Ăn dọc mùng bị ngứa phải làm sao?
Rau dọc mùng được gọi môn thơm và tên khoa học của nó là Alocasia indica = Alocasia odora. Dọc mùng có mặt trong nhiều món ẩm thực của người Việt gồm có: các món canh chua, món bún… Tuy nhiên, nhiều người bị ngứa khi ăn rau dọc mùng. Đọc thêm bài viết dưới đây để có cách xử trí khi ăn dọc mùng bị ngứa.
1. Dọc mùng và các món ăn ngon từ dọc mùng
Từ xưa đến nay, dọc mùng đã có mặt trong nhiều món ăn ngon của người Việt Nam như canh chua, bún cá….
Dọc mùng có chứa nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất quan trọng như photpho, kali, canxi, magie, sắt… Đặc biệt, dọc mùng chứa xơ có tác dụng thấm hút chất béo, cholesterol ở trong ruột rất tốt, đồng thời cũng có thể ngăn cản trở sự hấp thụ cholesterol.
Theo các ghi chép trong các cuốn sách về Đông y, dọc mùng có vị nhạt, tính mát, không độc, phù hợp với công dụng dùng để thanh nhiệt, giải khát. Bẹ dọc mùng khô còn gọi là Phùng thu can có tác dụng thanh nhiệt, thấm chất béo rất tốt, lại an toàn đối với cơ thể. Chính nhờ những tác dụng trên mà ngoài việc có thể chế biến thành các món ăn ngon, dọc mùng còn có thể trở thành một vị thuốc hiệu quả chữa nhiều bệnh.
- Dọc mùng chữa sởi ở trẻ em: dùng 40g phùng thụ can (bẹ dọc mùng khô) sắc kỹ lấy nước cho trẻ uống.
- Bệnh cảm sốt khi mới mắc, bắt đầu có triệu chứng ho hoặc thấy đau họng do ăn nhiều đồ béo khó tiêu: dùng phùng thụ can sắc kỹ thật đặc cho uống khi còn nóng. Bài thuốc Đông y này còn có tác dụng phòng cảm cúm ở giai đoạn nặng hơn.
- Dọc mùng là nguyên liệu của nhiều món ăn ngon, cũng là một vị thuốc thanh nhiệt, giải khát, giảm béo.
Các món ăn từ dọc mùng lại rất thích hợp đối với những người bệnh đang bị béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, gút… Người Việt Nam có món ăn dân dã là dọc mùng muối xổi có hương vị rất ngon và rất được ưa chuộng. Dọc mùng muối còn làm tăng thêm hương vị thơm ngon của món canh chua ( lươn, cá, tép) bún bung (với thịt, chân giò, móng giò; hay ếch xào dưa môn, dưa môn bóp nước mắm hay dưa môn kho cá hú…)
Cách muối dọc mùng cũng rất đơn giản: Để an toàn, các bà nội trợ vẫn phải nhớ khử ngứa bằng cách bóp muối dọc mùng trước khi nấu nướng bằng bẹ của một loại cây có tên là môn ngọt – có sẵn ở nhiều vùng quê trên cả nước. Sau khi cắt, hãy đem phơi bẹ môn ra sân phơi cho héo mặt, phơi xong dội qua nước cho sạch bùn đất. Lấy từng nắm bẹ môn bẻ gập lại xếp vào lu hoặc vại, rồi cứ mỗi lớp môn như vậy lại rắc lên một lớp muối, sau đó đậy kín nắp vại để qua ngày mai sẽ lấy được nước vo gạo đổ ngập bẹ môn, xong đậy lên mặt môn vài lớp lá chuối, đóng kín nắp lại, đợi 3 ngày sau khi bẹ môn có màu vàng và có vị chua là được. Nếu có nước hèm rượu để ngâm, dưa sẽ có mùi thơm ngon hơn hẳn. Dưa môn thường sẽ được ăn kèm với cá kho, thịt luộc hay bóp nước mắm ớt, xào chung với cá thịt…
Ngoài dọc mùng muối xổi, một món ăn từ dọc mùng khác cũng rất được ưa chuộng ở nước ta đó là nộm dọc mùng: Dọc mùng bóp muối cho hết ngứa sau đó vắt khô nước rồi cho lạc, chanh, ớt, rau thơm vào trộn đều là đã có một món nộm thơm ngon, hấp dẫn.
2. Ăn dọc mùng bị ngứa thì phải làm sao ?
Dọc mùng là món ăn ngon, tuy nhiên nó cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây dị ứng, đặc biệt là sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng. Dị ứng dọc mùng rất dễ xảy ra ở những người có cơ địa dị ứng, hoặc có những gen đặc biệt liên quan đến dị ứng dọc mùng.
Trong thời gian qua, cả nước đã chứng kiến không ít vụ ngộ độc liên quan đến cây dọc mùng hay cây bạc hà (theo cách gọi của người miền Nam, nhưng không phải cây bạc hà dùng để chiết xuất tinh dầu). Thậm chí đã có nhiều trường hợp đã tử vong sau khi ăn dọc mùng. Điều này khiến nhiều người cảm thấy lo lắng vì nguy cơ gây dị ứng cao của loại thực phẩm vốn lành tính và hương vị thơm ngon này.
Theo PGS.TS. Nguyễn Gia Bình, trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai thì bệnh viện này đã từng tiếp nhận một bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi ăn một bát bún dọc mùng. Mặc dù đã nhanh chóng xử trí đúng theo phác đồ điều trị sốc phản vệ tuy nhiên bệnh nhân vẫn không qua khỏi và đã tử vong ít giờ sau đó. Theo ông Nguyễn Gia Bình, dị ứng dọc mùng dễ xảy ra nhất ở những người có cơ địa dị ứng, hoặc có những gen đặc biệt, có thể mắc các loại dị ứng nặng với thực phẩm này, biểu hiện như :
- Sốc phản vệ
- Mẩn ngứa (đây là mức độ nhẹ nhất của dị ứng dọc mùng)
- Ở mức độ nặng hơn, bệnh nhân có thể gặp phải một số tình trạng như : tắc phế quản, ngạt thở, nôn mửa, giãn mạch máu dẫn đến trụy tim mạch….
Theo các bác sĩ, dị ứng với dọc mùng là trường hợp không hiếm gặp. Dị ứng dọc mùng thường biểu hiện sau khoảng vài phút đến một tiếng sau khi ăn với các biểu hiện phổ biến nhất là: ngứa ran trong miệng, phát ban, sưng tấy môi, lưỡi hoặc khó thở, ngất xỉu…. Trong một số trường hợp, dị ứng dọc mùng có thể dẫn đến những triệu chứng nặng hoặc rất nặng như: phù nề đường hô hấp, sưng đau cổ họng làm tắc đường thở, mất ý thức nghiêm trọng… thậm chí nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Chính bởi những nguy cơ gây dị ứng nghiêm trọng với dọc mùng như thế nên các bác sĩ khuyến cáo tình trạng dị ứng dọc mùng cần phải được phát hiện sớm và xử trí kịp thời, nhanh chóng. Đặc biệt đối với những người có cơ địa dị ứng mạnh với loại thực phẩm này, các phản ứng dị ứng sẽ xảy ra nhanh và khiến bệnh trở nặng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Một số cách chế biến dọc mùng giúp loại bỏ bớt các chất gây dị ứng mà các bà nội trợ có thể tham khảo :
- Trong quá trình sơ chế, cần làm sạch hết lớp vỏ dọc mùng – đây chính là bộ phận dễ gây dị ứng nhất của loại thực phẩm này
- Sau khi tước bỏ vỏ bên ngoài, thái miếng dọc mùng và rắc một ít muối hạt, sau đó bóp nhẹ để các chất gây dị ứng tiếp ra hết.
- Sau bước bóp muối dọc mùng, cần ngâm rửa dọc mùng với nước lạnh vài lần để loại bỏ hết các chất gây dị ứng còn bám lại.
- Trong khi thực hiện chế biến dọc mùng như tước vỏ và sơ chế nên dùng găng tay nilon để bóp và vắt nước dọc mùng nhằm tránh gây kích ứng và mẩn ngứa da.
Dọc mùng là một món ăn ngon, đã xuất hiện trong văn hóa ẩm thực của người Việt Nam từ lâu đời. Ngoài hương vị đặc biệt cùng những món ăn đã gắn liền với cuộc sống của nhiều người như dọc mùng muối xổi hay nộm dọc mùng, loại thực phẩm này cũng có thể được dùng làm thuốc chữa nhiều bệnh trong Đông y. Tuy nhiên, dọc mùng cũng là loại thực phẩm gây dị ứng mạnh, đặc biệt là đối với những người có cơ địa dị ứng hay chứa những gen gây dị ứng dọc mùng trong cơ thể. Dị ứng dọc mùng có thể nhẹ nhưng cũng có thể chuyển nặng và gây nguy hiểm đến tính mạng của người ăn, do đó cần phát hiện sớm và xử trí kịp thời đối với những trường hợp dị ứng dọc mùng.
Hãy thường xuyên theo dõi website Vinmec (www.vinmec.com) để cập nhật thông tin chăm sóc sức khỏe hữu ích và để lại thông tin khi cần bác sĩ tư vấn hỗ trợ nhé!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.