8 bộ phim Nhật Bản dành riêng cho các tín đồ ẩm thực – Health Coach Nam Phương

Nếu bạn là người sành ăn hoặc ham thích nghệ thuật nấu, bạn chắc chắn sẽ được truyền cảm hứng khi xem các bộ phim đề tài ẩm thực của Nhật Bản. Thậm chí, bản thân mình khi xem một trong những bộ phim này đã có cảm hứng “lăn vào bếp” rồi từ từ thay đổi lối sống khi tìm thấy phiên bản thực của “Little Forest” tại Đà Lạt.

Nhiều bộ phim trong số này đã truyền tải ít nhiều tinh thần thiền khi ăn & nấu. Sau đây là danh sách các bộ phim để bạn tham khảo:

1. Tampopo (1985, 2016)

Phim được làm từ năm 1985 nhưng mới đây đã được làm lại với độ phân giả 4K, Tampopo kể câu chuyện của một cô chủ nhà hàng goá bụa được hướng dẫn trong cuộc tìm kiếm công thức hoàn hảo cho món mì này. Nhóm những người hướng dẫn không phải là chef danh tiếng mà là một băng hết sức kì dị, thậm chí du thủ du thực:

“Tampopo” có nghĩa rất dịu dàng là “bồ công anh”, nhưng bộ phim có đầy đủ các yếu tố: thực phẩm (dĩ nhiên), bạo lực, tình dục, tệ nạn xã hội, cạnh tranh kinh doanh… và thậm chí là một số cảnh bị dán nhãn “phi đạo đức”. Bộ phim này khiến mình nhớ đến “Xích lô” của Trần Anh Hùng, với rất nhiều lát cắt hiện thực đầy ám ảnh của cuộc sống muôn hình muôn trạng. Thức ăn trong phim hầu hết không long lanh như các phim còn lại, mà như được “mượn” để kể chuyện đời. Rất trần trụi, rất thực tế, và cũng rất đời.

2. Khu Rừng nhỏ (Little Forest) (2014)

Đây có lẽ là bộ phim ẩm thực Nhật được nhắc đến nhiều nhất trong cộng đồng những người mê nấu nướng tôi được biết. Có lẽ sự dịu dàng, lãng đãng của bộ phim với khung cảnh làng quê, đồi núi yên bình đã làm rung động trái tim của những con người nạy cảm này, nhắc họ phần nào đến quê nhà mình. Có rất ít lời thoại, bộ phim được chấm phá bằng chính những món ăn được nữ nhân vật chính trình bày lúc thì tỉ mỉ kì công lúc thì lại dễ thực hiện đến mức ta chỉ muốn nhảy ngay đi làm thử. Không chỉ thế, ta còn cảm nhận khung cảnh thiên nhiên, đất trời trải dài qua 4 mùa của hai phần phim: Hạ/Thu (Summer/Autumn) và Đông/Xuân (Winter/Spring). Không có câu chuyện gay cấn nào được kể, kết thúc cũng rất mở. Nhưng bộ phim là gợi ý tuyệt vời cho bất cứ người trẻ nào sau một thời gian dài “lạc lối”, căng thẳng ở thành phố có thể thử quay về và tìm lại. Ta học được cách ăn trong thinh lặng, và biết ơn những gì nhỏ bé nhất.

Mỗi món ăn đều là giao cảm tinh tế giữa con người với thiên nhiên vũ trụ.

Cả thức ăn lẫn diễn viên đều hết sức tươi ngon :”D

Xem phim, ta học được cách phối hợp thực phẩm mùa nào thức nấy

3.Osen (TV series – 2008)

Osen là tên của cô chủ trẻ tuổi kế thừa một nhà hàng có truyền thống 200 năm mang tên Isshouan. Hy sinh rất nhiều những thú vui của người trẻ, Osen cùng nhà hàng của mình cương quyết giữ gìn trọn vẹn những phương thức và giá trị của ẩm thực truyền thống. Không dùng các trang thiết bị hiện đại và “tiện lợi”, họ nấu cơm bằng rơm, rượu đơm bằng củi, tự trồng trọt rau củ và các anh phụ bếp thường xuyên phải đứng cả ngày để canh cho món củ cải được nấu đúng độ lửa. Cùng lúc đó, họ cũng đối mặt với nguy cơ bị xoá bỏ, bị xem là lạc hậu…trước làn sóng ồ ạt của lối ăn uống nhanh, tiện và phong cách sống ngày càng gấp gáp của nước Nhật. Bộ phim không tô hồng các giá trị truyền thống, cũng không gồng mình cố tìm một lời giải cho Osen, mà đơn giản là một lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta cùng nhìn lại những giá trị vượt thời gian và vượt lên trên những món ăn thuần tuý.

Điều quan trọng nhất trong nấu ăn không phải là dụng cụ, mà là lòng ao ước được làm ra món ăn đó. Không phải kĩ năng, mà chính sự tận tâm, tấm lòng của người nấu, mong muốn mang lại cho người ăn một món ăn thật ngon, thật đẹp, khiến cho mọi người đều vui vẻ, là yếu tố cốt lõi làm nên giá trị của món ăn. Sự ao ước và tấm lòng ấy thậm chí có thể tạo ra những điều kì diệu, như giúp cho người đầu bếp có những đường cắt thẳng – kĩ thuật mà chỉ những bậc thầy mới đạt được. Và những món ăn đơn giản nhưng được làm ra bởi tấm lòng ấy cũng có sức mạnh lớn lao hơn bất kì điều gì, lay động cả những trái tim sắt đá nhất.

Osen trong cuộc tranh tài với đại diện của ẩm thực hiện đại “lò vi sóng”

Nàng luôn mặc kimono và gập đầu chào khách rất kính cẩn

Tuy hầu hết các món đều thường chỉ tìm thấy ở nhà hàng, bạn sẽ học được nhiều tips trong khâu chuẩn bị, sơ chế rất hay

4. Quán ăn đêm (TV series – 2015)

12 giờ đêm, ở một góc phố, một quán ăn nhỏ xíu ven đường mới bắt đầu mở hàng. Quán ăn này đặc biệt ở chỗ thực đơn chỉ có một lựa chọn duy nhất, nhưng nếu thực khách yêu cầu bất kì món ăn nào mà chủ quán có thể chế biến thì đều được đáp ứng. Không có gái đẹp, nhân vật chủ quan là một ông chú mặt thẹo, ít nói, quá khứ lai lịch không rõ và cũng không phải là điểm tập trung của bộ phim. Điểm tập trung ở đây là món ăn được gọi bởi những người khách, từ đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp, giới tính, nghề nghiệp… Thường chỉ là những món ăn giản dị, tối đơn giản, nhưng lại gắn với những kỷ niệm hay cả câu chuyện đời của người gọi.

Nếu có một điều mà người xem cảm nhận rõ nét nhất, đó là tính nhân văn, cảm thông đặc biệt giữa người và người.

Bộ phim giới thiệu những món ăn giản dị, quen thuộc trong cuộc sống của người Nhật

5. Nghệ nhân Sushi (Jiro Dreams of Sushi) (Documentary- 2012)

Là một bộ phim tài liệu, Nghệ nhân Sushi đưa đến cho ta những bài học vô cùng sâu sắc về tinh thần của các shokunin (nghệ nhân) Nhật Bản. Phim làm về ông Jiro vào thời điểm của phim đã 85 tuổi, nay đã 92 tuổi – vẫn còn làm việc. Ông được coi là nghệ nhân sushi vĩ đại còn sống và là người cao tuổi nhất được trao 3 sao Michelin. Ông sống như một nhân vật “Vùng Xanh” và là hình mẫu kinh điển của tinh thần nghệ thuật & cống hiến của người Nhật Bản. Không nhất thiết phải là người hâm mộ Nhật Bản hay món sushi, bạn vẫn sẽ ấn tượng sâu sắc bởi sự nhẫn nại, đam mê, sáng tạo và có trách nghiệm nghề nghiệp đến tột cùng của người nghệ nhân.

Đã xác định con đường nghề nghiệp thì phải hết mình vì công việc. Ta phải đam mê việc mình làm. Không bao giờ phàn nàn về công việc. Phải dành cả đời để đạt được sự hoàn hảo. Đó chính là bí mật thành công và bí quyết để được vinh danh.
— Jiro

Những học viên của Jiro sau 10 năm mới được phép làm món sushi trứng này

6. An (“Sweet bean”) (2016)

Chắc hẳn chúng ta ai cũng quen thuộc với hình ảnh chiếc “bánh rán” tròn trĩnh mà Doraemon mê tít. Đó chính là một loại bánh nhân đậu ngọt tên là “dorayaki”. Bộ phim xoay quanh món ăn này là một câu chuyện về tình bạn khác thường giữa ông chủ một tiệm bánh cô đơn, một cụ bà 76 tuổi và một nữ sinh trung học. Ngọt ngào mà chan chứa. Phim khám phá sức mạnh của những niềm vui nhỏ giản đơn của cuộc sống có thể giúp vơi bớt gánh nặng, hàn gắn những tâm hồn. Cần thiết biết bao chính là “cây cầu” được bắc qua giữa các thế hệ truyền cho nhau không chỉ kĩ năng mà còn tình cảm gửi gắm trong sản phẩm mình làm. Hơn nữa, bộ phim còn mang đến một cái nhìn đầy nhân văn đối với một bộ phận người vẫn bị xã hội bỏ quên và kì thị.

Phông nền mùa xuân với những con đường tràn ngập sắc hoa đào sẽ làm nức lòng những ai yêu cái đẹp

7. Rinco’s restaurant (TV Series – 2011)

Một bộ phim khá độc đáo bắt đầu với một bài hát giới thiệu Rinco, ước mơ mở một nhà hàng của cô và gia đình. Như bao bạn trẻ khác, Rinco cũng đối mặt với những vấn đề giữa mẹ-con gái và chuyện tình cảm. Đã chạy trốn, nhưng không có gì ngoài món miso được đánh giá cao của bà, Rinco buộc phải trở về nhà với mẹ và con lợn cưng của mình. Bạn có thể chờ xem vài điều kì dị chỉ có ở Nhật Bản, hoạt hình kiểu cute và một đống phép màu.

Phim có minh hoạ thêm hoạt hình kiểu cute, không hợp ai dị ứng các yếu tố nhí nhảnh

8. Tiệm bánh góc đường (Patisserie Coin de Rue) (2011)

Chà, tôi hơi đắn đo khi giới thiệu một bộ phim với quá nhiều đồ ngọt quyến rũ, nhỡ đâu lại khiến ai đó ngồi liếm màn hình hay phá vỡ kế hoạch ăn kiêng thì sao nhỉ ^^. Bộ phim này đưa “food porn” lên một tầm cao mới! Natsume là một cô gái trẻ đầy nhiệt tâm và táo bạo rời quê nhà đến Tokyo tìm người yêu vì ngỡ chàng đang làm việc tại tiệm Coin de Rue Patiserie danh tiếng. Các sự kiện nối tiếp nhau để rồi chính Natsume cũng bắt đầu học làm đầu bếp bánh ngọt. Cô cũng gặp Tomura, đã từng là thợ làm bánh huyền thoại nay đã giải nghệ và thường xuyên đến tiệm như một khách hàng. Tình yêu tuổi trẻ, chăm chỉ làm việc và sự kiên trì liệu có dẫn cô đến một kết cục ngọt ngào.

Gặp lại khuôn mặt thiên thần của “Osen” Yu Aoi nhé ^^

Hãy chia sẻ bài viết và rủ bạn bè cùng xem phim bạn nhé!

 

Lắng nghe những thực tập sống chậm hữu ích và cảm thức về cuộc sống trên kênh Podcast thứ 3 hàng tuần tại:

Youtube: https://bit.ly/CCMS_YT

Spotify: https://bit.ly/CCMS_Podcast_Spotify

Apple Podcast: https://bit.ly/CCMS_Podcast_Apple