8 công việc kế toán của một doanh nghiệp mới thành lập cần làm

Khi doanh nghiệp mới thành lập, kế toán cần thực hiện thủ tục hồ sơ khai thuế ban đầu và hoàn thiện sổ sách, chứng từ… Dưới đây là 08 công việc kế toán của một doanh nghiệp mới thành lập cần làm.

1. Mở tài khoản ngân hàng, mua chữ ký số

– Khi nhận được giấy phép đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp cần đăng ký tài khoản ngân hàng (để nộp tiền thuế điện tử) và mua chữ ký số (token), để khai thuế qua mạng.

Xem tại: Thủ tục mở tài khoản ngân hàng cho công ty mới thành lập

Sau khi có tài khoản ngân hàng và chữ ký số thì tiến hành các công việc sau:

2. Khai và nộp lệ phí môn bài

2.1. Thời hạn khai, nộp lệ phí môn bài

Căn cứ: Điều 5 Thông tư 302/2016/TT-BTC

Trường hợp

Thời hạn khai lệ phí

Thời hạn nộp lệ phí môn bài

Doanh nghiệp

– Khai lệ phí môn bài một lần khi doanh nghiệp mới ra hoạt động kinh doanh.

– Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh.

– Chậm nhất là 30/1 hàng năm

– Trường hợp doanh nghiệp mới ra hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh thì chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài.

– Cơ sở kinh doanh nhưng chưa hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh…

2.2. Mức nộp lệ phí môn bài

STT

Vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư

Lệ phí môn bài phải nộp

1

Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng

03 triệu đồng/năm

2

Doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở xuống

02 triệu đồng/năm

3

Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác

01 triệu đồng/năm

Lưu ý:

– Doanh nghiệp thành lập trong 06 tháng đầu năm: Nộp lệ phí môn bài cả năm.

– Doanh nghiệp thành lập trong 06 tháng cuối năm (từ 01/7 trở đi): Nộp 50%.

3. Khai thuế giá trị gia tăng

3.1. Kỳ kê khai thuế GTGT

Căn cứ: Điều 15 Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014

– Trường hợp người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh việc khai thuế GTGT được thực hiện theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế GTGT theo tháng hay theo quý.

Theo đó, doanh nghiệp mới thành lập sẽ nộp Tờ khai thuế GTGT theo kỳ kê khai quý ứng với tháng doanh nghiệp được thành lập.

Ví dụ: Doanh nghiệp thành lập vào tháng 8/2019 sẽ nộp tờ khai thuế GTGT từ quý 3/2019.

3.2. Phương pháp kê khai thuế GTGT

Những doanh nghiệp mới thành lập thì kê khai theo phương pháp trực tiếp. Muốn kê khai theo phương pháp khấu trừ thì phải đăng ký.

– Nếu kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp: Gửi Tờ khai thuế GTGT mẫu số 03/GTGT, 04/GTGT đến Cơ quan Thuế tại kỳ tính thuế đầu tiên kể từ khi doanh nghiệp được thành lập.

– Nếu kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ: Gửi Tờ khai thuế GTGT mẫu số 01/GTGT, 02/GTGT đến Cơ quan Thuế tại kỳ tính thuế đầu tiên kể từ khi doanh nghiệp được thành lập.

công việc kế toán của một doanh nghiệp mới thành lập cần làm

Công việc kế toán của một doanh nghiệp mới thành lập cần làm (Ảnh minh họa)

4. Kê khai thuế thu nhập cá nhân

– Kỳ kê khai thuế thu nhập cá nhân: Theo tháng hoặc theo quý.

– Nếu doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo quý thì khai thuế thu nhập cá nhân cũng theo quý.

– Trong quý phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên thì phải khai thuế thu nhập cá nhân.

– Trong quý không phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của bất kỳ nhân viên nào thì không phải khai thuế thu nhập cá nhân.

5. Thuế thu nhập doanh nghiệp

– Hàng quý, căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh: Doanh nghiệp thực hiện tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý.

Lưu ý: Hiện nay, không phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính.

– Thời hạn nộp: Chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo.

6. Lựa chọn hóa đơn

Căn cứ: Khoản 2 Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi khoản 1 Điều 5 Thông tư 119/2014/TT-BTC)

6.1. Hóa đơn GTGT

– Nếu doanh nghiệp khai, tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì sử dụng hóa đơn GTGT trong các hoạt động:

+ Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trong nội địa;

+ Hoạt động vận tải quốc tế;

+ Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu.

6.2. Hóa đơn bán hàng

– Nếu doanh nghiệp khai, tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu thì sử dụng hóa đơn bán hàng.

– Doanh nghiệp lên Chi cục Thuế quản lý trực tiếp để làm thủ tục mua hóa đơn.

Lưu ý: Sau khi làm thủ tục thông báo phát hành hóa đơn (với hóa đơn GTGT) hoặc mua hóa đơn bán hàng của Chi cục Thuế thì doanh nghiệp phải làm Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.

7. Lựa chọn chế độ kế toán và phương pháp trích khấu hao TSCĐ

7.1. Lựa chọn chế độ kế toán cho doanh nghiệp

Lựa chọn chế độ kế toán có ý nghĩa quan trọng, chế độ kế toán phù hợp thì khi hạch toán bảo đảm sự chính xác. Hiện nay có các chế độ kế toán sau:

– Chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC: Áp dụng cho doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế.

Lưu ý: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thực hiện kế toán theo Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vận dụng quy định của Thông tư 200/2014 để kế toán phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình.

– Chế độ kế toán theo Thông tư 133/2016/TT-BTC: Áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ).

– Chế độ kế toán theo Thông tư 132/2018/TT-BTC: Áp dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp tính trên thu nhập tính thuế và phương pháp theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ.

Lưu ý: Doanh nghiệp siêu nhỏ có thể lựa chọn áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành theo Thông tư 133/2016/TT-BTC cho phù hợp với đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp.

Như vậy, doanh nghiệp cần xác định quy mô doanh nghiệp mới thành lập để lựa chọn chế độ kế toán cho phù hợp.

Xem thêm: Tiêu chí xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa

7.2. Lựa chọn phương pháp khấu hao TSCĐ

Căn cứ: Điều 13 Thông tư 45/2013/TT-BTC.

– Có 03 phương pháp trích khấu hao tài sản cố định (gọi tắt là TSCĐ):

+ Phương pháp khấu hao đường thẳng.

+ Phương pháp khấu hao theo số dư giảm dần có điều chỉnh.

+ Phương pháp khấu hao theo số lượng, khối lượng sản phẩm.

– Doanh nghiệp tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao TSCĐ và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện.

– Phương pháp trích khấu hao áp dụng cho từng TSCĐ mà doanh nghiệp đã lựa chọn và thông báo cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý phải được thực hiện nhất quán trong suốt quá trình sử dụng TSCĐ. Trường hợp đặc biệt cần thay đổi phương pháp trích khấu hao, doanh nghiệp phải giải trình.

8. Báo cáo sử dụng lao động, BHXH và kinh phí công đoàn

8.1. Báo cáo sử dụng lao động

– Doanh nghiệp khai việc sử dụng lao động khi mới thành lập và báo cáo tình hình sử dụng lao động cho Phòng Lao động Thương binh và Xã hội.

– Doanh nghiệp xây dựng thang, bảng lương để nộp cho Phòng Lao động Thương binh và Xã hội.

Xem thêm: Hướng dẫn xây dựng thang lương, bảng lương.

8.2. Bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn

– Khi ký hợp đồng với nhân viên, doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm bắt buộc cho nhân viên.

– Sau khi làm thủ tục đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội thì liên hệ với Liên đoàn lao động cấp huyện nơi có trụ sở của doanh nghiệp để nộp kinh phí công đoàn.

Trên đây là một số công việc kế toán của một doanh nghiệp mới thành lập cần làm. Ngoài ra, tùy vào quy mô và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp mà kế toán phải thực hiện các nghiệp vụ khác như xây dựng bảng định mức nguyên vật liệu, phương pháp hàng tồn kho…

>> Luật Quản lý thuế 2019: 5 nội dung đáng chú ý nhất

Khắc Niệm