Ăn gì khi đến Sóc Trăng?
Sóc Trăng nổi tiếng là một vùng quê sông nước yên bình, thu hút nhờ nét văn hóa sông nước đặc trưng, những công trình kiến trúc độc đáo, và khung cảnh chợ nổi Ngã Năm nhộn nhịp khi bình minh lên. Đặc biệt, là những món ăn đặc sản Sóc Trăng luôn hấp dẫn, thơm ngon, mang đậm chất ẩm thực miền Tây. Ai đã một lần du lịch Sóc Trăng, chắc chắn sẽ không quên được dư vị của những món ăn dân dã nhưng khó tìm này. Ăn gì khi đến Sóc Trăng? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các món ăn ngon nổi tiếng của Sóc Trăng khi có dịp ghé thăm vùng đất này nhé!
2
Hủ tíu cà ri Vĩnh Châu – Sóc Trăng
Nói đến món đặc sản hủ tíu thì không thể không nhắc đến hủ tíu Mỹ Tho hoặc hủ tíu Nam vang (xuất xứ từ Campuchia) nổi tiếng từ xưa đến nay, nhưng ít ai biết rằng ở một xứ sở hành tím như Vĩnh Châu cũng có một món đặc sản không thua kém đó là hủ tíu cà ri.
Trước đây, hủ tíu cà ri Vĩnh Châu được nấu với thịt heo chứ không phải là thịt gà hay thịt dê như thông thường. Ngày nay, món này được bà con biến tấu thêm từ thịt vịt xiêm trưởng thành.
Phần nước hủ tíu cà ri Vĩnh Châu có màu vàng của nghệ giống như những món cà ri khác nhưng khi ăn vào có mùi thơm dịu hơn không quá béo ngậy làm người ăn dễ phát ngán và mùi vị không nồng như món cà ri quen thuộc. Phần bánh hủ tíu nơi đây cũng nổi tiếng một vùng được làm từ bột gạo, cọng nhỏ, mềm, độ dai vừa phải do chính người dân Vĩnh Châu tự chế biến. Còn phần nước chấm vẫn là múi tiêu vắt thêm vài lát chanh, rau chủ yếu là giá tươi sống, rau thơm, ngò rai, bỏ thêm vài miếng hành tây lát mỏng, hủ tíu cà ri Vĩnh Châu được nêm nếm rất vừa phải phù hợp với khẩu vị của thực khách.
3
Bún vịt nấu tiêu – Sóc Trăng
Lang thang ở thành phố Sóc Trăng, khách phương xa dễ dàng nhận thấy khá nhiều quán bày bán món bún vịt nấu tiêu trên các trục đường lớn, nhất là khu vực gần chợ. Người dân Sóc Trăng thường ăn món này vào buổi sáng cho nóng.
Bún vịt nấu tiêu thoạt nhìn giống mì vịt tiềm nhưng đặc biệt hơn là món này được nấu từ hột tiêu, xương và nước dừa tươi. Bún thường được ăn kèm nhiều loại rau sống như giá, rau muống bào, bắp chuối bào, rau quế… Ăn bún vịt nấu tiêu phải vắt tí chanh, kèm chén nước mắm có mấy lát hành tím bào mỏng còn sống và bỏ ít ớt băm ngâm dấm mới ngon. Khi ăn, thực khách có cảm giác trơn trơn của bún, sực sực của rau và sự mềm mại của thịt vịt, đặc biệt là vị ngọt đậm đà của nước lèo không chê vào đâu được, chinh phục cả những người khó tính. Do có vị cay cay của tiêu, nên khi trời nóng, ai húp nước lèo này sẽ toát cả mồ hôi, người khỏe hẳn ra, còn thời điểm gần tết, khi trời se lạnh, ăn bún vịt nấu tiêu để ấm người.
Bún vịt nấu tiêu được bán nhiều trên các vỉa hè ở những con đường, tuyến phố thuộc thành phố Sóc Trăng như: đường Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Cừ, một số quán trên tuyến đường Lê Hồng Phong và đường Xô Viết Nghệ Tĩnh,…
4
Bún tiêu giò – Sóc Trăng
Lại một lần nữa, món ăn mang hết nguyên liệu vào trong cái tên của mình. Món bún tiêu giò có các thành phần chính là bún, tiêu và giò heo. Nước lèo của bún tiêu ngoài vị ngọt của xương, của thịt thì đậm vị tiêu, cay nồng và nóng.
Thịt bắp bò được sơ chế rồi hầm chín sau đó thái thành lát mỏng vừa ăn. Đôi khi, nhiều người nấu còn cho thêm thịt vịt để tránh đơn điệu cho món bún. Khi ăn, cho bún vào tô, thêm giá trụng, húng, kinh giới, hành tím, thịt bắp giò… vào rồi chan nước lèo lên là xong. Và như thói quen ăn uống của người miền Tây, người ăn có thể cho vào thêm chút ớt, chút chanh. Chỉ thế thôi là người Sóc Trăng đã xong bữa sáng ấm bụng hay bữa chiều no dạ. Món bún tiêu giò ngon nhất khi thưởng thức những ngày trời mưa ngập trời xứ này. Khi ấy, cái nồng của tiêu không còn khó chịu mà khiến ta ấm áp hơn nhiều lắm.
5
Bún gỏi dà – Sóc Trăng
Với xuất phát điểm là gỏi cuốn, bún gỏi dà được biến tấu dần dần và trở thành món khoái khẩu của người dân bản xứ. Bún gỏi dà gồm các nguyên liệu chính như các thành phần trong món gỏi cuốn: bún tươi, rau sống, giá đỗ, thịt ba rọi, tôm, đậu phộng, tương xay và thêm một số phụ liệu khác như sườn non, nước dùng.
Nước dùng cùa bún gỏi dà được ninh từ xương heo, chế thêm nước me chua nhẹ và tương hạt thơm. Nhìn tô bún với những con tôm đỏ au, thịt ba rọi ngon, giá đỗ, sườn non, chút rau xanh, đậu phộng rang và tương phía trên, cùng nước dùng xâm xấp, khó có ai làm ngơ được.
Bún gỏi dà khi ăn phải cho thêm tương ớt, vắt miếng chanh vào mới đúng chuẩn. Từng miếng bún dai mềm hòa chung nước dùng ngọt thanh và các thành phần khác tạo nên món ăn ngon và hấp dẫn với cả những người khó tính nhất.
6
Bún nước lèo – Sóc Trăng
Nghe cái tên bún nước lèo hẳn nhiều người không muốn thử ăn. Ấy là vì chỉ bún với nước lèo có gì mà ham. Tuy nhiên, nếu ông thử chắc chắn sẽ tiếc húi hụi khi nhìn hình ảnh của loại bún đặc biệt này.
Nước lèo hay nước dùng của bún này được nấu theo phương pháp riêng nên trong vắt, không hề có chút cặn nào. Nước lèo thơm vị cá lóc đồng, sả và nhiều loại gia vị khác. Bún trước khi cho vào tô, được trụng qua nước sôi, thêm tôm, thịt cá phi lê, thịt heo quay… rồi chan ngập nước lèo. Bún này phục vụ cùng đĩa rau sống đủ loại: bắp chuối, húng thơm, húng quế, hẹ, giá sống…
Để tròn vị hơn, bạn có thể vắt thêm chanh, cho ớt tươi vào tô bún và trộn đều. Cái hương thơm dịu của cá cùng với mặn mòi nước mắm làm tôn lên cảm giác nơi đầu lưỡi: ngọt tôm cá, giòn béo thịt quay và dịu dịu của nước lèo rất khác với bún bò Huế hay phở. Bún nước lèo trong veo là đặc trưng của riêng miệt vườn, của riêng Sóc Trăng.
7
Lẩu cháo cá khoai – Sóc Trăng
Cá khoai là loại cá nước mặn, mình tròn, thân dài và ốm, thường được làm khô. Khô cá khoai đem nướng, chấm với nước mắm me, làm mồi nhậu thì không chê vào đâu được. Tuy nhiên, cá khoai tươi đem nấu lẩu cháo cũng ngon tuyệt.
Thịt cá khoai tươi rất bở, dễ vỡ ra khi nấu nhưng lại rất ngọt. Cháo đã được nấu chín và nêm nếm sẵn. Rau ăn với lẩu cháo cá khoai thường không nhiều, chỉ gồm vài ba loại: mồng tơi, cải xanh… và đặc biệt không thể thiếu đầu hành. Đầu hành lá được rửa sạch sẽ, cắt gọn gàng. Nước chấm là chén nước mắm trong rất nhiều ớt. Sau cùng và quan trọng nhất là đĩa cá khoai còn tươi rói, được làm sạch sẽ. Tùy theo số lượng người ăn và tùy theo giá tiền mà đĩa cá này nhiều ít khác nhau. Cháo sôi rắc ít tiêu lên, cho cá, rau vào, thêm một ít gừng xắt nhuyễn, vài phút sau là ăn được. Thịt cá khoai gần như hòa tan lẫn vào cháo nên khó bề dùng đũa gắp, phải lấy vá múc cháo có lẫn cá vào chén, cho ít nước mắm vào, sau đó gắp rau, đầu hành chấm nước mắm ăn kèm.
8
Cháo cá lóc rau đắng – Sóc Trăng
Miền Tây là xứ sông nước hữu tình, vì thế đây có rất nhiều loại cá. Các món ăn từ cá cũng được người dân rất yêu thích và chế biến thành nhiều món khác nhau. Đặc sản Sóc Trăng không thể không nhắc đến món cháo cá lóc rau đắng. Cá lóc sau khi sơ chế sẽ được nấu cùng với nồi cháo thơm phức. Tất cả tạo nên nồi nước dùng ngon ngọt. Chỉ cần nếm thêm chút gia vị nữa là món ăn sẽ trở nên thơm ngon, đậm đà.
Và tất nhiên, không thể nào thiếu dĩa rau đắng cùng với giá đỗ tươi rói. Rau đắng ở miền Tây có vị đắng nhẫn nhẫn, ăn nhiều sẽ gây “nghiện”. Dùng để ăn kèm với nồi cháo cá lóc rất dậy mùi.
9
Mắm bò hóc (prôhôc) – Sóc Trăng
Ngày xưa nhiều cá, người ta xuống tát đìa, đặt xà ngom để bắt cá trê làm mắm bò hóc ốp. Mắm bò hóc ốp càng để lâu mùi và vị càng mặn nồng, ăn với thịt heo đùi hoặc ba rọi luộc, thái lát mỏng, cuốn bánh tráng chấm mắm ăn rất ngon.
Loại mắm này, nếu được làm bằng cá trê vàng, gọi là “Prôchôc ôp”, trở thành món ăn nổi tiếng Sóc Trăng. Người Khmer còn chế biến một loại mắm chua gọi “prôot”, làm bằng tép mồng, một loại tép rất dễ kiếm ở đồng ruộng, khi trộn với đu đủ, riềng hoặc gừng non sau vài ngày thì ăn được. Cá lốc, cá trê nướng mà chấm với mắm này thì “ăn ngon hết chổ chê”.
Ngoài việc sử dụng gia vị như hành, ớt, tiêu, tỏi, người Khmer hay dùng mắm prôhôc làm gia vị chính để nêm nếm, đặc biệt là các món ăn “samlo” (canh), nước lèo. Cách làm mắm bò hóc ốp cho ngon rất công phu, phải làm bằng cá trê vàng rửa sạch, để ráo nước, lấy vải mùng thưa, sạch đậy lại để tránh ruồi bu. Ngày hôm sau cá hơi ươn, để cá dưới vỉ tre ướp muối cho trở. Một tuần sau nấu đường trộn với nếp nấu chín và muối sắp vô mắm rồi chao một lần. Một thời gian sau chao thêm lần nữa rồi rắc thính, lúc đó con mắm ốp khô ráo, mềm. Để mắm trên ba tháng ăn mới ngon. Đặc biệt là ăn với cơm nóng rất hấp dẫn.
Người Việt và người Hoa ở Sóc Trăng cũng ăn quen mắm bò hóc. Trước kia người Khmer làm nhiều mắm bò hóc để bán, nay chỉ làm để ăn trong nhà. Mắm prahok không còn là “mắm hàng hóa” nữa, vì cá ngày càng hiếm, giá cá cao, làm mắm bán không lời. Người Khmer ở ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú làm mắm prahok bằng cách khác, sau khi làm sạch cá, ngâm nước một lúc rồi đem phơi vừa khô, sau đó lăn cá trong muối. Xếp cá và cơm nguội vào cái khạp mắm, để càng lâu càng ngon. Món “mắm chao” (pro ót-bà ót) làm bằng tép mồng, hoặc cá lòng tong. Cách làm cần thêm cơm nguội, củ riềng. Muốn mắm chua phải bỏ thính. Tuy nhiên, mắm bò hóc được người Khmer xem như đặc sản dùng để đãi khách quý đến thăm nhà và là nguyên liệu thích hợp để làm nước lèo trong món bún nước lèo của người dân Sóc Trăng.
10
Mắm cá lóc chiên – Sóc Trăng
Đến thăm Ngã Năm, Sóc Trăng, bạn đừng quên thưởng thức món mắm cá lóc chiên đặc sản của địa phương. Món mắm cá lóc chiên Ngã Năm được chế biến từ loại cá lóc đồng, còn sống, được tự tay người dân nơi đây ủ thành mắm với quy trình khá công phu và tỉ mỉ. Từ mắm cá lóc có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, như mắm lóc ăn sống (xé nhỏ thịt mắm, sơ chế với chanh, tỏi ớt, và nêm ít gia vị là có thể dùng được) hay mắm cá lóc chưng thịt ba rọi, mắm cá lóc chưng tương… Đặc biệt, món ăn hấp dẫn và độc đáo phải kể đến là món mắm cá lóc chiên.
Mắm cá lóc chiên là món dễ chế biến nhưng muốn ngon thì không phải dễ. Trước tiên là cho ít tỏi băm vào chảo mỡ nóng nhẹ, phi tỏi thơm, vàng. Để lửa nhỏ vừa phải, cho mắm cá lóc vào chiên, trở đều. Sau đó cho các gia vị đường, tiêu, bột ngọt và tỏi, ớt sắt lát và một ít nước lọc. Đậy nắp lại, cho lửa nhỏ để mắm thấm đều gia vị, là có thể dùng được. Mắm chiên ngon là khi nước gia vị rút vào thịt mắm, mắm cá lóc chín, ráo, không rả và có màu đỏ xậm sánh với mỡ, trông rất bắt mắt. Mắm cá lóc chiên được ăn kèm với chuối chát, khóm, dưa leo, rau thơm, rau hẹ… dùng với cơm trắng. Sự kết hợp hài hòa của thịt mắm cùng các gia vị và rau rém tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn mà khó nơi nào có được.
Các địa điểm ăn món Mắm cá lóc chiên Sóc Trăng
11
Khô trâu Thạnh Trị – Sóc Trăng
Khô trâu Thạnh Trị được chế biến theo kiểu cổ truyền, thịt trâu bắp được lát thành những miếng mỏng lớn hơn bàn tay, tiếp theo là ướp gia vị vào gồm xả bằm, muối, tỏi, ớt… khoảng nửa ngày cho ngấm. Sau đó đem phơi nắng hoặc sấy trong lò. Khô thành phẩm sẽ là những miếng khô thật mỏng, thơm lừng vị xả và mùi thịt trâu đặc trưng. Thường thì chế biến khoảng hơn 4kg thịt tươi mới có được 1 kg thịt khô. Hơn nửa, thịt trâu có vị mát, nhiều đạm lại không chứa nhiều Cholesterolnhư thịt bò, ăn khô trâu vừa cung cấp lượng đạm đầy đủ lại khá an toàn, tốt cho sức khỏe.
Để thưởng thức khô trâu cũng có rất nhiều cách, nhưng ngon nhất vẫn là nướng. Trước tiên, ngâm khô vào trong nước lạnh khoảng 5 phút, sau đó thì đem nướng, đặc biệt sẽ ngon hơn nếu được nướng trên bếp than đước. Khi khô chín đều ở cả hai mặt và lên hương thơm lừng, thì dằn cho miếng khô mềm và tơi ra. Tiếp theo là nước chấm, phần không thể thiếu đối với món khô trâu này, me chín được dằm với nước sôi để nguội, cho nhựa me ra hết, sau đó cho đường, muối, nước mắm, sả, ớt trộn đều, tạo thành một thứ nước chấm sền sệt, chua chua ngòn ngọt. Khô trâu mà chấm với nước mắm me là hết ý! Món này đặc biệt “bắt” khi nhắm với bia kèm theo dĩa dưa chua nho nhỏ.
12
Xá bấu Vĩnh Châu – Sóc Trăng
Xá bấu hay còn gọi là củ cải muối ở huyện Vĩnh Châu – Sóc Trăng vốn là món ăn truyền thống của người Hoa. Nhưng có lẽ, thời gian dài cộng cư, nét văn hóa ẩm thực này đang chiếm dần tình cảm của cả người Khmer và người Kinh.
Cách chế biến xá bấu ngọt cũng đơn giản. Người dân lựa củ cải trắng tròn dài đều, đem cắt độ 8 phân rổi chẻ mỏng đều lại theo sợi dài, ướp muối, phơi độ 2 – 3 nắng là vừa. Sau đó, đem trộn với đường cát, theo tỷ lệ thích hợp, ủ lại vài ngày cho đường ngấm vào từng sợi xá pấu. Ngoài ra, để tăng thêm hương vị của xá pấu ngọt, người dân còn có thể ướp thêm một số loại như củ gừng, củ riềng, giấm, tỏi, ớt hoặc xì dầu ngon,… Xá pấu ngọt là món ăn rất quen thuộc và được thực khách dùng kèm với cháo trắng, khi ăn cảm giác giòn, mặn ngọt vừa phải, hơi cay nồng thơm muồi củ cải trắng… làm cho người thưởng thức cảm giác rất ngon.
13
Dưa bồn bồn – Sóc Trăng
Dưa bồn bồn là một món dưa muối được làm từ phần gốc non của cây bồn bồn ủ trong nước gạo pha muối. Đây là một trong những món ăn đặc trưng của vùng Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Bồn bồn là loại thực phẩm lạ miệng, xuất xứ từ xứ “đồng chua nước mặn” Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Đây là loại cây cùng dòng họ với lát, thân được ghép lại từ những lá bẹ dẹp và dài, cao ngang đầu người. Khi ăn, dưa bồn bồn thường được chấm nước tương, nước cá kho, thịt kho. Dưa còn được xào cùng tép, thịt, cá, hoặc dùng để nấu canh chua với các loại cá như cá ngác, cá rô, cá bông lau, cá ba sa, cá dứa.
14
Cá bống sao – Sóc Trăng
Cá bống sao là món ăn đặc sản Sóc Trăng, đặc biệt ở Cù Lao Dung. Cá có đốm xanh, da lấm tấm trắng li ti, tuy nhỏ nhưng ăn rất chắc thịt. Người dân địa phương thường dùng cá bống kho tiêu hoặc kho khô theo tiếng địa phương là “kho chồn”.
Là món ngon hấp dẫn mà ai đến đây cũng muốn tận hưởng hương vị. Tuy là cá của người nghèo nhưng đã làm nên nhiều “kỳ tích” với hai món ngon tuyệt chiêu, đó là cá bống sao kho sả ớt và nấu canh chua bần. Khi nấu lên, thịt cá chuyển đỏ tạo hiệu ứng thị giác thật sự bắt mắt. Hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ mùi của rau gia vị các loại, vị bùi bùi của gan cá tan chảy trong miệng, ăn mấy bát cơm trắng dẻo thơm cũng thấy không đủ!
15
Mì sụa – Sóc Trăng
Mì sụa là món ăn truyền thống của cộng đồng người Hoa tại Sóc Trăng. Mì sụa được chế biến bằng nguyên liệu chính là đậu nành, nên cọng mì có màu vàng óng, thường to hơn so với các loại mì khác.
Mì sụa có hai loại: Loại mặn và loại không mặn. Mỗi loại chế biến thành các món ăn khác nhau như mì sụa mặn (ngon nhất khi xào), còn mì sụa ngọt dùng để nấu chè. Khi ăn mì sụa xào, quý khách sẽ cảm nhận được vị dai, giòn của mì hòa cùng với vị béo, ngọt của thịt. Tô mì xào thường được ăn kèm với bát nước dùng cho đỡ ngấy. Nước dùng có thể được hầm với thịt giò heo cùng với hương thơm từ lá ngò, hành lá, hành phi, tiêu xay… khiến người ăn cảm thấy ngọt miệng và sảng khoái hơn khi húp từng muỗng.
Còn mì sụa không mặn, thường được nấu chè với trứng gà luộc có vị ngọt rất lạ miệng, được dùng trong những bữa tiệc, mừng sinh nhật. Với hàm ý, màu đỏ của lòng đỏ trứng gà là lời chúc cho cuộc sống thêm may mắn, trọn vẹn. Mì sụa có bán tại các quán ăn trong thành phố Sóc Trăng như tiệm mì Thúy, mì Tinh Châu…
16
Lạp xưởng Vũng Thơm – Sóc Trăng
Nếu như ở Long An nổi tiếng có lạp xưởng Cần Đước, Tiền Giang trứ danh với lạp xưởng Cai Lậy thì ở Sóc Trăng người ta cũng hay nhắc về món lạp xưởng của vùng Vũng Thơm. Được biết, làm lạp xưởng là nghề truyền thống của bà con xã Phú Tây, huyện Mỹ Tú được hình thành từ nhiều năm về trước.
Nguyên liệu để làm món lạp xưởng Vũng Thơm bao gồm: thịt nạc heo, mỡ heo, rượu trắng và ruột heo. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng để có món lạp xưởng ngon, đòi hỏi người làm phải biết chọn nguyên liệu cũng như tỉ mỉ trong khâu tẩm ướp, dồn thịt.
Để thưởng thức món lạp xưởng Vũng Thơm, người ta có nhiều cách chế biến khác nhau nhưng ngon nhất là đem đi chiên. Lạp xưởng là món ăn quen thuộc của người Việt được dùng trong bữa cơm hằng ngày, khi ăn cho mùi vị độc đáo, ngọt thanh tự nhiên, không ngán.
17
Cốm dẹp – Sóc Trăng
Trong lễ hội Oóc-om-bóc của đồng bào Khmer diễn ra vào rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, có một nghi thức quan trọng, đó là Lễ Cúng Trăng. Ngoài các loại trái cây, bánh, mứt còn có thức cúng không thể thiếu được trong lễ vật cúng Trăng đó là Om – Bóc hay còn gọi là cốm dẹp.
Lúa nếp tước lấy hạt, bắc nồi đất lên cà ràng, rang cho nếp vừa tới, những hạt nếp rang được bỏ vào chiếc cối bồng, hai người đứng đối mặt, cầm chài đâm cốm. Họ luân phiên quết cho đến khi những hạt nếp dẹp lép thì nghiêng cối, cào hết cốm ra nia. Cầm nia trên tay, người ta sảy cho hết trấu rồi đem sàng để có được cốm. Cốm mới quết rất giòn và dẻo, ăn không cũng cảm nhận được hương vị thơm đặc trưng của nó. Nhưng muốn ăn ngon hơn, thì phải trộn cốm dẹp.
Cũng vì hương vị thơm, ngon đặc trưng mà cốm dẹp từ lâu đã trở thành một đặc sản của người Khmer miền sông Cửu Long nói chung và ở Ngã Năm – Sóc Trăng nói riêng.
18
Bánh cóng – Sóc Trăng
Đây là một món ăn của người Khmer ở Sóc Trăng. Bánh cóng hay còn có tên gọi khác là bánh cống, bánh sầy hoặc sài cá nại theo tiếng Khmer. Bánh cóng ngày nay trở nên khá phổ biến ở nhiều tỉnh thành khác.
Bánh có vỏ làm từ bột gạo, bột đậu nành và trứng, còn nhân bánh là thịt heo băm ướp gia vị và trộn với củ hành tím xắt nhỏ và một ít đậu xanh hấp. Bánh cóng nhìn cực kì đẹp mắt và hấp dẫn. Từng chiếc bánh vàng ruộm, lại nổi lên hình tôm đỏ, ăn cùng với các loại rau thơm, rau sống như húng lủi, quế, xà lách, cải xanh, chấm nước mắm chua ngọt với gừng thái nhỏ, cải đỏ, cải trắng… khiến người ăn khó mà ngán được. Hương vị đặc trưng đầy nét cuốn hút của bánh cóng làm bất cứ ai cũng phải mê mẩn.
19
Bánh ống – Sóc Trăng
Bánh ống là món ăn vặt này rất quen thuộc với người Khmer. Không chỉ là món ăn vặt khiến trẻ con mê mẩn, mà còn là bữa sáng và bữa nhẹ buổi chiều của người lớn.
Bánh ống làm từ bột gạo xay nhuyễn trộn với màu của lá dứa, đường và nước cốt dừa. Bánh được hấp cách thủy trong ống tre hoặc ống nhôm nên gọi là bánh ống, chỉ khoảng 2 phút là xong mẻ bánh. Bánh có màu xanh mát của lá dứa, nhìn rất ngon mắt, lại được rắc lên trên dừa nạo và muối vừng càng hấp dẫn. Đối với người Sóc Trăng, dù đi đâu về đâu cũng luôn nhớ món ăn ngon lành, đơn giản này như một kỉ niệm đẹp của tuổi thơ.
20
Bánh gừng – Sóc Trăng
Chạy xe khắp các con đường ở Sóc Trăng, du khách sẽ thấy rất nhiều xe hàng rong bán bánh gừng. Bánh gừng như là một món ăn vặt quen thuộc, vừa rẻ lại vừa ngon, được nhiều du khách yêu thích.
Hương vị món bánh gừng giống như cái tên, nồng nặc mùi gừng nhưng lại có thêm vị ngọt và béo. Đặc trưng của món bánh gừng đó chính là được chiên trên chảo đường, kèm với bột và trứng. Bánh gừng có hình thù như củ gừng. Sau khi chiên lên có màu vàng óng ánh. Ăn vào vị hơi nồng, hậu ngọt nơi cổ họng. Một chiếc bánh gừng đặc sản Sóc Trăng có giá rất rẻ, chỉ từ 3.000đ/cái.
21
Bánh pía – Sóc Trăng
Dọc theo mọi con đường của tỉnh Sóc Trăng, du khách dễ dàng bắt gặp những chiếc bánh tròn, dẹp, nhìn đẹp mắt và có mùi vị ngọt ngào được bày bán tại nhiều cửa hàng. Đó là món bánh pía – đặc sản số một của vùng đất này.
Bánh pía Sóc Trăng xuất hiện ở vùng đất này từ thế kỷ 17, theo chân những người Hán di cư đến phương Nam, chiếc bánh này khi đó là lương thực để ăn dọc đường. Đầu tiên, bánh được làm khá đơn giản: vỏ ngoài là bột mì cán thành da mỏng bao quanh nhân ở bên trong. Nhân gồm có : đậu xanh và mỡ heo. Cùng với sự phát triển của xã hội, bánh pía Sóc Trăng được “biến tấu” với các nguyên liệu khác như khoai môn, sầu riêng… tạo cho chiếc bánh có mùi thơm hấp dẫn.
Thông thường, bánh pía Sóc Trăng có 2 loại là bánh pía khoai môn và bánh pía đậu xanh. Các công đoạn làm bánh đòi hỏi sự khéo léo và khá cầu kỳ. Đầu tiên, bột mì được cán mỏng để làm vỏ. Để có những lớp vỏ mỏng tang, người ta phải chế biến bột mì qua nhiều công đoạn như: trộn bột, cán mỏng và cuộn tròn… Khâu làm nhân bánh quan trọng từ việc lựa chọn nguyên liệu cho đến cách phối hợp hài hòa chúng với nhau để làm nên hương thơm riêng. Nhân bánh được thực hiện như sau: đậu xanh hoặc khoai môn đem hấp chính, chà nhuyễn, xào với đường rồi trộn chung với chút sầu riêng tươi, lòng đỏ trứng muối. Sau khi cho nhân vào vỏ bánh, người ta thoa bên ngoài vỏ bánh lòng đỏ trứng muối và đưa vào lò nướng.
Được kết hợp hài hòa từ các nguyên liệu khác nhau, bánh pía Sóc Trăng đem lại cho thực khách một cảm giác rất đặc biệt: sự mềm, dẻo của lớp vỏ bánh; vị bùi bùi của khoai môn hay đậu xanh, vị ngọt thơm của hương sầu riêng, vị mặn và chút béo ngậy của trứng muối… Bánh pía Sóc Trăng có độ ngọt vừa phải và không quá béo, khiến thực khách không cảm thấy ngán. Ăn bánh pía phải uống trà mới đúng kiểu. Cắn một miếng bánh, hớp một ngụm trà, bạn sẽ cảm thấy độ ngọt của bánh hòa cùng vị đắng của trà tan ra nơi đầu lưỡi. Thú ẩm thực tao nhã này đã trở thành một nét đặc trưng của văn hóa Sóc Trăng.
Bánh pía Sóc Trăng giờ đây đã trở thành một món bánh nổi tiếng trong nền ẩm thực của Việt Nam. Du khách nào ghé qua vùng này cũng không thể quên đem những hộp bánh pía về làm quà cho người thân, như đem theo hương vị ngọt ngào của tâm hồn người miền Tây Nam Bộ gửi gắm trong từng chiếc bánh.
22
Bánh in – Sóc Trăng
Bánh in là món bánh truyền thống được người dân nơi đây thường dùng để thờ cúng thổ tiên. Món bánh này có màu trắng đục và mang đậm hương vị của sầu riêng và mùi lá dứa. Khi ăn bạn sẽ thấy hương vị béo ngậy bởi bánh có thêm nước cốt dừa. Do đó, trong số các món ăn ngon đặc sản Sóc Trăng nên thưởng thức, bạn nhất định phải ghi nhớ món bánh này trong danh sách các món nhất định phải ăn. Ngoài bánh pía, bánh cống và bánh ống thì bánh in cũng là món ăn tạo nên sự đặc sắc riêng cho ẩm thực của Sóc Trăng.
23
Mè láo – Sóc Trăng
Mè láo là món ăn vặt có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Hoa, qua bàn tay chế biến sáng tạo của người dân Sóc Trăng, món ăn này dần dần trở thành một trong những thứ đặc sản nức tiếng mà bạn có thể lựa chọn mua về làm quà biếu tặng.
Mè láo là món bánh được chế biến từ khoai môn, bột nếp, vừng và đường mạc nha. Để làm mè láo, phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ khác nhau, đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ khéo tay từ khâu chọn nguyên liệu đến thực hiện.
Khoai môn mang về cắt nhỏ phơi nắng rồi đem giã nhuyễn. Công đoạn tiếp theo là lăn khoai qua bột nếp, nặn tròn, chiên nhanh qua dầu nóng rồi nhúng vào đường mạch nha, rắc mè là thành phẩm.
Mè láo khi ăn vào mang đến cho người thưởng thức cái vị là lạ miệng, vỏ bánh cưng cứng giòn tan ngọt đường, ruột bánh ngọt thơm xốp tơi tận kẻ răng. Món này ngon nhất là ăn chơi cùng với trà nóng.
Ăn gì khi đến Sóc Trăng? Trên đây là những món ăn đặc sản Sóc Trăng nổi tiếng nhất. Có những món rất dễ ăn nhưng cũng có những món với nhiều người tương đối khó ăn. Tuy nhiên, nếu thử ăn thêm vài lần có thể bạn sẽ rất thích đấy. Nếu bạn có dịp du lịch Sóc Trăng thì đừng quên thưởng thức những món đặc sản Sóc Trăng nổi tiếng mà chúng tôi giới thiệu trên đây nhé.