[BT/F1: Tóm tắt kiến thức] Lesson 3: Môi trường kinh tế vĩ mô (The macroeconomic environment)

[BT/F1: Tóm tắt kiến thức] Lesson 3: Môi trường kinh tế vĩ mô (The macroeconomic environment)

Kinh tế học vĩ mô (Macroeconomics) là việc nghiên cứu tổng hợp các tác động của các quyết định của các đơn vị kinh tế cá thể (như hộ gia đình hoặc doanh nghiệp) đến nền kinh tế quốc gia. Trong bài hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về cơ cấu của một nền kinh tế, nó chịu tác động của các yếu tố gì và các quốc gia đưa ra các chính sách gì để quản lý nền kinh tế của họ.

I. Cơ cấu và mục tiêu của nền kinh tế

1. Cơ cấu nền kinh tế

Nền kinh tế được tạo nên từ các dòng thu nhập và chi tiêu. Giá trị của các dòng này là như nhau. Thật vậy:

Trong một nền kinh tế đóng, chỉ xem xét gồm doanh nghiệp và các hộ gia đình. Doanh nghiệp phải trả lương cho nhân công, đó là chi tiêu của doanh nghiệp nhưng là thu nhập của các hộ gia đình. Các hộ gia đình dùng tất cả khoản thu nhập đó để mua hàng hóa và dịch vụ của doanh nghiệp, đó là chi tiêu của các hộ gia đình nhưng là thu nhập của doanh nghiệp.
Khi xem xét nền kinh tế mở rộng, có sự can thiệp của chính phủ và các hoạt động xuất nhập khẩu khác, dòng thu nhập sẽ thay đổi. Các hộ gia đình sẽ bắt đầu bỏ bớt một phần khoản thu nhập trên họ thu được (withdrawals) để làm các mục đích khác như tiết kiệm (saving), đóng thuế (taxation) và chi tiêu nhập khẩu (import expenditure). Khi đó sẽ xuất hiện đầu ra cho các mục đích khác này. Đó là sự xuất hiện các tổ chức tín dụng nhận tiết kiệm các hộ gia đình và chi tiêu khoản tiền đó, chính phủ nhận tiền đóng thuế và phục vụ cho hoạt động chi tiêu chính phủ, nhu cầu nhập khẩu xuất hiện kéo theo các đơn vị quốc tế và các nhu cầu xuất khẩu.

2. Mục tiêu của các chính sách kinh tế vĩ mô

Chính sách kinh tế vĩ mô (Macroeconomic policy) là các chính sách và hành động mà chính phủ thực hiện để kiểm soát các vấn đề kinh tế.
4 mục tiêu của chính sách kinh tế vĩ mô sau:

II. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế

1. Tổng cung, tổng cầu và thu nhập quốc dân

Trước hết ta xem xét biểu đồ tổng cung và tổng cầu sau:

  • Tổng cầu (aggregate demand -AD) là tổng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế, bao gồm tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu của chính phủ và xuất khẩu trừ đi nhập khẩu.
  • Tổng cung (aggregate supply -AS) là khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế. Tổng cung có quan hệ cùng chiều với giá (P).

  • Mức cân bằng thu nhập quốc dân (Equilibrium national income – Y) là khi tổng cầu bằng với tổng cung. Đó chính là giao điểm của đường tổng cầu với đường tổng cung Toàn dụng lao động (Full employment) là trạng thái của nền kinh tế mà tất cả mọi người thuộc lực lượng lao động đều có việc làm.

  • Khi cầu lớn hơn cung, nghĩa là năng lực sản xuất trong nền kinh tế ở mức toàn dụng lao động không đủ để đáp ứng nhu cầu theo giá hiện hành, gây ra thay đổi về giá, nhưng không có sự thay đổi về sản lượng thực tế tạo ra khoảng trống lạm phát (inflationary gap).

  • Khi nền kinh tế không đạt được mức toàn dụng lao động, có sự chênh lệch giữa thu nhập quốc dân thực tế và thu nhập quốc dân khi toàn dụng lao động, tạo ra khoảng trống giảm phát (deflationary gap).

  • Lạm phát kèm suy thoái (stagflation) là tình trạng nền kinh tế có tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng trưởng kinh tế rất thấp/âm.

Như vậy, nền kinh tế rất ít khi ở trạng thái ổn định vì có sự thay đổi của các yếu tố khác nhau tác động đến nền kinh tế như lạm phát và thất nghiệp.

2. Chu kỳ kinh doanh

Chu kỳ kinh doanh (Business cycle/trade cycle) là quá trình biến động của thu nhập quốc dân có tính lặp. Ban đầu thu nhập quốc dân tăng trưởng nhanh chóng sau đó tăng trưởng chậm lại và sụt giảm, sau đó lặp lại quá trình.
Như vậy, một chu kỳ kinh doanh bao gồm bốn giai đoạn cơ bản sau:

  • Suy thoái (Recession): Tại điểm A, đường đồ thị bắt đầu đi xuống, nền kinh tế bước vào thời kỳ suy thoái, nhu cầu của người tiêu dùng giảm, doanh nghiệp bắt đầu giảm sản xuất, công nhân bị sa thải, thu nhập của hộ gia đình giảm, dẫn đến cầu tiếp tục giảm.

  • Khủng hoảng (Depression): Nếu không có bất kỳ kích thích nào đối với tổng cầu, một thời kỳ suy thoái hoàn toàn bắt đầu và nền kinh tế sẽ đạt đến điểm B – Khủng hoảng nền kinh tế.

  • Phục hồi (Recovery): Sau khi đạt đến điểm thấp nhất, đường đồ thị có xu hướng đi lên, đến điểm C nền kinh tế đã đạt đến giai đoạn phục hồi của chu kỳ. Sản lượng, việc làm và thu nhập đều sẽ bắt đầu tăng.

  • Hưng thịnh (Boom): Nền kinh tế sẽ tiếp tục mở rộng, đường đồ thị đạt đến điểm D – giai đoạn bùng nổ của chu kỳ. Trong thời kỳ này, năng lực và lao động sẽ được tận dụng tối đa. Tuy nhiên, sau một thời gian, nhu cầu sẽ ổn định lại và đầu tư giảm, nền kinh tế sẽ đi xuống, lặp lại chu kỳ.

Do đó, chu kỳ kinh doanh cũng là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ hoạt động của nền kinh tế.

III. Ảnh hưởng của các vấn đề kinh tế lên cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp

Chúng ta sẽ xem xét ảnh hưởng của 3 vấn đề kinh tế chính:

1. Lạm phát (Inflation)

a. Định nghĩa
Lạm phát (Inflation) là sự gia tăng mức giá nói chung hay sự giảm sức mua của đồng tiền.

b. Ảnh hưởng của lạm phát
Tỷ lệ lạm phát cao có hại và không mong muốn cho nền kinh tế bởi các ảnh hưởng sau:

  • Phân phối lại thu nhập và của cải theo những cách không mong muốn. Ví dụ, lương của bạn là $1,000, lạm phát làm giá cả tăng gấp đôi, lương của bạn vẫn là $1,000 nhưng giá trị thực của nó đã giảm đi một nửa.

  • Ảnh hưởng đến cán cân thanh toán: Một quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao hơn, nghĩa là đồng tiền của nước này bị giảm giá trị so với các quốc gia khác dẫn đến hàng xuất khẩu của nước đó sẽ trở nên tương đối đắt và hàng nhập khẩu tương đối rẻ và hậu quả là tình trạng thâm hụt thương mại

  • Gây ra sự không chắc chắn về giá trị của tiền và giá cả: Nếu tỷ lệ lạm phát không thể dự đoán một cách chính xác, không ai có thể xác định giá trị thực của tiền và giá cả. Khi đó, giá cả không thể hiện được đúng giá trị của hàng hóa, quá trình phân bổ nguồn lực sẽ trở nên kém hiệu quả hơn và việc ra quyết định hợp lý là vô cùng khó khăn.

  • Chi phí của việc thay đổi giá cả: Trong thời kỳ lạm phát cao, doanh nghiệp sẽ tốn thời gian và chi phí để lập kế hoạch và thực hiện thay đổi giá cả.

c. Nguyên nhân gây ra lạm phát

  • Lạm phát do cầu kéo (Demand pull inflation) xảy ra khi nền kinh tế phát triển mạnh và có tổng cầu cao, vượt quá khả năng cung cấp của nền kinh tế.

  • Lạm phát do chi phí đẩy (Cost push inflation) xảy ra khi chi phí của các yếu tố sản xuất tăng lên bất kể chúng có thiếu hụt hay không.

  • Lạm phát chi phí nhập khẩu xảy ra khi chi phí nhập khẩu thiết yếu tăng lên bất kể chúng có bị thiếu hụt hay không.

  • Kỳ vọng và lạm phát (Expectations & inflation): khi tỷ lệ lạm phát bắt đầu tăng lên, thì nguy cơ lạm phát kỳ vọng sẽ xảy ra. Điều này có nghĩa là, bất kể các yếu tố gây ra lạm phát có kéo dài hay không thì thu nhập trong tương lai, tiền lương và giá cả sẽ được nâng lên ngay từ bây giờ bằng với mức lạm phát kỳ vọng trong tương lai.

  • Tăng cung tiền (Money supply growth)

2. Thất nghiệp (Unemployment)

a. Tỷ lệ thất nghiệp

Tỷ lệ thất nghiệp được tính theo công thức sau:

Thất nghiệp bao gồm:

  • Những người thuộc lực lượng lao động xã hội lâm vào tình trạng thất nghiệp do: cắt giảm nhân sự, tự ý bỏ việc hoặc bị sa thải.

  • Những người không thuộc lực lượng lao động trước đó nhưng đang tìm việc làm (sinh viên, học sinh vừa tốt nghiệp đang tìm việc làm) hoặc những người tái gia nhập lực lượng lao động nhưng chưa có việc làm (những người làm nội trợ).

b. Ảnh hưởng của thất nghiệp

Thất nghiệp dẫn đến các hậu quả sau:

  • Mất sản lượng (Loss of output): Khi tỷ lệ thất nghiệp cao, nền kinh tế sẽ không tạo ra nhiều sản lượng như nó có thể.

  • Mất nguồn vốn con người (Loss of human capital): Người lao động thất nghiệp quá lâu sẽ mất dần kỹ năng.

  • Tăng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập (Increasing inequalities in the distribution of income): Khi thất nghiệp ngày càng tăng, người nghèo càng nghèo hơn.

  • Chi phí xã hội (Social costs). Thất nghiệp có thể gây ra các vấn đề xã hội như khó khăn của các cá nhân, và có thể làm gia tăng tội phạm như trộm cắp và phá hoại.

  • Gia tăng gánh nặng chi trả phúc lợi (Increased burden of welfare payments)

c. Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp

Dựa vào nguyên nhân, thất nghiệp có thể được phân thành các loại sau:

Phân loại

Nội dung

Thất nghiệp do tiền công thực tế (Real wage unemployment)

Xảy ra khi cung lao động vượt quá cầu lao động, nhưng tiền lương thực tế không giảm theo quy luật cung cầu của thị trường lao động.

Thất nghiệp ma sát (Frictional)

Các cá nhân thất nghiệp không có đủ thông tin về các cơ hội việc làm nên không tìm được việc

Thất nghiệp thời vụ (Seasonal)

Xảy ra trong một số ngành nhất định. Ví dụ: vào mùa đông, lượng người đi du lịch ít hơn mùa hè nên tỷ lệ thất nghiệp ngành du lịch vào mùa đông thường cao

Thất nghiệp cơ cấu (Structural)

Là dạng thất nghiệp dài hạn, xảy ra khi có những thay đổi về quy trình sản xuất hoặc sự suy giảm của một ngành dẫn đếnmức cầu lao động giảm

Thất nghiệp công nghệ (Technological)

Đây là một dạng thất nghiệp cơ cấu, khi công nghệ mới phát triển,máy móc dần thay thế con người dẫn đến nhu cầu lao động trong một ngành có thể giảm mạnh, ngay cả khi tổng sản lượng của ngành đang tăng

Thất nghiệp theo chu kỳ hoặc do thiếu cầu (Cyclical or demand-deficient)

Thất nghiệp này diễn ra theo chu kỳ kinh doanh. Cụ thể, giai đoạn phục hồi và hưng thịnh, tỷ lệ thất nghiệp sẽ thấp hơn. Còn trong giai đoạn suy thoái và khủng hoảng, tỷ lệ này sẽ cao hơn

3. Cán cân thanh toán (Balance of payments)

Cán cân thanh toán của một quốc gia ghi lại tất cả các giao dịch tài chính được thực hiện giữa các cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ của quốc gia đó với người tiêu dùng và tổ chức nước ngoài.
Cán cân thanh toán được chia thành ba phần:

  • Tài khoản vãng lai (current account): xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ

  • Tài khoản vốn (capital account): thay đổi dòng vốn đi vào và ra, chẳng hạn như các khoản vay giữa các chính phủ

  • Tài khoản tài chính (financial account): biến động dự trữ ngoại tệ của các chính phủ

Ở hầu hết các nước, xuất khẩu hàng hóa chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu chi của cán cân thanh toán, vì vậy khi nói đến thặng dư hoặc thâm hụt đối với cán cân thanh toán thường có nghĩa là thặng dư hoặc thăm hụt trong tài khoản vãng lai.

  • Thâm hụt cán cân thanh toán (trade deficit): xảy ra khi nhập khẩu của quốc gia vượt quá xuất khẩu, nghĩa là có một dòng tiền ròng ra khỏi quốc gia. Nước này sẽ cạn kiệt nguồn dự trữ và làm giảm xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Điều này sẽ gây khó khăn cho quốc gia trong việc huy động thêm nguồn tài chính.

  • Thặng dư cán cân thanh toán (trade surplus): xảy ra khi xuất khẩu vượt quá nhập khẩu, nghĩa là có một dòng tiền ròng vào trong nước. Điều này có thể làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ, từ đó có thể dẫn đến tăng tỷ lệ lạm phát và các vấn đề đi kèm.

IV. Các chính sách kinh tế

1. Chính sách tài khóa (Fiscal policy)

Chính sách tài khóa (Fiscal policy) là chính sách kinh tế của chính phủ về thuế và chi tiêu của chính phủ.

Trong trung và dài hạn, hầu hết các chính phủ muốn cân đối ngân sách (balance budget), nghĩa là thu nhập (từ thuế) và chi tiêu (số tiền cần chi ra cho các hoạt động bằng nhau. Tuy nhiên, chính phủ có thể sử dụng các chính sách tài khóa sau để tác động đến tổng cầu của nền kinh tế. Cụ thể:

  • Chính sách mở rộng (expansionary strategy): áp dụng khi có thâm hụt ngân sách (Deficit budget), là khi chi tiêu của chính phủ cao hơn thu nhập của chính phủ nhằm khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Để tài trợ cho thâm hụt, chính phủ sẽ cần phải vay tiền. Khoản vay này được gọi là Public Sector Net Cash Requirement (PSNCR). Chính phủ đã đưa thêm tiền vào nền kinh tế nhiều hơn so với số tiền đưa ra khỏi nền kinh tế giúp thúc đẩy tổng cầu và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Chính sách này thường được sử dụng khi tồn tại một ‘khoảng trống giảm phát’ trong nền kinh tế.

  • Chính sách thu hẹp (contractionary policy): áp dụng khi có thặng dư ngân sách (Surplus budget) là khi chi tiêu của chính phủ thấp hơn thu nhập của chính phủ, . Chính phủ muốn lấy tiền ra khỏi nền kinh tế, làm giảm tổng cầu. Chính sách này thường được sử dụng khi tồn tại ‘khoảng trống lạm phát’ trong nền kinh tế.

2. Chính sách tiền tệ (Monetary policy)

Chính sách tiền tệ (Monetary policy) là chính sách của chính phủ về cung tiền, hệ thống tiền tệ, lãi suất, tỷ giá hối đoái và sự sẵn có của tín dụng. Cụ thể:

  • Tăng lãi suất (interest rate): Tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí vay tiền cho các cá nhân và doanh nghiệp, dẫn đến giảm mức đầu tư của các doanh nghiệp và chi tiêu của các cá nhân, giúp giảm tổng cầu trong nền kinh tế. Ngoài ra, lãi suất cao khuyến khích các cá nhân tiết kiệm tiền, giảm chi tiêu

  • Tăng dự trữ bắt buộc (Reserve requirements): Tăng yêu cầu dự trữ sẽ làm giảm lượng tiền mà các ngân hàng có sẵn để cho vay, hạn chế cung tiền. Việc giảm lượng tiền cho vay cũng sẽ có xu hướng đẩy lãi suất tăng lên.

  • Nghiệp vụ thị trường mở (Open market operations): Bằng cách mua và bán trái phiếu của chính mình, chính phủ có thể thực hiện một số kiểm soát đối với nguồn cung tiền. Ví dụ, bằng cách mua lại trái phiếu của chính mình, chính phủ sẽ giải phóng tiền mặt trở lại lưu thông. Khi bán trái phiếu và chính phủ nhận lại tiền mặt, do đó đưa tiền ra khỏi lưu thông.

V. Bài tập minh họa

Câu 1: Government policy on taxation, public borrowing and public spending is:

A          Monetary policy
B          Fiscal policy

Phân tích đề:

Đề bài hỏi chính sách của chính phủ liên quan đến thuế, các khoản vay công và chi tiêu công là chính sách tiền tệ hay tài khóa.

Lời giải: B
Chính sách tiền tệ (đáp án A) là chính sách về cung tiền, hệ thống tiền tệ, lãi suất, tỷ giá hối đoái và tín dụng.

Câu 2: Which of the following government aims might be achieved by means of fiscal policy?

1. A redistribution of income between firms and households.
2. A reduction in aggregate monetary demand.
3. A change in the pattern of consumer demand.

A         Objectives 1 and 2 only
B         Objectives 1 and 3 only
C         Objectives 2 and 3 only
D         Objectives 1, 2 and 3

Phân tích đề

Mục tiêu nào sau đây của chính phủ có thể đạt được thông qua chính sách tài khóa?

1. Phân phối lại thu nhập giữa chính phủ và các hộ gia đình

2. Giảm cung tiền

3. Thay đổi mô hình cầu tiêu dùng

Lời giải: D
Mục tiêu 1 có thể đạt được bằng cách tăng (hoặc giảm) thuế đối với doanh nghiệp và giảm (hoặc tăng) thuế đối với hộ gia đình.
Mục tiêu 2 có thể đạt được bằng cách tăng thuế nhằm giảm thu nhập khả dụng của người tiêu dùng và do đó để giảm tổng chi tiêu trong nền kinh tế: những kết quả này sẽ dẫn đến giảm cầu tiền.
Mục tiêu 3 có thể đạt được bằng cách đánh thuế thu nhập hoặc thuế gián thu có chọn lọc đối với một số mặt hàng nhất định.

Author: Tran Trang