Ăn uống ở trời Tây – Thanh niên, Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ

Bài tham dự cuộc thi Hành trình nước Mỹ

Tác giả: Nguyễn Minh Hiển, PhD student in Economics at the University of Missouri-Columbia.

 —

Chào các bạn,

Ăn uống có lẽ là một trong những điểm chung nhất của mọi nền văn hóa. Ăn uống thể hiện văn hóa và thông qua ăn uống con người có liên hệ tình cảm chặt với nhau. Vậy mình chia sẻ hành trình nước Mỹ qua câu chuyện ăn uống của mình nhé.

Chu du thiên hạ để học ăn uống

Mình tới nước Mỹ vào mùa đông lạnh giá ở Vermont đầu năm 2005 và những ngày đầu là lọ mọ mỳ gói tới cả tuần. Mình ở tạm tới cả tuần đầu tiên trong một cái motel gần trường. Không có xe cộ mà đi bus thì cũng lạnh và chưa biết đường, mình chén tạm Mỳ gói đến ngán. 🙂

Sau đó, mình dọn về sống với anh bạn Việt duy nhất ở cùng trường kỳ đầu tiên và nấu kiểu Việt Nam truyền thống, cái khác là bọn mình đều không phải dân biết nấu ăn nên cũng đơn giản: nấu cơm trắng, xào thịt với rau với tý nước mắm. Mình bắt đầu biết đến đồ ăn Mỹ như pizza/hamburgers khi ăn thử ở ngoài và thỉnh thoảng ăn chùa ở những party ở trường. Cái mình cảm giác lúc đó là đồ ăn Việt ăn được nhưng có vẻ nhanh đói, đồ ăn Mỹ có vẻ nhiều năng lượng và chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt. Do đó mình thỉnh thoảng bắt đầu ăn uống kiểu “giàu năng lượng” và úm ba la, hết kỳ đầu lên cân thấy rõ. 🙂

 IMG_0583.JPG

Sau kỳ đầu tiên, thôi thúc bởi nhu cầu chạy ra ngoài để giao lưu văn hóa với người Mỹ , mình dọn ra ngoài sống với hai cậu người Mỹ rất dễ chơi và bắt đầu có trải nghiệm các loại đồ ăn khác nhau và có quan niệm trộn lung tung. Bọn mình cũng hay ăn chung với nhau. Mình nấu cho các bạn Mỹ ăn và họ cũng chia sẻ với mình đồ ăn của họ.

Một câu chuyện mình ấn tượng mãi là cách Noah nấu cơm rang: Trước tiên Noah cho đám cơm trắng mới nấu ra cái chảo to đùng, cho thịt, rau các loại lên. Bước thú vị tiếp theo là  tiện gia vị gì thì Noah cho cái đấy: mù tạc Nhật một ít, nước mắm, gia vị Thái, cà ri, ớt tương…chứ không chỉ toàn nước mắm như mình. Noah như một cậu bé chơi lego với đám đồ ăn. Kết quả là bọn mình được bữa ăn rất ngon. Mình rất thích món đó.

Cách tiếp cận với ăn uống của Noah cũng ngoài công thức. Một lần mua kem về ăn, Noah lấy kem cho lên cơm trắng Việt Nam để ăn. Mình thấy lạ nhưng ăn thử cũng thấy OK và ngon. Tại sao lại không nhỉ?

Noah cũng thích thử tất các gia vị khác nhau của Việt Nam. Một lần, mình kiếm về một lọ mắm sặc cho Noah mở thử. Ặc, mắm bắn nên sủi bọt như sô đa vào người và áo Noah. Khỏi phải nói chắc các bạn cũng biết cảm giác của anh chàng người Mỹ này kinh khủng như thế nào khi chạm phải “mắm thối Vịt Nan” =))

 DSC_0493.JPG

Qua Noah và những người Mỹ khác mình biết đến những đồ ăn hữu cơ, chợ nông dân và rất nhiều buổi giao lưu potluck với đám sinh viên trường. Mình biết đến những món ăn homemade ở nhà các gia đình người Mỹ rất ngon như banana walnut bread, mình chứng kiến roommate của mình làm bánh mỳ ở nhà.  Mình biết đến microbreweries – loại bia làm quy mô nhỏ ở địa phương chất lượng tuyệt vời dù có thị phần nhỏ. Mình từng đi uống thử rượu vang từ một business ở địa phương, tò mò hỏi về quy trình làm rượu và bà chủ nhiệt tình gọi điện bảo ông chủ dẫn mình tới tận nhà xem họ làm rượu vang và giải thích các loại rượu ở Mỹ ra sao. Mình thử các loại cà phê, trà của các nước khác nhau pha theo những kiểu khác nhau.Thật hết sức đa dạng, mỗi nơi một kiểu và may mắn sao mình thưởng thức được hết.

 DSC_0713.JPG

Tại sao những cửa hàng đồ ăn nhan nhản bên ngoài như McDonald, Wendy’s bình thường vậy mà đồ ăn tự nấu ở quy mô nhỏ lại ngon như vậy? Mình nghĩ đó chính là văn hóa công nghiệp và tính cách Do It Yourself của người Mỹ. Các cửa hàng ở ngoài nhấn mạnh yếu tố convenience, cần phải nhanh gọn. Nhưng khi ở nhà với nhu cầu thưởng thức, con người ta Do It Yourself với kiểu cách riêng độc đáo và chất lượng. Khi mình tới thư viện công cộng tìm sách nấu ăn thì thôi rồi: thật là tràn ngập!

Chính nhờ trải nghiệm ở Vermont, mà sau khi xuống Connecticut làm việc, mình thử các loại đồ ăn: mình vào cửa hàng rau quả  Ấn Độ và mua thứ để nấu thử ở nhà. Có ít thu nhập, mình cũng thử ăn ở một lô các nhà hàng của các nước khác nhau để trải nghiệm văn hóa của họ. Khi có bạn đời, bọn mình cũng nấu đủ kiểu và xen lẫn cơm trẳng dùng cả gạo nâu, bánh mỳ, spaghetti, các loại cereal khác như barley, couscous, các loại bean. Bọn mình cũng tự nướng lấy bánh mỳ ở nhà.

Khi bọn mình quay lại đi học ở Missouri, mình gặp lại nhiều bạn Việt học cùng trường. Từ các bạn mình lại học thêm được cách nấu các món ăn Việt khác mình ít biết và đặc biệt là học thêm được nghề làm vườn. Rất thú vị, nấu ăn với những thứ rau thơm ở vườn do chính bọn mình trồng ra. Con người làm bạn với thiên nhiên. 🙂

Cứ dần dần như thế của quá trình sống ở Mỹ mà cái vỏ văn hóa mà mình mang từ Việt Nam qua bị vỡ dần ra. Không nhất thiết là “thoái hóa biến chất” mà có cái vỏ mới to hơn chứa cả Mỹ lẫn Việt lẫn Ấn Độ, Hàn Quốc, Ý trong một nồi cơm rang. 🙂

Bầu bạn khi ăn uống

Khi sang Mỹ mình vẫn mang theo quan niệm về good times ở nhà: đó là ăn, uống say và… không dừng được. Nhưng ở Mỹ thì đa phần mình cô đơn bởi lúc đầu ít bạn. Do đó thỉnh thoảng cần excitement – con người bình thường ai chẳng cần excitement – mình uống bia và nhậu một mình và sau đó trống rỗng. Mình cũng tham gia vào các potluck parties bia rượu. Biết mình uống bia ở quán và lái xe một mình về nhà, bà Susan, cô giáo ở nhà thờ dạy kèm tiếng Anh miễn phí cho mình rất lo và bà cầu nguyện suốt.

DSC_0713.JPG

Mình chủ động làm quen, gặp gỡ và ăn uống với những nhóm người khác nhau để hiểu về cuộc sống đa dạng trên đất Mỹ: những người vô gia cư, những người theo đạo, những nhóm thể thao, âm nhạc… Mình thấy thích ở họ là đa phần – chủ yếu những người theo đạo, là họ hầu như không cần bia rượu để kích thích mà vẫn vui và sống có ý nghĩa. Họ quan trọng bầu bạn trong ăn uống và kể chuyện về những trải nghiệm cụ thể và pha trò với nhau. Bữa ăn đặc biệt thú vị giữa những người có định hướng về ý nghĩa cuộc sống. Sau khi ăn, mọi người thường chơi game và vừa chơi vừa nói chuyện. Những buổi Barbeque chơi game và ăn uống rất thú vị. Đặc biệt mình thích nhất ngày Lễ Tạ Ơn bởi đó là khi ông bà cha mẹ con cái người Mỹ đoàn tụ và thể hiện tình cảm với nhau trong một xã hội có tính cá nhân cao.

Học từ các cộng đồng ở Mỹ, mình bỏ nghiền bia rượu và bỏ luôn định nghĩa cũ của mình về good times. Mình cũng chơi nhiều hơn với những nhóm bạn lành mạnh. Khi mình tổ chức party với các bạn Việt mình ít mời  bia rượu mà dành thời gian để chia sẻ những câu chuyện hay pha trò có tính xây dựng. Bọn mình cũng tổ chức potluck nhiều hơn là nấu mời mọi người. Bọn mình hay nấu những món Việt để mời các bạn Mỹ và những món quốc tế để mời những bạn Việt.

Ăn uống là một cách rất thực tế để thưởng thức thế giới đa dạng của chúng ta, phải không nhỉ?

Chúc các bạn một ngày tinh tấn,

Nguyễn Minh Hiển
Columbia, Missouri, USA
Email: [email protected]