Ám ảnh karaoke ngày tết: “Hàng xóm thất tình cả tháng vì cứ sầu tím thiệp hồng”
Tết đến xuân về là dịp sum họp, vui chơi tiệc tùng nên đây là lúc những chiếc loa hát karaoke phát huy được hết công suất. Không chỉ để thỏa niềm đam mê âm nhạc bất tận, nhiều người còn muốn “cống hiến” giọng hát trời ban của mình cho những khán giả bất đắc dĩ xung quanh. Nguyên nhân của việc này là do nhiều người quan niệm càng náo nhiệt, vang động thì năm mới sẽ có nhiều may mắn, số khác lại cho rằng loa càng to thì chứng tỏ gia chủ càng giàu có mới có đủ điều kiện sắm sửa.
Không cần hát hay chỉ cần đúng nhịp
Những khán giả bất đắc dĩ chỉ biết “kêu trời” khi những ngày tết xuất hiện quá nhiều ca sĩ nghiệp dư, với đủ thể loại giọng hát như trầm buồn, giọng cao chót vót, hay giọng chua như giấm tra tấn lỗ tai.
Chị Đào Thanh Trúc (28 tuổi) ngụ tại Thạch Lam, P.Phú Trung, Q.Tân Phú cho biết: “Mình làm nghề làm đẹp nên đến tận 30 tết mới về quê vì đây là dịp đông khách. Dù cửa tiệm lúc nào cũng đóng cửa nhưng vẫn không thể nào thoát khỏi những âm thanh vang động của hàng xóm từ việc hát karaoke. Cứ tầm 17 giờ là hát xóm đã bắt đầu bày biện đồ ăn ra trước nhà để mở tiệc và trợ thủ đắc lực cho những cuộc vui của họ là chiếc loa kẹo kéo. Đầu buổi thì nhẹ nhàng với thể loại trữ tình, đến khi rượu vào thì nhạc ra, những bài nhạc remix cứ thế âm vang cả khu phố”.
Chị Trúc cho biết không mong hàng xóm hát hay chỉ mong hát đúng nhịp, đúng nhạc nhưng cứ nhậu say vào là âm nhạc lại bất lực trước sự gào thét hết sức bình sinh. Cô gái này cho biết thật sự nhức đầu khi mỗi nhà là một thể loại âm nhạc, hòa trộn tạo ra một âm thanh hỗn loạn. Trúc cho biết vì “tình làng, nghĩa xóm” và sợ mất lòng, mất vui vào những ngày tết nên không dám nhắc nhở mặc dù đã quá mệt mỏi.
Hát bằng “cả tính mạng”
Cùng cảnh ngộ với chị Trúc, anh Lâm Gia Lợi (25 tuổi), ngụ tại Chu Văn An, P.1, Q.6, TP.HCM cho biết phải “chịu trận” vì hàng xóm đam mê bất tận với những bản nhạc trữ tình. Lợi cho biết dù không khí mùa xuân đang rộn ràng, báo hiệu cho một năm mới với nhiều tài lộc nhưng một số người hàng xóm xung quanh lại tôn sùng những bài hát thất tình “hết ngày này qua tháng nọ”.
Chàng trai này cho biết tuy không yêu thích thể loại âm nhạc trữ tình nhưng nghe hàng xóm hát mà dần thuộc lòng vì ngày nào cũng: “Chiều tím không mây, đường cũ bước lần về, buồn nghe day dứt tim. Nhìn xe kết hoa màu trắng ngỡ rằng mình mơ, pháo hồng nhuộm tiễn đưa”.
“Không biết hàng xóm có nỗi u uất gì mà cứ hễ đến chiều tối là hát Sầu tím thiệp hồng, Đắp mộ cuộc tình… Phải chăng vì quá cô đơn nên người này đang mong muốn nhận được sự sẻ chia, lắng nghe từ những người hàng xóm như mình. Hát nhạc thì cũng cảm xúc đó nhưng mỗi tội trời phú cho giọng hát hơi chua nên rèn luyện hết ngày này qua tháng nọ vẫn đứt quãng ở những khúc cao trào. Cảm giác như họ đang dùng cả tính mạng để hát cho một lần cuối cùng của cuộc đời”, Lợi chia sẻ.
Những tưởng trở về nhà sau một năm đi học xa nhà thì sẽ được tận hưởng một cái tết dễ chịu, nhưng Lê Thị Minh Thư, sinh viên Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM) lại bị hàng xóm tra tấn lỗ tai mỗi ngày. Nữ sinh viên cho biết “đặc sản” karaoke ở miền Tây là cải lương, nhạc trữ tình remix.
“Xóm nhà mình thì hay chạy theo trào lưu lắm, cứ hễ có nhà nào có loa kẹo kéo, dàn hát karaoke xịn sò là những nhà khác cũng cố gắng sắm sửa cho “bằng chị, bằng em”. Thế là tết này những người hướng nội như mình lại phải chịu lắng nghe những bản hòa âm của đủ thể loại. Cứ nhà này hát Sóc Sờ Bai Sóc Trăng là nhà kia lại đối đầu lại bằng Căn nhà màu tím… Ở trong nhà chịu hết nổi nên mấy chị em mình đã dẫn nhau đi ra vườn mắc võng nằm để tịnh tâm”, Minh Thư chia sẻ.