8 bài học làm giàu từ người giàu cần biết | Timo.vn

Robert Kiyosaki Toru là một nhà đầu tư, doanh nhân người Mỹ. Ông là ông chuyên viết sách về phát triển con người, diễn giả tạo động lực, và cũng là nhà bình luận tài chính. Trong cuốn “Rich Dad Poor Dad”, Robert Kiyosaki Toru xuất bản lần đầu vào năm 1997, chia sẻ tư tưởng và những bài học làm giàu của người giàu.

8 bài học làm giàu từ Robert Kiyosaki Toru

Ông cổ vũ cho việc làm giàu và cho rằng nhiều người trong xã hội – những người làm thuê – đã bỏ qua cơ hội làm giàu cho chính bản thân mình. Cuốn sách liên tục nằm trong danh sách “sách bán chạy” và tạo ra một trào lưu làm giàu.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều người phản đối quan điểm của ông về những người chọn cách sống không làm giàu – những người mà ông cho rằng bị rơi vào vòng luẩn quẩn của tiền bạc.

Robert Kiyosaki Toru có hai người cha. Một người cha ruột và một người là cha nuôi. Cha nuôi của ông là cha của Mike, một người bạn thân của ông.

Hai người cha đều thành công trong lĩnh vực của mình. Họ cùng có tính cách mạnh mẽ, và có ảnh hưởng đến người khác. Nhưng cả hai khác nhau hoàn toàn về những gì liên quan đến tiền.

Trong khi cha ruột cho rằng “sự đam mê tiền bạc là nguồn gốc của những điều xấu xa” và không quan tâm đến tiền, cha nuôi lại nghĩ rằng “thiếu hụt tiền bạc mới là nguồn gốc của những điều xấu” và cho rằng tiền chính là quyền lực.

Nguồn thu nhập chính yếu của cha ruột là từ công việc. Sau khi trả thuế và chi trả các hóa đơn đúng hạn, ông tiết kiệm để tích lũy. Người cha nuôi kiếm rất nhiều tiền từ các khoản đầu tư, và luôn chi trả các hóa đơn sau cùng. Câu nói cửa miệng của người cha ruột là “Tôi không có khả năng mua món đồ này”, trong khi đó người cha giàu tự hỏi mình “Làm sao để tôi có thể mua được món đồ này”.

Người cha ruột – vốn là người học giỏi và có bằng tiến sĩ – luôn khuyên nhủ ông cố gắng học giỏi, lấy bằng về luật, kế toán hay thạc sĩ quản trị kinh doanh để có thể kiếm công việc tốt, lương cao.

Người cha nuôi – vốn chưa học xong lớp 8 – khuyến khích ông học để thông minh hơn về tài chính, biết cách vận hành của tiền bạc, để biết cách bắt tiền bạc làm việc cho mình và để trở nên giàu có. Vì lý do đó, ông gọi người cha ruột là cha nghèo, cha nuôi là cha giàu.

Vào năm 9 tuổi, ông đã quyết định học về tiền bạc, học những cách làm giàu từ người cha giàu. Và đây là những bài học mà ông đã rút ra được từ quá trình này:

Bài học thứ nhất: Người giàu không làm việc để kiếm tiền, họ bắt tiền làm việc cho họ.

Người cha giàu nhận dạy ông làm giàu bằng cách thuê ông làm việc vào các chiều thứ bảy với giá 10 xu một giờ – một mức giá khá thấp vào năm 1956.

Sau một thời gian làm việc cực nhọc, ông đã gặp cha giàu để đòi tăng lương. Cảm giác ấm ức của ông vì cho rằng bị trả mức lương thấp được cha giàu ví như những cú xô đẩy của cuộc đời.

Theo cha giàu thì cuộc đời luôn xô đẩy chúng ta. Một số người sẽ bỏ cuộc, một số sẽ chiến đấu lại sự xô đẩy đó bằng cách “gây chiến” với ông chủ, với công việc hay thậm chí với vợ/chồng mình, chỉ một số rút ra những bài học từ cuộc đời và tiếp tục tiến về phía trước.

Tiếp đó, cha giàu dạy cho ông bài học về người nghèo và tiền. Người nghèo suốt đời làm việc vì tiền bạc mà không biết rõ mình làm việc vì mục đích gì. Và khi người nghèo kiếm ra nhiều tiền thì họ lại mắc nợ nhiều hơn.

Người nghèo bị kiểm soát bởi hai cảm xúc sợ hãi và sự khát khao. Sự sợ hãi không có tiền bắt họ phải làm việc và khi nhận được lương thì họ lại mong muốn những thứ mà họ có thể mua được, và khi đó cuộc đời của họ bị “bẫy” vào một vòng luẩn quẩn: thúc dậy, đi làm, trả hóa đơn, rồi thức dậy, đi làm và trả hóa đơn. Cứ thế vòng luẩn quẩn buộc chặt thời gian và tâm trí của người nghèo.

Ngược lại, người giàu không làm việc để kiếm tiền mà bắt tiền làm việc cho mình.

Với mong muốn học những bài học của người giàu, ông đã đồng ý làm việc không nhận lương cho cha giàu.

Sau vài tuần, được cha giàu đề nghị mức lương cao không tưởng, ông vẫn giữ nguyên ý định làm việc không công để học cách làm giàu, chứ không phải làm việc để kiếm tiền như cha nghèo và nhiều người khác đang làm.

Bài học quý giá ông học được từ cha giàu: luôn suy nghĩ, quan sát để tìm ra những cơ hội làm ra tiền vốn luôn hiện hữu chung quanh chúng ta. Tuy vậy, nhiều người nghèo không nhìn thấy những cơ hội này bởi vì họ đang bận rộn và quan tâm đến việc kiếm tiền, và sự đảm bảo trong công việc.

Áp dụng bài học này, ông đã nhận diện một cơ hội kinh doanh tốt. Ông xin lại những cuốn truyện tranh nằm trong kế hoạch hủy bỏ của đại lý truyện tranh với cam kết không được bán lại số truyện tranh này.

Ông đưa số truyện tranh vào trong phòng trống của mẹ của Mike, tạo ra một thư viện cho các bạn nhỏ thuê đọc tại chỗ. Chỉ với 10 xu, thay vì mua một cuốn truyện tranh, khách hàng của ông có thể đọc 5-6 cuốn. Điều quan trọng là ông không phải làm việc, mà thuê chị của Mike quản lý thư viện này. Ông và người bạn của mình – Mike – đã kiếm được 9,5 đô la Mỹ một tuần.

Bằng việc kinh doanh nho nhỏ này, ông đã trải nghiệm việc làm chủ tình trạng tài chính của mình mà không phụ thuộc vào bất kỳ ông chủ nào. Ông học được bài học làm giàu đầu tiên: không phải làm việc để kiếm tiền mà bắt tiền làm việc cho mình.

Bài học thứ hai: Tại sao người giàu phải học về tài chính.

Để làm giàu, chúng ta phải học về tài chính để có kiến thức về tài chính và biết cách chăm sóc, phát triển cây tiền bạc của mình.

Nhiều bài học thực tiễn cho chúng ta thấy rằng việc chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền không quan trọng bằng chúng ta giữ được bao nhiêu tiền và làm cho nó sinh sôi nảy nở.

Quy tắc thứ nhất về tài chính của người giàu là chỉ mua tài sản chứ không mua tiêu sản. Tài sản được cha giàu định nghĩa là những thứ tạo ra tiền cho mình. Tiêu sản là những thứ lấy tiền của mình.

Ví dụ: một cái nhà được mua để kinh doanh cho thuê thì nó là tài sản. Cũng cái nhà đó nếu mua để ở thì nó là tiêu sản, vì người mua phải trả tiền lần đầu, và trả góp nhiều lần sau.

Đối với người mới đi làm, mọi thu nhập – lương – của họ được dùng để trang trải các chi phí cho cuộc sống như thuế, tiền thuê nhà, thức ăn, quần áo, giải trí, đi lại. Họ hầu như chưa có tài sản lẫn tiêu sản.

Đối với người trung lưu, thu nhập – chính yếu vẫn là lương – cao hơn, chi phí gồm thuế, tiền thuê nhà, thức ăn, quần áo, giải trí, đi lại, nợ ngân hàng, nợ thẻ tín dụng… Phần dư ra họ mua tiêu sản như nhà, xe và những thứ khác mà họ nghĩ là tài sản.

Những chi phí cuộc sống cộng với nợ do tiêu sản đẻ ra tạo ra một gánh nặng thật sự trên vai những người trung lưu. Khi lương tăng lên, chi phí và gánh nặng tiêu sản của họ cũng tăng lên theo. Họ rơi vào vòng luẩn quẩn: đi làm, nhận lương và trả nợ.

Suốt cuộc đời đi làm của mình, người trung lưu không chỉ nuôi bản thân và gia đình, mà còn “oằn lưng” thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, nuôi ngân hàng qua các khoản lãi, và làm giàu cho những người chủ, cổ đông của công ty.

Người giàu hầu như không có thu nhập từ lương. Thay vào đó, họ có nguồn thu nhập từ các tài sản mà họ đã đầu tư: lợi nhuận từ kinh doanh, tiền cho thuê, cổ tức, trái tức, tiền lãi từ việc bán lại tài sản.

Tổng các khoản thu nhập này cao hơn nhiều so với chi phí của họ. Số tiền chênh lệch họ lại đầu tư vào tài sản, những tài sản họ mới đầu tư lại tiếp tục tạo ra tiền cho họ, và cứ thế, tài sản của họ được sinh sôi nảy nở.

Người giàu chỉ mua tiêu sản, những đồ vật “xa xỉ” sau cùng khi dòng tiền của họ đã phát triển. Khi họ đã cảm thấy mình đủ giàu và có quyền hưởng thụ. Tuy vậy, số tiền mà họ bỏ ra để mua tiêu sản – những phần thưởng cho thành quả – chiếm phần rất nhỏ so với số tiền họ đầu tư vào tài sản.

Bài học thứ ba: Người giàu quan tâm đến việc kinh doanh của chính mình.

Nhiều người nhầm lẫn giữa nghề nghiệp chuyên môn và việc kinh doanh.

Ray Kroc – chủ chuỗi nhà hàng McDonald’s – đã phân biệt rất rõ: bán nhượng quyền kinh doanh hamburger chỉ là công việc chuyên môn của ông, còn việc kinh doanh của ông chính là bất động sản. Những địa điểm được ông chọn để mở cửa hàng McDonald’s luôn là những chỗ “đắc địa” và có giá tăng lên theo thời gian.

Người nghèo và trung lưu thật ra là đang làm công việc chuyên môn, chứ không phải làm kinh doanh. Thật sự thì họ đang làm chuyên môn cho công việc kinh doanh của những ông chủ, và góp phần làm cho ông chủ giàu lên.

Bài học thứ ba của cha giàu: Người giàu phải quan tâm đến việc kinh doanh của chính mình. Tức là phải xây dựng và luôn giữ cho cột tài sản vững chắc. Bất cứ 1 đồng nào được đưa vào tài sản đều phải trở thành một nhân công làm việc cho người giàu.

Những tài sản mà cha giàu và những người giàu khác thường hay sở hữu: những việc kinh doanh có thể được người khác quản lý để sinh lợi mà không cần đến sự có mặt của cha giàu (nếu phải quản lý thì việc kinh doanh sẽ trở thành công việc), cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, bất động sản có thể phát sinh thu nhập, bất cứ những thứ gì có giá trị, có thể tăng giá, và đã có sẵn trên thị trường.

Bài học thứ tư: Người giàu thông minh về tài chính và thành lập công ty.

Người giàu không cần phải học quá cao, nhưng cần thông minh về tài chính, hiểu rõ 4 lĩnh vực sau:

– Sự hiểu biết về kế toán, tài chính. Đó là khả năng đọc và hiểu những báo cáo tài chính. Khả năng này giúp người giàu nhận biết mặt mạnh, mặt yếu của bất kỳ công ty nào sau khi đọc báo cáo tài chính của nọ.

– Nắm vững các chiến lược đầu tư. Đó là khả năng chọn tài sản có khả năng sinh lợi, ra những quyết định đầu tư khôn ngoan.

– Hiểu rõ về thị trường, về tiếp thị. Người giàu nắm rõ quy luật cung và cầu để nhận diện các cơ hội kinh doanh. Người giàu cần nắm vững kỹ năng về tiếp thị và bán hàng.

– Hiểu biết luật pháp. Người giàu thành lập công ty nhằm đạt những thuận lợi về thuế và bảo vệ tài sản của mình. Người nghèo và trung lưu kiếm tiền, trả thuế rồi mới được dùng tiền. Người giàu – sở hữu công ty – thì kiếm tiền, dùng rồi mới trả thuế.

Bài học thứ năm: Người giàu tạo ra tiền.

Mọi người đều có những tài năng bẩm sinh, tuy vậy rất nhiều người đã không phát huy được tài năng đó bởi vì sự thiếu tự tin vào bản thân và sự sợ hãi.

Người thành công là người không sợ hãi sự thất bại và luôn chủ động tạo ra may mắn cho mình, chứ không thụ động ngồi chờ cơ hội.

Tương tự như vậy, với trí thông minh tài chính, với tinh thần không sợ thất bại, người giàu chủ động tìm cách tạo ra tiền cho mình.

Có hai dạng đầu tư để tạo ra tiền. Dạng thứ nhất là mua sản phẩm đầu tư trọn gói từ công ty trung gian, chẳng hạn như công ty bất động sản, công ty môi giới chứng khoán. Dạng thứ hai là mua từng phần và tự “ráp” lại. Đây là dạng của nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Để có thể trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, ngoài 4 kiến thức chính của thông minh tài chính, người giàu cần phát triển 3 kỹ năng sau đây:

– Tim ra cơ hội mà người khác không nhìn thấy. Ví dụ một cái nhà ọp ẹp, cũ kỹ sẽ không được người bình thường chú ý. Nhưng bạn của ông đã nhìn thấy đây là một cơ hội đầu tư tốt vì ngôi nhà cũ này ở trên một miếng đất lớn. Sau khi mua, người này phá sập ngôi nhà, và chia đất thành nhiều lô nhỏ để bán và kiếm được lời.

– Dùng tiền người khác để kinh doanh. Ông tìm ra một căn hộ giá khá tốt. Ông đặt cọc 1/10 giá mua, và hẹn sẽ trả trong vòng 3 tháng. Chỉ trong vòng 3 ngày, ông đã bán lại căn nhà này và kiếm được lợi nhuận lớn trên số vốn nhỏ mà ông đã bỏ ra đặt cọc.

– Chỉ tuyển dụng, làm việc với người thông minh. Người giàu không phải người thông minh tuyệt đỉnh. Người giàu trở nên thông minh hơn vì tuyển dụng và làm việc với những người thông minh hơn mình.

Bài học thứ sáu: Người giàu làm việc để học chứ không làm việc để kiếm tiền.

Những người bình thường dựa vào chuyên môn nghề nghiệp và làm việc chăm chỉ để kiếm tiền và thăng tiến trong công việc. Những công việc mà họ tự hào thật ra chỉ đủ giúp họ khỏi phá sản, nhưng sẽ giữ họ trong vòng luẩn quẩn và họ sẽ không bao giờ giàu nếu cứ tiếp tục bám lấy những công việc ổn định đó của mình.

Người giàu, nếu phải làm việc, họ sẽ không làm việc để kiếm tiền, mà họ sẽ nhắm đến những công việc giúp họ học hỏi những kỹ năng cơ bản của thông minh tài chính: kế toán đầu tư, tiếp thị và những hiểu biết về luật kinh doanh, đầu tư cũng như những kỹ năng quản lý tài chính để thành công: quản lý vòng quay tiền mặt, quản lý hệ thống, quản lý nhân sự.

Một trong những kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của người giàu là kỹ năng giao tiếp với người khác và kỹ năng bán hàng. Ông đã thực hiện đúng việc này. Ông xin vào Marine Corps để học cách lãnh đạo và quản lý một tổ chức, và ông làm việc cho Xerox Corps để học kỹ năng bán hàng.

Bài học thứ bảy: Người giàu phải biết vượt qua được những chướng ngại vật.

Có nhiều người thông minh về tài chính nhưng vẫn không thể làm giàu, và vẫn kẹt trong vòng luẩn quẩn của người làm thuê. Đó là bởi vì họ không vượt qua được 5 cản trở sau:

– Lo sợ bị mất tiền. Nỗ lo sợ bị mất tiền là nỗi lo sợ có thật và hiện hữu trong mỗi chúng ta. Những người quá lo sợ mất tiền chọn việc đi làm thuê để suốt đời kẹt trong vòng luẩn quẩn. Những người lo sợ ít hơn thì chọn lối đầu tư an toàn: học cách cân bằng đầu tư, hoặc chọn những tài sản ít rủi ro như trái phiếu. Chỉ những người can đảm dám chấp nhận rủi ro – đã tính toán trước – với những đầu tư của mình mới có thể làm giàu một cách nhanh chóng.

– Sự hoài nghi. Mỗi chúng ta đều có một chú gà con – hoài nghi và sợ hãi – trong tâm hồn. Chúng kêu lên thảng thốt “trời sắp sập” mỗi khi chúng ta muốn làm một điều gì đó mới, có tính bứt phá. Cha giàu dạy: hãy rán con gà con ấy như ông Sanders đã làm. Ở tuổi 66, ông Sanders đã đi chào bán món gà rán của mình và bị từ chối 1.009 lần cho đến khi ông thành công và trở thành triệu phú.

– Sự lười biếng. Sự lười biếng ngự trị trong mỗi con người chúng ta. Những người trông có vẻ bận rộn thật ra là họ đang lười biếng. Họ đang cố gắng bận rộn để trốn chạy việc quan trọng nào đó. Để chữa bệnh lười biếng trong việc làm giàu, chúng ta cần có một chút lòng tham. Ít lòng tham thì không đủ để chúng ta hành động. Lòng tham quá cao cũng không tốt.

– Thói quen. Những thói quen, chứ không phải giáo dục, quyết định cuộc sống của chúng ta. Người giàu cần phải có những thói quen của người giàu. Thói quen quan trọng của người giàu là trả cho mình đầu tiên, sau đó mới trả cho những người khác. Nhờ áp lực của những chủ nợ, người giàu phải tìm cách kiếm tiền trả cho họ.

– Tính kiêu ngạo. Sự kiêu ngạo, và tự cho mình biết hết mọi thứ đã làm cho nhiều người mất đi những cơ hội làm giàu.

Bài học thứ tám: Hãy khởi đầu bằng 10 bước.

Bước 1: Hãy xác định một mục tiêu lớn hơn thực tế để giúp mình luôn vượt qua khó khăn và đạt mục tiêu của mình.

Bước 2: Hãy lựa chọn được giàu có vào mỗi ngày. Hãy đầu tư vào việc học trước khi bắt đầu làm giàu.

Bước 3: Luôn giao tiếp và học hỏi. Chọn bạn cẩn thận.

Bước 4: Nắm vững một công thức trước khi học công thức khác.

Bước 5: Hãy trả cho bản thân mình đầu tiên. Trong trường hợp bị áp lực về tài chính, hãy cố gắng tìm cách làm ra tiền mới để trả nợ. Không bao giờ đụng đến tài sản.

Bước 6: Chỉ sử dụng những người môi giới giỏi và trả cho họ xứng đáng.

Bước 7: Luôn quan tâm đến tiền lời từ đầu tư (ROI) và những kết quả khác.

Bước 8: Luôn nhớ tài sản sẽ giúp chúng ta mua được những vật dụng, đồ dùng cao cấp. Hãy mua tài sản trước.

Bước 9: Khi làm việc gì hãy tưởng tượng những anh hùng của lĩnh vực đó. Khi ấy chúng ta sẽ được truyền cảm hứng và cũng thấy công việc trở nên dễ hơn.

Bước 10: Hãy dạy cho người khác, và chúng ta cũng sẽ được học; hãy cho và chúng ta sẽ được nhận lại.

Theo Doanh nhân Sài Gòn online

  • Đầu tư tích lũy Vinacapital

    Gia tăng thu nhập cùng Timo

    Quỹ đầu tư uy tín, chất lượng dịch vụ hàng đầu.

    Đầu tư an toàn, đa dạng hóa rủi ro

    Được hỗ trợ gần như hoàn toàn bởi các chuyên gia quản lí quỹ

    Các giải pháp đầu tư hấp dẫn với giá trị đầu tư tối thiểu chỉ 2 triệu VND (Botton: Đầu tư sớm, lợi ích lớn)

    ĐĂNG KÝ NGAY!