9 dấu hiệu sinh non bà mẹ mang thai cần biết

Tuổi thai là khoảng thời gian em bé phát triển trong tử cung của người mẹ. Tuổi thai được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng của bà mẹ. Xác định tuổi thai chính xác rất quan trọng vì trẻ càng sinh non thì càng có nguy cơ gặp phải một số vấn đề sức khỏe và kém phát triển. Trẻ sinh non có thể sẽ cần hỗ trợ y tế nhiều hơn cho phổi, tim, dạ dày và ruột, kiểm soát nhiệt độ và chế độ ăn.

Một đứa trẻ sinh ra trong thời gian trước 37 tuần tuổi thì được coi là sinh non.

Mức độ sinh non thường được tính theo tuổi thai là:

  • Cực non: từ 23-28 tuần

  • Rất sớm: 28-32 tuần

  • Sinh non vừa phải: 32-34 tuần

  • Sinh non muộn: 34-37 tuần.

Hầu hết trẻ sinh ra sớm hơn tuần thai thứ 32 cần được trợ giúp về hô hấp. Trẻ có thể được chăm sóc trong một đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh.

1. Sinh non có ảnh hưởng tới cân nặng và sức khỏe của trẻ?

Trẻ sơ sinh nhẹ cân là khi trẻ có cân nặng dưới 2,5kg. Trẻ có thể vừa sinh non vừa nhẹ cân. Có nhiều trường hợp trẻ sinh đủ số tuần nhưng vẫn bị nhẹ cân do không nhận được đủ chất dinh dưỡng khi ở trong tử cung. Những em bé này nhẹ cân nhưng sự phát triển vẫn phù hợp với tuổi thai và thường không phải can thiệp y tế gì. Thông thường, trẻ sinh non thường có cân nặng thấp vì trong những tuần cuối của thai kỳ là thời gian trẻ tăng cân vượt trội so với những tháng trước đó.

photo-1649230712364

Trẻ sinh non tháng thường không có vấn đề gì nghiêm trọng về lâu dài. (Ảnh minh họa)

Sự sống còn của trẻ sinh non phụ thuộc vào tuổi thai của trẻ. Ví dụ, trẻ sinh non sau 24 tuần có khả năng sống sót tới hơn 50%.

Trẻ sinh non tháng thường không có vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe lâu dài. Trẻ sinh cực non (sinh ở tuần thứ 28 trở xuống) có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề về phát triển. Nhưng ngay cả ở những trẻ sinh cực non, các vấn đề phát triển nghiêm trọng vẫn khá hiếm gặp. Hầu hết trẻ sinh non tiếp tục phát triển như trẻ sinh đủ tháng. Thời gian mang thai càng dài thì con bạn càng ít có nguy cơ gặp phải bất kỳ mối lo ngại nào về sức khỏe hoặc sự phát triển.

2. Các yếu tố nguy cơ gây sinh non

photo-1649230715725

Một số bệnh lý của bà mẹ mang thai có thể gây sinh non. (Ảnh minh họa)

Trong khoảng một nửa số ca sinh non, người ta không tìm ra được nguyên nhân cụ thể gây ra hiện tượng này. Tuy nhiên, các nghiên cứu đều chỉ ra những yếu tố căn bản có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh non ở bà mẹ mang thai:

  • Đã có một lần sinh non trước đó;

  • Một số tình trạng của tử cung hoặc cổ tử cung, như u xơ tử cung

    hoặc cổ tử cung yếu;

  • Mang đa thai (thai đôi hoặc nhiều hơn);

  • Nhiễm trùng ở mẹ hoặc tình trạng sức khỏe của mẹ khi mang thai có nghĩa là ca sinh cần được tiến hành nhanh chóng để đảm bảo an toàn cho mẹ và con – ví dụ như tiền sản giật

  • Các tình trạng của bà mẹ như đái tháo đường và tăng huyết áp…

Ngoài ra một số yếu tố khác có thể gây sinh non liên quan đến lối sống của bà mẹ mang thai như: chế độ dinh dưỡng kém, hoạt động thể chất quá nhiều, hút thuốc, uống rượu và sử dụng chất kích thích, quá căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, béo phì, mẹ mang thai nhẹ cân và thiếu chăm sóc trước khi sinh. Tuổi của bà mẹ mang thai dưới 17 tuổi hoặc trên 35 tuổi cũng có thể là một yếu tố dẫn đến sinh non.

Phụ nữ hút thuốc lá có gần gấp đôi nguy cơ sinh con nhẹ cân và sinh non. Bỏ thuốc lá sớm nhất, ngay từ khi bạn bắt đầu mang thai, sẽ làm giảm nguy cơ sinh non.

3. Những dấu hiệu sinh non

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bạn nên liên hệ với bác sĩ hoặc bệnh viện theo dõi thai kỳ cho bạn. Những dấu hiệu này có thể có hoặc không có nghĩa là bạn đang chuyển dạ, nhưng tốt nhất bạn nên luôn kiểm tra chúng:

  • Đau lưng âm ỉ

  • Cảm giác rằng em bé của bạn đang đẩy xuống hoặc cảm giác áp lực trong xương chậu của bạn

  • Sưng phù ở tay, chân hoặc mặt

  • Cơn co thắt xảy ra hơn 4 lần trong 1 giờ

  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy

  • Mờ mắt, nhìn đôi hoặc các rối loạn về mắt khác

  • Đau quặn bụng liên tục, đau phần bụng dưới như đau bụng kinh

  • Chuyển động của bé chậm lại hoặc dừng lại

  • Có chất lỏng hoặc máu chảy ra từ âm đạo của bạn.

4. Bà mẹ mang thai cần lưu ý gì?

Cách tốt nhất để đảm bảo thai kỳ của bạn suôn sẻ là bạn cần luôn khám thai định kỳ và thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh.

  • Ăn uống theo nhu cầu cơ thể và đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.

  • Không hút thuốc lá, không uống rượu bia và tuyệt đối không sử dụng chất kích thích.

  • Hoạt động thể chất đều đặn và phù hợp.

  • Quản lý căng thẳng, tránh trầm cảm và lo lắng thái quá.

  • Kiểm soát cân nặng và những bệnh lý liên quan đến thai kỳ.

Ngay cả khi bạn thực hiện đúng những yêu cầu trên khi mang thai, bạn vẫn có thể bị sinh non. Tuy nhiên, thực hiện tốt những điều này sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ tai biến sản khoa và sinh non. Bạn yên tâm là đã làm tất cả những điều tốt nhất cho con mình.

Trẻ sinh non với những nguy cơ mà cha mẹ cần chú ýTrẻ sinh non với những nguy cơ mà cha mẹ cần chú ý

SKĐS – Trẻ sinh non là những trẻ khi sinh ra dưới 37 tuần tuổi thai. Trẻ sinh càng non đặc biệt dưới 32 tuần thì nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe càng nặng và biến chứng càng cao. Vì một vài lý do nào đó mà thiên thần nhỏ phải chào đời sớm hơn dự kiến, thì cha mẹ cần hiểu những nguy cơ để biết cách chăm sóc bé.

Xem thêm video đang được quan tâm

Lợi ích của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân.