Bác sĩ gia đình: Phát triển mạnh trên thế giới, ì ạch ở Việt Nam

Y học gia đình Việt Nam “chạy theo” thế giới

Bác sĩ gia đình là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh, là những thầy thuốc gắn với dân và gần dân nhất. Bác sĩ gia đình biết rõ từng người bệnh và những vấn đề liên quan đến sức khỏe gia đình của họ trên cơ sở xem xét lối sống của bệnh nhân trong cộng đồng.

Mô hình bác sĩ gia đình từ thập niên 60 của thế kỷ trước đã phát triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới. Y học gia đình ra đời đầu tiên ở Mỹ, Anh và một số nước sau đó nhân rộng ra các nước thuộc khu vực châu Âu, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu.

20150803-151853-975c2

Bác sĩ gia đình tại Việt Nam đi sau thế giới gần nửa thế kỷ

Việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe mang tính thường xuyên, liên tục giúp người bác sĩ nắm được bệnh sử của người bệnh, diễn tiến bệnh lý nên đề ra được những liệu pháp điều trị hiệu quả đã nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng. Cùng với sự phát triển trên, Hiệp hội bác sĩ gia đình toàn cầu đã được thành lập vào năm 1972, đến nay đã có khoảng 100 quốc gia thành viên. Mô hình bác sĩ gia đình hiện cũng được áp dụng rất thành công ở các nước đang phát triển thuộc khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippine.

Là quốc gia chịu gánh nặng rất lớn trước sự thay đổi của mô hình bệnh tật từ các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm sang bệnh mạn tính không lây, Y tế Việt Nam luôn phải căng mình đối phó với tình trạng quá tải bệnh nhân. Ngành Y tế muốn tìm lối thoát cho tình trạng trên nên đã xây dựng dự án phát triển đào tạo bác sĩ gia đình.

Phải đến năm 2000, Bộ Y tế mới chính thức công nhận chuyên ngành y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I về y học gia đình, đến năm 2002 các trường đại học y khoa mới bắt đầu việc tuyển sinh, đào tạo bác sĩ cho mô hình trên.

Như vậy, y học gia đình Việt Nam đã đi sau thế giới gần nửa thế kỷ, trong khi các quốc gia phát triển đã giải quyết được vấn đề bệnh tật từ chính đội ngũ bác sĩ gia đình thì Việt Nam mới loay hoay “xây dựng”.

Còn nhiều yếu kém

Để đánh giá triển khai đề án bác sĩ gia đình, ngày 3/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi kiểm tra mô hình bác sĩ gia đình tại Bệnh viện Quận 2 và một phòng khám trên địa bàn thành phố. Theo đó, mô hình bác sĩ gia đình tại Bệnh viện Quận 2 đang phát triển trên cơ sở kết hợp giữa bệnh viện và cơ sở đào tạo là Đại học Y Dược, TPHCM.

Phòng khám bệnh được triển khai tại bệnh viện với sự tham gia của các bác sĩ thuộc các chuyên khoa khác nhau đang công tác tại bệnh viện và bác sĩ đến từ Đại học Y Dược. Phòng khám đã thu hút được nhiều bệnh nhân, tuy nhiên Bộ trưởng cho rằng với đặc thù là sự kết hợp giữa cơ sở đào tạo và cơ sở điều trị, mô hình bác sĩ gia đình tại Bệnh viện Quận 2 khó có thể nhân rộng.

20150803-151250-911dd

Bộ trưởng Kim Tiến trực tiếp kiểm tra bệnh án điện tử bác sĩ gia đình

Xét trên phạm vi cả nước, y học gia đình của Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu. Thông tin từ Bộ Y tế tại Hội nghị sơ kết thí điểm đề án bác sĩ gia đình (ngày 4/8) cho hay, sau 15 năm xây dựng hoạt động bác sĩ gia đình đã bước đầu được tổ chức tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM với các mô hình khác nhau như: Trung tâm bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình, trạm y tế có hoạt động bác sĩ gia đình… Đến nay, trên cả nước mới thành lập được 240 phòng khám bác sĩ gia đình, số bệnh nhân đến khám và điều trị (353 nghìn lượt) còn quá ít so với hệ thống các bệnh viện.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết: “Nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại, một số phòng khám bác sĩ y học gia đình còn phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác.

Bên cạnh đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình còn gặp khó khăn nên các đơn vị triển khai bác sĩ gia đình cán bộ tham gia chưa có chứng chỉ hành nghề dẫn đến chưa được cấp phép thành lập phòng khám”.

20150803-151133-b338e

Bộ Y tế sẽ tập trungphát triển mô hình bác sĩ gia đỉnh để giảm tải bệnh viện

Về mặt cơ chế chính sách, đến nay Bộ Y tế vẫn chưa xây dựng được quy chế phối hợp chuyển tuyến và trao đổi thông tin giữa các phòng khám bác sĩ gia đình và hệ thống khám bệnh chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân; chưa có văn bản quy định danh mục dịch vụ; phí khám chữa bệnh tại nhà còn tự phát, bệnh nhân chưa được thanh toán bảo hiểm y tế ngay cả trường hợp có thẻ bảo hiểm…

Những phòng khám bác sĩ gia đình lồng ghép với trạm y tế đang gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất còn thiếu, thuốc phục vụ điều trị hạn hẹp về cả số lượng lẫn chủng loại, người dân chưa hiểu về mô hình phòng khám bác sĩ gia đình và hoài nghi vào chất lượng chuyên môn của bác sĩ nên không đến khám chữa bệnh.

Bộ trưởng Kim Tiến thẳng thắn nhìn nhận, mô hình bác sĩ gia đình ở nước ta còn mới nên chưa được quan tâm, đầu tư tương xứng, hoạt động còn tản mạn, nhiều hạn chế bất cập, hiệu quả chưa cao. Để giải quyết vấn đề nhân lực, Bộ trưởng cho biết sẽ sử dụng lực lượng bác sĩ đa khoa, bác sĩ mới ra trường, đào tạo bồi dưỡng kiến thức y học gia đình từ 3 đến 18 tháng.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư quy định về chuyển tuyến, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, đào tạo, bảo hiểm y tế phối hợp, gắn bác sĩ gia đình với viện-trường… để phát triển mô hình bác sĩ gia đình, giúp giảm tải bệnh viện.

Vân Sơn/Dân trí
Email: [email protected]