9x từ bỏ dự định làm giáo viên để theo đuổi ngành Khoa học vũ trụ
Vũ Phan Việt Hoa (sinh năm 1996) đang là nghiên cứu sinh tại Cơ quan Nghiên cứu Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Pháp (ONERA). Trước đó, cô bạn học lên thạc sĩ tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội và nhận bằng kép ở Đại học Paris Diderot chuyên ngành Khoa học vũ trụ.
Liều lĩnh và không sợ thất bại
Vì truyền thống gia đình làm giáo viên nên ước mơ hồi nhỏ của Hoa là tiếp nối làm trong ngành giáo dục. Ban đầu, cô học khối D với dự định thi vào trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Cuối năm lớp 12, nữ sinh bất ngờ chuyển hướng sang tìm hiểu các ngành liên quan đến khoa học vũ trụ. Tình cờ biết đến Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội qua tìm hiểu trên mạng, sau đó được bố giới thiệu, Việt Hoa đã quyết định theo đuổi ngành Vũ trụ và Ứng dụng.
“Lúc đó, trường mới thành lập được 4 năm và chưa đẩy mạnh quảng bá nên ít người biết đến. Thấy mình chọn ngành học khá mới và chưa biết sau có khả thi hay không nên các thầy cô trong trường cũng “ngỡ ngàng” và bày tỏ sự tiếc nuối khi mình không thi vào sư phạm ngoại ngữ”, Việt Hoa nhớ lại.
Vốn là học sinh khối D nên khi tiếp cận kiến thức chuyên môn về ngành Vũ trụ, Hoa phải nỗ lực hơn nhiều mới có thể học được các môn tự nhiên trong năm đầu đại học.
Ban đầu cô bạn chưa thực sự tự tin khi toàn bộ bài giảng và tài liệu nghiên cứu trong môi trường đại học đều bằng tiếng Anh. Nhưng chỉ qua học kỳ đầu tiên, việc sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp và học tập đã trở thành phản xạ tự nhiên.
Để nâng cao chuyên môn, nữ sinh đã đăng ký các khóa học miễn phí do NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ) và ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu) giảng dạy. Sau giờ học, cô tới thư viện của trường cùng ôn tập bài học với các bạn để tăng cường tranh luận từ đó nhận ra lỗ hổng kiến thức kịp thời.
Việt Hoa kể: “Lịch học của mình khá dày – thường lớp sẽ bắt đầu liên tục từ sáng tới chiều tan tầm; có lúc kéo dài cả 7 ngày trong tuần. Đan xen đó là những buổi tham dự hội thảo trong khoa, chuyên đề nên mình gần như không có thời gian rảnh để đi chơi.
Nhưng không vì thế mà đời sống tinh thần của mình nhàm chán. Trong môi trường học tập ấy, mình có được những người bạn tốt, cùng nhau tích cực học tập. Việc thức khuya, thậm chí có thể thâu đêm vào những đợt ôn bài cao điểm là chuyện thường xuyên xảy ra với mình”.
Thích nghi nhanh chóng với môi trường học đại học, Hoa không ngần ngại thử sức với nghiên cứu khoa học. Nhờ vậy, cô bạn đã vinh dự nhận được nhiều học bổng trong quá trình học từ Đại học đến Cao học.
Có cơ hội sang Pháp thực tập năm 2017, Hoa gặp vô số khó khăn trong việc thu xếp nơi ở và có vấn đề về sức khỏe khi chưa thích ứng kịp môi trường sống mới.
“Thầy và đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm của mình đều rất thân thiện và nói được tiếng Anh nên việc giao tiếp khi đi làm cũng dễ chịu hơn. Cá nhân mình thấy người Pháp có vẻ khá ngại ngùng, họ ít khi bắt chuyện trước. Nhưng một khi mình cởi mở trước, họ cũng ngay lập tức hoà vào câu chuyện”, nữ 9x hào hứng nói.
Sau khi học xong Cao học ở Việt Nam, Hoa tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Cơ quan nghiên cứu Hàng không và Vũ trụ quốc gia Pháp. Tuy đã có kinh nghiệm sang Pháp thực tập trước đó nhưng cô bạn vẫn gặp khó khăn do chưa biết nhiều về tiếng Pháp.
Hoa bày tỏ: “Hiện tại, mình đang cố gắng tự học ngoại ngữ để có thể tham gia những buổi hội thảo bằng tiếng Pháp cũng như dễ dàng thích nghi với cuộc sống mới hơn. Mình cũng thi thoảng mang đặc sản, câu chuyện về văn hoá Việt tới nơi làm việc để hòa nhập chứ không hoà tan”.
“Đi từng bước” trong nghiên cứu khoa học
Việt Hoa tiết lộ, cô được khá nhiều người đặt câu hỏi: “Vì sao là con gái không chọn ngành nào nhẹ nhàng hơn mà lại theo đuổi nghiên cứu trong lĩnh vực viễn thám, vệ tinh nhân tạo?”. Trước sự thắc mắc ấy, nữ sinh 9x bộc bạch: “Đây là câu hỏi mà nhiều người rất hay hỏi mình. Song mình nghĩ, ngày nay khi thế giới ngày càng phát triển trong nhiều lĩnh vực khoa học, định kiến giới tính đã dần được xóa nhòa. Không phải cứ là nam mới đủ năng lực, điều kiện sức khỏe để nghiên cứu. Nữ giới cũng có thể đi từng bước để kiến tạo nên thành tựu của riêng mình, có những đóng góp thiết thực cho xã hội.
Những người phụ nữ tuyệt vời thành công trong các lĩnh vực khoa học trên thế giới ngày càng nhiều, trong đó có cả những người mà mình may mắn được quen biết, được học hỏi đã truyền cho mình thêm động lực phấn đấu”.
Vũ Phan Việt Hoa hiện là nghiên cứu sinh tại Pháp.
Theo Việt Hoa, viễn thám sử dụng vệ tinh quan sát Trái Đất là ngành khoa học vô cùng gần gũi và thiết thực giúp ta có thể chiết xuất những thông tin hữu ích phục vụ cho đời sống từ dữ liệu vệ tinh. Cô dẫn chứng: “Đề tài nghiên cứu sinh tiến sĩ lần này của mình là sử dụng ảnh radar kết hợp kỹ thuật giao thoa để phát hiện lún đất. Lún đất là hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hoá, khi nhu cầu sử dụng nước ngầm ngày càng tăng. Việc xác định lún đất là vô cùng quan trọng để các nhà quản lý có thể hạn chế hậu quả mà nó gây ra.
Hơn nữa, biến dạng bề mặt thường diễn ra ở quy mô lớn, vì vậy việc sử dụng những thiết bị đo đạc mặt đất là không hiệu quả và tốn kém. Nếu ứng dụng giao thoa trong vật lý, ta có thể phát hiện ra lún đất trên diện rộng, với độ chính xác tới từng”.
Trong tương lai, Việt Hoa khẳng định cô sẽ về Việt Nam sau khi học xong Tiến sĩ để tự tin đóng góp trí tuệ cho nền khoa học nước nhà. Cô cũng không hề tiếc nuối khi từ bỏ ước mơ làm giáo viên để theo ngành khoa học. “Mai này mình cũng có thể trở thành giảng viên để thoả mãn ước mơ đó”, cô gái 9x tài năng cho biết.
Ở bậc đại học, trong quá trình làm thực tập cử nhân tại Viện Vật lý địa cầu Paris (IPGP) Pháp, Việt Hoa đã có 1 công bố quốc tế trên tạp chí Viễn thám về Môi trường (Q1).
Lên bậc cao học, cô có nghiên cứu đóng góp đề tài về giám sát hạn hán ở miền Nam Việt Nam qua việc sử dụng ảnh quang học tại VNSC-STAC, TPHCM; đề tài về giám sát rừng tại Tây Nguyên qua sử dụng ảnh SAR tại CESBIO, Toulouse, Pháp.
Trong thời gian 1 năm làm việc tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC), Việt Hoa là chủ nhiệm 1 đề tài NCKH cấp cơ sở, được tham gia 1 đề tài NCKH cấp Nhà nước và đóng góp viết sách về ‘Viễn thám RADAR và ứng dụng trong giám sát lũ lụt ở Việt Nam’.
(Nguồn: Tiền Phong)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ