A-Z Thông Tin & Kinh Nghiệm Viếng Mộ Cô Sáu – ngocanhtravel.vn

Những Câu Chuyện Tâm Linh Về Mộ Cô Sáu

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, đất nước Việt Nam đã sản sinh ra vô số anh hùng dân tộc có công với nước. Tuy nhiên, không phải mộ của vị anh hùng nào cũng trở thành địa điểm du lịch tâm linh như mộ cô Sáu. Đến thăm mộ cô Sáu, du khách sẽ được nghe không ít câu chuyện ly kỳ, nói lên sự linh thiêng của cô.

Vị thế của Cô Sáu trong tâm trí người dân bản địa

Ở Côn Đảo, người dân rất ngưỡng mộ tôn thờ những người anh hùng vì dân, vì nước xem họ như là một vị thần, mà thần thì có nhiều uy lực, kiểu như hô mưa gọi gió, cầu với thần là được, ước với thần sẽ thấy. Một kiểu tôn thờ Phương Đông, tâm linh và tin tưởng vào những điều phi thường. Mãi đến bây giờ còn lưu truyền những câu chuyện về cô Sáu như một truyền thuyết dân gian. Tượng đài cô Sáu ở Đất Đỏ và mộ ở Côn Đảo ngày ngày đều được thắp nhang nghi ngút, trái cây, giấy tiền, vòng hoa xanh ươm, vệ sinh khu mộ sạch sẽ quanh năm dù mưa hay gió.

Người dân Côn Đảo gặp bất cứ khó khăn gì, hoặc có những sự kiện quan trọng trong cuộc đời, đều ra mộ cô để thắp nhan và báy lạy. Những cặp đôi yêu nhau, sắp cưới, họ mang gương lược, hoa quả, bánh trái ra thắp nén hương và khấn cầu cho đôi uyên ương được hạnh phúc viên mãn. Những người đi làm ăn xa, trước khi lên đường đều đến thắp nhang và cầu mong một chuyến đi an lành may mắn. Những người đất liền, hay lui tới khấn cầu những điều chưa đạt được, và rồi mỗi năm đều đặn họ quay trở lại một cách im lặng, không cần phải nói ra những điều huyền bí, người ta cũng thấy được điều gì đang diễn ra.

Các bạn trẻ ở đây, lớn lên trong một niềm tin tuyệt đối về cô, chúng thường thề bồi câu “ Tao thề có cô sáu chứng giám nha” hoặc mắng nhau thì “Ê, coi chừng cô Sáu vặn họng nha chưa”. Mỗi nhà người dân đều thờ cô Sáu trong nhà, mỗi năm đến lễ giỗ là cả Côn Đảo cùng làm lễ giỗ cho cô, người dân trong đất liền từ nhiều nơi như TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng … cũng ra, họ chủ yếu là những người cai ngục ngày xưa, và những người tôn thờ đặt niềm tin vào cô Sáu.

Người dân cho biết, họ đã từng nhìn thấy cô Sáu bước ra từ cây dương mỗi tối. Cô mặc áo dài trắng, lướt qua từng đường phố, hiện lên trước cửa từng nhà, nhìn tận mặt từng người. Sau khi giám sát mọi việc thiện ác trên đảo, cô Sáu lại trở về biến hình vào cây dương khi trời chưa sáng, trước lúc mọi người thức dậy, đến nghĩa trang Hàng Dương, thắp hương, cắm hoa trước mộ cô trước khi đi làm việc.

Chuyện lời hứa

Ông Lê Hữu Hòa, cán bộ kiểm lâm Côn Đảo kể về câu chuyện đời mình:

“Tôi năm nay 57 tuổi, tính đến nay, đã có 33 năm công tác trên đảo. Hồi đó, tôi không làm kiểm lâm, mà là giáo viên ở đất liền, được “biệt phái” ra dạy bổ túc văn hóa. Sau đó, trời xui đất khiến, tôi “phải lòng” một cô học trò trong lớp, cũng là một viên chức công tác ở huyện. Sau khi học xong lớp bổ túc này thì chúng tôi nên duyên vợ chồng.

Nhưng sau đó, chúng tôi mãi chẳng có con, tôi mới đánh liều khấn thầm là nếu các vị anh hùng trên đảo linh thiêng phù hộ, cho tôi một đứa con thì tôi tình nguyện ở lại đảo không phải vài 3 năm như kế hoạch mà 30 năm cũng được. Ai ngờ sau đó chúng tôi có con thật. Rồi bên kiểm lâm thiếu nhân sự, điều tôi sang. Thời gian cứ thế cuốn đi, quay qua quay lại, hơn 30 năm trôi qua, tôi vẫn ở đây. Không biết có phải do trùng hợp hay lời khấn nguyện của tôi linh ứng?”

Chuyện những tên trộm bỏ xác trên biển

Điều đặc biệt trên Côn Đảo là những chiếc xe máy không bao giờ phải khóa, có thể để ở bất kỳ đâu mà không có người trông coi. Lý giải về vấn đề này cũng có nhiều câu chuyện dài. Ông Lê Minh Chương (Sáu Chương), nguyên cán bộ phụ trách Văn hóa – Thông tin huyện Côn Đảo, một trong 7 cựu tù Côn Đảo còn trụ lại hòn đảo này kể câu chuyện:

“Hồi đó, chú nhớ là năm 1990, trên đảo còn khó khăn lắm. Không chỉ khó khăn về vật chất, mà cả tinh thần cũng thiếu thốn. Ra đây chẳng khác nào Robinson trên đảo hoang. Mỗi 2 tháng tàu mới ra tiếp tế 1 lần, ấy là khi sóng yên biển lặng.

Cả đảo chỉ có 1 chiếc ti vi rất to. Rồi có một anh bạn của chú, khi đó công tác ở huyện Duyên Hải (Cần Giờ, TP.HCM ngày nay – PV), ra thăm đồng đội, thấy tình cảnh trên đảo như vậy thì thương. Thế là anh ấy về huy động nhiều nơi mua được 2 chiếc xuồng gắn máy nhỏ, mang ra tặng đảo để làm phương tiện đi lại giữa các đảo nhỏ, khi cần kíp thì có phương tiện tức thì. Mọi người mừng lắm.

Hai chiếc xuồng neo đậu ở bến tàu 914, làm mái che hẳn hoi. Nhưng chỉ buộc dây thôi chứ chẳng có bảo vệ gì, vì có ai nghĩ sẽ bị mất trộm đâu. Ấy vậy mà mất thật…Sau một ngày quần quanh các đảo, anh em tìm thấy 3 người chết đuối trôi dạt vào mấy đảo nhỏ, ngoài những vết thương do cá rỉa, cả 3 đều mất cả 2 bàn tay. Rồi hôm sau, lại thấy 2 chiếc xuồng nổi lập lờ gần đó. Đó chỉ là một trong số những chuyện xảy ra trên đảo mà tôi chứng kiến. Nhưng có điều chắc chắn rằng nếu lên đảo mà làm bậy, thì thế nào cũng gặp hậu quả.”