99 cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn được hỗ trợ làm thụ tinh trong ống nghiệm
BSCK I Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Bưu điện cho biết, trong suốt thời gian dịch bệnh COVID kéo dài, các bệnh nhân vô sinh hiếm muộn bị gián đoạn trong việc thăm khám, điều trị. Hiện nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt thì lượng bệnh nhân đến khám vô sinh hiếm muộn đến khám gia tăng nhanh chóng, thậm chí đông hơn cả trước thời điểm có dịch COVID-19.
Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, BV Bưu điện tiếp tục tổ chức thành công tuần lễ khám, tư vấn miễn phí dành cho các bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn và các cặp vợ chồng mong con (diễn ra từ ngày 28/5/2022 đến hết ngày 3/6/2022) đã thu hút hàng nghìn người đến khám, tư vấn.
Với phương châm không để cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn nào bị bỏ lại phía sau, bệnh viện đã quyết định hỗ trợ kinh phí cho 99 cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm thụ tinh trong ống nghiệm.
BSCK I Nguyễn Thị Nhã tư vấn cho bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Bưu điện.
Theo đó, bệnh viện sẽ hỗ trợ 100% chi phí làm một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho 09 cặp vợ chồng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chưa có con lần nào và đã có thời gian vô sinh, hiếm muộn từ 10 năm trở lên.
Đồng thời, hỗ trợ 30.000.000 đồng/01 cặp vợ chồng làm IVF tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện cho 90 cặp vợ chồng đáp ứng các điều kiện và tiêu chuẩn như: Là bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn, có chỉ định của bác sĩ phải làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF); Có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Chưa có con lần nào…
Thời hạn tiếp nhận hồ sơ từ ngày 01/8/2022 đến hết ngày 31/10/2022. Người bệnh có thể liên hệ 19001897 để được hướng dẫn chi tiết.
Được biết, kể từ khi thành lập đến nay, trải qua 9 năm (01/06/2013 – 01/06/2022), Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện đã mang lại hạnh phúc cho rất nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, trong đó có nhiều cặp mắc các bệnh lý di truyền hoặc mang gene bệnh tưởng như đã hết cơ hội được làm cha, làm mẹ.
Ngày càng nhiều người trẻ dưới 30 tuổi vô sinh, hiếm muộn