Bắc Giang: “Nóng” vấn đề nợ BHXH và vi phạm của doanh nghiệp ngoài KCN | Xã hội | Vietnam+ (VietnamPlus)

Bac Giang: “Nong” van de no BHXH va vi pham cua doanh nghiep ngoai KCN hinh anh 1

Dây chuyền sản xuất hiện đại của Công ty TNHH Hana Micron Vina, 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang). (Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ IX Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Giang, ngày 8/12,  phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã được tổ chức.

Hai vấn đề “nóng” được các đại biểu đặc biệt quan tâm là nợ bảo hiểm xã hội và vi phạm của các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp.

143 dự án chậm tiến độ, 21 dự án đầu tư sai mục tiêu

Theo đại biểu Phạm Thị Nhung, trong số 1.395 dự án được chấp thuận đầu tư bên ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực, có 143 dự án chậm tiến độ và 21 dự án đầu tư sai mục tiêu so với đăng ký.

Tiêu biểu như dự án “Khu thể thao, vui chơi và dịch vụ thể thao huyện Tân Yên”; dự án “Xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi” trên địa bàn huyện Yên Dũng hay dự án “Xây dựng hệ thống cấp nước sạch liên xã Xuân Phú, Lãng Sơn, Quỳnh Sơn và Trí Yên huyện Yên Dũng.”

[Huy động hơn 45,5 tỷ đồng tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế]

Các đại biểu nêu ý kiến hiện có 78 dự án chưa thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, nhiều cơ sở chưa gửi kết quả quan trắc, báo cáo kết quả thực hiện cam kết bảo vệ môi trường với cơ quan quản lý… Cùng với đó, 8 dự án sử dụng đất sai mục đích hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng.

Đối với các dự án chậm tiến độ và đầu tư sai mục tiêu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang Bùi Thị Thu Thủy cho biết các dự án không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất.

Do vậy, nhà đầu tư phải tự thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng nên rất khó khăn và mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, năng lực tài chính và ý thức chấp hành pháp luật của một số nhà đầu tư còn hạn chế.

Trước thực trạng đó, để giải quyết những tồn tại trên, thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường kiểm tra xử lý các dự án vi phạm; chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tổ chức kiểm tra làm rõ nội dung liên quan và đề xuất biện pháp xử lý.

Đồng thời, Sở chủ động đôn đốc phối hợp với Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố trong việc theo dõi quản lý và kiểm tra các dự án đầu tư trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm.

Ngành sẽ kiên quyết xử lý vi phạm hành chính các dự án chậm đầu tư, đầu tư sai mục tiêu; thực hiện thu hồi, chấm dứt hoạt động đối với các dự án không đầu tư.

Đối với dự án chưa thực hiện các thủ tục về bảo vệ môi trường theo quy định và dự án sử dụng đất sai mục đích, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang Bùi Quang Huy cho rằng nguyên nhân là do sự thiếu đồng bộ giữa pháp luật về đầu tư và bảo vệ môi trường; ý thức chấp hành pháp luật của chủ đầu tư còn hạn chế.

Thêm nữa, Sở chưa chủ động, thường xuyên thanh tra, kiểm tra; việc xử lý khi phát hiện vi phạm còn lúng túng, chưa thực sự quyết liệt.

Giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang Bùi Quang Huy cho biết ngành sẽ chấn chỉnh, khắc phục ngay việc tổng hợp, theo dõi, cập nhật thường xuyên, đầy đủ, có hệ thống đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp để chủ động có kế hoạch kiểm tra hướng dẫn, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường; phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định chặt chẽ năng lực tài chính, sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực sự có năng lực, hạn chế vi phạm.

Ngành tập trung đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy mạnh tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc sử dụng đất đai; phối hợp với các ngành xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm việc chấp hành pháp luật về đầu tư đất đai, môi trường để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

225 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm

Liên quan đến vấn đề nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, theo đại biểu Ngô Sỹ Long, hiện vẫn còn 7 doanh nghiệp nợ kéo dài, khó thu hồi với số tiền hơn 27 tỷ đồng và 154 đơn vị dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải thể, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền là 54,1 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi, nhưng chưa có hướng giải quyết.

Một số đại biểu nêu thực trạng đa số các doanh nghiệp hằng tháng vẫn thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, song doanh nghiệp vẫn nợ cơ quan bảo hiểm xã hội dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết tính đến hết tháng 10/2022, tổng số tiền nợ bảo hiểm xã hội của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 225 tỷ đồng.

Hiện, địa bàn tỉnh Bắc Giang có 7 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài, khó đòi, đơn vị vẫn còn hoạt động. 154 doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể, chủ vắng mặt còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Đối với những doanh nghiệp này, hiện chưa có phương án xử lý do chủ vắng mặt, dừng hoạt động, không còn tài sản để thu hồi trả nợ.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết thêm khó khăn trong công tác thu hồi nợ là chế tài xử lý đối với những đơn vị vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa đủ mạnh; quy trình xử lý, khởi kiện đối với những đơn vị cố tình vi phạm còn phức tạp, ảnh hưởng đến hiệu quả trong công tác thu hồi nợ, thậm chí một số đơn vị mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm.

Trong thời gian tới, bảo hiểm xã hội tỉnh chủ động phối hợp với các sở, ngành, huyện, thành phố và các đơn vị liên quan đôn đốc thu nợ; đánh giá rủi ro đối với các doanh nghiệp có nguy cơ cao nợ đọng bảo hiểm xã hội; tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sâu rộng đến các chủ doanh nghiệp và người lao động.

Ngành bảo hiểm xã hội sẽ chủ động phối hợp với cơ quan công an ngay từ sớm khi có dấu hiệu trục lợi, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị, doanh nghiệp nợ, hạn chế tối đa phát sinh nợ kéo dài.

Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đột xuất với đơn vị chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên theo quy định./.

Đồng Thúy (TTXVN/Vietnam+)