94% các hoạt động khai thác rừng Amazon ở Brazil là phi pháp | Môi trường | Vietnam+ (VietnamPlus)

Ngày 17/5, một nhóm nhà nghiên cứu đã công bố báo cáo cho biết phần lớn các hoạt động khai thác rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil là phi pháp, đồng thời bày tỏ hoài nghi về cam kết của Tổng thống Jair Bolsonaro trong việc xóa bỏ vấn nạn này.

Trước thực trạng các vụ phá rừng Amazon ngày càng gia tăng, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh thế giới về biến đổi khí hậu hồi tháng trước, Tổng thống Bolsonaro đã cam kết sẽ “xóa sổ” nạn phá rừng trái phép ở Brazil vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo báo cáo của nhóm nhà nghiên cứu tại nhiều trường đại học và các chuyên gia từ nhiều tổ chức môi trường, như Quỹ động vật Hoang dã thế giới Brazil và Viện Centro da Vida, có thể coi hầu hết các vụ phá rừng là phi pháp vì giới chức Brazil không thực thi đầy đủ quy định về địa điểm và phạm vi rừng có thể khai thác.

Báo cáo nêu rõ 94% các vụ phá rừng Amazon tại Brazil và vùng phụ cận Matopiba là bất hợp pháp do buông lỏng quản lý trong việc cấp phép khai khẩn đất rừng.

Báo cáo cho rằng việc phân biệt giữa khai thác rừng hợp pháp và phá rừng trái phép là yếu tố then chốt để đảm bảo ngành nông nghiệp và lâm nghiệp của Brazil không bị hủy hoại dưới tay các đối tượng tội phạm môi trường.

[Amazon mất 2,3 triệu hécta rừng nguyên sinh trong năm 2020]

Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP (Pháp), chuyên gia Paula Bernasconi, điều phối viên của Viện Centro da Vida, cho rằng cam kết không phá rừng của Tổng thống Bolsonaro cần được thể hiện qua số liệu cụ thể và thông tin minh bạch về việc sử dụng các phần diện tích rừng được khai thác.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Raoni Rajao tại Đại học Liên bang Minas Gerais nhấn mạnh cần khẩn trương có thêm các nỗ lực về mặt kỹ thuật và quyết tâm chính trị để thực thi luật bảo vệ môi trường của Brazil một cách minh bạch.

Từ khi ông Bolsonaro lên nắm quyền vào năm 2019 đến nay, nạn phá rừng Amazon phần trên lãnh thổ Brazil tăng lên nhanh chóng.

Chỉ trong 12 tháng tính đến tháng 8/2020, các vụ phá rừng tăng 9,5% với diện tích rừng bị tàn phá rộng hơn cả lãnh thổ Jamaica.

Các nhóm bảo vệ môi trường cho rằng vấn nạn này gia tăng là do chính phủ của ông Bolsonaro phát triển ngành khai khoáng và nông nghiệp tại các khu vực rừng rậm, cũng như cắt giảm tài trợ cho các chương trình bảo vệ môi trường.

Hiện, nhà lãnh đạo này đang chịu sức ép lớn của cộng đồng quốc tế kêu gọi cải thiện hình ảnh chính phủ Brazil bảo vệ môi trường cũng như chịu sức ép từ các doanh nghiệp, vốn lo ngại hình ảnh không tốt hiện nay sẽ tác động đến các nhà xuất khẩu thịt bò và đậu tương hàng đầu thế giới./.

 

Nguyễn Hạnh (TTXVN/Vietnam+)