Bác sĩ giữ mạch sống ở ‘tử địa’ Bakhmut

Tại trung tâm y tế ở Bakhmut, bác sĩ Molchanova dẫn bệnh nhân đến căn phòng nhỏ, sưởi ấm bằng bếp củi, nơi cô phát thuốc và viết giấy chứng tử.

Bệnh nhân đến gặp bác sĩ Elena Molchanova là những cư dân cuối cùng còn bám trụ tại Bakhmut, nơi chỉ còn cảnh chết chóc và đổ nát sau nhiều tháng giao tranh dữ dội. Đôi khi họ chỉ đến phòng khám của cô để tìm nơi trú ẩn trước cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông.

Molchanova là một trong 5 bác sĩ còn lại ở Bakhmut, phục vụ khoảng 8.000 người vẫn ở trong thành phố, theo giới chức địa phương. Bakhmut hiện là nơi chứng kiến giao tranh “dữ dội nhất trên toàn chiến tuyến”, khiến các dịch vụ thiết yếu cho dân thường bị tê liệt.

Trước khi chiến sự bùng phát, hành lang phòng khám của Molchanova luôn sáng đèn, luôn có nhân viên tiếp đón, nhà vệ sinh cũng hoạt động bình thường.

Giờ đây, khi Backmut đã biến thành “vùng đất chết”, mọi hoạt động của trung tâm y tế thu hẹp lại trong một văn phòng, với các bao tải khoai tây, giấy tờ và thiết bị y tế chất đống xung quanh. Đằng sau Molchanova là một cửa sổ lớn. Cô lo rằng nó có thể vỡ tan nếu một quả đạn pháo rơi gần đó, khiến căn phòng trở nên lạnh giá.

Nhưng nữ bác sĩ 40 tuổi này không có kế hoạch rời đi.

“Khi theo học ngành y, tôi đã tuyên thệ lời thề Hippocrates, tôi không thể phản bội những người này”, cô nói. “Họ đến để khám bệnh, và chúng tôi sẽ hỗ trợ họ hết sức có thể”.

Bác sĩ Elena Molchanova và một người Bakhmut hoàn tất giấy chứng tử cho một người hàng xóm, ngày 11/1. Ảnh: AFP.

Bác sĩ Elena Molchanova ngồi hướng dẫn một cư dân Bakhmut hoàn tất giấy chứng tử cho người hàng xóm, ngày 11/1. Ảnh: AFP.

Nhiều dân thường kẹt lại Bakhmut và thành phố Soledar lân cận là người già hoặc người khuyết tật.

Bác sĩ Molchanova cho biết nguồn cung thuốc và thiết bị y tế không ổn định, đặc biệt là những loại chuyên trị các vấn đề tâm thần, hay bệnh mãn tính như tiểu đường.

Nguồn cung này đến từ Bộ Y tế Ukraine, các tổ chức phi lợi nhuận, thậm chí được thu thập từ các tòa nhà bị đánh bom. Ngày 11/1, các binh sĩ Ukraine đã mang hai chiếc xe lăn mà họ tìm được tới phòng khám.

“Ai đến trước phục vụ trước”, Molchanova nói. “Chúng tôi không có đủ ống và kim tiêm insulin. Thuốc trợ tim hết rất nhanh. Có đủ paracetamol, nhưng thuốc này là không đủ để cứu chữa bệnh nhân”.

Dù có đủ nguồn lực để chăm sóc y tế cho người bệnh, Molchanova cùng chồng và hai bác sĩ khác sẵn sàng đón cư dân Bakhmut xuống trú ẩn trong tầng hầm cạnh trung tâm.

Bên trong tầng hầm này, bếp lửa luôn cháy cạnh những chồng củi chất cao, giúp người trú ẩn thoát khỏi cái lạnh buốt giá. Họ sạc điện thoại và sử dụng Internet từ một máy phát điện duy nhất đang hoạt động.

Bác sĩ Elena Molchanova tại một tầng hầm nơi cô và chồng cùng hai bác sĩ khác cứu trợ cho người dân Bakhmut, ngày 11/1. Ảnh: AFP.

Bác sĩ Elena Molchanova tại một tầng hầm nơi cô và chồng cùng hai bác sĩ khác cứu trợ cho người dân Bakhmut, ngày 11/1. Ảnh: AFP.

Theo giới quan sát, những gì diễn ra ở Bakhmut và thành phố Soledar, nơi lực lượng Nga vừa tuyên bố kiểm soát, là lời nhắc nhở về mức độ khốc liệt của chiến sự sau nhiều tháng bế tắc. Sau nhiều bước lùi trên chiến trường, Nga giờ đây sẵn sàng dồn lực tấn công những thành phố nhỏ để giành chiến thắng nhằm vực dậy tinh thần cho binh sĩ, theo các chuyên gia phương Tây.

Tại Bakhmut, lực lượng Nga rút từ Kherson, kết hợp với “lính đánh thuê” của công ty an ninh tư nhân Wagner, đã liên tục tấn công bằng tất cả các loại hỏa lực trong vài tuần gần đây. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng giao tranh tại Bakhmut và Soledar chính là “định nghĩa của sự điên rồ”, khi lực lượng Nga ồ ạt tấn công bất chấp thương vong lớn.

Mỗi ngày, bác sĩ Molchanova phải ký rất nhiều giấy chứng tử.

“Mọi người rất sợ hãi”, Oleksiy Stepanov, người đến gặp cô để xin giấy chứng tử cho cụ ông hàng xóm 83 tuổi thiệt mạng sau khi cửa sổ bị vỡ tan vì pháo kích, bày tỏ.

Tetiana, một cư dân Bakhmut, đến phòng khám của Molchanova để lấy thuốc cho người hàng xóm 81 tuổi điếc, mù, đang nằm liệt giường. “Ông ấy thậm chí không biết đang có chiến sự, không biết Bakhmut đang bị pháo kích”, cô nói.

Tetiana từng được gia đình hàng xóm này trả tiền để chăm sóc ông, nhưng giờ cô phải tự xoay xở. “Nếu di tản, tôi sợ ông ấy không đủ sức khỏe để di chuyển”, Tetiana nói. “Tôi sẽ không rời đi”.

Bác sĩ Molchanova cũng có chung cảm xúc như vậy. Cô không hiểu được lý do một số người vẫn bám trụ ở Bakhmut, đặc biệt là những gia đình có trẻ con, nhưng nữ bác sĩ này cảm thấy mình có nghĩa vụ ở lại và chăm sóc họ. “Ngày nào họ còn ở đây, tôi cũng sẽ ở đây”, cô nói.

Đức Trung (Theo AFP)