Áo dài và Thổ cẩm

Áo dài vẫn là áo dài. Thổ cẩm vẫn là thổ cẩm. Nhưng qua sáng tạo của nhà thiết kế K”Jona (TP Đà Lạt, Lâm Đồng), áo dài đã có một sắc diện khác, thổ cẩm cũng trở nên thanh thoát, vượt khỏi sự nặng nề cố hữu của chất liệu để bắt kịp xu hướng thời trang hiện đại.


Một số mẫu thiết kế thời trang áo dài thổ cẩm trong bộ sưu tập Thiên đường
Tây Nguyên của nhà thiết kế K’Jona.

Áo dài từ lâu đã là trang phục truyền thống, nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam. Áo dài phù hợp với mọi tầng lớp xã hội (người giàu, người nghèo), mọi lứa tuổi (trẻ em, người lớn, người già), mọi ngành nghề (giáo viên, công nhân, thương nhân)… đều có thể mặc đẹp áo dài. Suốt chiều dài lịch sử của mình, áo dài đã không ngừng biến đổi để ngày một hoàn thiện, từ phom dáng đến chất liệu, từ ngôn ngữ nền nã truyền thống đến ngôn ngữ phá cách hiện đại. Nhưng dù có biến đổi thế nào thì áo dài vẫn là áo dài, vẫn mềm mại, uyển chuyển, vẫn gợi cảm và kín đáo. Áo dài đem đến cho người phụ nữ Việt Nam một vẻ đẹp trang nhã mà cho đến nay chưa có một phục trang nào đủ sức thay thế.

Cũng như áo dài, thổ cẩm là di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số sống trên Cao nguyên Trung phần Việt Nam, tinh hoa của nghề dệt thủ công truyền thống. Từ đôi tay người phụ nữ, những tấm vải thổ cẩm nhiều màu sắc, nhiều họa tiết lần lần hiện ra, mang theo những câu chuyện, những mã văn hóa sống động. “Với mong muốn mang đến một hơi thở mới cho áo dài, cũng như tìm ra một cách thức biểu đạt mới cho thổ cẩm, tôi đã kết hợp áo dài với thổ cẩm, tạo nên bộ sưu tập thời trang Thiên đường Tây Nguyên”- nhà thiết kế K’Jona chia sẻ.

Từ tình yêu thổ cẩm, cộng thêm niềm đam mê thiết kế, anh đã khổ công nghiên cứu để tăng tính ứng dụng cho vải thổ cẩm bằng cách sáng tạo ra những mẫu hoa văn, họa tiết và màu sắc mới phù hợp với ý tưởng thiết kế, rồi hướng dẫn trực tiếp những người phụ nữ ở thôn Dà M’Pau (xã Đạ Đờn, H.Lâm Hà, Lâm Đồng) dệt theo những mẫu sẵn, qua đó tạo cho thổ cẩm trở nên bắt mắt hơn, hấp dẫn thị trường hơn. “Trên cơ sở những vẻ đẹp đã trở thành kinh điển của áo dài Việt Nam, tôi tìm cách phối hợp với những họa tiết hoa văn thổ cẩm Tây Nguyên, đồng thời phối hợp giữa thổ cẩm với các chất liệu hiện đại khác như nhung, voan, ren… nhằm tôn rõ vẻ đẹp mộc mạc và huyền bí của thổ cẩm, nhưng vẫn giữ được nét uyển chuyển, thướt tha của tà áo dài”- nhà thiết kế K’Jona chia sẻ thêm về bộ sưu tập mới nhất của mình.


Nhà thiết kế K’Jona và nhà thiết kế Minh Hạnh.

Chính sự kết hợp uyển chuyển những nét đặc trưng núi rừng nơi vải thổ cẩm cùng tà áo dài, anh không chỉ tạo nên những bộ thời trang áo dài vừa trẻ trung vừa có cá tính riêng biệt, mà còn tạo ra sự gắn kết giữa văn hóa bản địa Tây Nguyên và văn hóa người Việt. Quan trọng hơn, qua bộ sưu tập Thiên đường Tây Nguyên, nhà thiết kế K’Jona đã hiện đại hóa những giá trị của thổ cẩm và phát triển áo dài theo những chủ ý thời trang của mình nhưng vẫn đậm nét văn hóa truyền thống. Mỗi chiếc áo dài thổ cẩm do anh thiết kế đều có tính phù hợp riêng với từng khách hàng. Nhà thiết kế K’Jona tâm sự: “Thông qua bộ sưu tập thời trang Thiên đường Tây Nguyên, tôi muốn đưa thổ cẩm đến gần hơn với thời trang hiện đại, cũng như đem lại một cái nhìn mới mẻ về thời trang áo dài”.

Có thể nói, các mẫu thiết kế thời trang áo dài thổ cẩm trong bộ sưu tập Thiên đường Tây Nguyên của anh đã hiện thực hóa ý tưởng gìn giữ những nét đẹp của thổ cẩm Tây Nguyên, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp của áo dài Việt Nam. Nó vừa quen thuộc, gần gũi với lối sống hạo nhiên, phóng khoáng của con người Tây Nguyên, vừa có nét sang cả, kín mà gợi của tà áo dài Việt Nam.

Trịnh Chu