9 cảm xúc ngày Tết quê hương
Tết…
Đó là cái ngày duy nhất trong năm cả nhà sum họp mà không sum họp. Ai nấy túi bụi với chuyện của mình. Tự tay dọn dẹp lại nhà cửa quét, quét mạng nhện trên trần, lau cửa kính, bàn ghế, kỳ cọ đồ đạc mốc meo lâu nay không dùng tới rồi đem phơi nắng, hay vào bếp nấu những món ăn thật ngon cho gia đình cùng thưởng thức. Mệt phờ.
Tết…
Là khi mẹ vội vàng hơn với buổi chợ muộn cuối năm, mua ít thịt nạc vai về làm chút lạp xưởng hương vị quê nhà, treo lên gác bếp cho kịp ăn Tết.
Là khi những nén nhang nơi góc mộ ông bà, tổ tiên bay phảng phất khói ngà. Nhắm mắt để cảm nhận từ trong tiềm thức bao la như có rất nhiều lời rì rầm vọng lại. Tuy mơ hồ nhưng ta như được gửi gắm lòng tin, sự khích lệ, động viên cho những hành trình mình đã và đang tiếp bước.
Tết…
Là khi mọi người quây quần, mỗi người một việc nhưng tựu lại chỉ để mong một nồi bánh chưng thật ngon cho ngày Tết. Bố cần mẫn chẻ lạt mềm, thái những thớ thịt ba rọi đặt mua ngon nhất. Mẹ vo gạo nếp thật kỹ, nhặt nhạnh những thóc còn sót lại. Không ai bảo ai, nhưng mọi người cứ thế tự lo nhiệm vụ của mình để khi hoàn thành một chiếc bánh luôn có đủ tất thảy các loại nguyên liệu: lá dong, gạo nếp, hành hương, thịt ba rọi, đỗ xanh.
Tết vui nhất là khi đun nồi bánh chưng ta được nghe đủ thứ chuyện trên đời từ thời ông bà, bố mẹ. Miếng thịt mỡ hay dưa hành cứ thế đi vào tiềm thức mỗi độ Tết về. 12 tiếng trên ngọn lửa hồng, những chiếc bánh chưng đã có màu xanh rền đậm nét hương vị quê nhà, lúc đấy sao ta lại yêu đời đến thế.
Tết…
Là khoảnh khắc thời sự phát sóng ngày cuối năm trở nên đặc biệt hơn với câu nói “đây là bản tin thời sự tối 30 Tết, ngày cuối cùng của năm…”.
Là cùng nhau xem Táo quân, rồi bình phẩm và nhận xét. Là bồi hồi thức đợi Giao thừa trong đêm, nghe chạy lên sân thượng ngắm nhìn pháo hoa bắn nở tung trời trong gió đêm se lạnh.
Là khi được chọn để xông nhà, ta mỉm cười cầu mong một năm mới thật nhiều an vui cho những người mình yêu thương và trân quý. Mỉm cười rút đôi phong bao lì xì đỏ hồng hai tay trao tặng tới những người đã có công sinh thành, dưỡng dục. Thấy yêu sao cái khoảnh khắc này đến thế.
Tết…
Là khi đầu dây bên kia vang lên tiếng nức nở nhớ Tết quê hương của cô con gái du học xa xứ, người đã tự hứa với bản thân sớm thôi sẽ quay lại trên đôi chân cứng cỏi và trái tim đầy trải nghiệm.
Tết…
Là sớm mùng 1 Tết cùng mẹ chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên. Ta bỗng bất chợt thấy mọi điều không vướng bận hay vội vàng. Con phố nhộn nhịp bỗng như bỗng yên ả, những ca khúc chào xuân sang hòa cùng không khí yên bình đến lạ. Ta thấy lòng mình nhẹ nhàng biết mấy.
Tết…
Là khi lễ chùa đầu năm tấp nập người đến, kẻ đi, cầu mong những điều bình an và hạnh phúc. Tết chưa bao giờ bớt đẹp. Chỉ có lòng ai tự diễn biến mà không còn thi vị nên ép uổng Tết nay đã chán. Cái đẹp vẫn ở đó, chỉ là hãy lau cho trong vắt cả đôi mắt lẫn tấm lòng sẽ lại thấy một màu nguyên xuân.
Tết…
Tết đến là một năm mới nữa lại đến và nó cũng đồng nghĩa với việc những người thân yêu đã nhiều hơn một tuổi. Đó là lúc ta được ngẫm lại một năm trôi qua với những chuyện đang còn dang dở chưa thể thực hiện. Ta tất bật với đủ việc nghề, nhưng nghĩ lại, tuổi tác là thứ ta chẳng bao giờ có thể thay đổi được. Vậy nên, dành một chút Tết để bên gia đình, bên người thân yêu có hơn không?.
Tết…
Dăm ba câu chuyện ngày Tết và hậu Tết, cành đào vẫn tươi, mai vàng vẫn nở, thịt mỡ, dưa hành vẫn còn quyến rũ. Hãy để Tết đọng lại sắc xuân nơi đáy mắt, hương xuân trong cánh mũi và vị ngọt ở đầu môi. Vẫy tay tạm biệt yêu thương và trân quý “Tết ơi, chào nhé!”…
Thu Huyền