Áp dụng thành công phương pháp Kaizen ở nhiều loại hình doanh nghiệp

Phương pháp cải tiến liên tục Kaizen là một trong những phương pháp cải tiến năng suất được áp dụng thành công ở nhiều loại hình doanh nghiệp.

Trong bối cảnh năng suất, chất lượng tiếp tục là quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp trước xu thế mới đến từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phương pháp cải tiến liên tục Kaizen tiếp tục phát huy giá trị và được đông đảo doanh nghiệp Việt Nam áp dụng.

Với triết lý đơn giản, phương pháp Kaizen tập trung vào xây dựng tinh thần cho người lao động, đưa cải tiến, đổi mới sáng tạo trở thành hoạt động liên tục, một nét văn hóa của doanh nghiệp, từ đó hoạt động cải tiến sẽ diễn ra một cách chủ động, tích cực, huy động được trí tuệ của mọi thành viên trong tổ chức.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung đầu tư cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, nhận thức của người lao động, đặc biệt hướng đến đào tạo các giải pháp, phương pháp cải tiến nâng cao năng suất.

Tại Công ty TNHH Sinh Việt (Bắc Ninh) – một DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hóa chất, trong quá trình phát triển, nhận thấy vai trò của người lao động là yếu tố then chốt quyết định năng suất, đặc biệt là tính chủ động, sáng tạo giữ vị trí trung tâm, công ty đã áp dụng phương pháp cải tiến liên tục Kaizen.

Việc áp dụng phương pháp này không những cải thiện năng suất lao động của doanh nghiệp mà còn giúp người lao động của DN này phát huy được tính sáng tạo, chủ động hơn, tích cực hơn trong các hoạt động cải tiến, thay đổi hoàn toàn tâm lý làm việc dập khuôn, máy móc, mệnh lệnh một chiều.

Những cải tiến của người lao động có giá trị rất nhỏ nhưng sức lan tỏa của nó rất lớn, nhiều bộ phận, phân xưởng, nhóm sản xuất đã học tập lẫn nhau, thi đua với nhau để có được nhiều cải tiến giá trị. Theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp, ngay cả khi dự án đã kết thúc, cải tiến và đổi mới vẫn đang diễn ra hàng tháng, hàng tuần, trở thành một phong trào sôi nổi toàn công ty.

Tại Công ty Xi măng Nghi Sơn, áp dụng phương pháp Kaizen được thể hiện ở việc DN đã tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc, thể hiện ở khả năng tập trung cải tiến và quản trị chất lượng, hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ khách hàng, gia tăng lợi ích sản phẩm để tối đa hóa sự hài lòng của khách hàng.

DN khuyến khích người lao động ở mọi cấp tham gia đề xuất để công ty phát triển tốt hơn bằng cách tạo ra một hệ thống quy chế hết sức rõ ràng và hệ thống này theo thời gian trở thành một tập quán trong công ty. Công ty phân loại và áp dụng mức thưởng cho từng sáng kiến, tiến hành phân tích để áp dụng sáng kiến và thưởng ngay trong tháng. Ngoài ra, còn có phần thưởng cuối năm cho các ý kiến tốt nhất.

Có thể thấy, 3 đặc điểm nổi bật của Kaizen tại mô hình Nghi Sơn là: Kaizen là những cải tiến nhỏ và từ từ thay vì cải cách đột phá; Kaizen dành cho mọi thành viên trong công ty chứ không chỉ cho những nhà quản lý và chuyên gia cao cấp; phần thưởng tiền bạc không phải là yếu tố quyết định, phần thưởng chỉ có ý nghĩa tượng trưng, ghi nhận sự đóng góp thay vì coi đó như một động lực chủ yếu.

Kaizen là hệ thống quản lý với các bước áp dụng không khó khăn hay phức tạp nhưng đòi hỏi sự phối hợp tốt và kiên trì giữa ban quản lý và nhân viên công ty và tính kỷ luật cao ở mỗi cá nhân. Việc thực hiện Kaizen cần được tiến hành liên tục để đên thay đổi lớn. Để thực hiện thành công kaizen, các doanh nghiệp cần thực hiện đúng quy tắc, các bước và có sự cam kết giữa lãnh đạo và nhân viên.

Tại Công ty TNHH Xây dựng, Cơ khí và Thương mại Bình Minh, DN chuyên sản xuất công nghiệp, Công ty đã cùng đội ngũ chuyên gia tư vấn của Viện Năng suất Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo, hướng dẫn thực hành phương pháp cải tiến Kaizen tại doanh nghiệp. Kết quả lớn nhất mang lại đó là việc thay đổi tư duy và nhận thức của người lao động, làm cho họ thực sự trở thành lực lượng tiên phong thực hiện cải tiến năng suất.

Nhờ đó, trình độ người lao động nâng lên đáng kể, người lao động được trang bị kiến thức về cải tiến năng suất thông qua phương pháp cụ thể, nắm chắc cả lý thuyết và được áp dụng trực tiếp trong sản xuất.

Cùng với đó, nhận thức, ý thức của người lao động về trách nhiệm bản thân đối với việc cải tiến, nâng cao năng suất của doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể, người lao động đã nhận thấy vai trò của mình trong việc đưa ra các ý tưởng, giải pháp cải tiến, mạnh dạn, chủ động đưa ra sáng kiến, không còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ.

Sau quá trình thực hiện dự án tại doanh nghiệp, đội cải tiến Kaizen tiếp tục duy trì hoạt động, trở thành nòng cốt trong việc triển khai các hoạt động cải tiến khác tại doanh nghiệp.

Hiền Nguyễn