BS Hồ Mạnh Tường: Sinh con nên là một mục quan trọng trong kế hoạch “sự nghiệp” của phụ nữ, chứ không phải là “từ từ tính”
Về vấn đề này, chúng tôi xin được phép trích dẫn ý kiến của BS Hồ Mạnh Tường – Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội sinh sản châu Á – Thái Bình Dương.
Theo BS Tường, thời điểm có con phù hợp nên là một mục quan trọng trong kế hoạch “sự nghiệp” của phụ nữ, chứ không phải là từ từ tính, sau khi xong các việc “quan trọng” khác.
Vậy, phụ nữ nên có con ở độ tuổi nào?
Đây là điều mà rất nhiều chị em phụ nữ quan tâm, nhiều người cũng chưa rõ chuyện sinh con khi nào là phù hợp?
Phụ nữ nên sinh con ở độ tuổi nào là thích hợp nhất? (Ảnh minh họa).
Theo đó, phụ nữ càng lớn tuổi thì số trứng trên 2 buồng trứng càng giảm dần và chất lượng trứng cũng giảm, tỉ lệ trứng bất thường tăng. Đặc điểm trên làm cho phụ nữ càng lớn tuổi thì khả năng có thai càng giảm và tỉ lệ sẩy thai càng tăng, tỉ lệ biến chứng, bất thường của thai cũng tăng theo (sau 35 tuổi).
Trong xã hội hiện nay, phụ nữ có khuynh hướng trì hoãn việc có con. Chị em dành thời gian tuổi trẻ (<30) cho học hành (đại học, sau đại học) và cho sự nghiệp (tìm việc làm, thu nhập, vị trí…). Đến khi muốn có con thì nhiều phụ nữ ở độ tuổi mà việc có con đã trở nên khó khăn. Đây là một xu hướng của xã hội hiện đại, không chỉ ở Việt Nam.
Tuổi có thai tốt nhất ở phụ nữ là dưới 30 tuổi. Nếu trễ hơn, hãy cố gắng có con trước 35 tuổi. Sau 35 tuổi, nếu sau 6 tháng cố gắng mà chưa có thai, nên khám và điều trị tích cực, không nên chờ đợi. Muốn có con sau 40 tuổi là rất khó, mặc dù đa số phụ nữ chu kỳ kinh vẫn còn đều đặn. Khả năng có con của phụ nữ thường chấm dứt khoảng 5-7 năm trước khi mãn kinh (trước 45 tuổi).
Nhiều người cho rằng nếu kinh còn đều và đi siêu âm thấy nang noãn là vẫn còn có khả năng có con tốt dù đã trên 35-40 tuổi. Đây là quan niệm sai lầm, khiến nhiều phụ nữ bỏ qua thời điểm can thiệp sớm để có thai. Nhiều phụ nữ có con lần đầu dễ dàng, sau đó một thời gian lâu mới tính có con lại, và nghĩ rằng khả năng có thai cũng dễ dàng như trước. Không chắc đúng!
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường cùng vợ là bác sĩ Vương Ngọc Lan là một trong những người đầu tiên thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam, được xem là “cặp đôi vàng” hay “cặp đôi hoàn hảo” trong điều trị hiếm muộn, vô sinh ở nước ta hiện nay.
Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (thụ tinh trong ống nghiệm) không giúp buồng trứng có nhiều trứng hơn được, cũng không làm chất lượng noãn tốt hơn được. Các biện pháp điều trị hiện đại nhất chỉ giúp tận dụng tốt nhất khả năng còn lại của buồng trứng, để có thể có con. Nếu lớn tuổi, buồng trứng suy yếu, thường phải xin trứng để có con (phải làm TTTON).
“Sinh con đẻ cái” thật sự là một việc hệ trọng không thể thiếu của một gia đình ở Việt Nam. Đúng hay sai, còn tuỳ quan điểm mỗi người. Dù sao thì phụ nữ cũng nên hiểu biết về khả năng sinh sản, để có kế hoạch phù hợp cho việc học tập, lập gia đình, sinh con, nghề nghiệp.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Quyết định có hiệu lực từ ngày 28/4/2020 nhằm khuyến khích tỷ suất sinh ở những địa phương có mức sinh thấp, khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con.
Mục tiêu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế. Để đạt mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi; điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Trong đó, cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh của các địa phương có mức sinh khác nhau