Ai cần đi khám sàng lọc hen phế quản?
Ở Việt Nam có khoảng 4 triệu người bị hen. Trong những năm gần đây, tỉ lệ hen phế quản càng ngày càng gia tăng do nhiều yếu tố. Đối với hen phế quản, nếu không được chẩn đoán hoặc điều trị sai lầm sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Bác sĩ chuyên khoa hen tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sẽ chỉ rõ những người như thế nào có nguy cơ cao cần đi khám và phát hiện bệnh sớm.
Hen phế quản biểu hiện chủ yếu là ho, khò khè và khó thở do tình trạng co thắt phế quản gây ra. Do vậy, khi lên cơn hen, bạn sẽ thấy tiếng thở rít như gió lùa qua khe cửa hẹp. Viêm trong bệnh hen phế quản là viêm không do nhiễm khuẩn (trừ trường hợp bội nhiễm) và chủ yếu là do nguyên nhân dị ứng nên không cần điều trị bằng kháng sinh. Các thuốc điều trị hen phế quản chủ yếu là corticoid dùng đường hít xịt qua đường miệng để giảm viêm tại chỗ cho đường thở. Các thuốc cắt cơn khó thở do làm giảm co thắt phế quản và các thuốc điều trị bổ sung khác để chống viêm.
Ở Việt Nam, hiện nay có khoảng 4 triệu người bị hen. Trong những năm gần đây, tỉ lệ hen phế quản càng ngày càng gia tăng do nhiều yếu tố:
- Nhà ở chật hẹp có độ ẩm cao, ít lưu thông không khí dẫn đến xuất hiện bọ nhà, nấm mốc, làm gia tăng các tác nhân gây dị ứng…
- Nhiễm virus, thay đổi chế độ ăn và tình trạng ô nhiễm môi trường.
- Sự biến đổi khí hậu kéo theo thời gian nở hoa và nồng độ phấn hoa trong không khí dài hơn
- Phát triển công nghiệp, xuất hiện nhiều hạt phóng xạ
- Nhiều loại thực phẩm mới tiềm ẩn những tác nhân gây dị ứng mới cho cơ thể con người
Đối với hen phế quản, nếu không được chẩn đoán hoặc điều trị sai lầm sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Khi bệnh nhân được chẩn đoán hen phế quản sớm, bác sĩ có thể có kế hoạch kiểm soát hen toàn diện và kịp thời, tránh biến chứng, đặc biệt ở trẻ em.
Những biến chứng nguy hiểm của hen không được điều trị và kiểm soát bao gồm:
- Bất kỳ bệnh nhân hen phế quản nào cũng đều có nguy cơ có những cơn khó thở cấp tính và ác tính, thậm chí tử vong khi bị kích thích bởi các yếu tố gây khởi phát cơn hen.
- Những trường hợp bệnh nhân mặc dù chưa có biểu hiện lâm sàng một cách rõ ràng biểu hiện bằng khó thở, tức nặng ngực, những cơn khò khè thì viêm đường thở một cách âm thầm lâu ngày sẽ dẫn đến hen dai dẳng và không thể phục hồi và ít hoặc không đáp ứng với các liệu pháp điều trị.
- Hen phế quản ở trẻ em thường đi kèm dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, chàm (eczema) hay viêm kết mạc dị ứng. Nếu bệnh bị mà bỏ sót chẩn đoán có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển thể hình và thể lực của trẻ, giảm sút khả năng học tập, sự tập trung và trí nhớ.
- Thuốc hen có gây tác dụng phụ giảm chiều cao không? Với các liệu pháp điều trị hen phế quản hiện nay, chủ yếu là dùng đường tại chỗ, các tác dụng không mong muốn không đáng kể. Nhiều phụ huynh lo lắng việc dùng corticoid đường xịt hít ở trẻ nhỏ có thể gây ảnh hưởng đến phát triển chiều cao. Đây là vấn đề lo ngại có cơ sở. Tuy nhiên, việc dùng các thuốc này chỉ làm giảm sự phát triển chiều cao tối đa của trẻ là khoảng 2cm trong khi hen phế quản không được điều trị sẽ làm giảm sự phát triển chiều cao rất nhiều so với tác dụng phụ của thuốc. Do vậy điều trị hen mang lại lợi ích vượt trội.