Ai có quyền thành lập doanh nghiệp? Luật Doanh Nghiệp mới nhất 2023

5

/

5

(

1

bình chọn

)

Ai có quyền thành lập doanh nghiệp? Theo Luật Thành Lập Doanh nghiệp tại nghị định 43/2010/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức được quyền thành lập công ty doanh nghiệp. Tuy nhiên không phải  mọi cá nhân, tổ chức nào cũng có quyền tự do thành lập. Một số trường hợp không được phép thành lập doanh nghiệp (khoản 2 mục 18 luật doanh nghiệp 2014). Trường hợp nào sau đây được thành lập doanh nghiệp? Cùng AZTAX tìm hiểu nhé!

Ai có quyền thành lập doanh nghiệp?

1. Đối tượng được thành lập doanh nghiệp

1.1 Chủ thể thành lập là cá nhân

Đối tượng được thành lập doanh nghiệp

Đối với chủ thể thành lập doanh nghiệp là cá nhân thì cá nhân đó phải có đủ năng lực hành vi dân sự để đảm bảo có thể chịu trách nhiệm với doanh nghiệp mình thành lập. Bên cạnh đó, theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, mọi cá nhân không phân biệt quốc tịch và nơi cư trú, dù là người Việt Nam hoặc người nước ngoài đều có quyền thành lập doanh nghiệp, miễn không thuộc các trường hợp cấm trong quy định. 

Trường hợp cá nhân thành lập công ty tại Việt Nam là người nước ngoài thì buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

1.2 Chủ thể thành lập là tổ chức

Đối với chủ thể thành lập doanh nghiệp là tổ chức thì tổ chức đó phải có tư cách pháp nhân. Đồng thời, chủ thể chỉ có thể đầu tư vốn thành lập doanh nghiệp khi có tài sản độc lập và có khả năng chịu trách nhiệm bằng tài sản đó. Doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đều có quyền thành lập doanh nghiệp mà không cần phân biệt nơi đăng ký địa chỉ trụ sở chính theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020.

2. Đối tượng không được thành lập doanh nghiệp

Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020, mội cá nhân, tổ chức đều có quyền tự do thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong một số trường hợp của cá nhân, tổ chức nhất định thì không có quyền được thành lập doanh nghiệp. 

Đối tượng không được thành lập doanh nghiệp

Căn cứ tại Khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các tổ chức, cá nhân sau không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.

=> Vì vậy, nếu bất kỳ cá nhân, tổ chức nào thuộc một trong những đối tượng trên thì không được quyền thành lập doanh nghiệp.

3. Trường hợp bị hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp

Bên cạnh những đối tượng không được thành lập doanh nghiệp thì pháp luật cũng có quy định rõ về những trường hợp bị hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

Trường hợp bị hạn chế thành lập doanh nghiệp

Căn cứ theo quy định tại Điều 180 Luật doanh nghiệp 2020:

– Thành viên hợp danh không được trở thành chủ doanh nghiệp;

– Trừ trường hợp thành viên hợp danh nhận được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại, nếu không thì không được trở thành thành viên hợp danh của công ty khác.

Căn cứ theo quy định tại Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020:

Mỗi cá nhân chỉ được thành lập 1 doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, chủ doanh nghiệp tư nhân không được là chủ hộ kinh doanh hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

4. Thủ tục đầu tư thành lập doanh nghiệp

Thủ tục đầu tư thành lập doanh nghiệp là thủ tục doanh nghiệp cần tuân thủ và thực hiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, thủ tục này không phải dự án đầu tư nào cũng áp dụng. Pháp luật có quy định phạm vi của các dự án đầu tư cần phải xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư, tùy thuộc vào các lý do liên quan đến thay đổi thủ tục tài chính hoặc đáp ứng yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế mà quy định này có thể thay đổi.

Theo Luật Đầu tư 2014 quy định chỉ dự án đầu tư của nhà đầu tư là người nước ngoài và của tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài mới thực hiện thủ tục đầu tư thành lập doanh nghiệp. Điều này cũng có nghĩa, khi nhà đầu tư là người nước ngoài và tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam thì cần phải thực hiện 2 thủ tục là thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

5. Điều kiện thành lập doanh nghiệp khác

Khi thành lập doanh nghiệp không chỉ cần đáp ứng những điều kiện liên quan đến chủ thể thành lập doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, vốn thành lập, địa chỉ trụ sở chính, tên doanh nghiệp mà còn cần phải đáp ứng một số điều kiện khác. 

Điều kiện thành lập doanh nghiệp khác

Các điều kiện thành lập doanh nghiệp khác cụ thể như sau:

Điều kiện về người đại diện doanh nghiệp theo pháp luật:

– Người đại diện phải là người có đủ năng lực hành vi dân sự và thường xuyên cư trú tại Việt Nam;

– Người đại diện doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh không bị đóng mã số thuế;

– Phải giữ một trong các chức danh trong quản lý doanh nghiệp;

– Nếu đăng ký người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc, giám đốc công ty thì người đó không được giữ các chức vụ khác như trưởng chi nhánh, trưởng VPĐD thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Điều kiện về khắc con dấu tròn khi thành lập:

Trước đây thay vì phải được phòng ĐKKD đăng tải trên cổng thông tin quốc gia rồi doanh nghiệp mới được phép sử dụng con dấu để giao kết đầu tư kinh doanh thì hiện nay theo Luật doanh nghiệp 2020 đã cho phép sử dụng con dấu ngay sau khi được khắc. Vì vậy, chủ doanh nghiệp cần phải đảm bảo các quy định về hình thức và số lượng của con dấu tròn khi khắc. 

5. Thủ tục thành lập doanh nghiệp

Theo quy định hiện nay về các thủ tục khi thành lập doanh nghiệp gồm các bước như sau:

Thủ tục thành lập doanh nghiệp

Bước 1: Xác định thông tin trước khi thành lập doanh nghiệp:

Trước khi thành lập, doanh nghiệp cần phải biết và xác định đúng các thông tin cần thiết dưới đây để tránh những rắc rối trong quá trình hoạt động sau này của doanh nghiệp:

– Loại hình kinh doanh của doanh nghiệp;

– Tên doanh nghiệp;

– Địa chỉ trụ sở chính;

– Vốn điều lệ;

– Người đại diện doanh nghiệp;

– Ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Bước 2: Nộp hồ sơ:

Doanh nghiệp cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp để nộp cho Cơ quan Đăng ký kinh doanh (ĐKKD) và có thể nộp hồ sơ lên Cơ quan ĐKKD bằng hình thức trực tiếp hoặc nộp qua mạng thông tin điện tử.

Bước 3: Nhận Giấy chứng nhận ĐKKD

Cơ quan ĐKKD sẽ giải quyết hồ sơ trong khoảng thời gian là 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ. 

Bước 4: Đăng công bố

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận ĐKKD, doanh nghiệp phải công bố thông tin doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia. Nội dung công bố là các nội dung có trên Giấy chứng nhận ĐKKD.

Bước 5: Khắc dấu doanh nghiệp

Về hình thức, nội dung và số lượng con dấu doanh nghiệp có quyền quyết định. Tuy nhiên, nội dung con dấu phải thể hiện đầy đủ thông tin về tên và mã số doanh nghiệp.

Bước 6: Mua chữ ký số

Sau khi nhận được Giấy chứng nhận ĐKKD, doanh nghiệp buộc phải có chữ ký số để khai và nộp thuế môn bài. 

Bước 7: Mở tài khoản ngân hàng

Hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều phải có tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch điện tử như nộp thuế điện tử, thanh toán, giao dịch với đối tác,… Vì vậy, việc mở tài khoản ngân hàng là rất quan trọng.

Bước 8: Đăng ký ngành nghề kinh doanh

Doanh nghiệp phải đăng ký đầy đủ ngành nghề doanh nghiệp kinh doanh để đảm bảo cho việc phát triển kinh doanh sau này.

6. Quy trình, xét duyệt hồ sơ

Quy trình xét duyệt hồ sơ

Theo Điều 32 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được quy định như sau:

1. Người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

2. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được tiếp nhận để nhập thông tin vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đủ giấy tờ theo quy định tại Nghị định này;

b) Tên doanh nghiệp đã được điền vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Giấy đề nghị đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;

c) Có địa chỉ liên lạc của người nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp;

d) Đã nộp đủ phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

3. Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ.

4. Sau khi trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh nhập đầy đủ, chính xác thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và tải các văn bản đã được số hóa trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

5. Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể dừng thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp khi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp chưa được chấp thuận trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trong trường hợp này, người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị dừng thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đã nộp hồ sơ. Phòng Đăng ký kinh doanh xem xét, ra thông báo về việc dừng thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp và hủy hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy trình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị. Trường hợp từ chối dừng thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối cho người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp.

Trên đây là những giải đáp liên quan đến vấn đề ai có quyền thành lập doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong quá trình thành lập doanh nghiệp liên hệ ngay với AZTAX để được hỗ trợ, tư vấn miễn phí.