Bác sĩ đa khoa là ngành học ‘chật vật’ nhất trường y
Khoá học đặc biệt
Trường ĐH Y Hà Nội vừa tổ chức lễ tốt nghiệp cử nhân y khoa, bác sĩ y khoa năm học 2021-2022.
Năm nay toàn trường có 660 sinh viên tốt nghiệp bác sĩ y khoa khoá 2016 – 2022, gồm 4 chuyên ngành: bác sĩ đa khoa (gồm cả số sinh viên đào tạo tại Phân hiệu Thanh Hoá), bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ y học dự phòng, bác sĩ răng hàm mặt.
Có 266 sinh viên tốt nghiệp cử nhân y khoa 2018-2022, gồm 5 chuyên ngành: điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm y học, khúc xạ nhãn khoa, y tế công cộng, dinh dưỡng.
Tại buổi lễ, nhà trường đã tuyên dương và khen thưởng cho 104 sinh viên tốt nghiệp hệ bác sĩ, 43 sinh viên tốt nghiệp hệ cử nhân vì đạt thành tích tốt trong học tập và công tác tốt trong toàn khoá học.
Theo GS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, khóa học cử nhân (2018-2022) và bác sĩ y khoa (2016-2022) là khóa học hết sức đặc biệt trong lịch sử đào tạo của trường. Do đại dịch Covid-19 mà việc giảng dạy và học tập của toàn trường bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là thực tập, thực hành lâm sàng.
Các thầy cô cùng các em đã phải vừa giảng dạy, học tập vừa tích cực tham gia phòng chống dịch tại nhiều mặt trận trên cả nước, đặc biệt có nhiều em sinh viên bám trụ tại những tâm dịch khốc liệt nhất. Nhưng các em và các thầy cô đã vượt lên mọi khó khăn, đảm bảo tiến trình đào học, duy trì chất lượng, đồng thời góp sức cùng ngành, cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh.
Riêng với ngành cử nhân điều dưỡng, đây còn là khóa học đầu tiên được hưởng thụ việc triển khai đổi mới đào tạo căn bản (chương trình, vật liệu dạy học, phương pháp giảng dạy, tổ chức giảng dạy, đánh giá và lượng giá) của Trường ĐH Y Hà Nội.
GS Tú khẳng định: “Chất lượng đào tạo luôn là yêu cầu hiện hữu của một trường đại học và không có giới hạn cuối cùng, nhất là đối với trường đại học y hàng đầu đất nước như Trường ĐH Y Hà Nội. Đổi mới đào tạo đại học mà chúng ta đang thực hiện cho thấy cần nhiều hơn nữa nỗ lực cố gắng của các thầy cô, bên cạnh sự nỗ lực của học trò và toàn hệ thống”.
12,6% bác sĩ đa khoa tốt nghiệp loại giỏi
Theo báo cáo của Phòng Quản lý đào tạo ĐH, Trường ĐH Y Hà Nội, tỉ lệ xếp loại tốt nghiệp của các chuyên ngành khá tương quan với điểm đầu vào. Nghĩa là chuyên ngành có điểm đầu vào càng cao thì tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi càng cao. Nhưng báo cáo của phòng này cũng không so sánh cụ thể về mối tương quan đó.
Tuy nhiên, theo phân tích của báo Thanh Niên, dù ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y Hà Nội là nơi thu hút những thí sinh có điểm thi cao bậc nhất trong cả triệu thí sinh, nhưng đây cũng là môi trường đào tạo có sự sàng lọc khá khắt khe.
Những thí sinh trúng tuyển khoá tuyển sinh năm 2016 đều phải đạt tối thiểu 27 điểm (bình quân 9 điểm/môn). Nhưng khi tốt nghiệp, phần lớn các em chỉ đạt tốt nghiệp loại khá, tỉ lệ sinh viên có bằng giỏi khá thấp, có 1 em (trong số 436 em) thậm chí chỉ đạt kết quả tốt nghiệp trung bình.
Trong các ngành bác sĩ, tỉ lệ tốt nghiệp loại giỏi cao nhất thuộc về ngành bác sĩ đa khoa, 12,6%; tiếp theo là răng hàm mặt (6,4%), y học cổ truyền (3%), đa khoa Phân hiệu Thanh Hoá (1%). Chuyên ngành bác sĩ y học dự phòng không có sinh viên nào tốt nghiệp loại giỏi.
Thứ tự trên có sự tương đồng ở mức độ tương đối nếu so với điểm chuẩn đầu vào khoá tuyển sinh năm 2016. Thứ tự điểm chuẩn năm 2016 các ngành lần lượt như sau: đa khoa (27), răng hàm mặt (26,75), đa khoa Phân hiệu Thanh Hoá (26,75), y học cổ truyền (22,5), y học dự phòng (22).
Trong khi đó, với các ngành ngành cử nhân y khoa, việc “lấy được” bằng giỏi thuân lợi hơn nhiều. Tỉ lệ tốt nghiệp loại giỏi cao nhất trong khối ngành cử nhân thuộc về ngành y tế công cộng (20%). Tiếp theo là xét nghiệm y học (10,3%), dinh dưỡng (6,3%), khúc xạ nhãn khoa 1,85%). Ngành điều dưỡng không có sinh viên nào tốt nghiệp loại giỏi.
Được biết, điểm đầu vào của y tế công cộng của khoá tốt nghiệp năm 2022 (tuyển sinh năm 2018) là 18,1, trong tương quan điểm đầu vào bác sĩ đa khoa năm đó là 24,75 (do đề thi khó hơn các năm trước). Nhưng ngành này không có em nào tốt nghiệp loại trung bình. Một nửa số em tốt nghiệp loại trung bình khá, nửa số em còn lại khá hoặc giỏi (khá là 30%).