Ăn gì khi đến Tiền Giang?
Tiền Giang là một vùng đất thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Mang trong mình những đặc trưng của vùng đất phương Nam với cánh đồng lúa mênh mông xanh mát, với con sông nặng đỏ phù sa len lỏi, với tiếng đờn ca tài tử ngọt ngào tha thiết,… Bên cạnh đó nhiều Món ngon ẩm thực và đặc sản ở Tiền Giang cũng hấp dẫn và thu hút du khách khám phá thưởng thức. Ăn gì khi đến Tiền Giang? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các món ăn ngon nổi tiếng của Tiền Giang khi có dịp ghé thăm vùng đất này nhé!
2
Hủ tiếu sa tế – Tiền Giang
Với những du khách khi đến Tiền Giang, hầu như ai cũng muốn thưởng thức qua món ăn nổi tiếng của vùng đất này là hủ tiếu Mỹ Tho. Nếu có thời gian đi dọc theo các con đường ở thành phố, bạn sẽ thấy rất nhiều tiệm bán món ăn đã trở thành thương hiệu nổi tiếng. Tuy nhiên, với những người sành ăn, thì Tiền Giang không chỉ có hủ tiếu Mỹ Tho. Còn có một món hủ tiếu với cách chế biến hoàn toàn khác nhưng sự ngon miệng thì không hề thua kém là hủ tiếu sa tế có gốc gác từ người Hoa.
Cũng sử dụng sợi bánh như món hủ tiếu Mỹ Tho, nhưng cái làm nên sự khác biệt của món ăn chính là nước sốt. Đây là thành phần quan trọng quyết định hương vị món ăn. Nấu nước sốt sa tế không hề đơn giản, đầu tiên hầm nồi nước lèo bằng xương bò cho thật đậm.
Tiếp đó, pha sa tế với các loại gia vị như tỏi, hành tím, gừng, sả, đại hồi, tiểu hồi, quế, ớt khô, ớt bột, đậu phộng rang giã nhuyễn, mè rang… xào với dầu mè. Sau đó, cho hỗn hợp đã chế biến vào nước hầm bò và nêm lại gia vị. Tô hủ tiếu sa tế có mùi thơm gia vị ngào ngạt, với vị cay, chua, béo, bùi, mặn, ngọt thật thanh và hơi cay.
Ăn hủ tiếu sa tế để cảm nhận vị ngọt đậm đà của nước hầm xương, vị thơm thơm cay cay của ngũ vị hương hòa trong vị chua chua của khế, hương thơm của mè, đậu phộng, húng quế… tất cả hoà lẫn tạo thành một gia vị rất riêng cho món ăn đặc trưng của người Hoa.
3
Bánh bèo chợ Hàng Bông – Tiền Giang
Sở dĩ có tên gọi bánh bèo là vì hình dạng của chiếc bánh mỏng manh, tròn trịa giống như cánh cây bèo nước. Cũng có nhiều người cho rằng đặt tên bánh bèo là vì theo cách chơi chữ của dân gian bởi vì giá thành của mỗi đĩa bánh cũng khá “bèo”.
Đến khu chợ Hàng Bông (Chợ Mỹ Tho), du khách có thể dễ dàng nhìn thấy những gánh bánh bèo giản dị, dân dã mà thân thuộc. Chỉ một đôi quang gánh đơn sơ với những chiếc bánh bèo trắng muốt, đặt trên những mảnh lá chuối được xếp ngay ngắn trong thúng, khi nào có người hỏi mua mới mang ra. Ăn bánh bèo tại chỗ mới cảm nhận hết hương vị đồng quê ngọt ngào mà dung dị. Bánh bèo chợ Hàng Bông không chỉ nổi tiếng với du khách địa phương mà còn được nhiều du khách quốc tế biết đến thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, sách, báo… tạo nên nét văn hóa ẩm thực của người miền Tây nói chung và người dân Mỹ Tho nói riêng.
Có hai loại bánh để du khách lựa chọn là bánh bèo nhân ngọt và bánh bèo nhân mặn. Bánh bèo nhân ngọt thơm mùi nước cốt dừa và dứa, độ dẻo, chắc và không nhão. Bánh bèo xoáy ở tâm, có độ trong với màu xanh lá dứa cùng với nhân đậu xanh vàng mịn. Bánh bèo nhân mặn được nhiều du khách ưa thích hơn nhờ mùi vị thơm ngon, đậm đà. Bánh bèo nhân mặn thường có đậu xanh, bì lợn xắt sợi, bánh mì chiên cắt hạt lựu và thêm hành phi. Bánh bèo ăn nóng thì mới ngon và cảm nhận được hết hương vị. Và trước khi ăn phải rưới thêm nước chấm mắm ớt chua ngọt thì mới ngon đúng điệu theo kiểu của người dân miền Tây.
4
Bánh Giá – Tiền Giang
Chợ Giồng là tên xưa của chợ thị trấn Vĩnh Bình – huyện Gò Công Tây. Bánh “giá” có từ hồi nào, không ai còn nhớ. Nhiều người chỉ mang máng rằng, nghe kể từ thời ông cố bà sơ của họ chưa vợ, chưa chồng thì cái bánh giá đã có mặt ở chợ Giồng. Cũng nghe đồn rằng, cái bánh dung dị, dân dã này hình như gắn liền với một mối tình tan vỡ nào đó ở xứ Gò, cho nên tới giờ này người Gò Công vẫn còn ngâm câu ca “Một mai em gái theo chồng/ Còn đâu bánh giá Chợ Giồng mời anh” hay “Anh ơi về tới Hòa Đồng/ Nhớ mua bánh giá Chợ Giồng tặng em!”.
Không biết từ bao giờ, bánh giá Chợ Giồng đã được lưu truyền và được nhiều người biết tới, bởi hương vị bánh mang đậm chất miền Tây, nghề làm bánh giá xuất hiện cùng lúc với quá trình khai hoang, lập ấp của người Việt ở vùng đất này, vào thế kỷ XVII và trở thành món ăn đặc trưng của vùng đất xứ Gò.
Bánh giá ngon là sự kết hợp hoàn hảo giữa vị béo của bột gạo, vị ngọt của tôm, giá, vị thơm của đậu phộng. Bánh giá làm xong chỉ cần nhìn thôi cũng đã thấy thèm thuồng muốn được thưởng thức. Bên cạnh món bánh giá truyền thống, người dân địa phương trong vùng còn biến tấu thành nhiều loại bánh giá chay với nhân được làm từ đậu phộng, nấm rơm, nấm mèo… Nước mắm thường được thay bằng nước tương, hương vị khá mới lạ nhưng vẫn rất thơm ngon. Với những người ăn chay vẫn có thể dùng được món bánh giá thơm ngon này.
5
Bánh nghệ Gò Công – Tiền Giang
Không biết có tự bao giờ, trong các đám tiệc ở vùng Gò Công, người ta thường thấy một món ăn rất lạ, mà không thấy ở các nơi khác, đó là bánh nghệ. Bánh nghệ Gò Công được làm hoàn toàn bằng thủ công, khi thành phẩm thì từng sợi bột đan nhau, trên từng tấm lá chuối cắt nhỏ, như một tác phẩm hand-made, đầy sự cần mẫn của những nghệ nhân làm ra chiếc bánh.
Quy trình chế biến loại bánh này rất khắt khe, nước dùng làm bánh phải là nước mưa, nếp mới, gạo thơm ngon và bột khóm rấm (bột nếp ngâm với nước khóm). Kỹ thuật chế biến bánh nghệ cũng lắm công phu. Muốn có “con” bánh được mịn và mềm, người ta phải ngâm gạo từ nhiều ngày trước, rồi tẻ dần để có được thứ bột dẻo mịn, không lợn cợn để sợi bánh có hậu ngon ngọt.
Để làm ra một chiếc bánh nghệ đòi hỏi nghệ nhân phải có tay nghề khéo léo, điêu luyện để nhồi bột thật kỹ thì sợi bánh mới dai, vừa nhồi bột vừa thoa dầu, để se sợi bột không bị đứt đoạn, không dính vào nhau và phải biết khi nào bột vừa đủ ráo để mang đi hấp, vì nếu sớm sẽ làm bột nhão, chảy, còn nếu trễ quá thì bột sẽ khô gãy, bột hấp thì không chín quá, tuy nhiên cũng không để bột sống. Màu sắc của bánh nghệ tùy theo cách pha chế của người làm bánh. Thông thường bánh có màu lá dứa hoặc có màu xám tro. Trước khi bày ra dĩa, từng con bánh được quấn ống tròn như bánh hỏi.
Bánh nghệ Gò Công là món ăn khai vị được ăn kèm với thịt heo quay, bì và chả lụa. Chả lụa được thái sợi bằng đầu đũa trộn với bì da heo và có thêm đậu phộng rang giã nhỏ. Rau ghém ăn kèm với bánh nghệ là giá và rau thơm xắt nhỏ. Nước chấm ăn với bánh là loại nước chấm được pha chế đặc biệt có đầy đủ chua cay mặn ngọt.
Hương vị dẻo thơm của bánh nghệ cộng với cái giòn của giá, mùi thơm của rau, hòa quyện với vị ngọt ngon đằm thắm của chả lụa, cái dai của bì, cái béo của đậu phộng, phối hợp với các vị tổng hợp của nước mắm tỏi ớt khi thưởng thức qua một lần chắc rồi nhớ mãi món ăn đặc biệt trong văn hóa ẩm thực xứ Gò Công.
6
Bún gỏi già – Tiền Giang
Đây là món ăn đặc sản Tiền Giang mà người dân rất mê, với hương vị đặc trưng của tôm, me chua cùng với tương ớt xay ở trong nước lèo. Kinh nghiệm du lịch miền Tây của nhiều người cho hay, muốn ăn bún gỏi già phải đến sớm để không phải xếp hàng quá lâu.
Bún gỏi già mang hương vị đặc trưng của tép, me chua và tương xay. Một bát bún gỏi già thường có bún, tôm, tép tươi hoặc sườn non, thịt ba chỉ, giá chần, nước lèo và một số loại rau ăn kèm như rau muống, rau chuối bào và rau hẹ. Thưởng thức bún gỏi già, du khách cảm nhận được vị đậm đà của nước lèo, chua thanh của me và béo bùi của đậu phộng, tôm, thịt… Nếu có cơ hội du lịch về Tiền Giang, du khách đừng quên nếm thử mùi vị bún gỏi già Mỹ Tho.
7
Chả nướng Chợ Gạo – Tiền Giang
Chả nướng Chợ Gạo là một trong các món ăn đặc sản Tiền Giang vô cùng thơm ngon, khiến người dân nơi đây dù đi xa vẫn luôn nhớ về. Chả nướng Chợ Gạo thường được ăn vào những dịp ngày lễ tết hay ngày giỗ chạp,… với những nguyên liệu đơn giản như thịt nạc vai, hành tím, tỏi, trứng vịt, bánh tráng, lá chuối cùng các loại rau ăn kèm,…
Để chế biến món đặc sản này, người ta sẽ luộc thịt chín rồi thái mỏng, xào cùng hành tỏi cho thơm rồi trộn chung với trứng vịt, tỏi, các loại gia vị tiêu, nước mắm, hạt nêm,… Sau công đoạn chuẩn bị thì người dân Tiền Giang nướng chả bằng nồi gang để mẻ chả được chín đều và chín từ trong ra ngoài. Đặc biệt, khi nướng người ta còn phải lót lá chuối dưới đáy nồi để khi lấy miếng chả ra được dễ dàng và không bị vỡ nát, hơn nữa còn làm tăng thêm hương vị thơm ngon cho món ăn. Loại chả này được nướng bằng than là ngon nhất, miếng chả khi chín được thái ra, cuộn cùng bánh tráng, ăn kèm cùng rau thơm và chấm nước mắm chua ngọt,… là chuẩn vị – hương vị khiến cho người dân nơi đây đi đâu cũng nhớ về.
8
Bún suông vịt Gò Công – Tiền Giang
Thị xã Gò Công không chỉ nổi tiếng với mắm tôm chà mà còn nổi tiếng với món bún suông vịt, vì nơi đây không những có sông nước còn có bãi biển Tân Thành nơi có trữ lương tôm sắt lớn. Tôm sắt biển có kích thước nhỏ hơn con tôm khác, nhưng lại thịt lại ngon hơn hẳn.
Con suông vàng được làm từ tôm sắt, ăn với đùi vịt cánh vịt trông rất hấp dẫn. Để làm món bún này nhìn vậy mà không đơn giản. Tôm phải chọn tôm tươi, lột vỏ ra, rồi xay đều trộn lẫn với gia vị, sau đó đặt lên lá chuối để quết ra hình thù con suông. Con suông hay còn gọi là Con đuông, cũng không ai biết rõ thật sự tại sao gọi là suông. Chỉ đoán gọi là đuông là vì con suông giống con đuông dừa.
Nếu bạn đã tới Thị xã Gò Công mà quên nếm thử một tô bún suông vịt thì quả là một thiếu sót lớn. Nước dùng ngọt lìm lịm, đỏ ối gạch tôm, trôi vào đến đâu biết ngay đến đó.
9
Bánh canh bột xắt Cai Lậy – Tiền Giang
Tiền Giang nổi tiếng với tên gọi “vương quốc trái cây” như: Sầu riêng Cai Lậy, Sơri Gò Công, Khóm Tân Phước, Vú sữa Lò Rèn, Xoài cát Hòa Lộc, Thanh Long Chợ Gạo…Nhưng không thể không kể đến một cái tên vô cùng hấp dẫn. Đó là bánh canh bột xắt thị xã Cai Lậy.
Sở dĩ có tên gọi bánh canh bộ xắt vì để làm bột bánh canh người ta sẽ dùng gạo vo gạo sạch, ngâm cho gạo mềm sau đó đem đi xay thành bột nước, rồi cho bột nước vào túi vải bồng bột thật ráo nước. Bóp bột đã đăng ra mâm, dùng nước thật sôi rưới đều lên bột, nhồi bột thật đều tay – đây là khâu cực kỳ quan trọng vì phải làm sao cho bột sú không được khô cũng không được nhão. Sau đó trộn vào một ít bột mì tinh để bột có độ dai vừa phải và không bị tan, gãy đứt trong nồi nước dùng. Sau đó, ngắt từng cục bột nhỏ vừa đủ để có thể cán dẹp dán vào thành chai thủy tinh hoặc dùng thớt để xắt bột. Người nấu vừa cầm cổ chai, vừa lăn vòng chai, vừa đưa lưỡi dao bén ngót xắt đứt từng miếng bột gạo thành sợi rơi vào nồi nước đang đun sôi, chú ý tay xắt phải thật đều thì sợi bánh mới ngon và đẹp. Khi xắt hết bánh vào nồi nước sôi thì người ta sẽ vớt bánh canh ra ngâm vào nước lạnh để bớt phần bột và làm cho nồi bánh canh trong, bắt mắt hơn.
Phần chuẩn bị thịt vịt cũng khá thú vị. Phần huyết vịt, người ta cho một ít gạo hoặc nếp, hành lá, tiêu vào cái dĩa, chén sau đó cắt cổ vịt lấy huyết cho vào rồi để một nơi cho huyết vịt đặc lại. Sau đó, lấy huyết cho vào nồi nước sôi luộc chín vừa phải. Không được luộc quá lâu vì lâu nếp sẽ nở nhiều và nhựa ăn không được ngon lắm. Vịt ngon nhất phải là vịt xiêm. Người dân thị xã Cai Lậy thích ăn nhất là vịt xiêm vì có độ dai, ngọt rất đặc trưng. Vịt sau khi nhổ lông cho thật kỷ và rửa thật sạch. Ướp vịt cho thật thơm và khử hết mùi đặt trưng của vịt. Chuẩn bị bắt một cái nồi lên bếp, nước sôi thì cho vịt vào. Nấu chín vịt, nêm nếm cho vừa ăn rồi bỏ sợi bánh canh vào.
Bánh canh bột xắt thị xã Cai Lậy có nước bánh canh sền sệt, màu trắng đục chứ không loãng như bánh canh bột lọc thường thấy ở các nơi khác. Món bánh canh bột xắt không được ăn cùng với nước mắm chanh ớt mà dùng nước mắm gừng tạo nên mùi vị hấp dẫn. Nếu có dịp về thị xã Cai Lậy, bạn sẽ không khó để tìm cho mình một quá ăn bánh canh bột xắt thịt vịt ven đường. Bạn hãy chọn ngẫu nhiên một quán rồi vào gọi một tô bánh canh nóng hổi mà thưởng thức hương vị đậm đà của bánh canh bột xắt thị xã Cai Lậy bạn nhé. Bánh canh mềm, dai vừa phải, thịt vịt xiêm ngọt ngon, nước dùng thơm, tiêu cay, hành thơm kèm theo chén nước mắm gừng đậm đà sẽ khiến nhiều người khi đã thưởng thức bánh canh thị xã Cai Lậy này một lần rồi sau đó sẽ nhớ mãi.
10
Ốc gạo Tân Phong – Tiền Giang
Ốc gạo là đặc sản nổi tiếng của vùng Tân Phong – huyện Cai Lậy. Ốc gạo to, có vỏ xanh, ruột đầy. Ốc gạo thường sinh sản vào khoảng tháng 7 âm lịch năm trước và đến tháng 5 âm lịch năm sau là đến mùa thu hoạch. Vào mùa ốc rộ, xuồng ghe đến lưu vực Tân Phong thu hoạch ốc. Sản phẩm thu được sau những ngày thu hoạch ốc là món ốc luộc thơm ngon. Ốc gạo luộc lên rồi đem chấm nước mắm chanh ớt thêm chút gừng cho ấm bụng và khử mùi tanh.
Ốc mới luộc còn nóng, con nào cũng vàng ươm, béo ngậy, ngọt thịt, giòn giòn, ăn không thấy ngán. Ốc gạo Tân Phong còn được chế biến thành nhiều món như ốc cháy tỏi, ốc um nước dừa, ốc rang bơ… Loài ốc gạo ngon và lành hơn những ốc khác ở chỗ không có nhớt, ăn đến no mà không có cảm giác nặng bụng.
11
Sam biển Gò Công – Tiền Giang
Không chỉ nổi tiếng với các loại cá, tôm thiên nhiên ưu đãi, ở vùng biển thuộc xã Vàm Láng, Tân Thành, huyện Gò Công Đông còn có đặc sản sam biển khan hiếm. Sam biển có vỏ cứng như mai cua, mình tròn dẹt, đường kính tầm một gang tay, tám chân càng nhỏ dưới bụng, phần đầu là mũi nhọn ba cạnh rất linh hoạt dài cỡ 20 cm.
Khách du lịch đến Tiền Giang vào đúng mùa sam cái đang có trứng (từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch), du khách có dịp thưởng thức món sam nướng thơm ngon. Sam biển đem làm sạch rồi cứ thế đặt lên bếp than hồng, nướng cho đến khi vỏ đổi màu, mùi thơm tỏa ra thơm nức là có thể dùng được. Trứng sam béo, thơm, nhiều đạm, ngon miệng và rất bổ dưỡng. Người ta thường ăn sam nướng kèm các loại như bưởi chua tách múi, củ cải ngâm giấm, rau húng, rau răm, đậu phộng rang kèm nước mắm pha chanh, tỏi, ớt sẵn.
12
Cháo cá lóc rau đắng – Tiền Giang
Đây là món ăn mang hương vị đặc trưng dân dã, không những ngon mà còn giúp giải nhiệt, giải cảm. Cá lóc thịt hiền, ngọt, còn rau đắng là vị thuốc giúp phòng và trị nhiều bệnh. Hãy một lần thưởng thức để cảm nhận vị ngon của món cháo cá lóc rau đắng này nhé.
Không quá cầu kỳ trong chế biến nhưng muốn có tô cháo ngon khiến người ăn phải xuýt xoa thì không hề đơn giản. Gạo nấu cháo phải là loại dẻo vừa, vị ngọt và có hương thật thơm. Gạo nấu cháo không vo và nấu ngay như cháo trắng mà phải được rang trên chảo đến khi hạt gạo vàng đều và bốc mùi thơm.
Cá lóc chọn để nấu thường là con to để ít xương, tuy vậy thay vì mua loại cá lóc nuôi con to cho nhiều thịt, các đầu bếp kỹ tính ở Mỹ Tho thường chọn được cá lóc đồng. Loại cá này tuy nhỏ hơn nhưng thịt chắc và thơm. Nước nấu cháo tuyệt đối không được dùng loại nước máy có lẫn mùi clo.
Để tô cháo thêm phần hấp dẫn, sau khi nêm nếm đủ gia vị, người nấu thường lấy hành tím cho vào, ngoài ra hành lá và ngò rí xắt nhuyễn cũng là hai thứ không thể thiếu. Cuối cùng là đĩa rau đắng đất, thứ rau đặc sản miền Nam đắng tê đầu lưỡi nhưng hậu ngọt vô cùng. Không phải loại rau đắng trồng công nghiệp có thân to lá to như cọng rau sam, rau đắng đất Mỹ Tho mọc theo các mô đất ở sau nhà có lá nhỏ thân nhỏ, vị đắng hơn loại rau đắng thường.
13
Cháo lòng mắt má Tân Hiệp – Tiền Giang
Tân Hiệp là địa danh thuộc huyện Châu Thành, nằm ở cửa ngõ của tỉnh Tiền Giang trên trục đường QL1A theo hướng từ Sài Gòn xuống. Đã từ rất lâu, cháo lòng mắt má Tân Hiệp đã trở thành món ăn trứ danh đối với du khách gần xa mỗi khi qua lại trên tuyến đường này.
Điểm khác biệt của món cháo lòng Tân Hiệp đó là cháo được nấu trực tiếp từ gạo còn dính cám, không rang để giữ nguyên mùi thơm tự nhiên của gạo. Vào quán, kêu một phần cháo ra du khách sẽ thấy ngạc nhiên vì sự đa dạng và cầu kỳ của các món đi kèm. Phần ăn bao gồm: một tô cháo nóng hổi bốc khói, một đĩa nhỏ lòng có đủ cả ruột, gan, phèo, dồi, kèm đĩa rau sống to tướng có cải bẹ xanh, giá, rau chuối bào, một đĩa bún, rồi mấy cái bánh tráng. Đặc biệt, không thể thiếu một mắt hoặc má heo rất hấp dẫn.
14
Cá Tai Tượng chiên xù – Tiền Giang
Cá Tai Tượng giống hình dáng chiếc tai to bè, thân cá dẹp, vảy bóng ánh bạc phủ khắp thân. Loài cá này thích ăn thực vật, người dân miền Tây hay nuôi chúng trong những mương vườn cho chúng ăn rau, cơm thừa. Thịt ngọt, dẽ và thơm ngon.
Khi chiên cá phải còn tươi sống mới cho thịt ngọt và ngon. Chảo dầu phải nóng già, lượng dầu phải ngập cá, có thế khi chiên cá mới dậy mùi, vảy mới giòn vàng đều. Mùi thơm nồng quyến rũ thực khách.
Cá tai tượng chiên xù được bày trên một đĩa lớn khá bắt mắt, còn nguyên con, vàng ươm, vẩy xù lên cùng với nhiều loại rau của miệt vườn miền Tây. Du khách nhẹ nhàng bóc từng miếng thịt còn nóng và gói với rau thơm, rau quế, bún,.. cùng lớp bánh tráng mỏng bên ngoài. Nước chấm được làm từ nước mắm hòa cùng vị chua của chanh, vị cay của ớt, tỏi…càng làm cho món ăn thêm đậm đà khó quên.
15
Bông súng mắm kho – Tiền Giang
“Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm”
Nếu có dịp đến với vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Tiền Giang bạn đừng quên thưởng thức món bông súng chấm mắm kho, món ăn dân dã, miệt vườn, đượm tình quê hương.
Bông súng là loài rau đồng, mọc những nơi vùng đất trũng, đọng nước bùn. Vào tháng 5, tháng 6 âm lịch, mùa nước lớn đổ về là lúc bông súng trồi lên theo làn nước. Người ta chèo ghe đi nhổ bông súng, cuộn tròn 10 cọng thành một khoanh, đem bán đầy chợ. Bông súng tuy bình dị nhưng trở thành món ăn khoái khẩu, thường nhật của người đồng quê.
Đồng Tháp Mười mùa nước về bông súng càng lên nhanh trắng đồng. Tuy không hương sắc nhưng màu trắng cũng làm dịu mát ánh nắng trưa hè, làm con người có cảm giác nhẹ nhàng thư thái. Bông súng thiên nhiên ưu đãi cho con người sống nơi ngọn cỏ nội đồng, nơi nào có nước là có bông súng. Củ bông súng ăn vừa bùi vừa béo, bông, thân, lá non chẳng kén miệng người Đồng Tháp Mười chân chất, thật thà.
Món ăn ngon nhất là bông súng ở đìa chấm với mắm kho, mà không phải bông súng nào cũng ngon như nhau, chỉ có loại bông súng trắng, cọng nhỏ cỡ chiếc đũa ăn cơm, ăn mới mềm, có “hậu” ngọt…. Bông súng nhổ về để nguyên cọng rửa sạch, tước vỏ bên ngoài, ngắt mỗi cọng độ dài chừng hai gang tay, để trong rổ cho ráo nước.
Mắm kho phải là mắm kho cá sặc đồng ngâm trong hũ mắm bằng sành trên gài nhánh cây ổi tươi có lót mo cau ăn mới ngon. Mắm dỡ ra có màu đỏ thẫm thơm lừng, ăn sống với cơm nguội càng ngon.
Bông súng chấm mắm kho là món ăn đặc sản của người sành điệu ở Nam Bộ nói chung và người dân Đồng Tháp Mười nói riêng, đó là món ăn hàng ngày không thể thiếu được. Tuỳ theo ít hay nhiều người ăn mà ta nấu mắm kho. Mắm lấy ra đem để trong nồi cho nước vào xâm xấp, nấu cho vừa sôi đem xuống rồi lược lấy nước bỏ xương. Nước đầu để riêng, nước thứ hai, nước thứ ba bắc nồi nấu lại thêm muối, bột ngọt, đừng quên thêm ớt, sả – hai món này không thể thiếu khi ăn mắm kho.
Nồi mắm kho càng thơm ngon và đậm đà hương vị hơn khi có thịt ba rọi hay còn gọi là thịt ba chỉ đi kèm. Mỡ trong thịt tươm ra hòa quyện vào nồi mắm, làm cho nước dùng thơm và béo. Ngoài ra chúng ta còn có thể cho thêm vào nồi mắm những phụ liệu khác là cá rô đồng, cá lóc hay tép đất càng ngon. Khi nồi mắm sôi vài dạo, trút mắm nước nhứt vào cho sôi bùng, hớt bọt rồi nhắc xuống. Khi nấu, chúng ta có thể cho cà chua vào, nước dùng sẽ thanh hơn và chua nhẹ, rất dễ ăn.
Mắm kho phải ăn lúc còn nóng thì mới ngon. Ăn mắm kho, ngoài bông súng thì chúng ta có thể ăn với các loại rau ghém khác tùy theo sở thích của từng người. Cái giòn giòn của bông súng, mùi thơm của mắm, béo béo của thịt ba rọi, giòn giòn, ngòn ngọt của tép đồng và mùi the the của sả, cay cay của ớt làm thành một món ăn dân dã, bình dân mà tuyệt vời.
Có dịp đến vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang du khách sẽ thấy cách tiếp đãi nồng hậu của người dân nơi đây với nhiều món ăn lạ đồng quê, trong đó nồi mắm kho ăn với bông súng là món ăn đặc sản đáng để mọi người thưởng thức.
16
Cá lóc nướng trui – Tiền Giang
Cá lóc nướng trui là một món ăn được không chỉ người dân vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long mà nhiều người khác thường tìm đến thưởng thức. Đây là một đặc sản Tiền Giang – một khi bạn được ăn rồi chắc hẳn hương vị này sẽ vấn vương thực khách.
Cá lóc bắt về chọn các con có trọng lượng vừa khoảng 500 – 600 gram trở lại không chọn cá lớn quá sẽ không chín hết, bẻ nhánh cây xỏ vào miệng cá tạo thành một cái xiên, dựng đứng xiên, đốt lửa lên nướng cho tới khi mùi cá chín thơm lừng là thưởng thức được. Khi rơm rạ cháy hết lớp than tro, bỏ những xiên cá ra, bẻ một tàu lá chuối, lau sạch rồi gỡ cá ra khỏi xiên, gỡ bỏ lớp da bị cháy đen rồi bày lên lá chuối để ăn.
Ở một số nơi thì người ta ăn cá lóc nướng trui với nước mắm me, uống chén rượu đế, vài ba lá rau, gói cá vào trong, chấm miếng muối ớt… đảm bảo ngon miệng hơn bất cứ món gì, ăn mãi không quên!
17
Mắm còng lột – Tiền Giang
“Gió đưa gió đẩy, về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá, về giồng ăn dưa…”
Rẫy là một vùng đất miền nước mặn. Còng là một loài cua nhưng nhỏ hơn cua. Ở vùng đất rẫy có nhiều loại còng khác nhau: Còng đỏ, còng nha, còng quều, còng xanh. Loại còng gió sống nơi bãi biển. Loại còng ba khía thì sống theo miệt rừng chồi nước mặn. Trong số các loại còng, còng đỏ là loại có thể làm ra loại mắm thượng hạng, làm mê đắm lòng thực khách
Trong khắp các rừng lá, bãi ô-rô, mái dầm… nào cũng có rất nhiều còng khoét bùn làm ổ. Khi nước ròng, chúng bò lên kiếm mồi. Cứ đến mồng 5 tháng 5 (Tết Đoan Ngọ) thì còng lột xác. Chúng bò lên khỏi hang, nằm trên mặt bùn, dưới gốc ô-rô hay mái dầm để từ từ lột xác. Cứ đến khoảng 1-2 giờ chiều thì chúng lột xong, hất vỏ ra ngoài, phơi tấm thân mềm mụp dưới ánh sáng và hấp thu không khí để đến chiều tối thì vỏ chúng cứng lại rồi bò trở xuống hang. Thấy còng nằm đỏ bãi sông, người ta chống xuồng theo bờ sông, bờ lạch, nhìn chỗ nào có còng là ghé lại. Thường có hai cách để làm mắm còng.
Cách thứ nhất, còng lột được rửa sạch, đong 10 chén còng thêm 1 chén tỏi ớt. Cho vào cối quết cho dập, sau đó nhận vào hũ, trộn thêm rượu để cho hết mùi khai nồng. Đem phơi chừng 3 ngày cho được nắng, rồi lấy nước cốt còng đem phơi cho quánh lại thì dùng được. Lúc lấy ra ăn thì trộn còng với chanh, dứa, đường, tỏi, ớt.
Cách thứ hai, còng lột được rửa sạch để cho ráo nước, nhúng nước sôi nếu muốn khử trùng, đong hai chén còng, một củ tỏi, mười trái ớt. Tất cả trộn chung rồi cho vào hũ, đem phơi nắng cho thấm đều. Muốn ăn, nêm chanh, dứa, đường, tỏi, ớt… Mắm còng là đặc sản nổi tiếng của vùng Gò Công. Muốn ăn mắm còng cho ngon phải trộn với thịt ba rọi hay thịt nướng và ăn với nhiều rau sống.
18
Mắm tôm chà Gò Công – Tiền Giang
Mắm tôm chà Gò Công từ thời xa xưa đã là món ăn được đích thân Thái hậu Từ Dụ mang vào cung đình Huế và trở thành đặc sản không thể không nhắc đến của xứ Tiền Giang. Mắm ngon được ủ từ những con tôm tươi và sạch cùng với tỏi có độ cay nồng và ớt tươi chín đỏ.
Mắm tôm chà có thể thưởng thức với nhiều cách khác nhau đều ngon và để dùng cả năm vẫn không hư.. Mắm tôm chà y, loại không pha thêm gia vị gì cả được dùng làm món mặn ăn với cơm trắng, làm nước canh chua cá nấu lá me hay chấm với xoài, cóc xanh… Còn loại mắm tôm chà pha thêm với chút giấm, chanh, đường, tỏi và ớt băm sẽ rất thích hợp cho món thịt ba rọi luộc cuốn với bánh tráng, rau sống và bún.
19
Chuối quết dừa – Tiền Giang
Chuối quết dừa là món ăn dân dã, giản dị nhưng không thể lẫn với món nào khác. Du lịch Tiền Giang mà không nếm thử mùi vị món chuối quết dừa sẽ là một thiếu sót. Thoạt nhìn bên ngoài món chuối quết dừa trông giống cốm dẹp, nhưng khi nhìn kỹ sẽ thấy có nhiều điểm khác nhau.
Nguyên liệu để làm món chuối quết dừa gồm chuối sứ xanh, già và dừa nạo. Công đoạn chế biến đơn giản, không cầu kỳ nhưng đòi hỏi người làm phải thật khéo léo và có kinh nghiệm. Để món chuối quết dừa thêm phần hấp dẫn, có thể rắc thêm một ít đậu phộng rang. Ăn kèm với chuối quết dừa còn có các loại rau thơm như lá lốt, rau càng cua, rau húng lủi, rau thơm… và bánh tráng. Nước chấm chua ngọt là điều không thể thiếu khi ăn món chuối quết dừa. Chuối quết dừa vừa thơm mùi chuối, ngọt vị đường, béo thơm nhờ dừa nạo kết hợp với vị ngọt mát của các loại rau ghém, rau thơm sẽ mang đến cho du khách cảm giác lạ miệng, độc đáo.
20
Bánh lá dừa – Tiền Giang
Nếu một lần đến miền Tây chắc hẳn du khách đã bắt gặp được hình ảnh chum bánh hình trụ tròn với những chiếc bánh dài gần gang tay và to như trái dưa leo, đó là bánh lá dừa.
Khi tham quan khu vực Cồn Thới Sơn – Mỹ Tho – Tiền Giang, đi dọc con đường làng cặp ven sông, du khách sẽ tận mắt chứng kiến cảnh người dân đang làm loại bánh này. Về cơ bản nó cũng như bánh tét Nam bộ, nguyên liệu chính là nếp và các loại đậu. Bánh lá dừa thì nếp và đậu đen làm vỏ bánh, còn nhân là đậu xanh hoặc chuối. Cái độc đáo là bánh được gói trong lá dừa – loại cây được trồng rất nhiều ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Bánh lá dừa được bán theo chục (10 cái), giá rất rẻ.
21
Dưa hường nấu canh – Tiền Giang
“Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh”
Chắc câu ca dao trên đã trở nên quen thuộc đối với mọi người dân Việt Nam vì được nghe từ khi còn nằm nôi qua lời ru của bà, của mẹ. Những chắc không nhiều người biết câu ca dao đó cũng nhắc đến món ăn dân dã nhưng rất đặc trưng của người dân sống trên các “giồng” đất cát ở Tiền Giang. Chỉ là trái dưa hấu gần chín (nên gọi là dưa hường hoặc hông) nấu với tôm tươi hoặc cá lóc được bắt từ ruộng ao thôi nhưng rất ngon và đậm đà hương vị và mộc mạc như tính khí con người miền Tây. Ắt hẳn đây là món ăn được sáng tạo ra trong thời kỳ đầu của công cuộc khai khẩn khi mà nguyên liệu của món ăn là những thứ có sẵn từ đồng ruộng. Theo tài liệu Đông ý thì dưa hường có tính hàn, rất thích hợp dùng để giải nhiệt, giải khát…phù hợp với khí hậu nắng nóng miền Nam.
22
Xôi chiên phồng – Tiền Giang
Nếu ai đó có dịp về cù lao Thới Sơn (tỉnh Tiền Giang) thưởng ngoạn khung cảnh hữu tình sông nước sẽ không khỏi chặc lưỡi bởi món xôi chiên phồng. Đây là món ăn đặc sản trên đất cù lao này, bất cứ đoàn du lịch nào ghé đến cũng được bày trên bàn để đãi thực khách.
Điều đặc biệt là món ăn này được làm tại chỗ để du khách có thể học cách làm và thưởng thức khi còn nóng hổi. Nguyên liệu chính để làm món xôi chiên phồng ngon là đậu xanh và gạo nếp.
Đậu xanh sau khi vo sạch thì đem ngâm cho mềm, hấp chín, xay nhuyễn. Gạo nếp cũng vo sạch, ngâm cho mềm, hấp chín với muối. Hai nguyên liệu chính cần vừa chín, nếu còn sống xôi sẽ không phồng lên khi chiên, nhưng nếu chín quá thì mất đi độ dẻo dai vốn có.
Trộn đều gạo, đậu xanh, đường và dầu ăn cho hỗn hợp vào túi ni-lon, nhào cho thật mịn. Khi bột đã mịn, cho bột baking soda và bột nổi vào nhào tiếp cho đều.
Đến công đoạn chiên. Nên dùng chảo gang giữ nhiệt để chiên bánh.Cho dầu vào chảo đợi nóng già rồi thả từng miếng xôi nếp tròn cán mỏng vào chảo. Trong quá trình chiên phải liên tục đảo bánh, nhồi bánh để bánh không bị méo mó và chín đều. Ban đầu đảo bánh ấn nhẹ nhưng khi bánh bắt đầu nổi lên mặt chảo dầu thì phải ấn mạnh với mục đích cho bánh thấm dầu nở đều cũng như vàng đều. Khi bánh vàng ươm, có độ nở thì tăng nhiệt độ để vỏ ngoài bánh cứng và giòn.
Khi bánh đã chín, vớt ra đặt vào đĩa trông như quả bóng. Lúc ăn thì ấn bánh xuống cho xẹp và cắt ra thành từng miếng hình chữ nhật hoặc hình vuông tùy thích. Món này ăn kèm với gà rán, cá rán và rau sống. Ở nhà hàng trên cù lao Thới Sơn, món này đặc biệt dùng chung với cá tai tượng chiên xù. Vị béo, ngọt, dẻo của xôi cùng với độ giòn rụm của cá tạo nên một bữa ăn ngon miệng để thực khách nhớ hoài.
23
Rau đọt choại – Tiền Giang
Rau chạy hay rau choại là loại dây leo thuộc họ dương xỉ, mọc tự nhiên ở các cánh rừng hay nơi bưng biền bỏ hoang nhất là vùng đất nhiễm phèn nhẹ ở huyện Tân Phước. Thân cây rất dài (đến khoảng 20 mét), có nhiều rễ bám chặt vào thân các loại cây khác (nhất là cây tràm) để sống. Lá kép hình lông chim có chiều dài gần cả mét. Lá non màu nâu pha lẫn xanh dợt, và trên đầu lá non uốn cong, thoạt nhìn ta liên tưởng đến hình con cuốn chiếu cuộn mình.
Đây là một loại rau sạch có vị thơm, ngọt nhẹ đặc trưng, nhơn nhớt và được các bà nội trợ miệt vườn khéo tay chế biến thành những món ăn ngon như: đọt choại luộc chấm nước mắm kho quẹt (hoặc nước mắm tỏi ớt), đọt choại nấu canh chua cá rô đồng, canh chua lươn với bông điên điển, nhúng lẩu, xào tép, ăn sống (hoặc luộc) chấm nước mắm cá chiên thì ngon phải biết.
Chỉ cần thưởng thức một lần thôi cũng sẽ nhớ mãi món ăn vừa dân dã quê mùa vừa thời thượng vì ngon lạ miệng ,nếu có dịp về Tân Phước, Tiền Giang bạn nhớ thưởng thức món ngon đọt chạy dân dã này nhé.
24
Chè Sơn Qui – Tiền Giang
Phàm là dân Gò Công thì không ai là không biết đến cầu Sơn Qui. Cây cầu nằm nép mình bên dòng sông xanh ngát vì lục bình.Nơi đây thân thuộc với nhiều thế hệ học trò với món chè bên phía chân cầu. Chè Sơn Qui là món ăn mà người ta vẫn gọi là thứ “của một đồng, công một nén”.
Chè Sơn Qui chế biến rất cầu kỳ, tinh tế từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến lúc xếp lớp vào ly. Điểm thu hút của chè là những viên bột trong veo bọc lấy đậu phộng rang bên trong. Món chè thêm ngon miệng khi phảng phất mùi lá dứa, vị ngọt thanh của đường và bùi bùi của đậu.
Bây giờ hương vị chè có thể đã thay đổi ít nhiều vì yêu cầu thực khách. Tuy nhiên hình ảnh những quá chè nép mình dưới chân cầu Sơn Qui luôn là nỗi nhớ quay quắt của biết bao người trót mê món chè trứ danh này.
25
Vú sữa Lò Rèn – Tiền Giang
Về Tiền Giang mà không thưởng thức vú sữa Lò Rèn thì quả thực uổng cả chuyến đi. Vú sữa Lò Rèn đặc biệt vì có kích thước rất to và tròn, trái to nhất có thể lớn hơn chén ăn cơm. Vỏ trái vú sữa đạt chuẩn sẽ rất bóng và có màu xanh lục nhạt đẹp mắt. Khi chín phần vỏ sẽ bắt đầu chuyển sang màu hơi tím hoặc nâu tía.
Không chỉ nổi tiếng trong nước, vú sữa Lò Rèn còn trở thành loại trái cây hảo hạng, được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Khi ăn vú sữa Lò rèn thường người ta sẽ cắt đôi cho tiện, khi cắt phía trong trái sẽ chảy ra ít nước màu trắng đục như sữa. Phần thịt thì rất thơm, mềm dẻo và có vị ngọt thanh. Giữa trưa nóng oi bức, được thưởng thức vài trái vú sữa chín cây ngọn đến tận đáy lòng thì không gì tuyệt vời bằng.
Ăn gì khi đến Tiền Giang? Trên đây là những món ăn đặc sản Tiền Giang nổi tiếng nhất. Có những món rất dễ ăn nhưng cũng có những món với nhiều người tương đối khó ăn. Tuy nhiên, nếu thử ăn thêm vài lần có thể bạn sẽ rất thích đấy. Nếu bạn có dịp du lịch Tiền Giang thì đừng quên thưởng thức những món đặc sản Tiền Giang nổi tiếng mà chúng tôi giới thiệu trên đây nhé.