Ba Tơ (Quảng Ngãi): Khai thác giá trị văn hóa, lịch sử trong phát triển kinh tế du lịch
Nhắc đến Ba Tơ khiến người ta nghĩ ngay đến cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ lịch sử năm 1945. Ngày ấy, những chiến sĩ cách mạng trung kiên ở “căng an trí” Ba Tơ, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã cùng với đồng bào các dân tộc trong huyện tiến hành vũ trang, nhất tề nổi dậy, làm nên cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ thành công.
Ngày 25/12/2017, địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ được Thủ tướng ra Quyết định xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Căn cứ theo Hồ sơ di tích đã được chính phủ công nhận, Di tích này gồm 11 điểm di tích: Khúc sông Liên, Lò gạch Nước Năng, Nhà đồng chí Trần Quý Hai, Chòi canh Suối Loa, Đồn Ba Tơ, Nha kiểm lý, Sân vận động Ba Tơ, Bãi Hang Én, Bến Buôn, Chiến khu Nước Lá – Hang Voọt Rệp, Chiến khu Núi Cao Muôn.
Từ năm 1985, Tượng đài kỷ niệm và nhà Bảo tàng khởi nghĩa Ba Tơ đã được xây dựng, các điểm di tích đều có bia bảng chỉ dẫn. Việc Chính phủ ban hành Quyết định xếp hạng Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là di tích quốc gia đặc biệt có ý nghĩa sâu sắc, thêm một lần nữa khẳng định mảnh đất và con người Ba Tơ đã có những đóng góp tích cực vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, duy trì, vun đắp tình nghĩa Kinh – Thượng gắn bó keo sơn. Hiện nay, Ba Tơ trở thành địa điểm du lịch về nguồn hết sức ý nghĩa, là địa chỉ đỏ cho các thế hệ học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh đến tham quan, nghiên cứu và học tập.
Hàng ngày những người phụ nữ dân tộc Hrê ở làng Teng vẫn miệt mài bên khung dệt
Bên cạnh di tích lịch sử, đồng bào dân tộc Hrê ở huyện Ba Tơ vẫn luôn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo. Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Hrê ở xã Ba Thành; nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người Hrê, được Bộ VH-TT&DL chứng nhận là Di sản phi vật thể quốc gia. Hai di sản phi vật thể này, đang được các cấp chính quyền cùng người dân chung tay đầu tư, bảo tồn các giá trị văn hóa độc đáo và khai thác để góp phần cho phát triển du lịch trên địa bàn.
Cụ thể, những năm qua, huyện Ba Tơ đã và đang mở nhiều lớp để các nghệ nhân dạy nghề dệt thổ cẩm và đánh chiêng ba cho thế hệ trẻ. Người Hrê gọi chiêng là chinh. Tiếng chiêng ăn sâu vào máu thịt của người Hrê, từ khi lọt lòng đến lúc trưởng thành, dựng vợ gả chồng và cả khi qua đời. Do đó, chiêng ba đã trở thành một món ăn tinh thần độc đáo trong đời sống hằng ngày của đồng bào Hrê.
Ông Phạm Văn Rôm, Nghệ nhân trình diễn cồng chiêng chia sẻ: Chiêng ba có 3 chiếc. Chiếc lớn có tên là chinh Vông. Chiếc nhỏ hơn là chinh Tum. Chiếc nhỏ nhất là chinh Túc. Khi trình diễn, chinh Vông được để nghiêng, chinh Tum để nằm và chinh Túc treo trên dây. Với chiếc Tum, khi đánh cần phải có chiếc khăn quấn trên tay. Có khăn thì âm thanh mới hay, tiếng mới vang. Hai chiếc còn lại đánh bằng nắm tay. Khác với chiêng trên Tây Nguyên đánh bằng dùi, chiêng ba của người Hrê đánh bằng tay.
Tại Ba Tơ còn có làng Teng, xã Ba Thành, nơi duy nhất còn giữ được nghề truyền thống dệt thổ cẩm của người Hrê, đang mang lại nguồn thu nhập cho các hộ làm giữ nghề. Nghệ nhân Phạm Thị Thung bộc bạch: Trước đây, người phụ nữ dân tộc Hrê ngay từ lúc còn nhỏ đã được các mẹ, các bà dạy cách thêu, dệt. Cứ thế, dệt thổ cẩm trở thành nét văn hóa truyền thống đặc trưng, được duy trì qua nhiều thế hệ. Ngày nay, để gìn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại, tôi đã truyền dạy cho con cháu thế hệ sau.
Ngoài ra, huyện Ba Tơ còn có nhiều thắng cảnh mê hoặc lòng người như: Thác nước Cao Muôn (xã Ba Vinh), Lũng Ồ (xã Ba Động), hồ Núi Ngang (xã Ba Liên), nước quanh năm trong xanh mát rượi. Những ngày nắng ráo, trên đường đến thảo nguyên Bùi Hui (xã Ba Trang); nhìn về phía Tây sẽ thấy thị trấn Ba Tơ nằm êm đềm dưới thung lũng nhỏ…
Ông Lê Cao Đỉnh – Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Ba Tơ cho biết: Với những giá trị văn hóa, danh lam thắng cảnh và những di tích lịch sử hiện có, Ba Tơ có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Định hướng của huyện trong thời gian tới là, đưa du lịch phát triển, trở thành ngành kinh tế mang lại thu nhập cho người dân. Để thực hiện được mục tiêu này, địa phương cũng đang , tranh thủ các nguồn lực đầu tư tư các chương trình MTQG để giải quyết những vấn đề khó khăn về dân sinh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ngày càng bền vững…