Áp dụng lục hòa trong đời sống tại gia – Ô-Hay.Vn
Nội Dung Chính
ÁP DỤNG LỤC HÒA TRONG ĐỜI SỐNG TẠI GIA
Lục hòa là sáu nguyên tắc sống hòa hợp căn bản của những người đệ tử Phật, thường thì được áp dụng trong đời sống của người xuất gia ở trong chùa.
Tuy nhiên ở bài viết này tôi sẽ mở rộng, áp dụng sáu nguyên tắc trong đời sống của các Phật tử tại gia, còn đang có đời sống gia đình.
Nhằm mục đích giúp mang lại hạnh phúc và an lạc, giữ gìn gia đình hòa thuận bền vững, tốt đẹp.
Lục hòa gồm có sáu nguyên tắc :
1. Giới hòa đồng tu :
Giới chính những điều không được phép làm của người xuất gia hoặc tại gia.
Người tại gia thì giữ năm giới :
- Không sát sinh
- Không trộm cắp
- Không tà dâm
- Không nói dối
- Không say sưa nghiện ngập.
Giới hòa đồng tu nghĩa là những người tu trong một trú xứ cần thống nhất, cùng nhau giữ gìn các giới đã thọ nhận một cách nhất quán và đồng thuận, hòa hợp.
Giới luật chính là mực thước, là quy củ, giúp những người tu cùng nhau duy trì một lối sống phạm hạnh và đạo đức.
Do đó, việc giúp đỡ, hướng dẫn nhau, chỉ bảo cho nhau về những tiêu chuẩn của giới, khi nào phạm giới, khi nào thì chưa phạm, để cùng giúp nhau tiến bộ.
Đây là vấn đề rất tốt và nên làm.
Và cũng không nên chê trách thái quá các huynh đệ phạm giới mà không biết.
Ta phải cùng giúp đỡ trên tinh thần hòa thuận để cùng nhau tiến bộ.
Còn với người tại gia thì vợ chồng, con cái cùng nhau gìn giữ những điều không nên làm.
Như cùng nhau không sát sinh, không trộm cắp, gian dối nhau, không say sưa nghiện ngập chìm trong men rượu hay chơi game,…
Và hứa với nhau, nguyện sống một đời thiện lành, tốt đẹp.
Đây là bí quyết để làm nên hạnh phúc gia đình.
2. Thân hòa đồng trụ :
Đồng là cùng với nhau.
Trụ là ở.
Thân hòa đồng trụ nghĩa là người tu cùng chung sống với nhau trong một nơi, cần phải cùng nhau tham gia các sinh hoạt chung.
Ở chùa thì như vào thời tụng kinh, công phu tu tập, hoặc lao tác,….
Thì người tu cần cùng nhau tham gia trong tinh thần hòa hợp tích cực và chủ động.
Không vì những lý do cá nhân mà Quý Vị bỏ các buổi sinh hoạt tu tập chung, mà đi làm việc cá nhân ( trừ những trường hợp thật cần thiết ).
Với người tại gia, thì vợ chồng con cái cần thường xuyên gần gũi nhau.
Như những lúc ăn cơm, tối tụ họp nhau để chuyện trò,….
Vợ chồng không nên ở cách xa nhau, như vì các lý do công việc, hay gì đó…
Điều này rất dễ làm hạnh phúc gia đình đổ vỡ.
3. Khẩu hòa vô tránh :
Tránh có nghĩa là khác biệt, tranh đấu, tranh giành, biện luận.
Khẩu là cái miệng, nếu hiểu nghĩa bóng là lời nói.
Những lời nói của người tu với nhau cần sự hòa hợp, cần phải hiểu nhau.
Không nên tranh hơn, tranh thua, hay cũng không nên nói ác khẩu, lớn tiếng, nói thô lỗ với nhau.
Với người tại gia cũng thế, vợ chồng con cái, anh chị em cần nhường nhịn nhau.
Hãy tập nói lời ái ngữ, yêu thương và dịu ngọt, thành thật và đẹp lòng nhau.
Tránh và hạn chế tối đa sự xích mích, khẩu chiến, va chạm nhau.
4. Lợi hòa đồng quân :
Quân nghĩa là công bình hay bằng nhau.
Những người tu cùng ở trong chùa thì không nên cất giữ, chiếm hữu tài sản làm của riêng, mọi thứ nên dùng chung, lợi ích nên chia đều ra.
Như những vật phẩm Phật tử cúng dường nếu thấy huynh đệ nào còn thiếu thốn, không có, thì Quý Vị cần chia cho huynh đệ dùng, không nên có tâm tham mà chiếm hữu, cất cho riêng mình.
Với người tại gia cũng thế.
Tiền bạc, tài sản, của cải, vợ chồng cần công khai và nên sử dụng chung. Cả hai cần sử dụng hợp lý, nhất quán nhau, hiểu lẫn nhau.
5. Ý hòa đồng duyệt :
Duyệt nghĩa là nói, giải thích, hay giảng giải.
Ý nghĩ tư tưởng thì chẳng ai giống ai, mỗi người mỗi ý.
Do đó khi người tu sống chung với nhau, cùng tu, cùng làm việc thì sẽ có sự bất hòa xảy ra nếu không nhường nhịn nhau, vì mỗi người mỗi ý.
Có thể ý anh đúng, ý cậu chưa đúng, hay gần đúng,….nhưng cũng đừng vì thế mà Quý Vị chấp vào ý của riêng mình rồi nảy sinh tranh cãi, gây bất hòa, mất đoàn kết nhau.
Mà cần phải bình tĩnh, cùng nhau ngồi lại để suy xét rồi chọn ý tưởng đúng nhất, trên tinh thần hòa hợp, đồng thuận, và vui vẻ.
Còn với người tại gia cũng thế.
Các ý kiến của các thành viên trong gia đình nên được xem xét và ghi nhận khi cần đưa ra để xử lý mọi việc trong cuộc sống.
Vợ nên nghe theo ý chồng, nếu ý chồng là đúng.
Và chồng cũng thế, cũng nên nghe theo ý vợ nếu thấy ý kiến của vợ là hợp lý.
Sự đồng thuận và hòa hợp như thế, thì việc cãi vã nhau trong gia đình sẽ không xảy ra nữa.
Điều này sẽ góp phần rất lớn vào sự hạnh phúc trong gia đình của Quý Vị.
6. Kiến hòa đồng giải :
Kiến là chỗ thấy biết, chỗ hiểu tới.
Thường thì sự hiểu biết của con người là hữu hạn.
Có thế lĩnh vực này người kia là xuất sắc, nhưng ở mặc khác họ sẽ kém dở, nên ít có ai mà hoàn thiện, hay thật hoàn hảo.
Do đó, khi Quý Vị có hiểu được vấn đề gì thì nên chia sẻ cho người khác, nếu họ cần, trong tinh thần vui vẻ và tự nguyện chứ không có giấu diếm.
Và người tiếp nhận cũng thế, nên vui vẻ đón nhận. Nếu nhiều vấn đề mình chưa hiểu tới, hoặc hiểu khác ý người kia.
Thì cũng nên đưa ra quan điểm của mình một cách đàng hoàng, nhã nhặn, và luôn tôn trọng quan điểm của người kia.
Luôn lấy sự hòa hợp, lấy sự không chấp, không dính mắc khi đưa ra ý kiến làm kim chỉ nam cho sự tranh luận.
Tóm lại, lục hòa là sáu nguyên tắc rất hay, giúp người với người sống hòa thuận, sống vui vẻ và đoàn kết nhau.
Chúng là bí quyết giúp con người tránh sự xung đột, hay bất hòa với nhau.
Do đó Quý Vị cần nên đọc, học và chiêm nghiệm thật kĩ và áp dụng vào cuộc sống của mình, để có một cuộc sống hạnh phúc.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Cư sĩ Nhuận Hòa
>> Tham khảo ở: Tu học mỗi ngày trên Ô-Hay.Vn
Tu học mỗi ngày – https://www.facebook.com/251208732396932/posts/669480507236417