Bác sĩ Lê Minh Khôi góp sức phòng, chống COVID-19 bằng… tản văn

Đỗ Bích Thuý và Lê Thiết Cương "song kiếm hợp bích" bán sách, dành tiền tặng trẻ em miền núiĐỗ Bích Thuý và Lê Thiết Cương ‘song kiếm hợp bích’ bán sách, dành tiền tặng trẻ em miền núi

SKĐS – Nhà văn Đỗ Bích Thúy sẽ “trình làng” 4 cuốn sách văn xuôi vào chiều 13/4 tại Hà Nội, kết hợp với họa sĩ Lê Thiết Cương dành tiền bán sách tặng trẻ em miền núi.

Thông tin từ NXB Trẻ cho biết, ngày 8/12, tập tản văn Phía Tây thành phố của BS. Lê Minh Khôi sẽ được phát hành. Toàn bộ lợi nhuận của tập sách này và tập tản văn Sài Gòn chọn nhớ những điều thương (nhiều tác giả) đều được sử dụng ủng hộ cho Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.

Sách của bác sĩ Lê Minh Khôi bán để góp sức phòng, chống COVID-19 - Ảnh 2.

BS. Lê Minh Khôi đang khám bệnh cho trẻ.

Tác giả Lê Minh Khôi sinh năm 1973 tại Châu Tử, Bình Nguyên, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Tốt nghiệp Đại học Y Dược Huế (1998); Bác sĩ Nội trú Đại học Picardie-Jules Verne, Pháp (2003); Tiến sĩ Y khoa Đại học Rostock, Đức (2007).

Lê Minh Khôi có học hàm Phó Giáo sư – Tiến sĩ, hiện là Giảng viên Bộ môn Hồi sức – Cấp cứu – Chống độc, Đại học Y Dược TP.HCM và bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Ông là Phó GĐ Trung tâm Hồi sức COVID-19, trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trong đợt dịch lần thứ 4 (2021).

BS. Lê Minh Khôi đi từ Những sườn núi lấp lánh đến Phía Tây thành phố

Dù là bác sĩ, tuy nhiên BS. Lê Minh Khôi lại có tài viết văn được đồng nghiệp, bạn đọc ngưỡng mộ. Cuốn sách đầu tiên của anh trình làng cách đây 4 năm là tản văn Những sườn núi lấp lánh đã thu hút độc giả yêu văn chương nước nhà.

Sách của bác sĩ Lê Minh Khôi bán để góp sức phòng, chống COVID-19 - Ảnh 4.

BS. Lê Minh Khôi ký tặng độc giả trong lần ra mắt cuốn Những sườn núi lấp lánh. (Ảnh: FBNV)

57 bài tản văn trong tập Những sườn núi lấp lánh được đón nhận bởi các tác phẩm toát lên vẻ lấp lánh của tình người; kịp gieo vào lòng bạn đọc những hạt mầm trắc ẩn, hướng đến những điều thiện lành và tử tế. Khi đó, Những sườn núi lấp lánh có thể được xem là một “vị thuốc” quý cho tâm hồn, theo cách nói của nhà văn Trần Nhã Thụy “những trang văn của Lê Minh Khôi như là những đơn thuốc cho những người đang bị kháng thuốc, lờn thuốc”.

4 năm sau tiếng vang của Những sườn núi lấp lánh, BS. Lê Minh Khôi tiếp tục bước tới cánh đồng chữ và anh đã có “mùa bội thu” xúc cảm khi trình làng tập tản văn Phía Tây thành phố. Tập tản văn mới nhất của BS. Lê Minh Khôi chia làm hai nội dung gắn kết: “Những câu chuyện dịu dàng trong mắt bão COVID-19” và “Những chiều thưa bóng nhân gian”.

Sách của bác sĩ Lê Minh Khôi bán để góp sức phòng, chống COVID-19 - Ảnh 5.

Phía Tây thành phố, tập tản văn của BS. Lê Minh Khôi ra mắt độc giả vào 8/12/2021.

BS. Lê Minh Khôi chính là người trực tiếp tham gia điều hành một bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM. Dù bận rộn với khối lượng công việc khổng lồ, những ca cấp cứu chưa có tiền lệ trong mấy chục năm làm việc trong ngành Y, BS. Khôi đã quan sát, gạn lọc và ghi chép lại những ngày tháng khốc liệt ấy với sự điềm tĩnh và sâu sắc, thể hiện cái nhìn thực tế và hết sức sống động về thời gian “cuộn sóng” này.

“Những chiều thưa bóng nhân gian” trong tập tản văn chứa những chiêm nghiệm khác rút ra từ cuộc sống hàng ngày, những trăn trở và lời tâm huyết đối với ngành Y. Tác giả thể hiện cách nhìn đời nhẹ nhàng, vị tha của một người đi nhiều, biết nhiều, “tin vào cái lẽ huyền diệu của đất trời và cái thơm thảo của lòng người”; một bác sĩ đã từng chứng kiến nhiều cuộc sinh tử biệt ly và và do đó trân quý đến từng khoảnh khắc ngắm hạt bụi lấp lánh trong nắng, thấu rõ điều gì là đáng quý nhất trong đời người…

“Với tôi, ký ức không phải cái đã qua, nhất là ký ức về một giai đoạn đầy ắp những biến cố đau thương như vậy. Tôi vẫn đang sống với ký ức đó, không phải để bi lụy, mà để biết trân trọng hơn những gì giản dị nhất mà chúng ta có, như bầu trời xanh trên đầu, như làn gió từ sông Sài Gòn vẫn lồng lộng thổi vào thành phố mỗi chiều và như từng hơi thở này đây” – tác giả thổ lộ ở đầu tập sách Phía Tây thành phố.

BS. Lê Minh Khôi bộc bạch: “Tôi không có bất cứ lập ngôn nào về việc viết văn. Viết, đối với tôi, là một nhu cầu thúc bách để sẻ chia, để diễn đạt bản thân và quan trọng nhất là để lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống khá chênh vênh này”.

Là một thầy thuốc, được có cơ hội đối diện với những mong manh của kiếp người, những đớn đau về thể chất, những góc khuất của tâm hồn và cả cái chết, tôi chỉ muốn viết trước hết là để thuyết phục chính mình về cái thiện lương nguyên thủy của con người.

BS. Lê Minh Khôi

Bệnh nhân COVID đầu tiên của tôi (trích Phía Tây thành phố)

“Cô không phải là bệnh nhân Covid đầu tiên của tôi. Thực ra, trước khi vào trung tâm hồi sức Covid đóng trên địa bàn quận Bình Tân, nơi mà tôi và đồng đội gọi bằng cái tên thân thương là mặt trận Phía Tây Thành Phố, thì tôi cũng đã nhận điều trị từ xa một số người, chủ yếu là những người quen hoặc được người quen giới thiệu.

Nhưng cô là bệnh nhân Covid nguy kịch cần phải hồi sức đầu tiên mà tôi nhận.

Cô cũng lại là một trong những người đầu tiên mà tôi tiễn đưa trong đại dịch này.

Sách của bác sĩ Lê Minh Khôi bán để góp sức phòng, chống COVID-19 - Ảnh 7.

Tác giả Phía Tây thành phố tặng hoa cho một nữ bệnh nhân ra viện ngày 20/10. (Ảnh: FBNV).

Cuối tháng Bảy, tôi tình nguyện tham gia vào một nhóm bác sĩ tư vấn cho người bệnh Covid trên toàn thành phố theo lời mời của bác sĩ Trương Hữu Khanh. Chỉ nhận các cuộc gọi trong hai ngày, tôi đã phải xin rút khỏi nhóm vì không chịu nổi áp lực tâm lý. Không phải vì các trường hợp gọi đến có vấn đề về chuyên môn khó khăn đến độ tôi không giải quyết được, mà chủ yếu vì bản thân không làm được gì ngoài mấy câu tư vấn chung chung trong khi bệnh nhân cần những thứ khác hoàn toàn. Những thứ ấy, không có một bác sĩ tư vấn nào có thể giải quyết được.

Người gọi đến cần ôxy, cần xe cứu thương, cần một bệnh viện tiếp nhận, cần con hẻm không bị phong tỏa và cần những thứ mà trong những ngày bình thường chúng ta coi như là điều hiển nhiên. Bác sĩ tư vấn chỉ có lời nói. Những lời động viên, hướng dẫn dường như không ăn nhập gì nữa với sự hoảng loạn của người nhà bệnh nhân. Vì vậy, tôi quyết định rằng sống chết gì mình cũng phải vào trận.

Thành phố quyết định xây dựng Bệnh viện Dã chiến số 10 và giao cho Bệnh viện Đại học Y Dược. Tôi xin giám đốc đi cùng để quyết bám trụ ở đó nhưng rồi Bộ Y tế lại quyết định bệnh viện phải xây dựng trung tâm hồi sức, bậc điều trị cao nhất trong tháp điều trị bệnh nhân Covid. Sau 12 giờ tiếp nhận, cải tạo một cơ sở hoàn toàn xa lạ, chúng tôi đã có thể chỉnh tề trang phục và nôn nao chờ đón bệnh nhân.

Mọi người trong trung tâm hồi hộp theo dõi hành trình của bệnh nhân đầu tiên như tổ không lưu theo dõi máy bay chuẩn bị hạ xuống đường băng mới mở. Cuối cùng thì bệnh nhân đầu tiên cũng đến. Cái khoảnh khắc khi cửa cầu thang mở ra, cô được chuyển vào khu Bạch Đằng, tim tôi gần như lỗi nhịp. Tôi biết, mình đã khai hỏa trận đánh mà chính mình còn chưa biết đích xác kẻ thù. Chỉ biết rằng trước mặt là khốc liệt, là đêm trắng, là mất mát, là hiểm nguy, là nước mắt lặng lẽ và nụ cười vùi sau lớp khẩu trang bịt bùng.

Tôi đã khởi hoạt trận đánh bi tráng nhất đời mình. Tấm ảnh chụp vội chiếc băng ca đưa cô vào khu hồi sức vẫn còn nằm trong điện thoại. Mà không có chiếc điện thoại thông minh thì tâm khảm tôi cũng đã chụp lại, đã quay lại cái khoảnh khắc rưng rưng ấy rồi. Bệnh nhân đầu tiên được đưa vào trung tâm và thực sự cô cũng đã bước vào đời tôi, trong những ngày đau thương nhất của thành phố này.

Sách của bác sĩ Lê Minh Khôi bán để góp sức phòng, chống COVID-19 - Ảnh 8.

Hình ảnh BS. Khôi trong đồ bảo hộ phòng, chống COVID-19 qua cú bấm máy của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.

Sau khi cô đến, những bệnh nhân khác cũng được đưa vào với tốc độ chóng mặt. Khu điều trị nhanh chóng kín giường. Chúng tôi lại phải kê thêm giường, chia ống khí cho máy thở, chia ống ôxy. Điện thoại vẫn bỏng rát với những cuộc gọi gấp gáp từ khắp các nơi trong thành phố đổ về. Chưa đầy một tuần sau chúng tôi quá tải giường bệnh.

Một tuần sau cô đi, nhường lại máy thở và chiếc giường hồi sức hiếm hoi trong lúc đó cho những người không may mắn khác.

Tính từ thời điểm ấy đến thời điểm tôi viết những dòng này, ba tháng cũng đã trôi qua. Chúng tôi đã nhận gần một ngàn bệnh nhân nặng và nguy kịch. Nhiều người trở lại cuộc sống bình thường ngoài kia nhưng cũng có những người khác, giống như cô, đã vĩnh viễn xa rời cõi tạm. Chắc hẳn cô giờ đã mỉm cười ở một thế giới khác. Thành phố đã trở lại bình thường. Những đau buồn, hoảng loạn sẽ được gọi tên là ký ức.

Với tôi, ký ức không phải cái đã qua, nhất là ký ức về một giai đoạn đầy ắp những biến cố đau thương như vậy. Tôi vẫn đang sống với ký ức đó, không phải để bi lụy, mà để biết trân trọng hơn những gì giản dị nhất mà chúng ta có, như bầu trời xanh trên đầu, như làn gió từ sông Sài Gòn vẫn lồng lộng thổi vào thành phố mỗi chiều và như từng hơi thở này đây”.

NSƯT Chiều Xuân kể chuyện hậu trường làm phim giữa mùa đông lạnh buốt  NSƯT Chiều Xuân kể chuyện hậu trường làm phim giữa mùa đông lạnh buốt

SKĐS – Nghĩ về mùa đông là nghĩ về những điều ấm áp, NSƯT Chiều Xuân đã chia sẻ như vậy trong chương trình Quán thanh xuân tháng 12, chủ đề ‘Những mùa đông yêu dấu’.