9 cách nấu chè trôi nước ngon, không bị cứng, đơn giản tại nhà
Nội Dung Chính
9 cách nấu chè trôi nước ngon, không bị cứng, đơn giản tại nhà
Chè trôi nước là một món ăn vặt của người Việt với thành phần chủ yếu là bột nếp. Là món ăn không thể thiếu trong dịp cúng đông chí, Tết Đoan Ngọ,…
Chè trôi nước vừa là một món ăn ngọt ngào, hấp dẫn, vừa là một nét đẹp đặc sắc trong nền văn hóa ẩm thực của nước ta. Hôm nay, Bách hóa XANH sẽ giúp bạn tổng hợp 9 cách nấu chè trôi nước thơm ngon, dẻo mềm và không bị cứng nhé!
Tham khảo thêm: Tết Đông Chí: Tìm hiểu phong tục ngày Đông Chí của người Hoa
1 Cách nấu chè trôi nước không bị cứng
Chuẩn bị
25 phút
Chế biến
30 phút
Dành cho
2 – 3 người
Nguyên liệu làm chè trôi nước
Mẹo hay: Để giúp món chè giữ được hương vị ngọt bùi, thơm ngon trọn vẹn, bạn lưu khi mua đậu xanh nên lựa những phần đậu có kích thước tương đối đều nhau, màu vàng tươi đẹp mắt, hương thơm tự nhiên cũng như không bị dập nát.
Cách làm chè trôi nước
Bước 1 Sơ chế nguyên liệu
Đầu tiên, bạn đem đậu xanh đã tách vỏ vừa mua về đi vo sạch cùng nước khoảng 2 – 3 lần. Sau đó, bạn tiến hành ngâm đậu với 1 lít nước và 1 muỗng cà phê muối trong khoảng 1 tiếng, hết thời gian trên thì bạn cho đậu xanh ra rồi để ráo.
Đối với các nguyên liệu khác, gừng bạn đem đi bóc vỏ, rửa sạch rồi cắt sợi mỏng vừa ăn, khoai lang trắng cũng cho rửa với nước sạch 2 – 3 lần, sau đó đem cắt bỏ 2 đầu rồi tiến hành gọt vỏ.
Bước 2 Hấp và tán nhuyễn đậu xanh cùng khoai lang
Sau khi cho đậu xanh và 50g khoai lang trắng đã sơ chế vào nồi hấp, bạn đóng nắp lại rồi tiến hành hấp trong tầm 30 phút. Hết khoảng thời gian này, bạn mở nắp nồi ra, cho khoai lang cùng đậu xanh ra 2 tô riêng rồi tán thật nhuyễn phần khoai và đậu xanh đã hấp này.
Bước 3 Trộn, nhồi và ủ bột bột làm vỏ bánh trôi
Bước tiếp theo, bạn cho vào tô lần lượt 400g bột nếp, khoai lang trắng đã tán nhuyễn, 360ml nước ấm ở khoảng 50 độ C và ¼ muỗng cà phê muối. Sau đó, bạn trộn đều để khối bột được đồng nhất rồi tiếp tục nhồi bột bằng tay khoảng 20 phút.
Khi cảm thấy bột đã dẻo mịn, nhẹ tay thì bạn tiến hành bọc tô bột lại bằng màng bọc thực phẩm rồi đem ủ trong 3 – 4 tiếng.
Lưu ý: Khi cho nước ấm vào hỗn hợp bột, bạn chỉ nên cho nước vào thật từ từ, đồng thời cho đến đâu trộn đến đấy để tránh hiện trạng bột bị quá nhão và khiến quá trình nhồi bột sẽ trở nên khó khăn hơn.
Bước 4 Nấu nước cốt dừa
Bắt nồi lên bếp, sau đó bạn cho vào nồi 320ml nước cốt dừa, 125ml nước lọc, ⅓ muỗng cà phê muối và hỗn hợp gồm 1 muỗng canh bột năng cùng 3.5 muỗng cà phê bột gạo đã được pha trước ở ngoài rồi bật lửa nhỏ. Khi nước cốt dừa đạt đến độ sánh như mong muốn, bạn tắt bếp, cho thêm vào nồi 1 ống bột vani và khuấy đều.
Mẹo hay: Ngoài ra, bạn cũng có thể khiến món ăn trở nên hấp dẫn, ngậy béo hơn bằng cách tự nấu nước cốt dừa tại nhà bằng vài bước đơn giản cùng một số nguyên liệu dễ tìm như cơm dừa, bột năng, muối,…
Bước 5 Sên nhân đậu xanh
Bắc chảo lên bếp, tiếp theo bạn cho đậu xanh đã tán nhuyễn, 80ml nước cốt dừa còn lại trong lon nước cốt dừa, ½ muỗng cà phê muối và 2 muỗng canh đường vào chảo. Sau đó, bạn bật lửa ở mức nhỏ và tiến hành sên nhân đậu xanh.
Khi nhân đậu xanh đã ráo được một chút, bạn cho tiếp vào chảo 70g dừa sợi, trộn đều để phần nhân được dẻo mịn, đồng nhất với nhau, đến khi phần nhân này không còn dính tay hay dính nồi nữa thì bạn tắt bếp, cho thêm 1.5 muỗng canh hành phi vào, trộn đều rồi cho phần nhân này ra một tô riêng.
Bước 6 Làm viên bánh trôi
Kế tiếp, bạn nặn lần lượt phần nhân đậu xanh và phần bột vỏ bánh thành những viên tròn, sao cho viên nhân có khối lượng khoảng 20g/viên và viên bột nặng khoảng 30g/viên.
Sau đó, bạn dùng ngón cái nhấn vào điểm chính giữa của viên bột vỏ bánh để tạo thành 1 hình vòng tròn lớn vừa phải, tiếp đó bạn đặt viên nhân đậu xanh vào, se bột rồi nặn sao cho phần vỏ trắng phải bọc kín nhân đậu xanh và thực hiện như vậy đến khi hết nguyên liệu.
Mẹo hay:
– Trong trường hợp hết đậu xanh nhưng vẫn còn thừa phần bột bánh màu trắng, bạn có thể tiếp tục nặn bột thành các viên tròn nhỏ giống trân châu và sử dụng để nấu chè như bình thường nhé!
– Khi nặn xong các viên bánh trôi và cần để ra khay đựng riêng, bạn có thể trải trước trên khay một lớp màng bọc thực phẩm để bánh không bị dính vào khay mà gây rách lớp vỏ ngoài.
Bước 7 Nấu chè trôi nước
Bước cuối cùng, bạn bắc 1 nồi to lên bếp, bật lửa ở mức trung bình rồi lần lượt cho vào nồi 1 lít nước lọc, 375g đường thốt nốt, 1 muỗng cà phê muối và khuấy đều để gia vị được tan hoàn toàn.
Sau khi nêm nếm lại gia vị, bạn cho 70g đường cắt sợi vào nồi nước đường, đun sôi 2 – 3 phút rồi cho tiếp các viên bánh trôi vào và nấu trong khoảng 15 phút. Khi các viên bánh đã nổi lên trên mặt nước và có lớp vỏ căng, hơi trong thì bạn tắt bếp, múc chè ra chén và thêm nước cốt dừa với lượng tùy ý nữa là hoàn tất.
Bước 8 Thành phẩm
Không chỉ có màu sắc đẹp mắt và mùi thơm hấp dẫn, món chè trôi nước này còn mang một sự ngọt ngào vô cùng thơm ngon, đặc biệt khi được ăn kèm với một chút đậu phộng rang, mè trắng thì sẽ càng làm bật lên các hương vị khác của món ăn, điển hình là sự ấm nóng của gừng, sự dẻo dai của lớp vỏ và cả sự ngọt bùi của nhân đậu xanh.
2Cách nấu chè trôi nước nhân mặn
Chế biến
1 giờ
Chuẩn bị
45 phút
Dành cho
3-4 người
Nguyên liệu làm chè trôi nước nhân mặn
- 240gr bột nếp
- 2 cây lạp xưởng
- 40gr vừng đen
- 40gr vừng trắng
- 1 miếng quế chi
- Táo đỏ
- 1 muỗng cà phê rượu mai quế lộ
- 10gr đường gừng nâu Đài Loan
- Gia vị: đường gừng nâu Đài Loan, đường phèn, đường
Cách làm chè trôi nước nhân mặn
Bước 1 Sơ chế nguyên liệu
Đầu tiên bạn cần cắt lạp xưởng thành từng miếng nhỏ. Sau đó bắc nồi lên bếp đun với lửa vừa, cho 40g mè đen và 40g mè trắng vào rang khoảng 10 phút. Sau đó cho vào cối giã hơi mịn.
Bước 2 Làm nhân bánh
Cho mè vào chảo, thêm 1 muỗng canh đường, đun lửa nhỏ.
Tiếp theo cho lạp xưởng và 1 muỗng cà phê rượu mai quế lộ vào đảo khoảng 2 phút thì cho 20gr bột nếp và 10ml nước vào chảo khuấy đều.
Tắt bếp, đeo găng tay và nặn hỗn hợp cho đến khi có độ đàn hồi, dẻo vào nhau. Vo viên nhân thành những viên tròn nhiều kích cỡ.
Bước 3 Làm vỏ bánh
Cho 220g bột gạo nếp và 70ml bột mì đã đun nóng ở 70℃ vào tô trộn đều. Sau đó dùng khăn ẩm đậy kín âu bột và để bột nghỉ khoảng 30 phút.
Lưu ý:
– Khi nhào bột, lưu ý không dùng quá nhiều nước nóng, nếu không bột sẽ trở nên quá cứng.
– Có thể dùng máy trộn bột nếu muốn làm nhiều. Khi nhào bột không nên cho nước vào cùng một lúc mà cho từ từ. Dù bột đã xay lâu hay mới xay đều có thể điều chỉnh độ ẩm cho phù hợp.
Bước 4 Nấu nước đường
Đun 800ml nước trong nồi đến khi sôi, cho quế, táo đỏ thái hạt lựu, 10g đường gừng nâu Đài Loan, 70g đường phèn vào hòa tan. Khi nước sôi, giảm lửa nhỏ và hớt bọt.
Bước 5 Tạo hình chiếc bánh
Khi bột đã đủ độ nở, chia thành từng phần bột nhỏ, cán mỏng rồi cho phần nhân đã bọc nhân vào, cán bột ra sao cho bao kín phần nhân, nhớ nhào bột thật chắc tay để không bị vón cục.
Lưu ý: Trong quá trình tạo hình bánh, nếu bột tương đối khô, hơ bột đã cán dẹt trên hơi nước nồi nước đường sẽ làm mềm bột và dễ nặn hơn.
Bước 6 Nấu chè trôi nước nhân mặn
Cho viên bột đã bọc vào nồi nước đường, nặn đến đâu thì thả vào đến đó. Sau khoảng 10 phút bột sẽ chín và nổi lên mặt nước. Đun nước trong nồi thêm 10 phút nữa cho đến khi bánh trong, mềm, mịn và chín thì vớt ra ăn khi còn nóng.
Bước 7 Thành phẩm
Nước đường thơm mùi quế và táo đỏ rất hấp dẫn. Bánh trôi có màu vàng đậm, quả to tròn, bóng mịn rất bắt mắt. Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được phần nhân mặn vừa thơm vừa dai lạ miệng. Tất cả tạo nên món tráng miệng vô cùng hấp dẫn.
3Cách nấu chè trôi nước lá dứa
Chế biến
40 phút
Chuẩn bị
15 phút
Dành cho
3-4 người
Nguyên liệu làm chè trôi nước lá dứa
- 400gr bột nếp
- 400ml nước cốt dừa
- 20ml nước cốt lá dứa
- 1 bó lá dứa
- 20gr mè rang
- 20gr dừa nạo
- 40gr đường cát trắng
- 50gr đường mật mía
- 2gr muối
Cách làm chè trôi nước lá dứa
Bước 1 Trộn bột
Chia bột gạo nếp vào 2 tô. Bạn cho từ từ 130ml nước sôi vào tô thứ nhất và 20ml nước cốt lá dứa vào tô thứ hai.
Sau đó bạn dùng tay nhào từng bát bột cho đến khi bột tạo thành một khối dẻo mịn, đàn hồi và không dính tay.
Bước 2 Làm viên trôi nước nếp
Lấy một ít bột năng cho vào tô bột nếp, cán mỏng viên bột, cho nhân đường mật vào giữa, và gói kín sao cho phần nhân được bọc bởi miếng bột.
Sau đó vo tròn lại sao cho đẹp mắt.
Bước 3 Làm viên trôi nước lá dứa
Cũng như viên nếp, cho một ít bột năng vào tô bột nếp lá dứa, dàn mỏng bột, cho đường mật vào giữa, bọc nhân lại, sao cho nhân nằm bên trong miếng bột, vo tròn lại cho đẹp.
Bước 4 Luộc viên trôi nước
Cho nước vào nồi, để lửa vừa, khi sôi cho viên trôi nước vào đảo nhẹ tay để bánh không bị dính đáy nồi, đun đến khi bánh nổi lên là được.
Khi bánh nổi lên vớt ra cho ngay vào tô nước lạnh ngâm 2 phút rồi vớt ra để ráo.
Bước 5 Đun nước cốt dừa
Bắc chảo lên bếp đun lửa vừa, cho 400ml nước cốt dừa, 40g đường, 2g muối và một bó lá dứa vào. Nấu nước cốt dừa cho đến khi sôi, nấu thêm 2 phút thì tắt bếp, vớt lá dứa ra.
Mẹo hay: Nếu không thích nước cốt dừa, bạn có thể làm nước đường gừng.
Bước 6 Thành phẩm
Món ăn là sự kết hợp giữa hương thơm đặc trưng của lá dứa hoà quyện cùng nước cốt dừa ngọt dịu, lớp vỏ dẻo mịn vô cùng bắt mắt. Vậy là hoàn thành rồi hãy mời cả nhà cùng thưởng thức nhé.
4Cách nấu chè trôi nước hoa sen
Chế biến
40 phút
Chuẩn bị
20 phút
Dành cho
3-4 người
Nguyên liệu làm chè trôi nước hoa sen
- 50g bột gạo
- 400g bột nếp thái
- 20g bơ lạt
- 200g đậu xanh tách vỏ
- 400ml nước cốt dừa
- Sữa đặc
- Lá dứa, gừng
- Mè rang
- Bột trà xanh, bột củ dền, bột bí đỏ, bột năng
- Gia vị: dầu ăn, đường phèn
Cách làm chè trôi nước hoa sen
Bước 1 Chuẩn bị bột
Trộn 400g bột nếp, 50g bột gạo, 20g bơ lạt. Bạn cho từ từ nước vào bột và nhào đến khi mịn. Sau đó dùng màng bọc thực phẩm bọc khối bột lại và ủ trong 30 phút.
Bước 2 Chuẩn bị phần nhân
Ngâm 200g đậu xanh, vo kỹ cho hết bọt. Bắc nồi lên bếp và cho đậu vào, thêm nước ngập mặt đậu rồi thêm chút muối. Bạn nấu cho đậu chín hẳn.
Khi đậu đã mềm, cho vào tô và nghiền nhuyễn. Cho 1 muỗng canh dầu ăn vào chảo, cho đậu xanh và 100 ml sữa đặc vào chảo nhỏ, đun lửa nhỏ đến khi cạn nước.
Bước 3 Tạo màu bánh
Trộn bột matcha, củ dền và bí đỏ với nước ấm để tạo màu. Chia bột thành 4 phần tương ứng với 4 màu xanh, đỏ, vàng và trắng.
Bạn cho màu xanh vào bột và dùng tay nhồi đến khi bột chuyển thành màu ưng ý. Làm tương tự với màu đỏ và màu vàng.
Bước 4 Nặn bánh
Khi đậu xanh đã nguội, vo thành từng viên nhỏ khoảng 15g.
Bạn lấy lượng bột với tỉ lệ nhân đậu xanh 1/3, bột 2/3. Bạn cán dẹp bột màu rồi đặt phần nhân đậu xanh vào, bọc lại, vo tròn lại cho đẹp. Lặp lại thao tác đến khi hết phần nhân đã chuẩn bị.
Bạn phủ một lớp bột áo lên khuôn rồi cho viên bột vào, ấn xuống tạo hình búp, gương, lá, hình hoa sen.
Bước 5 Luộc bánh
Cho một ít dầu ăn vào nước sôi. Cho vào nồi viên bánh đã làm trước đó. Luộc đến khi bánh trôi nước nổi lên thì bạn vớt ra.
Trong khi đun sôi các viên bột, chuẩn bị một nồi riêng và đun sôi 1 lít nước với 250g đường phèn. Khi đường tan hết, bạn cho một ít gừng thái lát và lá dứa vào.
Ngay khi luộc xong bánh trôi, bạn thả các viên vào nồi nước đường đang sôi. Đun trên lửa nhỏ trong 10 phút để đường ngấm.
Bước 6 Làm nước cốt dừa
Đun sôi 400ml nước cốt dừa với ít đường và muối. Pha theo tỷ lệ 1 muỗng canh với 2 muỗng canh nước.
Từ từ cho hỗn hợp vào chảo nước cốt dừa tạo thành hỗn hợp sền sệt, khuấy đều tay cho đến khi hỗn hợp nước cốt dừa đặc lại.
Bước 6 Thành phẩm
Cho bánh trôi nước ra cốc, rắc mè rang và nước cốt dừa lên trên là có thể thưởng thức. Bạn hãy lưu lại công thức này và trổ tài cho gia đình mình nhé!
5 Cách nấu chè trôi nước ngũ sắc
Không chỉ có màu sắc bắt mắt và hương vị ngọt ngào, hấp dẫn, món chè trôi nước ngũ sắc thường được nhiều gia đình thưởng thức trong các dịp lễ như Tết Nguyên Tiêu, cúng đông chí,… vì điều này tượng trưng cho sự niềm hy vọng một năm sẽ được suôn sẻ, trôi chảy và gặp nhiều niềm vui, may mắn như sự đa dạng màu sắc trong món ăn.
Để làm được món chè này, đầu tiên bạn cần sên nhân từ đường và đậu xanh, sau đó sơ chế các nguyên liệu như khoai lang trắng, khoai lang tím, khoai lang vàng,… rồi đi nấu nước cốt màu vỏ gấc và lá dứa. Tiếp theo, bạn tiến hành trộn bột, nặn các viên bánh trôi nhiều màu, đem luộc và nấu với nước đường phèn khoảng 5 phút nữa là hoàn tất.
Tham khảo thêm: Cách làm chè trôi nước ngũ sắc mềm dẻo, dai ngon không bị cứng
6Cách nấu chè trôi nước tam sắc
Chè trôi nước tam sắc thu hút mọi ánh nhìn với 3 màu xanh, vàng, tím. Món chè này là sự lựa chọn mà bạn không nên bỏ qua cho các dịp lễ như Tết Nguyên Tiêu, cúng đông chí,…
Chè trôi nước tam sắc có màu sắc bắt mắt, cùng với hương thơm khiến ai cũng muốn thử ngay. Lớp vỏ ngoài mềm và dai, đậu chín đều, vừa miệng. Vị ngọt của nước đường và vị béo của nước cốt dừa tạo nên món tráng miệng bắt vị.
Tham khảo thêm: Cách nấu chè trôi nước tam sắc mới lạ, hấp dẫn
7Cách nấu chè trôi nước nhân sầu riêng
Đây chắc chắn là món chè không thể bỏ lỡ đối với các tín đồ sầu riêng rồi phải không nào? Với lớp vỏ căng tròn, dẻo mịn cùng hương vị đậu xanh bùi bùi, thơm ngon, nay khi kết hợp cùng một chút sự ngậy béo, ngọt ngào từ sầu riêng nữa thì chắc chắn, bạn sẽ phải lòng món ăn này chỉ từ lần thử đầu tiên.
Sau khi sơ chế gạo nếp và nấu nước cốt dừa cùng đậu xanh, bạn tiến hành làm phần nhân đậu xanh sầu riêng và lớp vỏ bánh màu đỏ gấc, tiếp đó đem bột và nhân đi nặn thành các viên tròn rồi hấp bánh trôi trong khoảng 10 – 15 phút, cuối cùng bạn nấu bánh trôi cùng với nước đường thêm 10 phút nữa là có thể thưởng thức.
Tham khảo thêm: Cách làm chè trôi nước gấc dẻo mềm nhân sầu riêng thơm ngon tại nhà
8Cách nấu chè trôi nước hoa đậu biếc
Vẫn giữ trọn vẹn được hương vị ngọt ngào, bùi bùi và ngậy béo từ các nguyên liệu như đậu xanh, bột nếp và nước đường, thế nhưng món chè trôi nước hoa đậu biếc này lại khiến nhiều người đắm say hơn bởi có một màu xanh biếc rất đẹp mắt, dịu dàng và kích thích thị giác của người ăn.
Với cách làm món chè đơn giản này, đầu tiên bạn cần phải sên đậu xanh cùng với mỡ hành, sau đó tiến hành nấu nước hoa đậu biếc và làm phần vỏ bánh màu xanh, cuối cùng bạn đem bột và phần nhân đậu xanh đi nặn hình thành các viên tròn rồi nấu với nước chè gồm những nguyên liệu như đường, gừng, lá dứa nữa là hoàn tất.
Tham khảo thêm: Cách làm chè trôi nước hoa đậu biếc đẹp mê ly cực đơn giản
9Cách nấu chè trôi nước nhân mè đen
Hơi khác với các món chè trôi nước truyền thống, bánh trôi tàu nhân mè đen bên cạnh hương vị ngọt ngào, dẻo mịn quen thuộc thì nay sẽ mang thêm mùi hương dịu nhẹ, tự nhiên và đặc trưng của mè đen, khiến bạn ăn một lần là sẽ nhớ mãi không quên được.
Sau khi đã sơ chế đậu xanh và mè đen, bạn tiến hành xào nhân mè đen cùng với đường và dừa bào sợi, sau đó nhào bột, nặn thành các viên bánh trôi rồi đem đi luộc, cuối cùng đem bánh trôi đi nấu cùng nước đường nâu trong khoảng 15 phút là có thể thưởng thức.
Tham khảo thêm: Cách làm bánh trôi tàu nhân mè đen ngon khó cưỡng
Vậy là Bách hóa XANH đã chỉ xong cho bạn 9 cách nấu chè trôi nước dẻo mềm cũng như ăn không bị cứng rồi đó! Còn chần chờ gì mà không vào bếp và chiêu đãi gia đình cùng bạn bè của mình bằng món chè đầy ngọt ngào, thơm ngon và hấp dẫn này đi nào!
Mua ngay đường tại Bách hóa XANH để làm món chè này nhé
Bách hóa XANH