Ai bỏ 450.000 đồng đi taxi đến bến xe miền Đông mới?

Nhà tôi ở Quận 4, nếu muốn tới bến xe miền Đông mới, tôi sẽ phải bỏ ra số tiền 450.000 đồng cho taxi hoặc 180.000 đồng cho xe ôm.

Khi muốn quy hoạch xây dựng hay muốn thiết kế một công trình gì liên quan đến công cộng, người tiêu dùng, thì cần phải tìm hiểu và đặt mình vào vị thế người trực tiếp tham gia trong việc đó. Câu chuyện xe khách bỏ bến xe miền Đông mới là một ví dụ điển hình cho việc quy hoạch xây dựng thiếu tầm nhìn.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao các nhà xe không chịu vào bến xe Miền Đông mới? Chắc chắn các nhà xe không phải không muốn vào, nhưng vì họ bị “buộc phải không vào” bến xe mới. Đơn giản là vì vào bến mà không có khách đi xe thì vào làm gì?

Thế tại sao bến xe miền Đông mới lại không có hành khách đi xe? Bến xe nằm cách ngã tư Hàng Xanh khoảng 17 km. Đó là một quãng đường xa. Gia đình tôi ở Quận 4, TP HCM, nếu muốn ra bến xe miền Đông cũ, chúng tôi chỉ cần di chuyển khoảng 8 km là đã đến bến, rất thuận tiện. Chi phí cho việc di chuyển quãng đường ấy bằng taxi cũng chỉ khoảng 140-180 nghìn đồng. Với xe ôm thì thậm chí còn rẻ hơn nhiều, chỉ 60-70 nghìn đồng.

Trong khi đó, nếu phải đi ra bến xe miền Đông mới, tôi sẽ phải chi từ 400-450 nghìn đồng cho taxi, hoặc 160-180 nghìn đồng cho xe máy. Với chi phí đắt đỏ như vậy, thử hỏi ai dám bỏ tiền ra đi? Đó là còn chưa kể, đặc thù hành khách đi xe về các tỉnh xa thường tay xách nách mang, hành lý rất lỉnh kỉnh. Đôi khi họ muốn bắt xe buýt ra bến xe cho tiết kiệm nhưng bị nhân viên từ chối cho lên xe do mang quá nhiều đồ.

>> 5 lý do khiến bến xe Miền Đông kẹt cứng ngày cận Tết

Từ nhà tôi, muốn ra bến xe miền Đông mới sẽ phải di chuyển bằng hai tuyến xe buýt. Với đồ đạc lỉnh kỉnh như thế, việc thay đổi xe là điều rất khó khăn. Chưa kể ra đến bến xe phải đi bộ với hành lý nhiều là cả vấn đề lớn. Theo lẽ thường, đương nhiên tôi sẽ không chọn đâm đầu vào chỗ khổ như vậy.

Việc một số người đổ lỗi cho bến xe miền Đông cũ làm kẹt xe là không hoàn toàn hợp lý. Đó chỉ là cái nhìn có phần phiến diện mà thôi. Bản thân đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và quốc lộ 13 vẫn luôn kẹt xe dù có hay không bến xe miền Đông cũ. Đơn giản là cung đường này quá nhỏ và chật hẹp so với lưu lượng phát triển phương tiện giao thông và mật độ dân số dày đặc như hiện nay. Các phương tiện giao thông khi di chuyển đến khu vực này đều phải chịu đựng cảnh kẹt xe, chen lấn để mà đi, đơn giản vì hạ tầng giao thông không đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân.

Câu chuyện của bến xe miền Đông mới có thể xem là một bài học đắt giá cho việc quy hoạch. Các nhà thiết kế, quản lý nên đặt mình vào trường hợp của người dùng để trải nghiệm những khó khăn mà họ gặp phải, từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp.

Phuong Vuong

>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.