An toàn thực phẩm dịp Tết: Đến hẹn lại lo
Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân ngộ độc methanol tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: TL.
Gia tăng ngộ độc dịp cận Tết
Theo báo cáo của Bộ Y tế, chỉ tính riêng trong tháng 12/2022, cả nước đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 758 người bị ngộ độc và 4 trường hợp tử vong (tăng 5 vụ ngộ độc, tăng 738 người bị ngộ độc và tăng 1 người tử vong so với tháng 11/2022). Như vậy, tính chung trong 12 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong.
Riêng tại Hà Nội, trong năm 2022, trên địa bàn xảy ra 2 trường hợp ngộ độc methanol (cồn công nghiệp); 29 người gặp sự cố về an toàn thực phẩm, đã được điều tra và xử lý kịp thời.
Những ngày qua số lượng bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng. Ngoài ngộ độc thực phẩm, thời điểm này, gần như ngày nào Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc, cấp cứu do liên quan đến ngộ độc rượu. Tết Nguyên đán 2023 đang đến gần, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân đang tăng lên. Lợi dụng tâm lý và nhu cầu của người dân, các đối tượng tranh thủ đưa ra thị trường các loại thực phẩm kém chất lượng nhằm trục lợi.
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, ngộ độc thực phẩm thông thường do 3 nguyên nhân chính là thực phẩm bị nhiễm vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố của vi sinh vật (độc tố vi khuẩn); thực phẩm bị nhiễm hóa chất; bản thân thực phẩm có độc (chất độc có tự nhiên trong thực phẩm là thực vật, động vật như cá nóc, gan cóc, trứng cóc, vỏ sắn, nấm độc, lá ngón…). Vì tác nhân gây độc là đa dạng nên triệu chứng của ngộ độc thực phẩm cũng khá đa dạng. Tùy vào loại nguyên nhân gây độc mà triệu chứng ngộ độc có thể xuất hiện sớm sau vài giờ hoặc muộn trong một vài ngày. Hầu hết các triệu chứng thường bắt đầu từ đường tiêu hóa, như: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng quằn quại… xảy ra vài phút, vài giờ, thậm chí một ngày sau khi ăn. Trường hợp nặng, người bệnh có thể có biểu hiện bệnh phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hóa, mà ở các cơ quan khác, như: Thần kinh, tim mạch, hô hấp.
Siết kiểm tra an toàn thực phẩm
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2022 các đoàn thanh, kiểm tra của thành phố đã phát hiện hơn 10.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 1.403 cơ sở với số tiền gần 24,8 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 4 vụ. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho hay: Các vi phạm về an toàn thực phẩm chủ yếu trong năm 2022 là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc giấy chứng nhận hết hạn; không tiến hành khám sức khỏe, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người lao động; không bố trí sản xuất theo nguyên tắc một chiều; kinh doanh hàng hóa là lương thực, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm… Do đó, không chỉ lo về ngộ độc rượu, khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao, người dân cũng cần cảnh giác với những loại hàng giả, hàng kém chất lượng.
Ông Đặng Thanh Phong – Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thông tin, bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lấy mẫu kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các thực phẩm lưu thông nhiều trong dịp Tết, các sản phẩm rượu, nhất là các loại rượu được sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, không rõ nguồn gốc. Kết quả kiểm nghiệm sẽ được thông báo rộng rãi để người tiêu dùng biết, tránh sử dụng những sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Cơ quan chức năng sẽ tập trung kiểm tra những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết và dịp lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm. Đồng thời, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các cơ sở đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống…; kiểm soát chặt hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng…
Ông Phong khuyến cáo, người dân nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời và báo cơ quan chức năng, địa phương về sản phẩm thực phẩm không an toàn để kiểm tra, xử lý theo quy định.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), với rượu, bia không có ngưỡng nào là an toàn. Không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai, lon bia 330ml (5%); 1 cốc bia hơi 330ml; 1 ly rượu vang 100ml (13,5%); hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%).