9 món ăn đặc sản của Yên Bái
Yên Bái là tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc nước ta, tại đây có nhiều điểm du lịch, tìm hiểu bản sắc các dân tộc như Mù Cang Chải, Mường Lò… Bên cạnh đó, đây cũng là nơi để khám phá những món đặc sản nổi danh của các dân tộc Thái, Tày…
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Cách chế biến thịt trâu gác bếp không khó, nhưng cũng khá mất công. Người làm thường cắt những mảng thịt to, chọn miếng thăn, bắp ở vai, lưng con trâu, chia các thớ thịt ra thành từng miếng hình con chì. Sau đó họ lại thái dọc thớ, ướp ớt, muối, gừng, nước lá rừng, đặc biệt không thể thiếu lá mắc khén (hạt tiêu rừng) và treo lên gác bếp hun khói cho óng đen, quắt khô để bảo quản. Khoảng 8 tháng đến tháng 1 năm sau, họ sẽ hạ thịt trâu xuống, ăn tới đâu lấy tới đó. Khói ám lâu ngày làm thịt trâu có mùi đặc biệt, mang đậm phong vị núi rừng với hình thức bên ngoài khô, màu nâu thẫm, nhưng phần trong vẫn hồng hào, tươi đỏ, ngọt đậm đà. Nhìn bên ngoài, miếng thịt trâu màu nâu sẫm, sở dĩ có màu sắc như vậy là do sự khéo léo của người hun thịt, thịt phải được hun thường xuyên bằng than củi lấy từ núi. Thớ thịt trâu màu nâu hồng rất bắt mắt, khi ăn sẽ cảm thấy hơi hăng hắc vị của khói ám lâu ngày. Khi miếng thịt đã trôi xuống họng, vị ngọt đọng lại nơi đầu lưỡi lại khiến thực khách mê mẩn. Phổ biến nhất là món thịt trâu gác bếp xé nhỏ, chấm cùng chẩm chéo làm mồi nhậu, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt đọng lại, hòa quyện cùng mùi thơm từ khói củi núi đá và chút cay nồng, chút thơm lạ của mắc khén. Từ miếng thịt trâu bình dị với cách chế biến tinh tế độc đáo, dẫu là thực khách kén ăn cũng dễ dàng bị chinh phục để rồi không khỏi lưu luyến, nhớ về ẩm thực riêng có của người Thái đen Yên Bái.
Muồm muỗm rang – đặc sản Mường Lò
Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm ngon
Ở Mường lò cứ đến cuối mùa gặt là muồm muỗm lại xuất hiện rất nhiều, muồm muỗm bay rào rào thành từng đàn, từng đàn, con nào con nấy to đều như ngón tay áp út. Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn vẫn là đặc sản của Mường Lò vùng Tây Bắc.
Để chế biến món muồm muỗm rang giòn phải qua 4 khâu cơ bản là “Vặt cánh, bẻ chân, ngắt đầu, rút ruột”. Xong khâu “làm lông”, muồm muỗm được rửa sạch, để ráo nước rồi cho vào chảo. Đầu tiên, muồm muỗm được om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa liu riu. Cạn nước, cho mỡ (hoặc dầu ăn) vào, đảo đều tay trên bếp to lửa; khi nào nghe tiếng nổ lách tách tức là muồm muỗm đã chín giòn, cho bột canh (hoặc nước mắm, hạt nêm…) vừa đủ cùng với mì chính, một chút ớt tươi và đảo nhanh tay; cuối cùng, cho lá chanh thái chỉ nhỏ vào, đảo đều chín tới lá chanh là bắc chảo ra được. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm, khi ăn ta có thể cảm nhận vị giòn tan, bùi béo, thơm nồng trong miệng, cảm giác thật tuyệt. Món muồm muỗm rang có thêm chén rượu ngô của đồng bào Mường Lò Yên Bái thì mới cảm nhận hết được hương vị của đặc sản núi rừng Tây Bắc.
Lạp xưởng Yên Bái
Lạp xưởng Yên Bái
Lên vùng cao vào mùa lạnh, nếu được hơ mình bên bếp lửa hồng, nhấm nháp chút rượu ngô với lạp xưởng chấm tương ớt cay xè thì thật là tuyệt vời biết bao. Đây cũng chính là một trong nhiều món ăn đặc sản khá phổ biến ở tỉnh Yên Bái.
Nguyên liệu chính để làm nên món lạp xưởng này là lòng non, thịt nạc xay nhuyễn. Muốn lạp xưởng không bị hôi người ta phải rửa lòng non với rượu trắng cho thật sạch, thịt lợn phải là thịt nạc vai, thịt thăn hoặc nạc mông, những phần thịt ngon nhất của con lợn, sau đó xay nhuyễn tẩm ướp thêm gia vị bột canh, hạt tiêu, mật ong, đường, rượu trắng… nhồi vào lòng non đã làm sạch. Phải nhồi sao cho lòng non căng tròn, đẫy đà mới được. Rồi đem phơi nắng 3 ngày, sau đó treo lên gác bếp. Mấy ngày đầu, phải nổi lửa hồng cho miếng lạp xưởng được hơi khói mới, chú ý đến khâu củi lửa, không được đun to, không được để tắt bếp trong giai đoạn thịt lên men. Nhiên liệu để sấy lạp xưởng cũng không đơn giản, phải là than hoa, bã mía, vỏ trấu, lá quế tươi, nếu là củi thì phải là thân cây quế, là thân tươi càng tốt. Cứ thế, miếng lạp xưởng được treo quanh năm nơi góc bếp mà không lo bị hỏng. Mỗi hương vị Lạp xưởng của vùng Tây Bắc đều có hương vị riêng biệt, tuy nhiên, Lạp xưởng ở Yên Bái có màu sẫm hơn, khô hơn vì được hun kỹ, khi ăn bạn sẽ thấy có mùi thơm đặc biệt của mía hun cùng vị khói của củi, than rừng, đó là điều tuyệt vời mà bất cứ du khách nào khi đến Yên Bái cũng không thể bỏ qua được món ăn này.
Xôi và cốm tan Tú Lệ
Cốm Tú Lệ
Thung lũng Tú Lệ (Văn Chấn) nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, Tú Lệ cái tên đã nói phần nào vẻ đẹp nơi đây. Quả thật, khó có từ ngữ nào diễn tả được vẻ đẹp của thung lũng này. Tú Lệ mùa nào cũng đẹp, khi lúa non, từ trên đèo cao nhìn xuống, thung lũng Tú Lệ như thảm cỏ xanh mướt, mùa lúa chín đây đúng là một thung lũng vàng và hơn thế hương thơm từ thứ nếp nổi tiếng có thể làm bạn “say” nơi đây chẳng muốn về.
Nếp tan Tú Lệ là đặc sản trời cho mà không ở vùng cao nào có được, bởi thế nên dù có chế biến thành món ăn nào đi chăng nữa thì nó cũng vô cùng thơm ngon, một trong những món ngon ấy là cốm. Để làm ra những hạt cốm còn giữ nguyên được hương vị đậm đà, thơm dịu đầy sức quyến rũ mang nét đặc trưng của vùng cao Yên Bái, khi làm cốm, bà con người dân tộc Thái nơi đây đã phải rất công phu. Khi lúa khum ngọn, hãy còn nguyên sữa thì cũng là lúc gặt đem về làm cốm. Lúa để làm cốm không được vò hay đập mà phải tuốt, sàng bỏ rơm và những hạt thóc lép, đem đãi qua nước rồi cho vào chảo rang. Bếp lò để rang cốm thường phải đắp xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi.
Hiện tại, cốm Tú Lệ đã trở thành một mặt hàng thương phẩm được nhiều thực khách xa gần ưa chuộng, trở thành món quà quê để mọi người gửi biếu bạn bè, người thân. Hy vọng rằng, trong một tương lai không xa cốm Tú Lệ sẽ sớm có được một thương hiệu và trở thành phong vị không thể thiếu của quê hương Yên Bái.
Bánh chưng đen Mường Lò
Bánh chưng đen giản dị, mộc mạc như người Thái Mường Lò
Mường Lò – mảnh đất của “gạo trắng, nước trong”, nơi có những cô gái Thái duyên dáng trong chiếc áo cỏm, khăn piêu không chỉ mang trong mình những nét văn hóa truyền thống độc đáo riêng có mà nét sinh hoạt ẩm thực của đồng bào cũng vô cùng tinh tế, đậm đà hương sắc núi rừng.
Người Thái làm bánh chưng đen vào mỗi dịp tết đến, xuân về để thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên và đất trời. Nguyên liệu làm bánh được chọn lựa kỹ càng: Lá dong bánh tẻ, khổ vừa phải, rửa sạch, lau khô. Gạo nếp được chọn phải là nếp Tú Lệ thơm ngon, nhân đỗ xanh hoặc đỗ nho nhe đãi sạch vỏ, không lẫn sạn. Thịt lợn ngon nhất là thịt ba chỉ, nhiều mỡ một chút, thái mỏng, ướp với gia vị, hạt tiêu, hành củ. Để tạo màu đen cho chiếc bánh, đồng bào lấy thân cây núc nác tước vỏ, hoặc hoa cây vừng đen đốt thành than, giã mịn như bột, trộn lẫn với gạo nếp, đảo đều cho đến khi gạo quyện với bột than thành màu đen.
Bánh chưng đen giản dị, mộc mạc như người Thái nhưng ẩn sâu trong đó là sự tinh tuý của đất trời và tấm lòng của những người gói bánh. Bánh chưng đen giờ không chỉ được thưởng thức trong ngày tết, ngày hội của bản mà đã trở thành món ăn giàu bản sắc văn hóa của người dân và là món ẩm thực độc đáo với nhiều du khách khi đến Mường Lò, miền Tây Yên Bái.
Mật ong nhãn Văn Chấn
Mật ong nhãn Văn Chấn
Cuối tháng 4, từ thành phố Yên Bái bầu trời nặng nước từ sau tết khiến cả vùng đầy ẩm ướt và nồm nhưng vượt qua đèo Ách, nắng bừng lên làm lòng người rộn rã. Hoa nhãn đã nở rộ dọc Quốc lộ 32, ong lấy mật mùa này đủ mật ngọt… Với diện tích hàng ngàn ha trồng nhãn, khu vực Văn Chấn, Nghĩa Lộ là địa điểm khá lý tưởng để thưởng thức hương vị mật ong nhãn.
Không giống như một số loại mật ong để lâu bị đóng đường nguyên nhân vì gặp phải thời tiết mưa gió, ong không đi kiếm ăn được, người nuôi phải cho ong ăn đường nên lứa đầu tiên trước mùa hoa sẽ có thành phần đường trong đó. Mật ong hoa nhãn Văn Chấn là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên được những chú ong hút mật từ hoa nhãn chuyển hóa thành nên có mùi thơm đặc trưng, rất giàu năng lượng, nhiều vitamin. Thành phần chủ yếu trong mật ong là các loại đường đơn như: Glucô, Lêvulôse … dễ hấp thụ, các loại men cần thiết như: AMILASE, LIGASE… các loại vitamin nhóm D, B, K, E, C… và nhiều các khoáng chất tốt cho sức khoẻ.
Măng sặt đặc sản núi rừng Yên Bái
Măng sặt Yên Bái
Măng sặt được mùa nhất là vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 dương lịch, thời gian vụ măng ngắn chỉ từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm. Loại măng này thuộc họ tre, thân nhỏ rất thẳng, búp măng to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm và ngọt, mọc tự nhiên. Loại măng này có nhiều tại các vùng đồi thuộc huyện Trạm Tấu, Văn Chấn, nhưng nhiều nhất là ở Thị xã Nghĩa Lộ.
Măng sặt có vị ngọt và mềm rất dễ để chế biến các món ăn, phù hợp với khẩu vị của nhiều người, măng sặt ăn ngon nhất khi ngọn măng mới nhú mập mạp, thân mầu trắng còn tươi nguyên mùi đất rừng. Chọn được những cây măng ngon thì cần biết cách chế biến để có những món ăn ngon hấp dẫn nhất. Măng sặt có thể chế biến được rất nhiều các món ăn như: món luộc, món om, món xào, món nướng…
Món ăn tuy giản dị nhưng hội tụ đầy đủ sự tinh túy của núi rừng Tây Bắc với vị thơm ngon, ngọt đã tạo nên một thương hiệu riêng cho măng sặt – món đặc sản của Yên Bái.
Mắc khén
Mắc khén là một trong những loại gia vị độc đáo
Mắc khén là một trong những loại gia vị độc đáo mà núi rừng Tây Bắc nói chung, Yên Bái nói riêng. Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Cây mắc khén là loại cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu và hương thơm, trở thành huyền thoại và làm nên loại gia vị đậm đà không thể thiếu trong bữa ăn đồng bào miền Tây Bắc.
Cây mắc khén ra hoa vào dịp cuối xuân và đậu thành những chùm quả nhỏ như những chùm hạt rau mùi già. Cuối hè, người ta thu hái mắc khén bằng cách leo lên cây hái hay dùng câu liêm kéo những cành nhỏ có quả rơi xuống và buộc lại thành chùm đem phơi nắng cho khô hoặc treo lên gác bếp dùng dần. Hầu như không có bữa ăn nào quan trọng của người Thái lại thiều mắc khén, khi dùng mắc khén, người ta bứt một nắm quả cho vào chiếc bát con, chọn lấy một viên than củi đang cháy đượm nhất bỏ vào bát và lắc đều tay để nướng mắc khén. Khi thấy mùi thơm ngào ngạt bay ra thì gắp than ra, khẽ thổi cho bay hết tàn than rồi dùng chuôi dao giã nhỏ hạt mắc khén thành bột để chế biến đồ chấm hay làm gia vị cho các món ăn.
Ai đã được từng thưởng thức những món ăn chế biến từ gia vị này chắc chắn sẽ không thể quên được hương vị đặc trưng của nó mà không phải ở đâu cũng tìm thấy được.
Bánh chuối Lục Yên
Bánh chuối Lục Yên
Từ lâu chuối đã trở thành cây gần gũi, gắn bó với người Tày Lục Yên, bởi những hữu ích từ cây chuối đem lại.
Người Tày đã sáng kiến tái hiện sự thanh tao, hấp dẫn của hương vị chuối bằng cách chế biến thành một sản vật ngon – bánh chuối – chứa đựng giá trị tinh thần được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ sau và được dùng làm đồ cúng tế trong những dịp gia đình, dòng họ có việc trọng đại.
Với bánh chuối, sự hấp dẫn được thể hiện qua những bàn tay khéo léo, tài tình của các bà, các mẹ. Bánh được tạo nên chủ yếu từ chuối và một chút bột gạo mới. Để làm được một chiếc bánh chuối thơm ngon, giữ được hương vị nguyên vẹn của chuối, màu bánh vàng như nhúng mật họ phải chuẩn bị khá công phu từ khi chuối ra nải. Quả chuối chín, đem bóc vỏ, rồi được sấy khô để dành. Khi làm bánh, chuối sấy khô được đem ngâm nước ấm cho mềm rồi đem đi xay thành bột, bột gạo cũng phải xay bột nước cùng với bột chuối trộn đều làm vỏ bánh. Muốn có bánh thơm, ngọt thì nguyên liệu được chọn là chuối tiêu; muốn bánh có độ dai dẻo, màu sắc sáng thì chọn chuối goòng, chuối lá… tùy theo sở thích.
Điều hấp dẫn ở bánh chuối là ngoài nhân có đỗ, lạc và đường còn lại các phụ gia đều từ chuối. Lá gói bánh cũng từ lá chuối trong vườn, dây gói bánh cũng từ dây chuối đúng là chẳng giống với bất kỳ loại bánh nào. Chẳng thế mà bánh chuối rất dễ thưởng thức, vừa ngon vừa lạ, hấp dẫn khách gần xa.
25408 lượt xem
Ban Biên tập