BỆNH SỞI Ở TRẺ EM

BỆNH SỞI Ở TRẺ EM

BS Nguyễn Bích Ngân, BS khám và điều trị Nhi khoa, BVQT Phương Châu

1.

Bệnh sởi ở trẻ em là gì?

Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây thành dịch, lây truyền qua đường hô hấp do virus sởi gây ra. Bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, hay xảy ra vào mùa đông xuân, có thể xuất hiện ở người lớn chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc, phát ban. Bệnh có thể đem lại nhiều biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

2. Triệu chứng của bệnh sởi là gì?

– Giai đoạn ủ bệnh: 10-14 ngày.

– Giai đoạn khởi phát: 2-4 ngày: sốt cao, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi có viêm thanh quản cấp.

– Giai đoạn toàn phát: kéo dài 2-5 ngày, thường sau khi sốt cao 3-4 ngày, với đặc trưng chính là phát ban, từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân. Khi phát ban hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.

– Giai đoạn hồi phục: Ban nhạt dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu.

– Nếu không xuất hiện biến chứng thì bệnh tự khỏi. Có thể có ho kéo dài 1-2 tuần sau khi hết ban.

Nguồn: Sưu tầm

3. Khi nào cha mẹ cần đưa trẻ đến khám?

– Trẻ sốt cao liên tục ≥ 39°C- 40°C, li bì.

– Khó thở, thở nhanh, khàn tiếng.

– Nôn tất cả mọi thứ, không ăn uống được, co giật, lơ mơ,…

– Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.

4. Ba mẹ chăm sóc trẻ tại nhà như thế nào?

– Cách ly với trẻ lành

– Theo dõi nhiệt đô và hạ sốt cho trẻ khi sốt > 38,5 độ

– Vệ sinh thân thể, vệ sinh vật dụng quần áo xung quanh trẻ hằng ngày, để phòng thông thoáng

– Vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý hằng ngày

– Ăn uống đầy đủ tăng cường khi trẻ bệnh, thức ăn mềm, dễ tiêu và chia nhiều cữ nhỏ trong ngày.

– Không tự mua thuốc hoặc kháng sinh cho trẻ uống tại nhà mà không có chỉ định của bác sĩ.

5. Điều trị trẻ bệnh sởi như thế nào?

– Cách ly ngay với trẻ bệnh

– Điều trị chủ yếu là hỗ trợ, không có điều trị đặc hiệu: vệ sinh mắt, miệng, họng bằng nước muối sinh lý, tăng cường dinh dưỡng, hạ sốt, bù nước điện giải bằng đường uống hoặc truyền dịch nếu có chỉ định, bổ sung vitamin A theo chỉ định của bác sĩ.

– Điều trị biến chứng

– Không sử dụng corticod trong điều trị sởi.

6. Biến chứng của sởi là gì?

– Viêm phổi do virus, do bội nhiễm vi khuẩn.

– Viêm thanh khí quản.

– Viêm não màng não cấp tính

– Viêm tai giữa cấp

– Biếng chứng đường tiêu hóa: viêm niêm mạc miệng, viêm ruột.

– Co giật do sốt

– Suy giảm miễn dịch: làm bé dễ mắc các bệnh khác như lao, bạch hầu, ho gà, .. làm cho bệnh trở nặng hơn.

7. Phân biệt sởi với sốt phát ban như thế nào?

Sởi

Các nốt ban có màu sậm

– Ban có dạng sần, cảm giác gồ lên mặt da

– Ban xuất hiện theo thứ tự sau: Bắt đầu phía sau tai, lan xuống mặt, dần xuống ngực – bụng và nổi kín toàn thân

– Sau khi lặn, các vết ban để lại những vết “vằn da hổ”

Sốt phát ban

– Các nốt ban màu đỏ và sáng. 

– Ban mịn, ít sần sùi trên mặt da.

– Ban nổi đồng loạt khắp cơ thể và không theo thứ tự nào.

– Sau khi lặn, các vết ban thường không để lại sẹo hoặc vết thâm.

8. Phòng ngừa

– Tiêm vacxin là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất.

– Tiêm vaccin sởi đơn mũi đầu khi trẻ được 9 tháng. Sau đó, khi trẻ đủ 12 tháng có thể tiêm mũi kết hợp sởi – quai bị – rubella hoặc tiêm sởi – rubella khi trẻ được 18 tháng.

– Cách ly bệnh nhân và vệ sinh cá nhân: ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban, sử dụng khẩu trang phẫu thuật cho bệnh nhân, người chăm sóc, tiếp xúc gần và nhân viên y tế.

Tổng đài 1900 54 54 66 sẵn sàng hỗ trợ gia đình thông tin cần thiết.