Bác sĩ Alexandre Yersin: Người công dân danh dự của Việt Nam
Bác sĩ A.Yersin.
Thời niên thiếu
Alexandre Yersin sinh ngày 22/9/1863 tại tỉnh Morges, Thụy Sĩ. Lớn lên, A.Yersin đi học tại Lausanne, đỗ tú tài ở Lausanne. Sau đó, thi vào Trường đại học ở Marburg, nước Đức và một thời gian sau sang Paris.
A.Yersin vừa lo làm luận án tiến sĩ y khoa vừa tham gia cộng tác với GS. Émile Roux (Viện Pasteur Paris), nghiên cứu vi khuẩn bệnh bạch hầu.
Năm 1888, vừa đúng 27 tuổi, A.Yersin đã trình luận án tiến sĩ y khoa “Nghiên cứu về sự phát triển của lao thực nghiệm” và được nhận làm phụ tá cho GS. Émile Roux. Dưới sự hướng dẫn của GS. Émile Roux, A.Yersin đã tìm ra độc tố của vi khuẩn bạch hầu.
Nội Dung Chính
Yersin đến Việt Nam
Yersin là người thích mạo hiểm, thích phiêu lưu, tháng 9/1890 tình nguyện làm bác sĩ cho một hãng vận tải đường biển. Ông làm việc trên chiếc tàu chạy sang Viễn Đông, theo dọc bờ biển Việt Nam nối liền Sài Gòn, Nha Trang, Hải Phòng. Ngày 29/7/1891, ông lên bờ được thấy phong cảnh Nha Trang với khí hậu ôn hòa, ông quyết định chọn Nha Trang làm quê hương thứ ba.
Tại Nha Trang, Yersin sống độc thân, là người khiêm tốn, giản dị, lịch sự. Ông ăn mặc xoàng xĩnh với bộ đồ kaki bạc màu cũ kỹ, áo khoác bốn khuy ba túi, áo sơ-mi vải trắng cổ bẻ, quần kaki bó, đi giày vải bố. Bữa ăn thường đạm bạc. Món ăn ông ưa thích thường ngày chỉ là món súp rau cải ăn với bánh mì hoặc bánh quy và thích ăn cá hơn thịt. Món rượu khai vị của ông thường chỉ là thứ nước có bột quinquina do ông tự chế. Nước uống đôi khi ông dùng nước lá sả mà ông bảo rằng dễ tiêu hóa.
Tượng đài A. Yersin tại công viên bên bờ biển Nha Trang.
Khám phá ra vi khuẩn gây bệnh dịch hạch
Từ năm 1866, bệnh dịch hạch phát hiện ở Côn Minh, Vân Nam, Trung Hoa. Năm sau, dịch lan đến Quảng Đông, rồi tiềm tàng nhiều năm, đe dọa miền Bắc Việt Nam. Sau khi làm chết hàng vạn người, dịch hạch tràn sang Hong Kong. Yersin được nhà cầm quyền Pháp biệt phái sang đó để tìm căn nguyên của bệnh. Yersin đến Hong Kong ngày 15/6/1894.
Tại Bệnh viện Kennedy, Yersin chạm trán với các nhà khoa học Nhật Bản do Kitasato, học trò của Robert Koch (người tìm ra vi khuẩn lao) dẫn đầu. Họ đến Hong Kong trước Yersin 3 ngày.
Kitasato và bệnh viện không hợp tác với Yersin. Ông ta có một phòng thí nghiệm tại bệnh viện và độc quyền mổ xác bệnh nhân chết vì dịch hạch để nghiên cứu.
Yersin phải thuê thợ làm một túp lều tranh hai phòng, một để làm việc, một để ở. Ngày 22/6/1894, Yersin chuyển dụng cụ đến đó. Khác với Kitasato chỉ quan tâm tìm vi khuẩn trong máu, Yersin tập trung vào chọc dò hạch và đã thành công. Yersin nhờ sự giúp đỡ của giáo sĩ Vigano và cho tiền những người đem các xác chết đi chôn. Yersin đã được xuống hầm chứa tử thi trước khi được đưa ra nghĩa địa. Ông phải gạt lớp vôi phủ trên tử thi, tự cắt hạch từ xác chết đem về phòng thí nghiệm của mình. Ông quan sát trên kính hiển vi, thấy trên kính trường dày đặc của các vi khuẩn có hình gậy, hai đầu tròn, nhuộm Loeffler màu nhạt. Yersin tiêm vi khuẩn vào chuột thì 24 giờ sau chuột chết. Các thú vật thí nghiệm khác thì chết sau 2 – 6 ngày và trên cơ thể đầy hạch. Chỉ với khoảng 7 ngày, Yersin đã tìm ra vi khuẩn dịch hạch. Ông gửi về Viện Pasteur Paris một số ống nghiệm đầy bệnh phẩm lấy ra từ hạch người bệnh. Hội nghị Sinh vật học Thế giới lần thứ X năm 1975 đã quyết định tên vi khuẩn là “Yersinia-Pestis” mang tên người đã khám phá ra nó.
Tháng 4/1895, Yersin về Pháp để cùng Roux, Calmette, Borrel nghiên cứu vắc-xin để phòng và huyết thanh để trị bệnh dịch hạch. Việc chế tạo huyết thanh được hoàn thành, Yersin xin trở lại Nha Trang lập một phòng thí nghiệm để chế tạo thật nhiều huyết thanh.
Tháng 5/1897, BS. Simon đã tìm ra được loại bọ chét sống ký sinh ở chuột, là nguyên nhân làm lan truyền bệnh dịch hạch.
Thành lập Viện Pasteur Nha Trang
Với số tiền ít ỏi 5.000 đồng bạc do toàn quyền Đông Dương trợ cấp, Yersin lập một phòng thí nghiệm đơn sơ tại bờ biển Nha Trang và xây dựng tại Khánh Hòa một trại nuôi trâu bò, lừa ngựa, cùng thỏ, chuột, dùng cho việc thí nghiệm.
Ngày 21/6/1893, Yersin phát giác Cao Nguyên Lâm Viên, cao 1.500 mét. Năm 1899, Paul Doumer toàn quyền Đông Dương cho thiết lập nơi ấy một trung tâm nghỉ mát cho người Âu châu, sau này là thành phố Đà Lạt.
Yersin – người đầu tiên đã đem khoa thú y vào Việt Nam. Ông nghĩ rằng ở Đông Dương những người nông dân dùng trâu bò là sức kéo chủ yếu. Nếu trâu bò bị bệnh thì đời sống kinh tế của nông dân bị đe dọa. Yersin thấy việc phòng chống dịch cho trâu bò là cần thiết. Ông là người đi đầu trong công việc nghiên cứu và đặt nền móng cho công tác thú y ở Việt Nam. Năm 1904, sau một thời gian thí nghiệm, Yersin đã khẳng định ở Đông Dương có các bệnh: nhiệt thán, dịch tả trâu bò và tụ huyết trùng trâu bò. Ông chú ý đến việc đào tạo một số nhân viên thú y cho toàn Đông Dương.
Từ năm 1899, Viện Pasteur Nha Trang dần dần nghiên cứu sản xuất huyết thanh và thuốc trị bệnh dịch tả trâu bò và các bệnh gia súc.
Tại nông trại Suối Dầu, lúc đầu Yersin trồng ngũ cốc để nuôi nhân công và súc vật. Khi việc sản xuất vắc-xin và huyết thanh bắt đầu ổn định, ông nghĩ đến việc tìm một vài loại cây trồng để có thêm tiền chi cho các hoạt động của Viện Pasteur Nha Trang, vì Viện là một tổ chức tư nhân, không phải của Nhà nước thuộc địa.
Phát triển cây cao su (hévéa brasiliensis)
Năm 1897, Yersin với sự giúp đỡ của Vernet (kỹ sư nông nghiệp) bắt đầu trồng cây cao su tại Suối Dầu. Năm 1909, diện tích trồng cao su tại Suối Dầu lên đến 100 hecta đã giúp Viện Pasteur Nha Trang cân bằng ngân sách và không phải xin trợ cấp.
Nhập chủng cây quinquina
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, Việt Nam rất thiếu thuốc quinine để điều trị sốt rét. Từ năm 1923, Yersin cho trồng cây quinquina trên cao nguyên Lang Bian. Nhờ sự giúp đỡ của nhà hóa lý học Lambert, chỉ 2 năm 1937-1938, diện tích trồng quinquina đạt tới đến 671 hecta. Nhân công đã thu hoạch được hơn 41 tấn vỏ quinquina, chế tạo được 3.227kg sulfate de quinine, nhờ vậy Đông Dương đã tự túc được quinine.
Yersin đứng trước lán tre, nơi ông tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch (Hong Kong năm 1894)
Hiệu trưởng Trường Y khoa Đông Dương, tiền thân của Trường đại học Y Dược khoa Hà Nội
Hà Nội được chọn để xây dựng một Trường y khoa Đông Dương. Đối với giới cầm quyền thời đó, Trường Y khoa Đông Dương không chỉ là nơi đào tạo các thầy thuốc bản xứ, mà còn là một trung tâm văn hóa, khoa học, nhằm phát huy ảnh hưởng của nền văn minh Tây phương, đặc biệt là của Pháp. Ngày 8/1/1902, Toàn quyền Đông Dương quyết định bổ nhiệm BS. Yersin làm Hiệu trưởng. Yersin đã xác định rõ mục đích và yêu cầu của nhà trường: Trường Y Đông Dương phải là nơi vừa đào tạo, vừa nghiên cứu khoa học, tiến tới trở thành một trung tâm khoa học có tầm cỡ tại Bắc Kỳ. Ông có công di chuyển trường khỏi làng Kinh Lược, cho xây dựng trường ở phố Bobillot (phố Lê Thánh Tông ngày nay).
Năm 1904, những hoạt động của Trường Y khoa Đông Dương đi vào nền nếp, Yersin xin thôi chức Hiệu trưởng. Ngày 9/7/1904, ông rời Hà Nội để về lại Nha Trang với công việc lãnh đạo các Viện Pasteur ở Đông Dương.
Trong 57 năm hoạt động khoa học (1886-1943), Yersin đã công bố 55 công trình và 40 tác phẩm về y học, trong đó có 13 đề tài chuyên cứu về dịch hạch và 15 đề tài chuyên về nông nghiệp trồng cây quinquina và cây cao su.
Yersin về cõi tiên
Ông đã ra đi vào hồi 1 giờ sáng ngày 1/3/1943, thọ 80 tuổi. Ông để lại Di chúc: “Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Yêu cầu giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm. Đám tang làm giản dị, không huy hoàng không điếu văn”.
Đã có lời căn dặn của Yersin muốn được an táng đơn giản, đám tang của ông lớn chưa từng thấy ở Việt Nam. Dân chúng đã bày hương án hai bên đường hơn 20km từ Nha Trang lên tận Suối Dầu nơi an táng ông. Nhân dân đã lập miếu thờ ông. Mộ của ông được công nhận là Di tích Danh thắng cấp Quốc gia.
Tại Lễ kỷ niệm 151 năm ngày sinh BS. Alexandre Yersin (22/9/1863 – 22/9/2014), Sở Văn hóa Thông tin và Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã thông báo quyết định của Nhà nước ta về việc truy tặng danh hiệu “Công dân Việt Nam danh dự” cho BS. Alexandre Yersin.
Tại Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Thủ Dầu Một và TP. Hồ Chí Minh có những đường phố mang tên nhà bác học Yersin. Tại Đà Lạt, năm 2004 đã thành lập Trường đại học Yersin.
Ngày 20/9/1992, Hội những người ái mộ Yersin được thành lập do PGS.TSKH. Nguyễn Thị Thế Trâm – Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang làm Chủ tịch với các hoạt động kế tục sự nghiệp nhân đạo của Yersin.