8 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh bất lợi

Vũ Long

  –  

Thứ năm, 11/08/2022 12:35 (GMT+7)

8 giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh bất lợi
Doanh nghiệp Việt cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức do bất ổn kinh tế và chính trị toàn cầu. Ảnh: Vũ Long

Doanh nghiệp đang đối mặt với 5 nhóm khó khăn, thách thức

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp năm 2022 ngày 11.8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức do lạm phát, bất ổn chính trị, thì những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với 5 nhóm vấn đề khó khăn, thách thức lớn:

Thứ nhất, giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh, giá thành gói thầu xây dựng tăng từ 18-30% theo từng thời điểm; chi phí logistics tăng cao từ 3-5 lần. Mức độ tăng về chi phí của doanh nghiệp cao hơn mức độ tăng về doanh thu trong quý 2.2022 so với quý trước đó và cùng kỳ năm trước.

Thứ hai, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành và địa phương; đồng thời, quy định tăng mức lương tối thiểu vùng cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp do phải tăng các khoản chi phí được tính tỉ lệ theo lương trong khi giá bán không thể thay đổi đối với đơn hàng đã ký kết, đặc biệt đối với những ngành sử dụng nhiều lao động.

Thứ ba, việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Hồng VânBộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với doanh nghiệp. Ảnh:  N.Vân

Thứ tư, biến động bất lợi ở cả phía cung và cầu. Một số ngành hàng đang xảy ra tình trạng cung linh kiện không đủ phục vụ cho sản xuất, trong khi ở một số ngành khác như dệt may, dự báo đến tháng 9, tháng 10 năm nay tình trạng thiếu đơn hàng sẽ ngày một gia tăng do sức mua của các thị trường nước ngoài giảm mạnh, hàng tồn không bán được, các nhãn hàng trên thế giới không ký đơn hàng mới.

Thứ năm, một số vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để gây cản trở, làm tắc nghẽn hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, nhiều dự án đầu tư ở địa phương chưa triển khai được do các thủ tục liên quan kéo dài nhiều năm…

Cần triển khai sớm 8 giải pháp “đinh”

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp, cần triển khai 4 giải pháp ngắn hạn và 4 giải pháp dài hạn.

Trong ngắn hạn, cần khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để như: Khẩn trương thực hiện rà soát, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế; đồng thời đẩy mạnh công tác thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn vốn đầu tư khác; đề xuất miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân trong một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19…;

Tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước;

Đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất kinh doanh; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước, tái cơ cấu mặt hàng và thị trường…;

Tập trung giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, một số khu vực; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay; đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đặc biệt tiến độ thẩm tra, giải ngân gói hỗ trợ nhà trọ cho người lao động; hướng dẫn cụ thể tạo thuận lợi cho người lao động và doanh nghiệp thụ hưởng chính sách.

Về các giải pháp dài hạn, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch cấp tỉnh; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia; thực hiện các giải pháp, chế tài quản lý việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, minh bạch; điều chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp theo hướng giảm tối đa cho doanh nghiệp…;

Cần tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp;

Hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0. Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiệm cận trình độ quốc tế đáp ứng yêu cầu của thị trường trong tình hình mới…;

Tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.