Anh hùng Lao động, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (1909-1968) là giáo sư, tiến sĩ khoa học y khoa, nguyên là Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của Việt Nam, người có tầm chiến có nhiều đóng góp lớn cho thành tựu của ngành y nước ta. Chính ông là người có công lớn nhất trong xây dựng chuyên khoa lao và phổi, tạo ra những nhân tố quyết định sự thành công trong công tác chống lao ở Việt Nam.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch năm 1957. Ảnh Sưu tầm
Không chỉ trong ngành y mà cả những người đã từng làm việc, tiếp xúc với ông trong và ngoài nước hay đến cả các bệnh nhân được ông chữa trị đã không hết lời ca ngợi cũng như thán phục về cái tâm và cái tầm của ông như: “Ông là người hành nghề y đạo chứ không phải y nghiệp”; “cái đức của ông lớn lắm, tài cũng lớn, ông không phải là thầy thuốc bình thường, nhất định sẽ làm nên nghiệp lớn”; “người thầy thuốc của dân, người thầy thuốc có tấm lòng nhân ái của Bồ Tát”; “đó là một người hiền vĩ đại”… Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2020), chúng tôi lược dịch và trân trọng giới thiệu với bạn đọc câu chuyện về bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trong cuốn “Việt Nam tiến bước năm 1959” hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
“Khi chúng tôi đến khu nhà E, anh Tư đã 2 lần cho máu ở 2 khu nhà khác. Mới đó mà anh vẫn còn tiếp tục đề nghị cô y tá lấy tiếp máu của anh thêm lần thứ 3. Cô ấy đã lấy lý do né tránh. Vì thế anh đã gọi tôi vào lấy cho anh 30cc nữa. Sau khi lấy được 10cc máu, tôi rút kim ra nói rằng nó đã bị tắc, người bác sĩ trẻ nói với tôi về bác sĩ Phạm Ngọc Thạch một cách đầy ngưỡng mộ. Nhân viên trong viện đều gọi ông bằng cái tên thân mật: Anh Tư, “anh trai thứ tư”. Các bệnh nhân được cứu thoát chết cũng được ông chăm sóc tận tình, khi ra viện đã viết: “Tất cả chúng tôi đều tin rằng không có một người mẹ, người vợ, người chị nào có thể chăm sóc ân cần và tình cảm hơn thế”.
Một đồng chí trong viện đã nghỉ hưu nói với tôi cách đây 3 năm: “Không có ngày nào trong tuần, kể cả chủ nhật mà không thấy ông ở viện, thậm chí cả đêm. Ông còn đảm nhận trách nhiệm nặng nề của Bộ trưởng Bộ Y tế. Thực sự bác sĩ sống quá ít cho bản thân mình”.
Lương tâm nghề nghiệp và sự tận tâm hết mình của ông đối với bệnh nhân đã có sức ảnh hưởng tích cực đến tất cả nhân viên của Viện. Nhiều bác sĩ và y tá được gọi đến làm việc ở Trung tâm Lao ban đầu còn thiếu nhiệt tình, nhưng với tấm gương của bác sĩ Thạch đã dạy cho họ yêu nghề của mình hơn.
Trong thời kỳ Kháng chiến, bác sĩ Thạch là người đầu tiên ở Việt Nam áp dụng thành công phương pháp Filatov trong điều trị sốt rét. Phương pháp đó đơn giản và ít tốn kém đã được sử dụng rộng rãi.
Từ khi hòa bình lập lại, với tư cách là Thứ trưởng và sau đó là Bộ trưởng Bộ Y tế, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã có nhiều đóng góp cho việc xây dựng các dịch vụ y tế công. Chính ông là người đảm nhiệm tổ chức “Bệnh viện miền Nam” trong lúc điều kiện vô cùng khó khăn để chữa cho hàng nghìn đồng bào tập kết ra Bắc. Bác sĩ Thạch cũng đã chuyển bệnh viện này thành Viện chống Lao, Viện đầu tiên nghiên cứu và điều trị bệnh lao ở Việt Nam.
Lúc mới bắt đầu, bác sĩ Thạch tiếp tục chữa trị lao theo phương pháp cổ điển. Ông thậm chí còn ngủ cả trong phòng chụp X-quang gần phòng bệnh nhân. Nghĩ rằng phương pháp cổ điển sẽ chỉ mang lại kết quả hạn chế, nên ông đã chuyển hướng nghiên cứu của mình theo hướng đi mới. Ông đã kết hợp phương pháp Filatov với châm cứu của Trung Quốc để đưa ra phương pháp điều trị bệnh lao phổi hiệu quả hơn nhiều. Phương pháp này đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều bệnh viện khác nhau và đã cứu chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân. Theo thống kê, có 80% các trường hợp mắc lao từ 1 đến 2 năm đã điều trị ở Viện Lao, được ông chữa khỏi.
Trong báo cáo về phương pháp điều trị mới tại Đại hội IV của các chuyên gia lao họp tại Mat-xit-cơ-va tháng 6/1957, bác sĩ Sébanov đã kết luận: “Châm cứu kết hợp hóa trị liệu đã chứng minh sáng kiến thông minh của các bác sĩ Việt Nam trong việc kết hợp các phương pháp Filatov, Pavlov và và châm cứu Trung Quốc.”
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tham gia công trình thủy lợi cùng sinh viên trường y. Ảnh Hoang Linh – Nguồn TTLTQG I
Dịch từ bài viết “le docteur Pham Ngoc Thach Héros du Travail” của tác giả “Manh Hong” đăng trong cuốn “Vietnam en marches 1959”- Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.