Ăn nhiều đường có bị tiểu đường không? Ăn nhiều đường có tốt không?
Đường là loại gia vị quen thuộc khi chế biến các món ăn và đồ uống. Tuy nhiên, khi cơ thể bạn dung nạp quá nhiều đường hay thiếu lượng đường cần thiết sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Hãy cùng chuyên mục Mẹo vào bếp của Điện máy XANH tìm hiểu về nhu cầu dùng đường của cơ thể nhé!
Nội Dung Chính
1. Ăn nhiều đường có tốt không?
Có thể gây tăng cân
Một trong những nguyên khiến tỷ lệ người mắc béo phì ngày càng tăng trên thế giới chính là ăn quá nhiều đường, đặc biệt là đường có trong các thức uống. Các loại thức uống như nước ngọt, nước trái cây và trà ngọt đều chứa rất nhiều lượng fructose – một loại đường đơn.
Việc tiêu thụ đường frutose sẽ làm tăng cảm giác đói và thèm ăn hơn đường glucose – loại đường có trong các loại thực phẩm giàu tinh bột. Bên cạnh đó, tiêu thụ quá nhiều đường đơn sẽ gây ra chứng kháng leptin. Đâylaf một loại hormone giúp cơ thể điều chỉnh cảm giác đói, khiến bạn tiêu thụ thức ăn mất kiểm soát và gây ra chứng béo phì.
Một cuộc nghiên cứu trên những người thường xuyên uống nước ngọt, nước trái cây cho thấy những người này có nguy cơ mắc chứng béo phì nhiều hơn những người không uống.
Ngoài ra, uống nhiều thức uống có đường còn dẫn đến việc tăng lượng mỡ trong nội tạng, mỡ bụng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường và bệnh tim.
Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Một chế độ ăn có nhiều đường sẽ khiến cơ thể dễ mắc các bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh tim. Các chuyên gia sức khoẻ khuyên không nên ăn quá nhiều đường bởi có thể gây ra béo phì, làm tăng lượng đường trong máu, tăng huyết áp từ đó dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Ngoài ra, ăn nhiều đường còn là tác nhân gây ra chứng xơ vữa động mạch.
Một cuộc nghiên cứu trên 30.000 người tiêu thụ khoảng 17 – 21% lượng calo đường cho thấy những người này có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao hơn 38% so với những người chỉ tiêu thụ đường ở mức thấp khoảng 8%.
Có thể gây ra mụn trứng cá
Một chế độ ăn chứa nhiều đường sẽ dẫn đến nguy cơ phát triển mụn trứng cá. Bởi thực phẩm chứa nhiều đường làm tăng hàm lượng insulin và đường trong máu, gây tăng tiết androgen, khiến da dễ đổ dầu và trở nên viêm nhiễm, từ đó xuất hiện mụn trứng cá.
Một cuộc nghiên cứu thực hiện trên 2.300 thanh thiếu niên, kết quả cho thấy những người có chế độ ăn nhiều đường thường có nguy cơ phát triển mụn trứng cá cao hơn khoảng 30% so với những người tiêu thụ đường ít hơn. Vì thế, để có một làn da đẹp và hạn chế bị mụn, bạn nên xây dựng cho mình một chế độ ăn lành mạnh nhé!
Làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2
Tiêu thụ quá nhiều đường sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh béo phì, từ đó gây ra bệnh tiểu đường. Các chuyên gia sức khoẻ cho biết, cơ thể dung nạp nhiều đường trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng kháng insulin – một loại hormone giúp cân bằng lượng đường trong máu. Việc cơ thể bị kháng insulin, làm giảm khả năng điều chỉnh lượng đường sẽ khiến cơ thể dễ mắc bệnh tiểu đường hơn.
Nghiên cứu ở hơn 175 quốc gia cho thấy, uống một lon nước ngọt hay nước trái cây đóng chai sẽ làm tăng 1,1% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư
Bên cạnh việc gây ra béo phì, tiểu đường, ăn quá nhiều đường còn làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư cho cơ thể. Chế độ ăn nhiều đường gây ra chứng kháng insulin và làm tăng tình trạng viêm – hai yếu tố chính gây ra bệnh ung thư.
Một cuộc nghiên cứu trên 430.000 người cho thấy, tiêu thụ nhiều đường sẽ dẫn đến các bệnh ung thư nguy hiểm như ung thư thực quản, ung thư màng phổi và ung thư ruột non.
Bên cạnh đó, các cuộc nghiên cứu khác trên những người phụ nữ hay ăn bánh ngọt cũng cho thấy rằng họ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư nội mặc tử cung cao hơn 1,42 lần so với những người phụ nữ có chế độ ăn lành mạnh.
Làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm
Bên cạnh áp lực do công việc, cuộc sống, một chế độ ăn có nhiều đường cũng dễ khiến bạn trở nên trầm cảm hơn. Đường có thể khiến tâm trạng con người trở nên tiêu cực bởi sự thay đổi đường huyết, rối loạn điều hoà dẫn truyền thần kinh và chứng viêm gây nên.
Một cuộc nghiên cứu trên 8.000 nam giới cho biết, những người tiêu thụ 67gr đường mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn 23% so với những người chỉ ăn khoảng 40gr đường mỗi ngày.
Bên cạnh đó, một cuộc nghiên cứu trên 69.000 phụ nữ cũng cho thấy những người tiêu thụ nhiều đường có khả năng bị trầm cảm cao hơn so với những người có lượng đường tiêu thụ ít hơn.
Làm tăng nhanh quá trình lão hóa
Không chỉ gây ra mụn trứng cá, ăn quá nhiều đường còn khiến làn da của bạn lão hoá nhanh hơn so với thông thường bởi AGEs – một hợp chất được sản xuất từ quá trình phản ứng của đường với protein trong cơ thể.
AGEs có khả năng phá huỷ đi collagen và elastin ở da, từ đó khiến da bạn không còn giữ được độ tươi trẻ, căng bóng, dễ bị chảy xệ và kém săn chắc.
Có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ
Tiêu thụ nhiều đường fructose sẽ dẫn đến nguy cơ cao mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Không giống như glucose hay những loại đường khác, fructose hầu như chỉ được xử lý bởi gan. Khi gan thực hiện quá trình phân huỷ, fructose được chuyển hoá thành năng lượng lưu trữ dưới dạng glycogen. Tuy nhiên, gan chỉ có thể lưu trữ một lượng nhất định glycogen, lượng dư thừa sẽ được chuyển thành chất béo.
Theo đó, việc tiêu thụ quá nhiều đường fructose sẽ khiến gan của bạn trở nên quá tải, dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) mà do sự tích tụ quá nhiều chất béo trong gan.
Một cuộc nghiên cứu trên 5.900 người cho thấy, những người uống nhiều thức uống có đường hằng ngày thường có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cao hơn so với những người ít tiêu thụ nước ngọt.
2. Cách sử dụng đường hợp lý
Phân biệt đường tinh luyện và đường tự nhiên
Đường được bổ sung (đường cát, đường phèn,…) là loại đường dùng để chế biến các món ăn hay thức uống hằng ngày. Đường này thường có trong cà phê, nước ngọt, bánh ngọt,…Tiêu thụ quá nhiều đường được bổ sung sẽ gây ra những vấn đề không tốt cho sức khoẻ.
Đường tự nhiên là loại đường có trong các loại trái cây, rau củ quả,…Loại đường này rất tốt và cần thiết cho cơ thể của chúng ta. Vì thế các bác sĩ luôn khuyến khích chúng ta nên dùng đường tự nhiên thay vì sử dụng các thực phẩm có chứa đường bổ sung.
Thay đổi một số thói quen ăn uống
Nếu bạn đang có một chế độ ăn nhiều đường, hãy thay đổi ngay bằng một số cách sau đây để làm giảm lượng đường nạp vào cơ thể, hạn chế nguy cơ mắc bệnh:
Thay vì uống nước ngọt, nước trái cây, trà ngọt,… bạn nên sử dụng nước lọc, nước suối. Ngoài ra, nếu bạn là một người thích uống cà phê thì nên dùng Stevia thay thế cho đường cát để tạo nên một chất ngọt tự nhiên không calo. Ăn trái cây thay vì dùng nước ép, sinh tố có đường.
Không nên ăn quá nhiều kẹo ngọt, thay vào đó bạn nên dùng hạt trộn với một ít socola đen cũng rất hấp dẫn. Sử dụng bơ lạt tự nhiên thay thế cho các loại bánh ngọt.
Sử dụng dầu ô liu và giấm táo vào các món salad thay vì dùng mù tạt, mật ong. Lựa chọn nước sốt tương cà, bơ hạt, sốt marinara không đường vào các món ăn thông thường.
Đổi ngũ cốc thành yến mạch trộn với bơ lạt, trứng tráng làm từ rau xanh. Nếu thích uống ngũ cốc, bạn nên tìm những loại có lượng đường dưới 4gr trên mỗi khẩu phần.
Điều quan trọng nhất là bạn nên tự thiết lập cho mình một chế độ ăn lành mạnh, nhiều rau củ quả và hạn chế uống nước ngọt, đồ ăn đóng hộp. Điều này sẽ giúp việc kiểm soát lượng đường của bạn trở nên dễ dàng hơn.
Vậy là Điện máy XANH vừa giải đáp giúp bạn ăn nhiều đường có tốt không? Hy vọng bài viết trên sẽ mang lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn nhé!
Biên tập bởi Thạch Thị Mỷ Quyên • Đăng 01/02/2021