AHLĐ.TTND.PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Tâm, Y, Đức luôn song hành

VNHN – Nhắc đến Ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà. Người tôi muốn nhắc đến trong bài viết dưới đây, ông chính là AHLĐ.TTND.PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học

VNHN – Nhắc đến Ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà. Người tôi muốn nhắc đến trong bài viết dưới đây, ông chính là AHLĐ.TTND.PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học của Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam.

AHLĐ.TTND.PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết sinh năm 1954, ông trưởng thành từ một làng quê nghèo khó của tỉnh Nam Định, thời thơ ấu của cậu bé Nguyễn Tiến Quyết gắn chặt với đồng ruộng, với những ngày vừa vắt vẻo trên lưng trâu vừa tranh thủ học bài. Nhà đông con, là con trai lớn, đi học về cậu còn vớt bèo, băm rau lợn, giúp mẹ trông em…Vượt qua những khó khăn thuở thiếu thời, ông luôn say mê, miệt mài và phấn đấu học tập, nghiên cứu những mong thành công trong sự nghiệp sau này. Nhưng khi đó cũng là những năm tháng đất nước còn chìm trong bom đạn chiến tranh. Với mong muốn góp sức mình cho sự nghiệp gìn giữ, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc, đến tuổi nhập ngũ, chàng thanh niên Nguyễn Tiến Quyết khoác ba lô lên đường nhập ngũ. Năm 1976, hết nghĩa vụ, ông trở về và đến với ngành y như hai chữ “Duyên phận” cuộc đời.

   

   AHLĐ.PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết

Là một bác sĩ ngoại khoa được đào tạo bài bản tại ĐH Y khoa Hà Nội và Bệnh viện (BV) Việt Đức, năm 1985, BS. Nguyễn Tiến Quyết được cử đi học nội trú ngoại khoa tại Đức. Trở về Việt Nam năm 1991, anh gắn bó với Khoa Phẫu thuật gan mật – BV Việt Đức. Với trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc và sau đó là Giám đốc bệnh viện (năm 2004). Là một bác sĩ luôn chuyên tâm làm chuyên môn, đây là một áp lực rất lớn. Làm sao để quản lý BV tốt mà không xao nhãng việc chuyên môn vì BV Việt Đức là một BV đầu ngành về ngoại khoa. Bài toán đặt ra không đơn giản trong điều kiện trang thiết bị còn hạn chế, cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, lượng bệnh nhân đến khám rất đông, quá tải, số giường bệnh ít, cơ chế chưa đồng bộ, cán bộ không yên tâm làm việc… Với sự chỉ đạo sâu sát, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và tầm nhìn bao quát của ông, Bệnh viện Việt Đức đã có những đổi thay rõ rệt. Từ 430 giường bệnh năm 2004 lên 1500 giường bệnh vào năm 2015; mỗi ngày mổ 200 – 300 bệnh nhân, khám hơn 1.000 bệnh nhân; không còn tình trạng nằm ghép. Trong đó, hơn 70% số ca phẫu thuật là ca bệnh đặc biệt từ các bệnh viện khác gửi đến. Bệnh viện cung đã triển khai những kỹ thuật mổ thường quy ngang tầm khu vực và thế giới, đặc biệt là trong các lĩnh vực phẫu thuật thần kinh, tim mạch, nội soi và ghép tạng.

Giải quyết được bài toán khó chống quá tải từ xa để tập trung làm chuyên môn, Giám đốc BV vẫn đều đặn duy trì lịch trực viện, trực chuyên môn cùng các kíp trực giải quyết từng trường hợp khó khăn nhất. Nghiên cứu, mổ xẻ, tìm ra những phương pháp tối ưu sau những ca mổ khó là điều anh luôn tâm huyết, trăn trở. Là một bác sĩ ngoại khoa Gan mật, đích đến của PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết và đồng nghiệp là phải ghép được gan từ người cho sống và người cho chết não. Đây là công việc cực kỳ khó khăn cả về kỹ thuật, kinh tế và tổ chức trong điều kiện nước ta. Trải qua hàng nghìn cuộc vận động với thân nhân người chết não, giải thích để họ hiểu được tính hữu ích của việc hiến tạng; những lời giải thích đều “nặng trĩu” với bác sĩ và người thân, có những khoảng lặng đến nghẹt thở, có lúc cả thân nhân người chết não và bác sĩ cùng rơi lệ. Khó khăn là thế, thách thức không nhỏ, nhưng không gì khuất phục được ý chí của người thầy thuốc luôn vì mục đích duy nhất – “chữa bệnh cứu người”. Tháng 11/ 2007, Bệnh viện đã ghiép gan người lớn đầu tiên tại Việt Nam. Ngày 19/5/2010, ca ghép gan lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết làm trưởng kíp đã được thực hiện. Hơn 30 năm cầm dao mổ, không thể nhớ đã mổ bao nhiêu bệnh nhân khi số lượng lên đến hàng nghìn, vậy mà khi nhớ lại, ông vẫn bồi hồi, xúc động. 6 tiếng đồng hồ nghẹt thở trôi qua. Ca ghép gan kết thúc, bệnh nhân chuyển về phòng hậu phẫu, lá gan chuyển màu, bắt đầu tiết mật báo hiệu sự sống đã hồi sinh. Thành quả mỹ mãn như là phần thưởng, sự ghi nhận xứng đáng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết và đội ngũ y bác sỹ nhiệt thành của BV Việt Đức. Ông chính là người đi đầu thực hiện thành công ca ghép gan từ người cho sống và người cho chết não – một trong những thành tựu y học xuất sắc của y tế Việt Nam.  

   

TTƯT.BS. Trần Sĩ Tuấn – TBT Báo Sức khỏe & Đời sống chúc mừng PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết và kíp phẫu thuật BV Việt Đức thực hiện thành công ca mổ ghép tạng năm 2016.

Mặc dù rất bận rộn với công tác chuyên môn, nhiệm vụ quản lý, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết vẫn luôn dành nhiều tâm sức, trí lực say mê tham gia thực hiện nhiều công trình, đề tài khoa học quan trọng, ý nghĩa với nền y tế nước nhà. Đến nay, ông là chủ nhiệm 3 đề tài khoa học cấp nhà nước, 8 đề tài khoa học cấp bộ và nhiều đề tài cấp cơ sở. Tiêu biểu trong đó, phải kể đến một số đề tài như: Ghép gan, thận từ người cho chết não; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật can thiệp mạch và phẫu thuật nội soi trong điều trị chấn thương gan và thận; nghiên cứu về sỏi mật… Ông cũng tham thực hiện nhiều đề tài cấp Bộ quan trọng như: Nghiên cứu về viêm tụy cấp; các nghiên cứu về bệnh sỏi mật, ung thư gan…  Trong công tác đào tạo, là một nhà giáo nhiệt thành, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết đã hướng dẫn 8 NCS, 14 ThS và BSCK, nhiều bác sỹ nội trú. Nhiều học trò của ông hiện đã và đang đảm đương nhiều vai trò, vị trí quan trọng tại nhiều Bệnh viện, cơ sở y tế lớn của cả nước. Hiện nay, mặc dù đã được nghỉ quản lý, ông vẫn tham gia đảm nhiệm công tác chuyên môn, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, với vai trò là Phó Chủ tịch Tổng Hội Y học Việt Nam, PGS. Quyết còn phụ trách công tác NCKH và đào tạo cán bộ của Tổng Hội.

Ghi nhận những đóng góp, cống hiến ý nghĩa, đáng trân trọng xuyên suốt chặng đường sự nghiệp vẻ vang đã đi qua, TTND.PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba. Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011. Giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2011. Đặc biệt, năm 2014, PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết đã được chọn là một trong 10 Công dân Thủ đô ưu tú nhân dịp Kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô.