Ai được cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn? Nông dân được vay 200 triệu đồng mà không cần tài sản đảm bảo có đúng không?


Cho hỏi có phải nông dân được vay 200 triệu đồng mà không cần tài sản đảm bảo có đúng không? – Câu hỏi của anh Tùng tại Vĩnh Long.

Ai được vay vốn để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn?

Căn cứ khoản 2 Điều 2 Nghị định 55/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 116/2018/NĐ-CP) quy định về tổ chức, cá nhân được vay vốn để phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm:

Đối tượng áp dụng

2. Khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng là cá nhân và pháp nhân, bao gồm:

a) Cá nhân cư trú trên địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ trang trại;

b) Pháp nhân bao gồm:

(i) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn nông thôn hoặc tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;

(ii) Doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn nông thôn, ngoại trừ: Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp khai khoáng, các đơn vị sản xuất điện và các doanh nghiệp không thuộc đối tượng quy định tại ý (iii) điểm b khoản 2 Điều này nằm trong khu công nghiệp, khu chế xuất;

(iii) Doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp.

Đồng thời, căn cứ Điều 4 Nghị định 55/2015/NĐ-CP quy định các lĩnh vực cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn bao gồm:

– Cho vay các chi phí phát sinh phục vụ quá trình sản xuất kinh doanh sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ.

– Cho vay phục vụ sản xuất công nghiệp, thương mại và cung ứng các dịch vụ trên địa bàn nông thôn.

– Cho vay để sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp.

– Cho vay phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn.

– Cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

– Cho vay các nhu cầu phục vụ đời sống của cư dân trên địa bàn nông thôn.

– Cho vay theo các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.

Như vậy những đối tượng nêu trên có hoạt động trong các lĩnh vực được quy định tại Điều 4 Nghị định 55/2015/NĐ-CP có thể được cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống của nông dân, cư dân ở nông thôn.

Ai được cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn? Nông dân được vay 200 triệu đồng mà không cần tài sản đảm bảo có đúng không?

Ai được cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn? Nông dân được vay 200 triệu đồng mà không cần tài sản đảm bảo có đúng không? (Hình từ Internet)

Nông dân được vay 200 triệu đồng mà không cần tài sản đảm bảo có đúng không?

Căn cứ khoản 2 Điều 9 Nghị định 55/2015/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 116/2018/NĐ-CP) có quy định nội dung sau đây về cơ chế bảo đảm tiền vay phục vụ phát triển nông nghiệp:

Cơ chế bảo đảm tiền vay

2. Cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức như sau:

a) Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (trừ trường hợp nêu tại điểm c khoản 2 Điều này);

b) Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn;

c) Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm;

d) Tối đa 300 triệu đồng đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh;

đ) Tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp;

e) Tối đa 01 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;

g) Tối đa 02 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản; liên hiệp hợp tác xã hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp không bao gồm các đối tượng thuộc Điểm h Khoản 2 Điều này;

h) Tối đa 03 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.

Như vậy, hiện nay khi vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thể được cho vay tối đa 100 triệu đồng không cần tài sản bảo đảm, trừ trường hợp đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm

Còn đối với nông dân cư trú tại địa bàn nông thôn được cho vay tối đa 200 triệu đồng mà không cần tài sản bảo đảm.

Có phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi vay để phục vụ phát triển nông nghiệp mà không cần tài sản đảm bảo?

Căn cứ khoản 3 Điều 9 Nghị định 55/2015/NĐ-CP có quy định như sau:

Các đối tượng khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm quy định phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất)

Hoặc phải nộp giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

Khách hàng chỉ được sử dụng giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp để vay vốn tại một tổ chức tín dụng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng giấy xác nhận trên để vay không có tài sản bảo đảm.

Như vậy, khi vay vốn để phục vụ cho phát triển nông nghiệp mà không có tài sản bảo đảm, các chủ thể phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp.