8 món ăn quen thuộc Tết Đoan Ngọ
Mỗi vùng miền có những món đặc sản riêng để cúng ngày Tết Đoan Ngọ, mong có thể ‘diệt trừ sâu bọ, đẩy lùi bệnh tật’.
Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âm lịch) là một trong những ngày lễ quan trọng của người phương Đông, phổ biến ở các quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và Việt Nam. Mỗi quốc gia lại có những phong tục và cách cúng bái khác nhau. Ngay tại ở Việt Nam, mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ cũng có ít nhiều sự thay đổi.
Theo truyền thuyết Trung Quốc, thời chiến quốc, một đại thần nước Sở là Khuất Nguyên, vì can gián nhà vua mà đắc tội, bị đày về vùng Giang Nam. Về sau, vì chán nản, ông gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Người dân xót thương một vị quan vì dân vì nước nên tổ chức cúng bái bánh ú để tôm cá, sâu bọ không rỉa xác của ông. Tục lệ này truyền lại đến ngày nay.
Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ cũng mang ý nghĩa diệt trừ sâu bọ nhưng có một số cách lý giải khác. Theo đó, đầu tháng 5 là lúc kết thúc vụ chiêm, chuẩn bị bước sang vụ mùa, cũng là thời điểm sâu bọ phát triển sinh sôi, làm hại mùa màng. Tương truyền rằng có một ông lão tên là Đôi Truân từ xa đi tới, khuyên người dân lập đàn cúng bánh gio, trái cây, cơm rượu nếp… để giải được nạn. Từ đó, phong tục này trở nên phổ biến.
Tùy theo vùng miền và mỗi gia đình, mâm cúng Tết Đoan Ngọ cũng có nhiều khác biệt nhưng nhìn chung, vẫn là sự xuất hiện của các món ăn quen thuộc này.
Cơm rượu nếp
Cơm rượu nếp là món ăn phổ biến nhất, có trên mâm cúng của cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Có 2 loại cơm rượu nếp là cơm rượu nếp trắng và cơm rượu nếp cẩm. Món ăn có vị cay the ngọt ngọt của rượu, vị dẻo của lúa nếp mới, mang ý nghĩa diệt trừ sâu bọ và đẩy lùi dịch bệnh. Nhiều gia đình tự làm cơm rượu nếp tại nhà nhưng nếu không có thời gian, bạn cũng có thể mua sẵn ngoài chợ rất dễ dàng vào ngày này. Lưu ý, chỉ cần mua lượng vừa ăn, bảo quản cẩn thận trong tiết trời nóng nực và không ăn nhiều khi bụng đói, tránh bị cồn ruột và say rượu.
Bánh ú
Bánh ú ngày Tết Đoan Ngọ ở miền Tây. Ảnh: Thiên Chương
Bánh ú là món ăn truyền thống ngày 5/5 âm lịch ở Trung Quốc và miền Nam nước ta. Bánh ú có 2 loại là bánh ú nhân ngọt và bánh ú nhân mặn. Trong đó, bánh ú mặn được ưa chuộng ở miền Tây. Bánh có nhân là trứng cút, trứng vịt muối, thịt xá xíu, nấm đông cô, tôm khô, hạt sen… quyện với lớp vỏ dẻo dẻo, thơm thơm mùi lá. Chiếc bánh được gói theo hình chóp nón, lớp vỏ không quá dày, ôm lấy nhân bánh nên mùi vị thấm đẫm từ trong ra ngoài.
Bánh gio (tro)
Bánh gio mật mía ở miền Bắc. Ảnh: gaoruongtuoi
Người miền Bắc lại có thói quen ăn bánh gio chấm mật mía vào ngày Tết Đoan Ngọ. Món ăn giản dị nhưng cách làm khá cầu kỳ. Để làm bánh, người ta cần chuẩn bị gạo nếp và gio. Gio phải là của lá găng, lá tầm gửi, cây vừng phơi khô hoặc gio của hạt xoan chín, rơm nếp; hòa tan gio với nước, để lắng cạn xong đem ngâm gạo nếp cái hoa vàng. Việc này giúp bánh có màu nâu vàng, trong trong, óng ánh màu hổ phách và mùi ngai ngái, khét khét đặc trưng. Bánh gio không có nhân mà chấm với chút mật mía ngọt ngào. Mùa hè, ăn nhiều loại quả nóng đễ khiến người “bốc hỏa”, miếng bánh gio có tính mát, cân bằng điều hòa cơ thể.
Hoa quả
Không thể thiếu trên mâm cúng ngày 5/5 âm lịch là các loại hoa quả. Đây cũng chính là mùa có nhiều loại trái cây thơm ngon. Mỗi miền lại có cách sắp mâm khác nhau nhưng thường là các loại quả tính nóng như mít, mận, vải, chôm chôm… đúng với ý nghĩa “giết sâu bọ, trừ bệnh tật”.
Thịt vịt
Người miền Trung có phong tục cúng thịt vịt vào ngày này. Thịt có tính mát, có thể giúp cơ thể điều hòa vào những ngày nóng nực nhất trong năm. Thịt vịt có thể luộc, hấp, quay hay chiên đều được, trong đó, thịt vịt hấp (luộc) là phù hợp nhất để bày lên mâm cúng, lại không bị nhanh ngấy, ngán.
Chè trôi nước, chè hạt sen, chè kê
Ở ngoài Bắc, chè trôi nước hay bánh trôi nước được ăn vào dịp Tết Hàn thực 3/3 âm lịch nhưng ở phía Nam, chè trôi nước lại là món ăn của ngày 5/5 âm lịch. Từng viên bột nếp trắng được nặn tròn, bên trong là nhân đậu xanh, rắc chút vừng, ăn với nước cốt dừa, đường thốt nốt. Vị bánh thanh mát, phù hợp trong những ngày nắng nóng.
Trong khi đó, chè kê thường được người dân miền Trung nấu vào ngày này. Hạt kê được xay tróc vỏ, đun sôi, ngâm khi nở mềm, sền sệt, bỏ thêm đường và nước gừng. Chè hạt sen ở Huế là món thanh đạm, mát, dễ ăn, có tác dụng điều hòa khí huyết, làm mát cơ thể trong ngày Tết Đoan Ngọ nắng nóng.