8 mốc khám thai quan trọng mẹ bầu đừng bỏ lỡ
Khám thai sẽ giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Vì thế, mẹ bầu đừng quên những mốc khám quan trọng để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh.
04/11/2022 | Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ 3 tháng cuối mẹ bầu chớ nên bỏ qua
02/11/2022 | Giải đáp: Chỉ số tiểu đường thai kỳ an toàn là bao nhiêu?
01/11/2022 | Góc giải đáp: Vì sao cần tiêm vắc xin trước khi mang thai?
27/10/2022 | Tìm hiểu về chi phí xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Nội Dung Chính
1. Khám thai định kỳ cần thiết và quan trọng như thế nào?
Khi đi khám thai, mẹ bầu sẽ được các bác sĩ thăm khám sức khỏe tổng quát, siêu âm thai, làm một số xét nghiệm phù hợp với mỗi giai đoạn. Đồng thời, chuyên gia sẽ tư vấn cách chăm sóc thai kỳ và giải đáp một số thắc mắc cho mẹ bầu.
Khám thai rất quan trọng và cần thực hiện theo lịch hẹn của bác sĩ
Thông qua kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ nhận biết rõ được tình trạng sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi, phát hiện sớm những bất thường và có phương pháp xử trí kịp thời, đặc biệt là một số dị tật thai nhi từ giai đoạn sớm của thai kỳ.
Lời khuyến cáo, tư vấn của bác sĩ dành cho mẹ bầu ở bất cứ thời điểm nào trong thai kỳ đều rất quan trọng vì thông qua đó, mẹ bầu sẽ biết cách chăm sóc thai kỳ tốt hơn, đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh.
2. Mẹ bầu cần lưu ý những gì khi đi khám thai?
– Mẹ bầu nên mặc những bộ đồ rộng rãi và thoải mái khi đi khám. Ở mỗi mốc khám thai khác nhau, mẹ bầu có thể lựa chọn những loại trang phục khác nhau để đảm bảo sự thuận tiện trong quá trình thăm khám. Chẳng hạn, khi siêu âm đầu dò, chị em nên mặc váy rộng; nếu siêu âm bụng thì nên chọn những chiếc quần cạp rộng để việc kéo quần lên xuống trong quá trình siêu âm dễ dàng hơn. Khi đó, chị em sẽ không cần mất thời gian để thay trang phục của cơ sở y tế.
Khi siêu âm nên mặc quần cạp rộng để đảm bảo thuận tiện
– Đi tiểu và uống nước trước siêu âm:
+ Ở giai đoạn 3 tháng đầu tiên, bác sĩ sẽ chỉ định mẹ bầu uống nhiều nước trước khi siêu âm. Mục đích của việc làm này là làm đầy bàng quang giúp đẩy cao tử cung, từ đó bác sĩ có thể quan sát em bé một cách dễ dàng hơn.
+ Ở những giai đoạn sau của thai kỳ, em bé đã phát triển, mẹ bầu cần đi tiểu trước khi siêu âm để việc quan sát thai dễ và rõ nét hơn.
– Về việc ăn uống trước khi khám thai: Mẹ bầu cần lưu ý không nên sử dụng chất kích thích trước khi khám. Khi thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, chị em cũng cần nhịn ăn trước khi khám để đảm bảo độ chính xác của kết quả. Mẹ bầu có thể mang theo đồ ăn vặt để bổ sung năng lượng cho cơ thể khi đã thực hiện xét nghiệm xong và trong khi chờ đợi kết quả.
– Khi đi khám, mẹ bầu cần chú ý mang theo hồ sơ khám thai để bác sĩ tham khảo, so sánh thông tin trong trường hợp cần thiết,…
– Không nên đi giày cao mà hãy lựa chọn giày bệt: Đây là cách giúp mẹ bầu lên xuống bàn siêu âm và di chuyển dễ dàng, nhanh chóng hơn, hạn chế bị té ngã trong quá trình khám thai.
– Vệ sinh cơ thể trước khi thăm khám.
– Bên cạnh đó, nếu mẹ bầu có tham gia bảo hiểm xã hội, cần lưu ý xin giấy xác nhận khám thai để được hưởng chế độ tính lương nghỉ phép khi đi khám thai định kỳ.
3. 8 mốc khám thai quan trọng mẹ bầu không nên bỏ qua
3.1. Mốc khám thai sau khi chậm kinh 1 tuần
Nếu đã chậm kinh một tuần và que thử thai cho kết quả 2 vạch, bạn nên đi khám để xác định về việc mang thai, được chẩn đoán tuổi thai và kiểm tra xem thai đã vào tử cung hay chưa.
3.2. Khám ở tuần thai thứ 7 hoặc 8
Mục đích của việc thăm khám ở thời điểm này là xác định có tim thai chưa, chiều dài phôi thai, kích thước túi ối. Ở lần khám này, mẹ bầu cần làm xét nghiệm máu, nước tiểu để xác định mẹ bầu có thiếu máu, sắt, canxi hay có mắc phải một số bệnh như tiểu đường, rối loạn chức năng tuyến giáp và sàng lọc gen tan máu thalassemia không. Từ đó, các bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn chế độ chăm sóc thai kỳ phù hợp hơn.
Mẹ bầu đừng bỏ qua xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
3.3. Tuần thai thứ 11 đến 13
Đây là mốc khám thai vô cùng quan trọng để sàng lọc dị tật thai nhi, đặc biệt là hội chứng Down và các xét nghiệm máu cơ bản nếu như mẹ chưa xét nghiệm ở các tuần trước.
3.4. Tuần thai thứ 16 đến 18
Đây là thời điểm có thể phát hiện được những bất thường về hình thái của thai, chẳng hạn như dị hở hàm ếch, sứt môi,…
3.5. Tuần thai thứ 20-22
Ở lần khám này, bác sĩ sẽ phát hiện được những bất thường ở phổi, tim và một số cơ quan khác. Từ đó, co thể đánh giá được sự phát triển tổng thể của thai nhi như thế nào. Qua đó, đưa ra những lời khuyên, hướng dẫn chi tiết cho bà bầu.
3.6. Tuần thai thứ 24-28
Ở thời điểm này, mẹ bầu cần thực hiện xét nghiệm để kiểm tra có bị tiểu đường thai kỳ hay không, cũng như các xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật như xét nghiệm nước tiểu, chức năng gan, thận,… Từ đó, tùy vào tình trạng sức khỏe, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ bầu về chế độ ăn phù hợp. Mẹ bầu cũng sẽ được tiêm phòng uốn ván tại thời điểm này.
3.7. Tuần thai thứ 32
Siêu âm 4D ở tuần thai thứ 32 có thể phát hiện được dị tật muộn ở thai nhi. Đồng thời, bác sĩ sẽ khám tổng quát cho mẹ, theo dõi động mạch tử cung của mẹ và động mạch rốn, não của thai nhi. Xác định ngôi thai để có những tiên lượng cho hành trình “vượt cạn” sắp tới. Mẹ bầu cũng sẽ được tiêm mũi uốn ván thứ 2.
Mẹ bầu được bác sĩ tư vấn để có một thai kỳ khỏe mạnh
3.8. Khám thai ở tuần thai thứ 35 hoặc 36
Ở tuần thai thứ 35 hay 36, mẹ bầu sẽ được chạy máy Monitor sản khoa để xác định cơn co tử cung và sự thay đổi của tim thai. Đồng thời, bác sĩ cũng dự báo cân nặng thai nhi, kiểm tra dây rốn, nước ối có đạt mức an toàn cho bé không. Từ 35-37 tuần mẹ bầu cần làm xét nghiệm liên cầu khuẩn beta. Từ sau lần khám thai này, cứ một tuần mẹ bầu siêu âm kiểm tra một lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu xảy ra bất cứ dấu hiệu bất thường nào, mẹ bầu cần đến ngay bệnh viện để được kiểm tra.
Để được tìm hiểu thêm về các mốc khám thai hoặc có nhu cầu đặt lịch thăm khám tại Chuyên khoa Sản-phụ khoa của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, mẹ bầu vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56, đội ngũ tư vấn viên của MEDLATEC luôn sẵn sàng tư vấn chi tiết cho bạn.