Ba Tri – hương vị quê nhà
Khách đến tham quan và viếng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Ánh Nguyệt
Bởi vậy mà sản vật xứ này rất dồi dào. Luôn là trọng tâm của tỉnh Bến Tre khi nói về sự phong phú trên mọi mặt đời sống xã hội, bao gồm từ truyền thống hiếu học, khoa bảng, cho đến văn minh, tôn giáo, tư liệu thời chiến tranh… Và tất nhiên, trong đó còn có cả nền văn hóa ẩm thực nữa.
…
Lưu danh danh nhân
Đặt chân lên đất Ba Tri như bước đi trên pho lịch sử địa dư chí khổng lồ không có chương kết thúc. Nó khiến người ta phải cẩn trọng, bước nhẹ, nói khẽ, tránh mọi điều khinh suất. Có những chân dung lớn tiêu biểu mà bất kỳ ai tìm hiểu cũng phải ngỡ ngàng, kính phục.
Trước tiên là Nguyễn Đình Chiểu. Tên ông từ lâu đã gắn liền với Ba Tri. Mỹ danh Quê hương Đồ Chiểu đã đi vào văn học, thơ ca. Ông là người chống Pháp triệt để, là nhà thơ lớn nhất của miền Nam cuối thế kỷ XIX. Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của ông đã khắc ghi vào lòng tất cả mọi người dân Nam Bộ bất kể trẻ già, trí thức hay bình dân. Nó răn dạy người ta tính nhân nghĩa ở đời. Là một tác phẩm văn học lớn, đã làm nên tên tuổi Nguyễn Đình Chiểu. Ngoài sáng tác thơ, ông còn dạy học và hốt thuốc. Ông mất ngày 24 tháng 5, tức mùng 3 tháng 7 năm 1888 dương lịch, thọ 66 tuổi. Ngày đưa ông về nơi yên nghỉ cuối cùng, người dân Ba Tri thảy đều thương tiếc đội tang khiến màu khăn trắng cả cánh đồng An Đức.
Tại khu mộ hai ông bà, vào năm 1974, Quốc vụ khanh phụ trách Văn hóa của chế độ cũ Mai Thọ Truyền đã lập đền thờ, khá cổ kính, nhỏ và thấp. Sang năm 2002, Nhà nước đã cho xây cất lại lộng lẫy, uy nghi, bề thế trên diện tích 1,2 mẫu. Chính quyền tỉnh Bến Tre từ lâu đã chọn ngày 1 tháng 7 hàng năm làm Ngày truyền thống Văn hóa tỉnh nhà. Là ngày nhắc nhở cháu con tưởng nhớ các thế hệ cha ông đã dày công vun bồi văn hóa, chống giặc ngoại xâm. Đây cũng là địa điểm thu hút khách du lịch.
Ba Tri còn có một Trùm cả Thái Hữu Kiểm, vì quyền lợi người dân chợ Ba Tri bị Xã Hạc ở chợ Ngoài, chơi ác đắp đập ngăn sông khiến cho việc lưu thông buôn bán đình trệ, ế ẩm. Thưa lên Huyện thì quan xử chợ Ngoài thắng với lập luận: “Mỗi làng đều có quyền đắp đập trong địa phận làng mình”. Quyết không chịu thua, cụ đã khăn gói hành trang lặn lội ra đến tận kinh thành Huế khiếu kiện. Đích thân vua Minh Mạng đã ra quyết định phá bỏ con đập. Ngài phán: “Rạch là rạch chung, là đường giao thông chung của cả chợ Trong lẫn chợ Ngoài”. Người dân chợ Ba Tri hân hoan ngưỡng mộ, biết ơn cụ Thái Hữu Kiểm. Từ đó có tên gọi “Ông già Ba Tri” để chỉ những người khí khái, quyết tâm, không chùn bước trong việc đấu tranh cho lẽ phải, cho sự an nguy, hạnh phúc, ấm no của muôn người, muôn đời. Bài học ấy đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Còn đây nữa ánh hào quang của một tấm gương và đức độ đã làm rạng danh đất Ba Tri: Phan Thanh Giản. Năm 1825, ông đỗ Cử nhân khoa Ất Dậu, qua năm sau, ông là người Nam Bộ đầu tiên trong lịch sử đậu Tiến sĩ Tam trường. Nhiều nhà túc Nho lão thành ở Ba Tri vẫn truyền miệng giai thoại:
Học trò Phan Thanh Giản, khi ấy 30 tuổi, lai kinh ứng thí. Lúc dợm bước qua cổng vào trường thi thì bị đám sĩ tử đất Bắc chặn lại. Chúng biết ông là người trong Nam ra nên tỏ vẻ khinh thị. Đối với quan điểm bảo thủ và kiêu ngạo của họ, người Nam kỳ Lục tỉnh chỉ là bọn thứ dân, phường lưu manh vặn nài bẻ ống, đám trốn xâu lậu thuế, lũ đói nghèo trộm cắp đến phải bỏ xứ mà xiêu lạc tuốt xuống phương Nam phá sơn lâm đâm hà bá. Một kẻ tuy cũng thí sinh nhưng tỏ vẻ anh chị, đã giơ cao chân ngáng ngang đường, trịch thượng bảo: “Nếu đối được câu này mới cho vào. Bằng không phải chui qua háng ông mà vào!”. Nói rồi y viết:
– Cô nhạn đáo Nam lai, mãn địa Phụng Hoàng nan ký túc.
Giải nghĩa rộng ra, nơi đây chim phượng, chim hoàng đã đậu đầy kín cả mặt đất, con chim nhạn lẻ loi từ phương Nam bay tới dễ gì kiếm được chỗ đặt chân. Trong đó còn hàm chứa ý bóng gió rằng một con chim én thì đừng hòng làm nổi mùa xuân. Không dè chẳng chút ngập ngừng, trong chớp mắt, trò Giản cầm bút đề ngay:
– Đơn lân tòng Bắc tẩu, sơn lâm hổ báo tận đê đầu.
Con lân đơn độc nhắm hướng Bắc chạy lên, tất cả thú dữ hùm beo trong rừng núi phải hết mực rạp đầu. Quả là tuyệt tài. Con kỳ lân đâu cần phải đi cả bầy cả đàn, có đôi có cặp cũng làm muôn thú phải e dè nể sợ. Trong đó còn ẩn ý, khi linh vật ấy xuất hiện là lúc đất nước thái bình. Tài ứng đáp nhanh và hay bất ngờ đã thể hiện sự thông minh, tài trí của Phan Thanh Giản.
Và cũng chính tại trường thi Thừa Thiên ấy, 14 năm sau, ông làm Phó chủ khảo. Ông đã từng giữ nhiều chức vụ rất cao trong liên tiếp ba triều vua nhà Nguyễn như: Tham hiệp, Hiệp trấn, Tuần phủ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Nam, Nghệ An… Thượng thư Bộ lại, Kinh lược sứ Nam Kỳ, Tổng tài Quốc sử quán coi việc biên soạn bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục vân vân…
Sau khi nước ta bị giặc Pháp đánh chiếm, nhận lệnh vua Tự Đức, ông với vai trò Chánh sứ đã cùng với Phó sứ Lâm Duy Hiệp, có Pétrus Trương Vĩnh Ký giữ chức thông ngôn, sang Pháp thương nghị về việc chuộc lại 3 tỉnh miền Đông và 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ. Công vụ bất thành, bị nhà vua quở mắng. Năm 1867, giặc Pháp bội ước, ngang ngược tái chiếm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Nhận thấy lực lượng không tương quan, “như con nai con muốn bắt con cọp”. Ông đồng ý giao thành để tránh thương vong cho dân chúng. Sau đó gói ghém mũ áo, phẩm hàm kèm sớ tạ tội gửi về triều. Qua nửa tháng tuyệt thực, ông đã tự vẫn vào đêm mùng 5 tháng 7 năm Đinh Mão, 1867. Thành mất thì tướng cũng mất. “Lá cờ tam tài không thể bay trên nóc thành còn Phan Thanh Giản”.
Dân Ba Tri nào giờ vẫn tương truyền, lúc sinh thời, mỗi lúc cụ Phan sắp về chơi thăm quê là cọp xứ Gãnh Mù U, rừng Bảo Thạnh như vui mừng gầm thét 3 ngày 3 đêm không ngớt. Lần gầm dữ dội và đau buồn nhất mà sau đó người ta còn thấy cả dấu vết chúng lăn lộn, cào xé cây rừng là lần sắp đưa di hài cụ về quê an táng.
Khóc ông, quan Đốc phủ sứ Thái Hữu Võ, cháu cố trực hệ của “ông già Ba Tri” Thái Hữu Kiểm, viết:
– … Gặp lúc trời Nam cơn thế biến
Tách miền biển Việt nghị hòa xong.
Lòng người đã muốn trời không vậy
Thà thác mình đây đặng chữ trung.
Và cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng có bài ai điếu rất cảm động:
– … Ải Bắc ngày chiều tin nhạn vắng
Thành Nam đêm lạnh tiếng quyên sầu.
Minh tinh chín chữ lòng son tạc
Trời đất từ rày mặc gió thu.
Theo di nguyện của ông, trên bài vị và mộ chí chỉ khắc ghi giòng chữ khiêm tốn: “Đại Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan chi cữu” (大 南 海 涯 老 書 生 姓 潘 之 柩). Nghĩa là Linh cữu người học trò già họ Phan ở góc biển Đại Nam.
Trải hơn một thế kỷ rưỡi, tài ba đức độ, cuộc sống thanh bần, lòng yêu nước thương dân của cụ Phan Thanh Giản vẫn còn sống mãi, là niềm tự hào trong trái tim người Nam bộ. Nhà nghiên cứu Hoàng Lại Giang tóm tắt với bốn chữ: “Liêm, Cần, Cẩn, Cán”.
…
Về đường trường trạm
Trong giai đoạn có thể gọi là lịch sử cận đại, Ba Tri xuất hiện một chân dung lớn đã làm thay đổi hoàn toàn bình diện chiến lược nông nghiệp, tạo đà cho kinh tế huyện nhà bước nhảy vượt bậc. Đó là ông Chín Anh, Huỳnh Văn Anh. Ông sinh ngày 10 tháng 4 năm 1934 tại làng Mỹ Chánh Hòa, trong một gia đình bần nông. Tham gia cách mạng từ 15 tuổi, từng bị địch bắt đày đi Côn Đảo và được trao trả tại An Lộc vào năm 1974. Sau giải phóng, ông là Trưởng Công an huyện, 1977 là Phó chủ tịch huyện phụ trách nông nghiệp. Từ năm 1982 chính thức giữ chức Chủ tịch huyện Ba Tri.
Như ta đã biết, sau 30 tháng 4 năm 1975, chế độ cũ không để gì lại cho huyện Ba Tri ngoài sự hoang tàn, thiếu thốn, đói nghèo, dân trí thấp. Đường sá giao thông lởm chởm, vá víu. Hệ thống giáo dục, trường học ít ỏi. Về y tế, bảo sanh, trạm xá xã hầu như không có. Đến nỗi bệnh nhân phải cầu cạnh đến đồng cốt. Cả huyện duy nhất một bệnh viện vốn là quân y dã chiến. Nhà bảo sanh huyện trước là nhà xác, nơi đem lính tử trận về khâm liệm. Hệ thống điện phát bởi một nhà máy chạy bằng máy dầu Diesel. Chỉ hoạt động ban đêm cho việc thắp sáng sơ sài.
Và điều quan trọng nhất đối với quốc kế dân sinh của một huyện thuần nông, kỹ thuật canh tác lạc hậu như Ba Tri khi ấy, là ông đã cải tạo được một vùng nhiễm phèn mặn, mỗi năm làm lúa duy nhất một vụ dựa vào nước trời. Nửa năm mùa nắng còn lại ruộng bỏ không.
Chủ tịch huyện Huỳnh Văn Anh là người đã có chủ trương đào kinh dẫn thủy nhập điền đúng đắn và thực thi một cách quyết liệt, triệt để. Sau khi có sự thống nhất của Tỉnh ủy và sự đồng thuận từ huyện bạn Giồng Trôm, ông đã trực tiếp chỉ huy lực lượng đào đắp thủ công, có ngày lên đến 17 ngàn người. Khi đó cả nước còn nghèo, làm gì có máy cạp máy xúc công suất lớn, cạp một cái bằng người ta xắn đất cả buổi như hiện nay. Hậu thế nếu gọi đó là cuộc “đại cách mạng bằng len, xạn, cuốc, xuổng” cũng không sai.
Đầu tiên là kinh 9A, dài 18 kí-lô-mét, rộng 23 mét dẫn nước ngọt từ Giồng Trôm về Phú Ngãi, Ba Tri. Tiếp đến là kinh 9B dẫn về Tân Xuân, Bảo Thạnh, Tân Thủy… để thau chua, xổ phèn ra biển. Rồi liên tục những kinh sườn, kinh xương cá tỏa rộng. Như hệ thống mạch máu li ti, vận chuyển dòng máu mới thắm tươi, mạnh khỏe đi nuôi khắp một cơ thể yếu ớt. Trên bất cứ mặt trận nào người ta cũng thấy ông như vị tướng, đứng trên vọng gác với chiếc ống dòm lủng lẳng trước bụng. Hoặc khi ông xắn quần bước đi thoăn thoắt trên bờ kinh, đến thăm hỏi từng đơn vị. Lúc lại thấy ông xuống ruộng trò chuyện với từng nhà nông, rẽ từng tép mạ dưới ruộng lầy. Bởi vậy mà thành danh ông “Chủ tịch lội đồng”.
Chỉ hai năm sau, diện tích tưới tiêu, tầm bao quát của những con kinh ấy đã trùm phủ cả 5.455 héc-ta đất. Đã đưa Ba Tri từ canh tác lúa một vụ lên hai thậm chí ba vụ mỗi năm. Sản lượng lúa tăng đến 46.677 tấn, cao hơn 20.000 tấn so với trước giải phóng. Nó là tiền đề rõ ràng để dẫn dắt những mũi nhọn khác như y tế, giáo dục, giao thông, nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ, quy hoạch đô thị, nước sạch nông thôn, văn hóa xã hội… tiến theo. Là chủ đạo để hình thành nên gương mặt huyện Ba Tri sung mãn, giàu đẹp ngày nay. Nó làm thay đổi khá nhiều địa mạo xứ này. Cảnh quang sáng sủa hơn, xóa dần những mù mịt hoang vu.Điển hình dễ thấy nhất là khu rừng nước mặn chà là gai cập mé sông Ba Lai đã biến thành nông trường dừa, mía, tiền thân của xã mới Tân Mỹ và khu du lịch sinh thái Vườn chim Vàm Hồ rộng gần 70 héc-ta. Một điểm du lịch thu hút 2 ngàn lượt khách mỗi năm, là điểm đến cho ngành du lịch tỉnh Bến Tre.
Ông Huỳnh Văn Anh mất năm 2001 sau thời gian nghỉ hưu không lâu. Người dân Ba Tri mãi mãi nhớ về ông. Một người có tầm nhìn chiến lược, hết lòng yêu nước thương dân. Một đảng viên kiên trung, một lãnh đạo tài ba, quyết đoán. Và cũng là một vị chủ tịch huyện có cuộc sống thanh bần, trong sạch.
…
Những câu chuyện li kỳ
Đất Ba Tri là đất của vô vàn truyền thuyết, giai thoại đậm chất huyền bí, thâm u. Chuyện dị bản ông Cả Cọp ở Giồng Quéo xử án phân minh. Chuyện bà vú Ba ở Giồng Chi đỡ đẻ cho cọp được cọp trả ơn. Chuyện tinh sương đàn bà ra chợ phải rủ rê đông người, đốt đuốc gõ mõ kẻo bị cọp vồ đã thành hình địa danh Lâm Vồ. Chuyện bà Hiền sức khỏe vô song cõng người qua rạch. Bà tay không trầm mình đánh nhau với cá sấu, làm nên tên Rạch bà Hiền ở Tân Thủy. Chuyện đôi rắn thần trong bọng cây duối cổ thụ có thể phát ra tiếng gáy như gà ở An Lợi. Mỗi khi chúng bắt cặp, giao phối thì gió cuốn ào ào như trốt xoáy. Chuyện Trăm mẫu vua ban cho dòng họ Lưu ở An Thủy vì có công giúp chúa Nguyễn thời lao đao tẩu quốc bị Tây Sơn rượt nà. Nơi ấy có lăng thờ cá Ông Đông hải đại tướng quân. Chuyện lão nông hạ thịt cả đôi trâu vốn liếng cơ nghiệp để khao đãi quan quân tùy tùng, bầu đoàn thê tử hằng trăm người của Nguyễn Vương trong cơn đói khát hoạn nạn. Sau ngài cảm động sắc phong cho dân binh nghĩa dõng, lập đình Phú Lễ. Nơi có làn điệu hát Sắc bùa nổi tiếng.
Chuyện bà Cố Năm hiển linh ở Khu phố 2, được người dân lập miếu thờ nhiều nơi trong Thị trấn. Chuyện tiếng chân người bước đi rầm rập như cả đội quân đang diễu hành, tập trận lúc giữa khuya ở sân banh Ba Tri. Nơi trước đây Léon Leroy từng dùng làm pháp trường hành quyết sĩ phu yêu nước. Chuyện chùa Ông của người Tàu 7 bang ở An Hội thờ Quan Thánh vô cùng linh hiển. Có lão cù bơ cù bất quanh năm chuyên nghề lắc bầu cua kia say rượu giỡn mặt leo lên cưỡi con Xích thố to bằng con ngựa thật của ông bị ông bắt cứng ngặt tréo, méo mồm, tay chân bại liệt. Chuyện những đóm lửa ma trơi bay lửng lơ như người cầm đèn chong đi trong đêm vắng ở Gò Dinh. Chuyện cách nay không lâu, tại Cồn Nhàn, Cồn Hố, người trồng dưa, sắn còn bắt được heo rừng… Những chuyện kể nghe buồn dàu dàu có, sợ sệt có.
Chuyện lạ, chuyện cười thì nhiều lắm. Nhà ông Sáu Gương ở Giồng Chuối có con heo nái nuôi lâu năm, nặng mấy tạ. Riết rồi mến tay mến chưn, nuôi hoài như thú cưng. Còn kêu thợ đến chụp hình lưu niệm. Nuôi tới lúc nó chết thôi, lại cho chôn cất đàng hoàng. Chuyện ông Chín Cang ở Giồng Tre sống cà nhỏng như công tử, chuyên nghiệp nuôi nấng, o bế, vỗ heng, ôm gà đá cho Phó tổng thống gốc gác không quân Nguyễn Cao Kỳ. Mỗi khi ông Kỳ có độ gà là sai máy bay trực thăng xuống rước. Sau Giải phóng, chẳng biết tội gì mà sáng nào chính quyền xã cũng “mượn” ổng cầm chổi ra quét chợ. Nhưng quét chợ thì quét, ổng vẫn bận đồ bốn túi, chân mang dép da, tóc tém, đội nón nỉ tỉnh bơ trông thiệt là… công tử! Chuyện ông Tư Hựu, một trong 5 người giàu nhất Ba Tri mới sắm được chiếc mô tô Peugeot 350 phân khối bự bành ky nái. Chiều đem ra sân banh nổ máy phành phành tập dợt. Rồ ga sang số thì biết, nhưng bớt ga trả số, đạp thắng dừng lại thì chưa. Quýnh quáng nhắm mắt lủi đại vô đám trâm bầu đầy gai ắc ó rồi mắc kẹt, phải la làng kêu cứu. Vân… vân…. Ngoài ra, chuyện vui thời kháng chiến thì nhiều vô số.
Cái hài hước của người Ba Tri mộc mạc, chân chất, vô thưởng vô phạt, không cố tình xiên xỏ, phê phán ai. Nó không cường điệu, phóng đại siêu tưởng như chuyện bác Ba Phi ở Cà Mau. Cũng không tai quái, phá phách, thậm chí đến mức nhẫn tâm như chuyện Ba Giai, Tú Xuất. Nó gần gũi, dễ hiểu, chỉ làm vui khi người ta lao động, khề khà lúc tửu hậu trà dư. Thậm chí họ còn đem chính mình ra làm đối tượng tự trào. Người Ba Mỹ có câu hát từ lâu đã đi vào dân gian:
“Mỹ Nhơn, Mỹ Chánh, Mỹ Hòa
Ba Mỹ hợp lại chết bà bầy trâu!”
Họ vẫn vui vẻ cười xòa, có nhột nhạt gì đâu. Những câu chuyện thực hư mờ ảo, hòa quyện giữa hư cấu với hiện thực, trộn lẫn quá khứ với tương lai. Phần nào cũng đã phát họa được đôi nét về đất xưa, về tính nhân ái, lễ nghĩa, biết kính trên nhường dưới của người Ba Tri. Là giềng mối giao thoa hài hòa Thiên, Địa, Nhân. Liên kết giữa ba yếu tố trời cao, đất thấp và con người. Trong đó, con người luôn là yếu tố chính, ở vị trí trung tâm.
…
Con gái Ba Tri
Người Ba Tri khí khái, lạc quan, hào sảng, ăn to nói lớn. Tánh tình minh bạch, không ưa rụt rè, giấu giếm. Họ thường bảo, đàn ông nói chuyện lí nhí không hở răng là hạng tiểu nhân, thứ bỏ đi.
Người Ba Tri phát âm R và TR rất chuẩn. Riêng người Mỹ Nhơn nói chữ ĐƯỢC lạ tai, khó bắt chước. Dẫu có đi năm châu bốn biển, hễ nghe chữ Được này cũng dư biết gốc gác, nơi sinh thành của người ấy, nhất quyết là Mỹ Nhơn. Dân An Thuận, An Thạnh, An Lợi, ven biển Bãi Ngao nói DÀY thành DÀI, CÓ thành CỚ.
Con gái Giồng Tre trắng trẻo, chất giọng thanh tao, phong thái dịu dàng. Gái An Hiệp lông mày mướt rượt, dong dỏng chân dài. Đây là hai nơi có nhiều con gái đẹp nhất xứ Ba Tri. Đàn bà miền muối biển Bảo Thuận, Bảo Thạnh nước da bánh ít, đậm người, khỏe khoắn. Phụ nữ Giồng Bông giỏi giang, quanh năm gánh tưới đồ lê-ghim, ngày hai bận khỏe trăm. Con gái Bốn Mỹ mảnh khảnh, đảm đang cấy gặt. Lúa ba vụ siêng năng, lưng ong thắt đáy thắm đẫm mồ hôi, gợi cảm trên những cánh đồng vàng khiến khách lãng du khó lòng dời bước. Gái Phú Lễ tỉ mỉ, chuyên cần đươn đát. Trước lúc theo chồng thế nào cũng được mẹ cha dạy cho nghề kháp rượu làm vốn hồi môn…
…
Đời sống tín ngưỡng
Tôn giáo ở Ba Tri rất phát triển. Hầu như xã nào cũng có chùa Phật, Thánh thất Cao Đài, nhà thờ Thiên Chúa. Nhà thờ họ đạo Cái Bông là một ngôi nhà thờ đẹp có từ lâu đời (1783). Là nơi người dân hay vào tá túc mỗi khi giặc Pháp ruồng bố. Cũng là nơi Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo (1922 – 1965), từng là Tỉnh trưởng Kiến Hòa, đã vào nương náu. Được cha sở Gioakim Nguyễn Văn Quang khéo léo che giấu vài hôm trước khi mưu trí đưa ông trốn lên Tam Hiệp, Hố Nai, Biên Hòa. Lúc ấy nhiệm vụ, thân phận của ông đã bị bại lộ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu kết án tử hình, truy lùng gắt gao, treo thưởng đến 3 triệu đồng tiền hồi ấy. Vụ này lính chi khu Ba Tri biết nhưng cố tình làm ngơ bỏ qua.
Nổi bật nhất là đạo Phật. Rất nhiều ngôi chùa được trùng tu, xây mới nguy nga. Mùng một, ngày rằm mọi người hầu như đều ăn chay. Dịp rằm lớn khách viếng chùa đông tấp nập. Mùng hai, mười sáu hiệu buôn nào cũng có mâm trà bánh cúng cô hồn, các đảng trước nhà.
Trong việc ma chay, tang gia luôn thỉnh sư, ni đến tụng niệm. Và đặc điểm không chấp điếu. Tính kỹ ra, đây là sự lãng phí lớn. Có nhà phải vương nợ sau khi chôn cất người thân. Khách viếng tang bằng nhang đèn, bánh trái ẩm mốc, ôi thiu hư hỏng, chỉ có cái vỏ bên ngoài là đẹp. Nhang đèn vàng mã ấy sau tang sự không biết vất đi đâu cho hết. Bởi vậy mà Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã họp dân tuyên truyền, vận động biết bao nhiêu lần. Thà rằng cứ nhận tiền phúng điếu rồi gửi làm từ thiện vẫn hơn. Lý thuyết một lẽ. Nhưng để từ bỏ thói quen có từ ngàn đời là chuyện không hề dễ.
…
Ẩm thực miền quê
Ba Tri là nơi giao thoa của nhiều dân tộc với nhiều nền văn minh, văn hóa khác nhau. Ngoài người Kinh và số ít người Hoa, lại có người Khmer, ưa lá sầu đâu chấm nước cá kho, nhân nhẩn đắng. Cũng có người chỉ ăn cơm bốc bằng tay, không quen dùng đũa. Hình như gốc Ấn Độ, Mã Lai. Tuy hiếm hoi nhưng không phải không có.
Với sản vật, thức ăn dồi dào, nền văn hóa ẩm thực Ba Tri cực kỳ đa dạng, phong phú là lẽ đương nhiên.
Mùng hai Tết, phiên chợ heo quay do “chú Bồ” Trương Bửu bày ra đã quá trăm năm. Rộn rịp khắp mọi nẻo đường Thị trấn là nét đẹp ngày xuân ít nơi nào thấy. Là dấu ấn đậm nét của cộng đồng người Hoa lưu lạc đến đây sinh sống từ xa xưa. Giống xứ Tiệm Tôm, có món cá chét muối vùi chưng thịt ba rọi heo bằm, trứng vịt, gừng xắt sợi. Họ gọi là “Hầm dĩ chứng chí dục tản” (Hầm ngư cương trư dục noãn). Ăn sáng với cháo trắng quanh năm không ngán.
Mùa nào thức nấy. Tháng gió chướng lên, Giồng Lân ăn canh chua lá me non, bông so đũa, tép đất hay cá úc Trại Dà, ngon hết ý. Huỡn xúm tát đìa Lạc Địa, Cồn Quy bắt cá rô mề cập gắp nướng lá trâm bầu, thơm chới với. Lúa gặt, thoáng “Chiều Đông gió lạnh về” bên hồ sen Phú Ngãi thơ mộng nhậu chuột đồng nướng ngũ vị. Miệt ruộng bát ngát Mỹ Chánh nhiều rắn rằn ri cá, mùa mưa mập ú. Thứ này táp bỏ răng, lẹ như tên bắn, không độc. Nấu cháo xé phai chấm muối ớt chanh, lết bánh! Sáng trăng tà tà xuôi kinh Môn Nước, Bến Vựa nhậu vịt tàn thây đùm lá nhàu, tiêu sọ. An Thủy ê hề tôm cá, đủ loại khô quyến rũ. Nhiều lưu luyến nhứt là con cá gúng. Mùa Nam, sau mùng 5 tháng 5 cá nào cũng mỡ màng béo ngất. Ra đó nhớ thử món Nghêu bọc ny-lông ngọt đậm đà. Bạn ghe mời “quất” rồng biển hầm sả ớt mé Lộ bờ đình, rãn gân cốt. Trời sa mưa giông, lên Giồng Gạch soi ếch mồng tơi. Để nguyên da nướng mọi phết mỡ hành, trộn rau răm, đậu phộng rang đâm bể. Vô Bình Tây nhậu ốc bưu xông khói bếp từ hồi năm ngoái. Con nào ruột cũng sạch trơn, to cả nắm tay, luộc chấm mắm sả. Chạng cận Tết, ra Bến Đường Tắt hớt con rươi đỏ au về làm nước chấm. Khi đó cá kèo Thạnh Phước, Tân Xuân chạy đặc đầu. Sợ bể bung người ta phải đổ bỏ bớt. Cá kèo mập lù cẳng cái kho rồ với hành tím, chỉ dành mời… dì Út sấp nhỏ! Tới Bảo Thạnh nhậu cua gạch điều. Giết, gác dàn phơi một nắng hẵng luộc. Thịt bùi, gạch mềm béo hơn, không khô cứng, “xảm xì”. Hệt như dân Mỹ Hòa, hừng đông ra đồng bắt được con cá trê vàng, đập đầu rồi vùi xuống lầy, cặm cây làm dấu. Chiều về moi lên, thịt nó bủn bủn, nướng chấm mắm gừng, củ cải trắng. Đợi sáng, thả rề tới “chợ Ma” Phước Tuy. Hỗn danh và ngôi chợ chỉ nhóm vào ban đêm này đã có từ lâu lắm. Chính quyền dẹp mãi, cứ như ném đá ao bèo, tan rồi lại tụ. Kiếm vài con chim quốc, trích… về xóc nách nướng nhậu tàn canh. Xót ruột, ghé Giồng Cục, Giồng Trung ăn cháo cốt dừa nấu với cá vừa cất vó. Tạt xuống Giồng Nầng đào khoai lang tím. Luộc đinh chấm mỡ muối ngon lành. Xê chút nữa là xứ rừng xưa Thạnh Khương, Thạnh Thới có món đẽng bầm xào xúc bánh tráng. Quanh về An Hội, cá chạch kho nghệ nhậu ve kêu! …
Còn biết bao món ăn, cách ăn của người Ba Tri, trong khuôn khổ bài này không sao kể hết.
Có người gọi vui, đất Ba Tri là Thiên đường ẩm thực, không sai. Và cũng không sai khi nói Ba Tri đồng thời là Thiên đường của quà bánh.
Người Ba Tri ưa ăn hủ tíu, cơm tấm, cháo lòng điểm tâm. Có quán cháo trên đường lên mộ Cụ Đồ, nổi tiếng mấy chục năm nay, sáng ra đông ngẹt. Hôm nào nhậu bỏ cơm thì “đổ hồ” với món bánh canh bột xắt cua đồng, tép lột, khỏe re.
Nói về bánh kẹo thì Ba Tri có muôn vàn thứ. Bánh hỏi, bánh bột báng, bánh lá mơ, bánh sùng, bánh tằm, bánh mặn, kẹo đậu phộng, xôi lá cẩm, xôi mặn… Biết bao nhiêu thứ. Có những thứ chỉ có ở Ba Tri như bông lan giòn, bánh cuốn nhưn ngọt. Lại có thứ Tàu, ta phối hợp như bánh tiêu dồn xôi ngọt. Có những thứ thời nay đã trôi về quá khứ như kẹo da trâu, kẹo vé số, bánh in Hòa Lợi, bánh tổ của bà Hai bánh còng. Có món tuy người xưa khuất bóng nhưng may còn con cháu kế thừa. Như 3 loại bánh ít nhưn đậu xanh, nhưn dừa và nhưn tôm tuyệt hảo của bà Thân Bộ. Như bánh quy, xôi vò của bà Ba trường học…
…
Người Ba Tri rộng rãi, hiếu khách, xới cơm mời khách phải xới đầy vun. Tính cách xởi lởi, ăn cộc uống quạu, chặt to kho mặn đó thể hiện rất rõ trong… cái bánh dừa! Nó to hơn cườm tay, dài cả gang. Trong khi bánh dừa Biện Lễ, Bến Vinh, Giồng Luông, Thạnh Phú tao nhã, ốm, dài. Bánh dừa Sơn Đốc, La Mã, Hưng Nhượng, Giồng Trôm lại mũm mĩm, mập mạp nhưng vắn đòn. Bởi thế mà người lần đầu nhìn thấy chiếc bánh dừa Ba Tri đã vội thảng thốt Wow lên: “Bánh dừa đô vật!”. Ha… ha…!
Di sản, đất nước và con người Ba Tri là như vậy đấy. Vâng, là như vậy đấy!
Lâm Triều An