8 món ăn đơn giản vừa ngon vừa dễ làm tại nhà | Vinh Hạnh Food
Ở tại thời điểm giãn cách xã hội để tránh đại dịch Corona thì làm các món ăn ngon để đãi gia đình chính là điều mà bạn nên thực hiện. Không chỉ cần ăn ngon mà còn bồi bổ sức khỏe cho cả gia đình. Hãy cùng Vinh Hạnh Food tham khảo các món ăn ngon đơn giản dễ làm ngay tại nhà trong bài viết bên dưới đây nhé.
Những món ăn đơn giản dễ làm tại nhà
Nội Dung Chính
1. Đọt bí xào thịt bò chay
Thịt bò chay là món ăn được chế biến từ đậu nên rất tốt cho sức khỏe, lại phù hợp với những người ăn chay.
Món đọt bí xào thịt bò chay
Thịt bò chay xào đọt bí là món ngon hấp dẫn phù hợp với những ngày thời tiết lạnh.
Món ăn được chế biến dễ dàng lại rất nhanh. Vậy sao lại không trổ tài cho mọi người cùng thưởng thức tài nghệ nấu ăn của bạn.
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 10 miếng thịt bò chay
- 2 tép tỏi
- 2 thìa cà phê nước mắm chay (hoặc xì dầu)
- 2 thìa cà phê hạt nêm (chay)
- 1 thìa súp dầu ăn
Cách nấu món đọt bí xào thịt bò chay
Thịt bò chay ngâm với nước để mềm ra, vắt khô, cắt miếng vừa ăn.
Đọt bí tước bỏ phần vỏ bên ngoài, rửa sạch, để ráo nước. Tỏi đập dập, băm nhỏ.
Làm nóng chảo, cho dầu ăn vào phi thơm tỏi, cho đọt bí vào xào. Khi rau gần chín, cho thịt bò chay vào xào chung. Nêm nếm nước mắm chay (xì dầu) hạt nêm (chay) cho vừa ăn rồi tắt bếp, cho thịt bò chay xào đọt bí ra đĩa ăn với cơm trắng.
2. Thịt dê hấp
Thịt dê hấp ngọt mềm quyện cùng mùi hương thơm lừng của sả, gừng, tía tô,… là món ăn rất được ưa chuộng, hấp dẫn và lạ miệng. Thỉnh thoảng đổi thực đơn với thịt dê hấp cũng là một gợi ý thú vị.
Món thịt dê hấp tía tô
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Thịt dê: 500g
- Sả: 5 nhánh
- Tía tô: 100g
- Gừng: 1 củ
- Gia vị: rượu trắng, bột nêm, bột ngọt, đường, tiêu, tương bần, ớt
Cách làm món thịt dê hấp
Bước 1: Khử mùi hôi của thịt dê
Mẹo chọn thịt dê tươi ngon: thịt dê thông thường có mùi hăng khá đặc trưng. Thịt dê chính gốc sẽ có nhiều nạc, còn lớp da thì rất mỏng. Khi mới mổ, thịt dê có màu đỏ tươi và sáng bóng, sờ vào thớ thịt thấy mềm mịn.
Thịt dê có thể bị sót lại mùi hôi nếu không được sơ chế kỹ lưỡng. Bạn có thể áp dụng những cách sau đây để loại bỏ hoàn toàn mùi hôi:
+ Dùng rượu trắng: thịt dê mua về rửa sạch, dùng dao thái thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Gừng cạo vỏ, rửa sạch rồi băm nhuyễn, hòa chung với rượu trắng. Ngâm thịt dê trong hỗn hợp rượu trắng khoảng 5 phút rồi xả lại bằng nước lạnh.
+ Dùng giấm: Cho 15ml giấm gạo hòa tan với 1 lít nước sạch, đun sôi trên bếp. Luộc thịt dê trong hỗn hợp này đến khi nước sôi lần nữa thì vớt ra. Lúc này thịt dê đã giảm mùi hôi đáng kể.
- Xem thêm: 8 cách khử mùi thịt dê không bị hôi từ đầu bếp chuyên nghiệp
Bước 2: Sơ chế các nguyên liệu
Rửa sạch lá tía tô, vớt ra để ráo nước. Sả, gừng đem rửa sạch và thái mỏng. Tỏi bóc vỏ, thái nhuyễn.
Bước 3: Ướp thịt dê
Sau khi thịt dê được khử sạch mùi, thái thịt thành những miếng vừa ăn. Ướp thịt dê với 1 muỗng tương bần, ½ muỗng hạt tiêu, 1 muỗng đường, 1 muỗng rượu trắng, ½ muỗng bột ngọt, ½ muỗng bột nêm, gừng và sả đã thái mỏng. Trộn đều tay để gia vị thấm hết vào thịt và ướp trong 30 phút.
- Xem thêm: Cách pha tương bần chấm thịt dê ngon với 5 công thức đơn giản
Bước 4: Hấp thịt dê
Lót lá tía tô bên dưới nồi hấp, xếp lớp thịt dê đã ướp đều lên trên. Có thể cho thêm ớt tươi, gừng, sả để món hấp hấp dẫn hơn. Đậy nắp và hấp cách thủy khoảng 7 phút cho đến khi thịt dê chín đều, mùi thơm của thịt lan tỏa cùng với hương vị tía tô thơm lừng.
Bước 5: Trình bày và thưởng thức
Xếp thịt dê lên đĩa, trang trí cùng lá tía tô, rắc một ít gừng và hành lá cắt nhỏ lên trên. Món thịt dê hấp lá tía tô ăn ngon nhất khi còn nóng.
Bạn có thể thưởng thức thịt dê kèm bánh tráng cuốn, chấm với nước chấm chao sa tế hoặc tương bần để cảm nhận trọn vẹn hương vị của món ăn tuyệt vời này.
Bạn có thể đặt mua thịt dê hấp tại Vinh Hạnh Food. Sản phẩm đã được làm sạch, thịt dê không hôi và các nguyên liệu đã chuẩn bị đầy đủ, bạn chỉ việc mua về và hấp lên là thưởng thức ngay.
3. Cá hú kho riềng
Cá hú có thịt thơm, ngon, tuy giữ vị trí khiêm tốn sau hai loại cá tra và cá basa nhưng vẫn mang một hương vị rất hấp dẫn trong các món ăn hàng ngày. Cá hú tươi kho với riềng sẽ làm bữa cơm của gia đình bạn thêm phần ngon miệng và bổ dưỡng.
Món cá hú kho riềng
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 300g cá hú
- 100g thịt ba chỉ
- 1/2 củ riềng tươi
- 1/2 thìa súp nước màu dừa.
- 2 trái ớt
- 1 thìa súp dầu ăn
- Ớt xay
- 1 gói Knorr gia vị hoàn chỉnh – cá kho riềng.
- Gia vị: hạt nêm, muối, dầu ăn, đường…
Cách nấu món cá hú kho riềng
Cá hú rửa sạch, cắt khoang, ướp cá với nước màu dừa, 1 gói Knorr gia vị hoàn chỉnh cá kho riềng.
Để cá thấm trong khoảng 15 phút.
Làm nóng chảo dầu ăn, cho thịt vào xào săn, cho cá hú đã ướp vào, nhẹ tay trở mặt cá, cho riềng cà ớt vào, thêm ít nước lọc cho xăm xắp mặt cá. Kho lửa nhỏ cho cá ngấm gia vị, khi thấy nước sệt lại là được.
Cho cá ra đĩa thưởng thức, ăn cá kho này với cơm nóng thì rất tuyệt vời không còn gì phải chê.
4. Tôm xào hạnh nhân
Tôm xào hạnh nhân là món ăn tuyệt vời với mùi thơm, vị ngọt của tôm tươi hòa quyện với hạnh nhân rang chín. Món này rất thích hợp trong những buổi ăn họp mặt gia đình.
Món tôm xào hạnh nhân
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 300g tôm sú
- 50g hạnh nhân
- 50g ớt xanh
- 50g ớt đỏ
- 50g nấm đông cô
- 1/4 củ hành tây
- 2 thìa cafe hạt nêm
- 1 thìa cafe đường
- 1/2 thìa cafe nước mắm
- 1 thìa súp dầu ăn
Cách nấu món tôm xào hạnh nhân
Tôm bóc vỏ, chừa lại phần vỏ ở đuôi. Ướp tôm với 1 thìa cafe hạt nêm.
Hạnh nhân rang chín, để nguyên hạt.
Ớt xanh, ớt đỏ bổ đôi, bỏ hạt, rửa sạch. Nấm đông cô ngâm mềm, cắt bỏ chân. Hành tây lột vỏ. Tất cả các nguyên liệu trên thái hạt lựu.
Làm nóng chảo dầu, xào thơm 1/2 lượng hành tây, cho tôm vào chảo đảo đều, để lửa lớn. Cho tiếp nấm đông cô vào, nêm đường, nước mắm, hạt nêm cho vừa ăn. Tôm chín cho ớt, hành tây còn lại và hạnh nhân vào, đảo nhanh tay.
Múc ra đĩa, dùng với cơm trắng rất ngon.
5. Dồi sụn nướng
Dồi sụn là món nướng hấp dẫn bởi hương thơm đặc trưng và vị beo béo, sần sật bên trong. Ắt hẳn bạn không thể nào bỏ lỡ khi thưởng thức cùng với bạn bè.
Món dồi sụn nướng
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Sụn heo: 30g
- Mỡ heo: 100g
- Thịt heo xay: 300g
- Lòng non: 1 bộ
- Hành tây băm: 30g
- Rau húng quế băm: 30g
- Rau răm, hành lá băm: 25g
- Đậu phộng rang (không vỏ): 30g
- Đường: 3 muỗng canh
- Hạt nêm: 2 muỗng canh
- Nước mắm: 3 muỗng canh
- Rượu mai quế lộ: 2 muỗng canh
- Dầu điều: 1 muỗng canh
- Tiêu sọ: 2 muỗng cà phê
- Dụng cụ: bếp than
Cách chế biến món dồi sụn nướng
Bước 1: Sơ chế lòng non
Bạn lộn trái lòng non, rồi tiến hành tuốt hết dịch vàng với nước và muối, bóp đi bóp lại để loại bỏ chất nhầy bên trong.
Đồng thời, nếu muốn khử bớt mùi hôi tanh của lòng non. Bạn có thể rửa bằng nước cốt chanh và giấm, hoặc rượu gừng trước khi rửa sạch bằng nước nhiều lần.
- Xem thêm: Cách luộc lòng heo non vừa trắng sạch vừa giòn
Bước 2: Xắt nhỏ sụn và mỡ heo
Sau khi rửa sụn và mỡ heo, dùng dao xắt nhỏ sụn, đồng thời cắt mỡ heo thành từng miếng nhỏ. Tiếp đó, băm nhuyễn hai nguyên liệu này với nhau.
Bước 3: Trộn nguyên liệu làm nhân dồi
Lấy một bát lớn, trộn tất cả các nguyên liệu đã được chuẩn bị với nhau: sụn, mỡ heo, hành tây, húng quế, rau răm, đậu phộng giã nhỏ, đường, nước mắm, hạt nêm, rượu mai quế lộ, dầu điều, tiêu sọ.
Đảo trộn và để hỗn hợp thấm đều khoảng 30 phút.
Bước 4: Nhồi dồi non
Bạn tiến hành cột 1 đầu của bộ lòng, dùng miệng phễu nhét vào miệng lòng, rồi dùng 1 tay giữ chặt miệng phễu, còn tay kia múc hỗn hợp nhân cho vào đầu phễu. Dùng đũa, hoặc thanh hình trụ dài, nhấn hỗn hợp xuống lòng non.
Sau khi nhồi xong, dùng chỉ thực phẩm để chia và cột lòng theo từng đoạn vừa ăn.
Bước 5: Luộc dồi
Bắt nồi nước lên bếp, cho dồi vào luộc khoảng 5-7 phút. Lấy dồi ra, để nguội, cắt từng khúc rồi xiên vào que trước khi nướng.
Bước 6: Nướng dồi
Chuẩn bị bếp than hồng, đặt vỉ nướng và xếp dồi sụn lên. Khi nướng, trông thấy dồi chuyển sang màu nâu đỏ và có phần hơi cháy xém nghĩa là ăn được rồi nhé.
Dồi sụn sau khi nướng, có màu nâu vàng, kèm theo hương thơm rất hấp dẫn. Khi cắn, bạn có thể cảm nhận được phần vỏ bên ngoài hơi giòn, cùng với phần nhân sụn sần sật, vị béo bên trong.
6. Trứng hấp tôm
Màu vàng của trứng gà cùng với màu hồng của những con tôm nõn sẽ tạo nên sự hấp dẫn, ngon lành và lại rất thích hợp cho bữa cơm gia đình vào các buổi chiều.
Món trứng hấp tôm
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 150g tôm sú
- 5 quả trứng gà
- 1 trứng vịt bắc thảo
- 30g nấm bào ngư
- 1/2 trái ớt sừng, 1 nhánh hành lá, 1 nhánh ngò rí
- 1 thìa cafe hạt nêm, 1 thìa cafe muối, 1/2 thìa cafe tiêu xay, 1/4 thìa súp bột bắp
- Nước tương pha tương ớt, dưa leo, cà chua, xà lách ăn kèm
Cách nấu món trứng hấp tôm
Tôm sú rửa sạch, lột vỏ, bỏ chỉ lưng, luộc sơ trong nước cho ít muối sao cho tôm vừa chín tới.
Trứng gà ta đánh với 1/2 thìa cafe hạt nêm, tiêu xay, và bột bắp pha với nước để tạo độ kết dính. Trứng vịt bắc thảo bóc vỏ, cắt nhỏ.
Đặt tôm sú, nấm bào ngư và trứng bắc thảo vào chén, cho hỗn hợp trứng gà vào, mang đi hấp khoảng 15 phút. Khi thấu trứng se lại, dùng tăm xăm vào, nếu thấy không sủi nước là trứng chín.
Lấy trứng ra, trang trí thêm ớt, hành lá, ngò rí, dùng chung với cơm trắng, ăn kèm với dưa leo, xà lách, cà chua, chấm nước tương pha tương ớt rất ngon.
7. Chả đùm dê
Một công thức được Vinh Hạnh Food chia sẻ sẽ đem lại món ăn vô cùng hấp dẫn. Thịt dê có vị thơm đặc trưng, kết hợp cùng gan gà, gan vịt và lòng đỏ trứng muối tạo vị béo nhẹ làm món chả đùm dê ai ăn cũng thích mê.
Món chả đùm dê
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Thịt dê: 300g
- Giò sống: 50g
- Gan gà hoặc gan vịt 2 bộ
- Mỡ chài: 2 miếng 20cm
- Đậu petit pois: 50g
- Hành tím băm: 2 muỗng
- Tỏi băm: 1 muỗng
- Bún tàu: 1 lọn nhỏ
- Lòng đỏ trứng muối: 2 cái
- Sữa tươi không đường: 50ml
- Hành lá 2 nhánh
- Đậu phộng rang: 2 muỗng
- Bột năng: 1 muỗng
- Tiêu xanh: 1 muỗng
- Nấm mèo: 2 muỗng
- Rau om, ngò gai, ớt lát
- Ăn kèm: bánh tráng nướng, nước tương, ớt sa tế
- Gia vị: dầu ăn, muối, tiêu, đường, rượu mai quế lộ
Cách nấu món chả đùm dê
Thịt dê xay nhỏ. Mỡ chài xát muối và rượu, rửa sạch. Gan gà làm sạch, ngâm sữa 30 phút vớt để ráo. Hòa bột năng với sữa.
Bún tàu ngâm mềm, cắt khúc. Hành lá cắt nhỏ. Đun nóng dầu làm mỡ hành. Hòa 1 muỗng đường với nước.
Phi thơm hành tỏi, cho gan gà vào xào săn, khử 1 muỗng rượu mai quế lộ, để nguội. Xay nhuyễn cùng với sữa pha bột năng.
Trộn thịt dê, gan, giò sống vào máy quết dẻo. Thêm bún tàu, đậu petit pois, nấm mèo, tiêu xanh, nêm 1/3 muỗng muối, 1 muỗng tiêu, 2 muỗng đường, 1 muỗng bột ngọt, 2 muỗng hạt nêm Aji-ngon heo vào quết đều.
Trải mỡ chài vào chén, cho lòng đỏ trứng muối và cho nhân vào, bọc kín viên nhân. Hấp chả chín. Sau đó úp ngược chả ra khay nướng.
Mở lò nướng nóng 250°C. Phết nước đường lên mặt chả, nướng vàng nâu.
Bạn có thể đặt mua chả đùm dê từ Vinh Hạnh Food. Chúng tôi đã chế biến sẵn, bạn chỉ cần mua về và hấp ăn ngay, không cần phải chế biến.
8. Cháo sườn nấm bào ngư
Ở nhà mùa dịch mà được thưởng thức một bát cháo thơm ngon, nóng hổi với vị béo của sườn và vị ngọt của nấm sẽ giúp bổ sung dinh dưỡng chống lại bệnh tật.
Món cháo sườn nấm bào ngư
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- 300g sườn
- 200g gạo thơm
- 200g nấm bào ngư
- 1 cây sả
- 2 thìa cafe tỏi băm
- 3 nhánh hành lá, 3 cây ngò rí
- 3 lít nước
- 1 thìa súp hạt nêm
- 1 thìa súp nước mắm
- 1/2 thìa cafe tiêu xay
- 3 thìa súp dầu ăn
Cách nấu món cháo sườn nấm bào ngư
Gạo thơm vo sạch. Nấm bào ngư cắt chân, rửa sạch. Sả đập dập, cắt khúc.
Sườn non chặt miếng vừa ăn, luộc sơ, rửa sạch bằng nước lạnh, cho sườn vào nồi với sả, chế nước vào ngập sườn, nấu 30 phút (khi nấu để nhỏ lửa và vớt bột).
Tiếp theo, cho thêm gạo, nấm bào ngư vào nồi nấu nhỏ lửa thêm 30 phút cho thành cháo, nêm hạt nêm, nước mắm cho vừa ăn.
Đun dầu sôi, cho hành, tỏi vào phi cho thơm.
Múc cháo vào tô, chế vào ít dầu tỏi, rắc tiêu xay, hành lá và ngò rí cắt nhỏ vào. Cho thêm hành tỏi vừa mới phi lúc nãy vào, dùng nóng với nước mắm và ớt.
Trên đây là các món ăn ngon dễ làm tại nhà trong và sau mùa dịch. Bạn có thể tự tay thực hiện hoặc mua sẵn về nấu lên ăn ngay thôi. Chúc bạn thành công!
Xem thêm bài viết khác: