Bà mẹ xinh đẹp chia sẻ cách làm lẩu riêu cua bắp bò siêu ngon
Lẩu riêu cua bắp bò là một trong những món ăn được rất nhiều người yêu thích, đặc biệt là trong những ngày mát trời. Cùng bạn bè, đồng nghiệp hoặc người thân quây quần bên nồi lẩu riêu cua nóng hổi, thơm phức, vừa nhâm nhi thưởng thức, vừa trò truyện thì chẳng còn gì bằng.
Là một người yêu thích nấu ăn, chị Nguyễn Thuỳ Duyên (34 tuổi, Hà Nội), nắm bắt được tâm lý chung của mọi người như vậy nên đã làm món lẩu riêu này đãi cả nhà. Sau khi đăng hình ảnh bữa ăn với món lẩu “thần thánh” này lên hội nấu ăn của facebook, chị đã nhận được rất nhiều lời khen và like của nhiều chị em nội trợ khác. Bởi không chỉ chị có niềm đam mê nấu nướng, mà món ăn rất hấp dẫn, chỉ nhìn vào ảnh thôi cũng khiến nhiều người phải chảy nước miếng rồi. Chị Duyên cho biết, gia đình và bạn bè chị đều thích món lẩu riêu, nên cứ có dịp nào tụ tập là chị lại làm món này cho mọi người thưởng thức.
Chị Duyên có niềm đam mê đặc biệt với nấu nướng
Chị Duyên cũng bật mí, “để có món lẩu riêu ngon, mình nghĩ quan trọng ở cách nêm nếm vị chua thanh ngọt dịu của nồi nước dùng lẩu riêu cua. Khi mới nấu, mình cũng có tham khảo thêm một số cách nấu ở một số trang mạng chia sẻ. Nhưng quan trọng là trước đây mẹ mình là người đã kinh doanh món bún riêu bún ốc lâu năm nên cũng có chút kinh nghiệm học hỏi từ mẹ mình. Khi nấu nhiều lần món lẩu này, mình cũng tự rút ra cho mình những kinh nghiệm riêng nữa. Điều quan trọng không kém nữa là việc lựa chọn các nguyên liệu phải thật tươi ngon và cách trang trí trình bày món ăn cũng phải thật đẹp và hấp dẫn nữa”.
Món lẩu riêu cua đang thu hút gần nghìn lượt like trên mạng xã hội của chị Duyên
Thêm vào đó, để gạch cua thơm ngon, đóng bánh và không bị vỡ, chị Duyên cho rằng điều này cũng phải cần có bí quyết riêng. “Khi giã hay xay phải bắt buộc cho thêm chút muối, vì sẽ giúp gạch cua sau này sẽ được chắc không vỡ. Khi đun nước cua đã lọc đun ở nhiệt độ vừa, thì liên tục dùng muôi hay đũa khuấy đều nước cho đến khi thành nồi ấm dần thì dừng lại. Làm cách này gạch sẽ nổi đều lên không bám dính vào đáy nồi. Khi gạch nổi đều lên thì dùng vợt hay muôi múc hết gạch cua ra đĩa sâu lòng hoặc bát, gạn sạch nước dùng đọng trong gạch thì gạch cua sẽ chắc lại. Phi phần gạch cua đã khêu với chút dầu ăn cho vàng ruộm rồi rưới đều lên đĩa gạch cua sẽ giúp gạch cua luôn bóng đẹp, thêm chút hành phi vàng giòn sẽ rất hấp dẫn. Khi nào ăn ăn lẩu thì dùng thìa xắn từng miếng gạch cho vào nồi lẩu, gạch cua sẽ nổi lên rất đẹp lại không bị vỡ”, chị Duyên chia sẻ.
Để gạch cua thơm ngon, đóng bánh và không bị vỡ, chị Duyên cho rằng điều này cũng phải cần có bí quyết riêng.
Với chị, món lẩu riêu đạt tiêu chuẩn ngon phải có vị chua thanh nhẹ, hương vị ngọt thơm ngon đặc trưng của giấm bỗng hay mẻ chua. Đặc biệt không thể thiếu vị thơm của mắm tôm, thêm chút hành phi cho vào nước dùng. Màu sắc nồi nước dùng phải hấp dẫn cảm quan từ những miếng cà chua thái bổ cau, màu vàng nâu óng của gạch cua nổi đẹp…
Ngoài món ăn nấu ngon, chị Duyên còn cố gắng trang trí cho các món ăn thêm đẹp để hấp dẫn mọi người
Theo chị Duyên, nấu ăn là phần đam mê không thể thiếu trong cuộc sống của chị. Chồng chị rất tự hào với bạn bè vì vợ mình luôn nấu được những món ăn ngon để mọi người thưởng thức. Trước đây, khi chưa có con nhỏ, chị gần như dùng nhiều thời gian của mình để vào bếp, lên ý tưởng cho những món ăn mới. Làm được món gì ngon lại chia sẻ với mọi người trong những nhóm yêu thích nấu ăn trên mạng. Vì thế, khi nhận được nhiều lượt like cũng như sự ủng hộ của mọi người với món ăn mình đăng lên, chị Duyên cho biết bản thân cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì đã chia sẻ được một phần đam mê nấu ăn của mình đến với nhiều chị em nội trợ khác.
Cùng tham khảo cách làm lẩu riêu cua của chị Thùy Duyên dưới đây:
Lẩu riêu cua bắp bò, sườn sụn
Nguyên liệu:
– Cua đồng: 500g – 1kg (tùy theo số lượng người ăn)
– Sườn sụn: 500g
– Bắp bò: 500g
– Đậu phụ: 5 bìa – 10 bìa
– Giò tai: 10-15 cái
– Mẻ, giấm bỗng hoặc me chua, quả dọc: tùy khẩu vị
– Mắm tôm: 1 muỗng nhỏ (có thể bỏ qua nếu bạn không thích, nhưng mắm tôm làm nên mùi vị rất đặc trưng cho món lẩu riêu cua bắp bò, khiến cho nước lẩu đậm đà hơn). Lưu ý, nếu sử dụng mắm tôm thì phải nêm lúc chưa nấu, nếu không mùi mắm tôm sẽ lấn át mùi lẩu.
– Cà chua: 3-5 quả thái miếng cau.
– Rau sống: rau muống chẻ, hoa chuối, thân chuối non, xà lách, mùi tàu, hành lá, tía tô, kinh giới, giá đỗ, chanh, ớt… Thêm ít rau muống nhỏ ngọn nếu thích ăn nhiều rau.
– Bún sợi nhỏ
– Gia vị chanh, ớt hoặc xì dầu, nước mắm để chấm thêm.
Cách làm:
Bước 1: Sườn sụn chần rồi ninh sơ qua cho mềm, vớt sườn ra ướp hành khô băm nhỏ, gia vị và một chút nước mắm.
Bước 2: Làm cua
Cua làm sạch, cho vào một chút muối giã nhuyễn hoặc xay bằng máy xay sinh tố rồi lọc lấy nước, gạch cua khều riêng ra một bát nhỏ.
Nêm một muỗng nhỏ mắm tôm và gia vị vào nồi nước cua bắc lên bếp, khuấy nhẹ đều tay cho đến khi canh sôi và gạch cua nổi lên thì vặn nhỏ lửa.
Dùng muôi gạt hết riêu cua vào cạnh nồi cho kết lại thành từng mảng rồi tắt bếp. Bạn có thể vớt riêu cua ra một đĩa riêng rồi ăn đến đâu thả dần vào nồi nước lẩu đến đó để riêu khỏi bị vỡ.
Bước 3: Cho dầu ăn vào chảo, phi hành khô băm nhỏ cho thơm vàng, cho gạch cua vào xào chín cùng một xíu nước mắm rồi rưới đều gạch cua đã chưng lên đĩa riêu cua để riêng, một phần gạch cua giữ lại sau này rưới thêm vào nồi nước dùng. Tiếp tục cho cà chua thái miếng cau vào xào chín tới, không nên xào chín và nát quá.
Bước 4: Đậu cắt miếng nhỏ, rán vàng, rồi bày ra đĩa cùng giò tai bóc bỏ lá chuối và sườn sụn đã ướp.
Bắp bò thái mỏng, bày ra đĩa. Mách nhỏ là trước khi thái, chị em nên cho thịt bò vào ngăn đá khoảng 15 phút thái sẽ dễ dàng và trình bày cũng đẹp mắt hơn.
Bước 5: Rau sống rửa sạch, ngâm qua nước muối loãng rồi vớt ra rổ để ráo nước, khi ăn bày ra đĩa.
Hoa chuối thái nhỏ rồi ngâm qua vào chậu nước có pha ít giấm để cho hoa chuối không bị thâm. Sau đó, vớt hoa chuối ra rổ để ráo nước rồi bày ra đĩa. Hoa chuối dùng để nhúng dần trong khi ăn.
Bước 5: Mẻ đã ngấu lọc lấy nước để vào một bát con. Có thể dùng quả dọc hoặc quả me thay thế nhé! Mẻ, giấm bỗng, mắm tôm làm nên hương vị đặc trưng của món lẩu riêu cua.
Chế nước dùng cua và nước ninh sườn sụn vào trong nồi lẩu với cà chua đã xào chín.
Cho mẻ vào, nêm thêm một chút giấm bỗng rồi đun sôi, nêm lại gia vị cho vừa ăn, tiếp tục thả riêu cua vào, rưới gạch cua lên riêu cua cho dậy màu. Khi ăn thả thêm chút hành lá, gốc hành hoặc củ hành tươi cắt lát mỏng, mấy lát đậu đã rán vàng, một nhúm hoa chuối sẽ được nổi nước lẩu thật đẹp mắt!
Nhúng thịt bò ăn kèm với bún, sườn sụn giòn mềm cùng với rau sống, không còn gì tuyệt vời hơn.
Theo Dân Việt