quen tai đến phát chán lên vì hai tiếng bác sĩ. Đi qua hàng xe hơi bóng lộn của các trưởng khoa hay ban lãnh đạo bệnh viện, em không còn thấy máu sôi lên bừng bừng và nắm tay lại hứa một ngày sẽ được như họ nữa. Em chỉ còn mỏi mệt cúi đầu đi thật nhanh ra cổng bệnh viện để kịp mua gói xôi, cái bánh mì. Tối nay em làm “thợ trực”. Trước khi làm thầy thuốc cứu người, em phải sống đã.  

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.