Ẩm thực Việt luôn mới mẻ

Ẩm thực Việt luôn mới mẻ - Ảnh 1.

Tommy Trần (bìa phải) cùng hai diễn viên chính Phương Anh Đào và Hoàng Trung trong buổi ra mắt phim – Ảnh: H.LÊ

Mới đây, đảm nhận vai trò food stylist (người “điểm trang” cho các món ăn) trong bộ phim truyền hình Bếp trưởng tới!, đầu bếp Tommy Tran chia sẻ anh hy vọng khán giả sẽ hiểu thêm về ngành bếp và những tinh hoa truyền tải trong ẩm thực Việt Nam.

Tommy Tran cũng từng là food stylist cho bộ phim Mỹ đình đám Crazy Rich Asian (Con nhà siêu giàu châu Á, 2018).

Đưa ẩm thực cung đình vào phim

“Khi nghe đạo diễn Văn Công Viễn chia sẻ dự án phim về ẩm thực, tôi hiểu và đồng cảm những đam mê khát vọng giới thiệu ẩm thực Việt của đạo diễn nên nhận lời tham gia, dù những ngày này tôi khá bận vì chuẩn bị mở quán cho riêng mình” – Tommy Trần chia sẻ về mối duyên với bộ phim Bếp trưởng tới!.

Một căn bếp hiện đại được đầu tư các vật dụng, thiết bị bếp đúng chuẩn nhà hàng cao cấp được dựng ngay ở phim trường… Những món ăn trong phim được anh lấy cảm hứng từ ẩm thực cung đình, biến tấu theo phong cách chế biến hiện đại. Vì sao lại lấy ý tưởng từ những món ăn cung đình? 

Tommy Trần giải thích: “Ẩm thực cung đình VN có chiều sâu về lịch sử, bề dài của thời gian… Bối cảnh phim là một nhà hàng sang trọng. Những món ăn tinh hoa, quý giá nhất dành cho vua chúa xưa tôi đưa vào phim như một ẩn dụ rằng những khách hàng đến nhà hàng này được đối đãi chu đáo như vị vua hay quan lại trong triều xưa, được ăn món ăn ngon như vua chúa vậy”.

Anh nói thêm: “Ẩm thực đường phố rất thú vị, nhưng sự phát triển của nó chưa phải là dài. Còn ẩm thực cung đình đã có chiều dài lịch sử để mình khám phá và ứng dụng vào ẩm thực hiện đại”.

Anh cũng “bật mí” vui rằng nhà hàng trong phim cũng là hình ảnh nhà hàng mà anh ấp ủ cho ra đời trong tương lai, và biết đâu có thể sẽ tạo nên sự đồng cảm cho ai đó đam mê ẩm thực giống anh, biến câu chuyện trong phim thành hiện thực ngoài đời.

Ẩm thực Việt quá vĩ đại

Tommy Trần tên thật là Trần Trọng Quí, sinh năm 1993. 21 tuổi, anh lên đường sang Malaysia học nghề làm bếp mà trong túi chỉ có khoảng 3 triệu đồng. Tại Malaysia, anh vừa học vừa làm việc ở một quán cà phê vùng ngoại ô để kiếm tiền trang trải cuộc sống. “Có những lúc tôi cảm thấy cuộc sống bế tắc nhưng chính tình yêu ẩm thực đã vực tôi dậy…” – Tommy chia sẻ.

Sau ba năm học hỏi, làm việc cùng các đầu bếp hàng đầu Malaysia, Ấn Độ,…, tiếp xúc với nhiều nền ẩm thực phong phú của Pháp, Anh, Ý, Hoa, Ấn Độ, Thái,…; Tommy Trần trở thành bếp trưởng điều hành của nhà hàng Casual Fine Dining Red Clementine hiện đại ở Malaysia ở tuổi 24. Và sau hơn năm năm làm việc tại đây, đoạt huy chương vàng Đầu bếp trẻ tài năng Ichef 2016, huy chương bạc Giải đầu bếp chuyên nghiệp quốc tế Malaysia (FHM 2017), anh quyết định về quê mẹ bắt đầu chinh phục hành trình ẩm thực mới.

Về Việt Nam, anh tham gia cuộc thi tìm kiếm đầu bếp giỏi trên truyền hình Top chef Việt Nam mùa 2 năm 2019 và lọt vào top 4 thí sinh có điểm cao nhất. “Khi tham gia Top Chef, mục tiêu của tôi là chứng minh năng lực của mình và làm quen, kết nối với các đầu bếp giỏi. Còn khi bắt tay công việc trong phim Bếp trưởng tới!, tôi được mời tham gia một vai nhưng tôi từ chối. Tôi chỉ muốn trở thành đầu bếp giỏi được mọi người chứng nhận chứ không muốn lấn sân vào showbiz đâu” – anh cười vui.

Tommy Trần cho biết sở trường hiện tại của mình nghiêng về ẩm thực hiện đại với những kỹ thuật của ẩm thực Pháp, Nhật, Trung Hoa. Tuy nhiên, khám phá ẩm thực truyền thống Việt Nam luôn là ước mơ lớn của anh. “Tôi nghĩ rằng để làm điều gì tốt nhất cần thời gian để mình dần trưởng thành hơn. Tôi đang nghiên cứu ẩm thực Việt từng bước một. Càng tìm hiểu tôi càng nhận ra nhiều thứ thật mới mẻ, quá vĩ đại”.

Bếp trưởng tới! xoay quanh Kỳ Hải – chàng trai có ước mơ trở thành bếp trưởng nổi tiếng. Anh đến xin việc tại nhà hàng Saigon d’Or. Tại đây, Kỳ Hải phải vượt qua nhiều thử thách oái oăm từ vị bếp trưởng Sơn khó tính; những đồng nghiệp cá tính và cô quản lý nhà hàng Uyên Thư – từng là người “tình một đêm” của Hải… Phim dài 20 tập, phát sóng lúc 20h thứ hai, thứ ba hằng tuần trên K+life từ ngày 10-10.

Có hơn 20 món ăn được cài cắm lần lượt trong mỗi tập phim. “Nhìn hình thức trình bày món ăn khá hiện đại nhưng nguyên liệu hay gia vị ướp trong các món ăn đều đậm hương vị truyền thống Việt” – Tommy Trần cho biết.

Cụ thể, món Phúc thọ viên – món “ruột” của đầu bếp trẻ Kỳ Hải có nguyên liệu là trái mướp và cá… ướp tẩm những gia vị như hành tỏi thuần Việt. Món ăn dân dã và mang vị mát, bổ dưỡng. Trong khi đó, món Ngũ phúc thủy tinh nổi tiếng của bếp trưởng Sơn lấy ý tưởng từ ẩm thực cung đình, mang hình ảnh con tôm hùm hoành tráng với hoa sen trang trí xung quanh; những thạch rau câu trông bắt mắt, được chưng cất từ yến sào, hải sâm…

ngu phuc thuy tinh 1(Read-Only)

Món Ngũ phúc thủy tinh – Ảnh: ĐPCC

phuc tho vien 1(Read-Only)

Món Phúc thọ viên – Ảnh: ĐPCC

Đưa bánh dân gian Việt Nam vào các chương trình quảng bá du lịch Đưa bánh dân gian Việt Nam vào các chương trình quảng bá du lịch

TTO – Trong đó, nhấn mạnh các loại bánh, món ăn dân gian, sử dụng nguyên liệu truyền thống từ các vùng miền để thu hút, hấp dẫn du khách quốc tế.