Ẩm thực dân tộc Thái – Du lịch Làng Văn Hóa
Dân tộc Thái có trên 1 triệu người sinh sống tập trung chủ yếu tại các tỉnh vùng núi phía Bắc, là một trong những dân tộc thiểu số có số lượng người đông và văn hóa đặc sắc. Ẩm thực của dân tộc Thái khiến nhiều người khó có thể quên được nếu đã từng nếm thử.
Trong mâm cơm của người Thái có nhiều món ăn, mỗi món đều có hương vị đặc trưng. Dân tộc Thái ưa cái hương vị đậm đà, giàu chất dinh dưỡng của món nướng. Món thịt trâu hoặc bò, cá, gà nướng được người Thái tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ. Gia vị để ướp là “mắc khén” (một loại tiêu rừng), ớt, tỏi, gừng, muối… Trước khi đem ướp với thịt, các gia vị cũng được nướng lên cho chín, tỏa mùi thơm.
Các loại thịt gia súc, gia cầm, hay thuỷ sản đều có thể nướng. Thịt thái miếng, ướp gia vị, dùng xiên hoặc kẹp tre tươi đặt lên than hồng; hoặc thịt băm nhỏ, bóp nhuyễn với trứng, gói lá chuối, lá dong, kẹp lại, nướng trên than đỏ hoặc vùi tro nóng; khi chín, thịt rất thơm, ăn không ngán.
Món cá nướng hấp dẫn bởi hương thơm của cá, vị cay của ớt. Món “pá-pỉnh-tộp” thường dùng cá to như chép, trôi, trắm… mổ lưng, để ráo nước, xoa một lớp muối rang nổ; tẩm ớt tươi nướng nghiền nát, mắc khén, để cá ngấm gia vị, cứng thịt lại rồi đặt lên than hồng. Cá chín có vị thơm hấp dẫn, dùng để uống rượu rất độc đáo. Sản phẩm cá được người Thái chế biến ra nhiều món ăn khác nhau: cá hấp trong chõ gỗ, người Thái gọi là cá mọ; món “pa-giảng” là cá hun khói.
Là một dân tộc hiếu khách, người Thái thường để dành cá sấy trong bếp. Khi có khách, nhà xa chợ, chưa làm kịp món ăn thì bỏ cá ra nướng lại cho thơm, rót rượu mời khách nhâm nhi, đây là cách thể hiện sự hiếu khách của đồng bào vùng cao.
Xôi nếp là món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Người Thái có phương pháp đồ xôi cách thuỷ bằng chõ gỗ rất khéo. Xôi chín bằng hơi, mềm, dẻo nhưng không dính tay. Xôi được đựng vào ép khẩu hoặc giỏ cơm đậy kín, ủ ấm, giữ cho cơm dẻo lâu.
Cơm lam là đặc sản của dân tộc Thái thường được sử dụng vào dịp lễ, tết hay đãi khách. Với các chuyến du lịch, du khách có thể mang theo ép khẩu xôi, vài khúc cơm lam để ăn dọc đường hoặc khi nghỉ ngơi tại các điểm tham quan sẽ rất tiện lợi.
Cách chế biến món măng của người Thái cũng thật đặc biệt và cầu kỳ. Để có được một bát nước cốt măng chua, họ sẽ ngâm măng vài ba năm để lọc lấy vị ngon lành, chua dịu nhất khi ăn cùng những món ăn khác. Những ai đã từng lên vùng Tây Bắc, khi vào những ngôi nhà của người Thái, đều dễ dàng nhận thấy gia đình nào cũng có sẵn vài chum măng muối chua dành để dùng dần.
Tất cả món ăn của người Thái đều được chế biến từ nguồn nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, không dùng dầu mỡ và rất chú trọng tới việc điều phối các vị đắng – cay – mặn – chát. Những vị này được phối hợp hài hòa bởi các nguyên liệu thiên nhiên nên không có cảm giác ngấy, ngán khi ăn những món nướng, luộc, hấp, hun khói,….
Ẩm thực của người Thái không chỉ sự cầu kỳ trong khâu chế biến món ăn mà còn trong cách chế biến gia vị, trong đó phải kể đến chẳm-chéo. Chẳm-chéo được làm từ ớt, tỏi, muối và mắc khén. Để có một bát chẳm chéo thơm ngon, ớt phải được đem nướng lên cho giòn, thơm và có vị thật cay, đem trộn với tỏi, muối và mắc khén cho dậy mùi. Tỏi làm chẳm chéo cũng phải là loại tỏi Tây Bắc mới thơm đúng mùi, các loại tỏi khác khó có thể làm nên hương vị chẳm chéo chính gốc. Sau khi trộn 4 loại nguyên liệu với nhau, người ta đem giã nhỏ, vậy là đã có một bát chẳm chéo cơ bản. Từ loại chẳm chéo cơ bản, có thể làm ra nhiều loại chéo khác phù hợp với từng món ăn, làm nên hương vị đặc trung cho mỗi món. Cách làm các loại chẳm chéo này có phần khác nhau, với mỗi món ăn thì chẳm chéo sẽ được pha chế với một loại nguyên liệu phù hợp.
Những phương pháp chế biến món ăn của người Thái được lưu truyền từ đời này qua đời khác trong dân gian, hoàn toàn không có bất cứ trường lớp nào truyền dạy. Chính điều này đã khiến cho những món ăn của người Thái không thể lẫn với bất kỳ dân tộc nào khác.
Hy Vọng